1. Điều kiện cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt ra nước ngoài làm việc.

Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên theo quy định tại Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 38/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc cần phải được cấp giấy phép hoạt động (nhiều người hay dùng là Giấy phép con). Và để được cấp giấy phép hoạt động, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Điều kiện về loại hình doanh nghiệp: Là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật Doanh nghiệp.

- Điều kiện về vốn pháp định: Vốn pháp định không thấp hơn 5 tỷ vnđ.

- Điều kiện về chủ sở hữu, thành viên công ty: Các chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.

- Có đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung đề án phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động (tham khảo mẫu 02 Phụ lục II ban hành kèm theo theo Nghị định 38/2020/NĐ-CP).

- Có đội ngũ chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi sang nước ngoài làm việc hoặc phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức (đối với doanh nghiệp lần đầu hoạt động).

- Cơ sở vật chất phải tuân thủ quy định pháp luật tối thiếu như sau:

Có đủ phòng học và phòng ở cho 100 lao động tại một thời điểm;

Diện tích phòng học trung bình 1,4 m2/học viên và phòng ở trung bình 3,5 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản bảo đảm phục vụ học tập và sinh hoạt nội trú.

- Điều kiện về nhân viên nghiệp vụ, người lãnh đạo điều hành hoạt động:

Nhân viên nghiệp vụ làm công tác bồi dưỡng kiến thức cho người lao động phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn với doanh nghiệp dịch vụ;

+ Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của toà án, không trong thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc;

+ Có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên;

+ Đối với nhân viên nghiệp vụ khai thác thị trường ngoài nước, tuyển chọn lao động, quản lý lao động làm việc ở nước ngoài và bồi dưỡng kiến thức cần thiết phải tốt nghiệp một trong các chuyên ngành luật, kinh tế/quản trị kinh doanh, ngoại ngữ và có ít nhất 01 năm làm việc trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người laoa động đi làm việc ở nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của toà án, không trong thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc;

+ Phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế;

Điều kiện về ký quỹ: Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 1.000.000.000 đồng (một tỷ Việt Nam đồng) tại ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam.

2. Quy trình thành lập doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.

Việc thành lập doanh nghiệp này ra chính là thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và chủ thể có nhu cầu chỉ được chọn lưa 1 trong 3 loại hình doanh nghiệp đó là Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần và Công ty hợp danh.

Thủ tục thành lập các loại hình doanh nghiệp này được thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập Doanh nghiệp. Tuỳ vào từng loại hình doanh nghiệp sẽ có những hồ sơ khác nhau. Nhưng về cơ bản không thể thiếu các giấy tờ sau:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Mẫu bắt buộc theo Phụ lục tại Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT)

Phụ lục I-2: áp dụng cho công ty TNHH một thành viên.

Phụ lục I-3: áp dụng cho công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Phụ lục I-4: áp dụng cho công ty cổ phần.

Phụ lục I-5: áp dụng cho công ty hợp danh.

- Danh sách thành viên góp vốn đối với công ty TNHH Hai Thành viên trở lên và Công ty Hợp danh; Danh sách cổ đông góp vốn đối với công ty Cổ Phần.

- Điều lệ công ty được soạn thảo dựa theo luật doanh nghiệp 2020

- Giấy ủy quyền cho người trực tiếp thực hiện việc nộp hồ sơ tại Sở Kế Hoạch Đầu Tư (nếu cá nhân đi nộp không phải là đại diện pháp luật của công ty)

- Giấy tờ chứng thực cá nhân (Chứng minh nhân dân/Căn Cước Công Dân/Hộ chiếu) sao y, bản chính không quá 03 tháng của tất cả các thành viên công ty/chủ sở hữu. Và giấy tờ cá nhân sao y bản chính không quá 03 tháng của người được ủy quyền làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp (Nếu có)

Lưu ý: Đầu mục hồ sơ cụ thể tham khảo Điều 22, Điều 23 và Điều 24 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Có thể lựa chọn một trong hai phương thức nộp hồ sơ sau:

- Nộp trực tiếp hồ sơ giấy tới tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, nộp phí và lệ phí theo quy định. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ. Phòng Đăng ký kinh doanh nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tải các văn bản đã được số hóa trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Hoặc nộp hồ sơ qua mạng. Nếu nộp hồ sơ qua mạng, hồ sơ phải thể hiện dưới dạng Văn bản điện tử có thể định dạng “.doc” hoặc “.docx” hoặc “.pdf’. Truy cập vào cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tạo tài khoản đăng ký doanh nghiệp và thực hiện điền đầy đủ các thông tin cũng như tải các văn bản và ảnh cần thiết (file pdf thường định dạng file ảnh chụp thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu,...). Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, người nộp hồ sơ sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp nếu hồ sơ đủ điều kiện và thông báo cho doanh nghiệp về việc cấp đăng ký doanh nghiệp.

3. Ưu, nhược điểm khi thành lập công ty TNHH, công ty cổ phần và công ty hợp danh

  Công ty TNHH một thành viên Công ty TNHH 2 thành viên trở lên Công ty cổ phần Công ty hợp danh
Ưu điểm

+ Do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

+ Có tư cách pháp nhân.

+ Chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản (chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đưa vào kinh doanh).

+ Doanh nghiệp có nhiều thành viên nhưng làm chủ sở hữu không được quá 50 thành viên theo quy định của pháp luật, thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp.

+ Việc mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp giữa các thành viên trong công ty được luật pháp quy định khá chặt chẽ nên nhà quản lý dễ dàng kiểm soát được phần vốn góp của các thành viên, hạn chế được sự gia nhập của người lạ vào công ty.

+ Có tư cách pháp nhân kể từ khi nhận giấy đăng kí kinh doanh.

+ Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có quyền phát hành trái phiếu theo quy định pháp luật.

+ Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

+ Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác trừ các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết và các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập trong vòng 3 năm đầu kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

+ Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

+ Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn, do đó việc huy động vốn trở lên dễ dàng, linh hoạt hơn và huy động được số vốn lớn hơn các doanh nghiệp khác.

+ Các thành viên góp vốn vào công ty hầu hết đều có quen biết và tin tưởng lẫn nhau cùng góp vốn làm kinh doanh. Do đó việc quản lý dễ dàng hơn các loại hình doanh nghiệp khác.

+ Các thành viên dễ kết hợp với nhau khi làm việc nhóm hơn, tạo hiệu quả cao hơn trong công việc.

+ Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

+ Do các thành viên góp vốn phải chịu trách nhiệm vô hạn nên dễ thuyết phục đối tác và khách hàng hơn khi kinh doanh.

Nhược điểm

- Khó khăn trong việc huy động vốn. Công ty TNHH một thành viên khi muốn tăng hoặc giảm vốn điều lệ bằng cách chuyển nhượng vốn góp cho người khác hoặc tiếp nhận phần vốn của thành viên mới thì phải chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên.

- Công ty TNHH nói chung không được phát hành cổ phiếu.

- Thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định.

- Chịu sự quản lý của pháp luật chặt chẽ hơn so với các công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân.

- Đối với một số trường hợp, do việc các thành viên chủ sở hữu công ty chỉ chịu trách nhiệm theo phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp nên khiến cho nhiều đối tác và khách hàng không thực sự muốn hợp tác vì sợ rủi ro có thể xảy ra mà họ phải chịu.

- Do công ty cổ phần không hạn chế cổ đông do đó dễ có sự phân hóa các nhóm cổ đông đối kháng nhau về mặt lợi ích nên việc quản lý, điều hành công ty sẽ phức tạp hơn.

- Việc thành lập công ty cổ phần cũng phức tạp hơn các loại hình công ty khác do bị ràng buộc bởi pháp luật về chế độ tài chính, kế toán.

- Đối với công ty cổ phần sẽ khó khăn hơn khi đưa ra một quyết định nào đó dù là về quản lý doanh nghiệp hay kinh doanh do phải thông qua Hội Đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông.

- Do phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty nên đối với các thành viên hợp danh của công ty có rủi ro hơn khi kinh doanh

- Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

- Công ty không được phát hành cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn => khả năng huy động vốn chỉ có thể từ các thành viên.

4. Quy trình xin cấp giấy phép cho doanh nghiệp dịch vụ

Sau khi đã thực hiện xong thủ tục đăng ký kinh doanh và được cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp. Công ty bắt đầu tiến hành thực hiện xin cấp giấy phép "con" cho hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Quy trình xin cấp phép được thực hiện như sau:

Bước 1: Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định về Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội.

Bước 2: Xem xét, cấp giấy phép 

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội lấy ý kiến của một trong số những người có thẩm quyền sau:

- Thủ trưởng cơ quan đã ra quyết định thành lập hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập đối với doanh nghiệp nhà nước;

- Người ra quyết định thành lập đối với doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng BLĐTBXH sẽ xem xét, cấp giấy phép cho doanh nghiệp sau khi tham khảo ý kiến của những người nêu trên. Trường hợp không cấp giấy phép sẽ trả lời bằng băn bản, nêu rõ lý do.

Bước 3: Nộp phí, lệ phí theo quy định với những doanh nghiệp được cấp giấy phép.

5. Hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động dịch vụ

Thứ nhất: Văn bản đề nghị của doanh nghiệp - mẫu số 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 38/2020/NĐ-CP.

Thứ hai: Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới nhất (01 bản).

Thứ ba: Các giấy tờ chứng minh điều kiện về vốn bao gồm:

Báo cáo tài chính năm trước liền kề và báo cáo tài chính từ đầu năm đến cuối quý trước thời điểm đề nghị cấp giấy phép đã được kiểm toán theo quy định pháp luật đối với những doanh nghiệp đã thành lập từ 01 năm trở lên.

+ Đối với doanh nghiệp mới được cấp phép (hoạt động dưới 1 năm) nộp báo cáo nguồn vốn chủ sở hữu đã được kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành trước thời điểm nộp hồ sơ không quá 01 tháng hoặc hồ sơ góp vốn thành lập doanh nghiệp bao gồm: Các giấy tờ chứng minh, chứng nhận việc góp vốn của thành viên, cổ đông theo quy định; Giấy nộp tiền, chuyển tiền vào tài khoản của doanh nghiệp, séc hoặc uỷ nhiệm chi nếu thành viên góp vốn là doanh nghiệp; Xác nhận của ngân hàng về số dư tài khoản của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 13 nghị định 38/2020/NĐ-CP về hồ sơ chứng minh điều kiện về vốn.

Thứ tư: Bản chính Giấy xác nhận nộp tiền ký quỹ (01 bản)

Thứ năm: Bản chính Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (01 bản).

Thứ sáu: Bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động (01 bản).

Thứ bảy: Các giấy tờ chứng minh điều kiện về người lãnh đạo điều hành hoạt động và nhân viên nghiệp vụ theo quy định tại Điều 14 của Nghị định 38/2020/NĐ-CP.

Thứ tám:  Bản sao Điều lệ Công ty (01 bản).

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật - Công ty luật Minh Khuê