Mục lục bài viết
1. Khái niệm trưng dụng đất:
Theo quy định của Điều 90 Luật Đất đai 2024 quy định thì Trưng dụng đất được hiểu là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
2. Các trường hợp được trưng dụng đất:
Khoản 1 Điều 90 Luật Đất đai 2024 quy định Nhà nước trưng dụng đất trong các trường hợp sau:
- Trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; hoặc
- Trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
3. Thủ tục trưng dụng đất:
Tại Điều 29 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về trình tự, thủ tục trưng dụng đất như sau:
- Quyết định trưng dụng đất, văn bản xác nhận việc trưng dụng đất gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người quyết định trưng dụng đất;
+ Tên, địa chỉ của người có đất trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng đất trưng dụng;
+ Tên, địa chỉ của tổ chức, họ tên và địa chỉ của người được giao sử dụng đất trưng dụng;
+ Mục đích, thời hạn trưng dụng đất;
+ Vị trí, diện tích, loại đất, tài sản gắn liền với đất trưng dụng;
+ Thời gian bàn giao đất trưng dụng.
- Việc hoàn trả đất trưng dụng cho người sử dụng đất khi hết thời hạn trưng dụng đất được thực hiện theo quy định sau đây:
+ Người có thẩm quyền quyết định trưng dụng đất ban hành quyết định hoàn trả đất trưng dụng và gửi cho người có đất trưng dụng;
+ Trường hợp người có đất trưng dụng tự nguyện tặng cho Nhà nước thì làm thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Trách nhiệm xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra theo quy định sau đây:
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất trưng dụng chịu trách nhiệm xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất trưng dụng chịu trách nhiệm xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra đối với trường hợp khu đất trưng dụng thuộc địa giới từ hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.
- Thành phần Hội đồng xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra gồm:
+ Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng;
+ Các thành viên thuộc các cơ quan có chức năng quản lý đất đai, tài chính và các thành viên khác có liên quan;
+ Đại diện cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định trưng dụng đất;
+ Đại diện Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi có đất;
+ Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã;
+ Người có đất trưng dụng hoặc đại diện của người có đất trưng dụng.
4. Quyền lợi của người có đất bị trưng dụng:
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 90 Luật Đất đai 2024 quy định về quyền lợi của người có đất bị trưng dụng như sau:
+ Người có đất trưng dụng được bồi thường thiệt hại trong trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại; trường hợp người có đất trưng dụng bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra;
+ Trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm thanh toán;
+ Trường hợp người có đất trưng dụng bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào mức thiệt hại thu nhập thực tế tính từ ngày giao đất trưng dụng đến ngày hoàn trả đất trưng dụng được ghi trong quyết định hoàn trả đất trưng dụng.
5. Những điểm mới trong quy định về trưng dụng đất:
Về quy định trưng dụng đất theo Luật Đất đai 2024 không có gì khác so với quy định trưng dụng đất theo luật đất đai 2013.
Cả Luật Đất đai 2024 và Luật Đất đai 2013 đều có quy về
- Lý do trưng dụng dụng: Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
- Thẩm quyền giải quyết: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định trưng dụng đất, quyết định gia hạn trưng dụng đất. Người có thẩm quyền quyết định trưng dụng đất, quyết định gia hạn trưng dụng đất không được ủy quyền.
- Thời gian giải quyết: Thời hạn trưng dụng đất là không quá 30 ngày kể từ khi quyết định trưng dụng đất có hiệu lực thi hành. Trường hợp hết thời hạn trưng dụng đất mà mục đích của việc trưng dụng chưa hoàn thành thì được gia hạn nhưng không quá 30 ngày. Quyết định gia hạn trưng dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản và gửi cho người có đất trưng dụng, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trưng dụng trước khi kết thúc thời hạn trưng dụng.
Trường hợp trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì thời hạn trưng dụng được tính từ ngày ra quyết định đến không quá 30 ngày kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
- Mức bồi thường và hình thức bồi thường đều giống nhau. Không có sự khác nhau:
+ Trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm thanh toán;
+ Trường hợp thu nhập bị thiệt hại do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào mức thiệt hại thu nhập thực tế tính từ ngày giao đất trưng dụng đến ngày hoàn trả đất trưng dụng được ghi trong quyết định hoàn trả đất trưng dụng. Mức thiệt hại thu nhập thực tế phải phù hợp với thu nhập do đất trưng dụng mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm trưng dụng đất;
+ Trường hợp tài sản bị thiệt hại do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường thiệt hại được xác định theo giá chuyển nhượng tài sản trên thị trường tại thời điểm thanh toán;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất trưng dụng thành lập Hội đồng để xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra trên cơ sở văn bản kê khai của người sử dụng đất và hồ sơ địa chính. Căn cứ vào mức bồi thường thiệt hại do Hội đồng xác định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định mức bồi thường;
-Tiền bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra được ngân sách nhà nước chi trả một lần, trực tiếp cho người có đất trưng dụng, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trưng dụng trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày hoàn trả đất.
6. Các vấn đề cần lưu ý khi bị trưng dụng đất:
- Tư Vấn Về Các Thủ Tục Pháp Lý
+ Hiểu rõ quyết định trưng dụng: Đọc kỹ quyết định trưng dụng đất, chú ý đến các thông tin như: mục đích trưng dụng, diện tích đất bị trưng dụng, thời hạn trưng dụng, cơ quan thực hiện trưng dụng, mức bồi thường,...
+ Yêu cầu giải thích: Nếu có bất kỳ điều khoản nào chưa rõ, hãy yêu cầu cơ quan thực hiện trưng dụng giải thích cụ thể.
+ Tìm hiểu pháp luật: Tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật về trưng dụng đất, đặc biệt là Luật Đất đai.
+ Tư vấn pháp lý: Nếu cần, hãy tìm đến sự tư vấn của luật sư để được giải đáp thắc mắc và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
- Cách Thức Khiếu Nại Nếu Quyền Lợi Bị Xâm Phạm
+ Khiếu nại hành chính: Nếu cho rằng quyết định trưng dụng hoặc quá trình thực hiện trưng dụng vi phạm pháp luật, bạn có quyền khiếu nại lên cấp trên của cơ quan đã ra quyết định.
+ Kiện tụng: Nếu khiếu nại hành chính không được giải quyết thỏa đáng, bạn có thể khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình.
+ Tố cáo: Nếu phát hiện hành vi tham nhũng hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình trưng dụng đất, bạn có quyền tố cáo lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
- Các Tổ Chức, Cơ Quan Có Thể Hỗ Trợ
+ Sở Tài nguyên và Môi trường: Cơ quan này có trách nhiệm quản lý đất đai và giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai.
+ UBND cấp huyện, cấp xã: Các cơ quan này có thể cung cấp thông tin và hỗ trợ ban đầu cho người dân.
+ Các tổ chức phi chính phủ: Một số tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực pháp luật và nhân quyền có thể cung cấp tư vấn miễn phí hoặc hỗ trợ pháp lý.
+ Hội luật sư: Bạn có thể tìm đến Hội luật sư để được giới thiệu luật sư tư vấn.
Bạn đọc có bất kỳ thắc mắc về vấn đề pháp lý có thể liên hệ qua số tổng đài 19006162 hoặc thông qua địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để được tư vấn cụ thể.