Mục lục bài viết
1. Khái niệm
Cam kết bảo vệ môi trường được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã được Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đổi tên thành Kế hoạch bảo vệ môi trường và tiếp tục được chuyển thành Đăng ký môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Căn cứ vào khoản 9 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, định nghĩa "đăng ký môi trường" như sau:
"Đăng ký môi trường là việc chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước các nội dung liên quan đến xả chất thải và biện pháp bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (sau đây gọi chung là dự án đầu tư, cơ sở)".
2. Đối tượng phải đăng ký môi trường
- Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.
Theo khoản 2 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Điều 32 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn những quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đối tượng được miễn đăng ký môi trường bao gồm:
- Dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật Nhà nước về quốc phòng, an ninh.
- Dự án đầu tư khi đi vào vận hành và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phát sinh chất thải hoặc chỉ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dưới 300 kg/ngày được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương; hoặc phát sinh nước thải dưới 05 m3/ngày, khí thải dưới 50 m3/giờ được xử lý bằng công trình thiết bị xử lý tại chỗ hoặc được quản lý theo quy định của chính quyền địa phương.
- Danh mục dự án đầu tư, cơ sở được miễn đăng ký môi trường quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn những quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực; các hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ, dạy nghề, đào tạo kỹ thuật, kỹ năng quản lý, cung cấp thông tin, tiếp thị, xúc tiến đầu tư và thương mại; Sản xuất, trình chiếu và phát hành chương trình truyền hình; sản xuất phim điện ảnh, phim video; hoạt động truyền hình, hoạt động ghi âm và xuất bản âm nhạc; Dịch vụ thương mại, buôn bán lưu động, không có địa điểm cố định; Dịch vụ thương mại, buôn bán các sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng, đồ gia dụng có diện tích xây dựng dưới 200 m2; Dịch vụ ăn uống có diện tích nhà hàng dưới 200 m2 Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng đồ gia dụng quy mô cá nhân, hộ gia đình; Dịch vụ photocopy, truy cập internet, trò chơi điện tử; Canh tác trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi quy mô cá nhân, hộ gia đình; Trồng khảo nghiệm các loài thực vật quy mô dưới 01 ha; Xây dựng nhà ở cá nhân, hộ gia đình; Dự án, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển, sông, suối, hồ chứa có lưu lượng nước thải dưới 10.000 m3/ngày đêm Dự án đầu tư, cơ sở đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau: không phát sinh khí thải phải xử lý; không phát sinh nước thải hoặc có phát sinh nước thải nhưng đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung mà hệ thống đó được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường; không phát sinh chất thải nguy hại trong quá trình hoạt động.
Người phải thực hiện đăng ký môi trường bao gồm: chủ dự án đầu tư; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
3. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tiếp nhận đăng ký môi trường
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc nhận bản điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đăng ký môi trường của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đối với dự án đầu tư, cơ sở trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp xã trở lên, chủ dự án đầu tư, cơ sở được quyền chọn Ủy ban nhân dân cấp xã để đăng ký môi trường.
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây: tiếp nhận đăng ký môi trường; kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật; hướng dẫn và giải quyết kiến nghị về bảo vệ môi trường đối với nội dung đã được tổ chức, cá nhân đăng ký môi trường; cập nhập dữ liệu về đăng ký môi trường vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.
4. Nội dung đăng ký môi trường
Căn cứ khoản 4 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nội dung đăng ký môi trường bao gồm:
- Thông tin chung về dự án đầu tư, cơ sở;
- Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; công nghệ, công suất, sản phẩm; nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất sử dụng (nếu có);
- Loại và khối lượng chất thải phát sinh;
- Phương án thu gom, quản lý và xử lý chất thải theo quy định của pháp luật;
- Cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường.
Trong quá trình hoạt động, nếu dự án đầu tư, cơ sở có thay đổi về nội dung đã đăng ký, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm đăng ký môi trường lại trước khi thực hiện các thay đổi đó.
Trường hợp việc thay đổi quy định, tính chất của dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường hoặc phải có giấy phép môi trường, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm thực hiện quy định về đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường theo Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
5. Thời điểm đăng ký môi trường
Đối với dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường và thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải đăng ký môi trường trước khi vận hành chính thức.
Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường nhưng không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải đăng ký môi trường trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc trước khi xả chất thải ra môi trường đối với trường hợp không phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường phải đăng ký môi trường trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mẫu đăng ký môi trường và hướng dẫn việc tiếp nhận đăng ký môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ trong việc quản lý môi trường thông qua thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không thể đánh đổi môi trường để đổi lấy nền kinh tế phát triển được mà việc phát triển kinh tế phải song song với bảo vệ môi trường để cả hai được phát triển bền vững hơn. Bảo vệ môi trường không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải; các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên.
Theo đó dự án đầu tư được phân thành 04 nhóm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; có nguy cơ; ít có nguy cơ hoặc không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Tương ứng với từng đối tượng cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp. Đối với các dự án công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường cũng như không thuộc trường hợp phải cấp giấy phép môi trường thì sẽ chỉ phải đăng ký môi trường tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Những quy định về đăng ký môi trường đã giải quyết những vấn đề về thủ tục hành chính trở nên đơn giản hơn và cũng đồng nhất với những quy định pháp luật về đầu tư....; sử dụng thống nhất, xuyên suốt các tiêu chí môi trường trong việc xác định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường; đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường. Đồng thời, những quy định này cũng giúp cho việc quản lý của cơ quan Nhà nước đối với các dự án của doanh nghiệp trở nên tốt hơn.
Hiện nay, một số dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vẫn được triển khai thực hiện tại các khu vực tập trung đông dân cư, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và các dự án đấy không được quản lý chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các quy định được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tình trạng xả thải tràn lan dẫn đến cuộc sống của người dân xung quanh dự án đấy phải chịu ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng; môi trường ở đấy cũng ô nhiễm một cách nghiêm trọng; cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát được hết nguồn gây ô nhiễm để phòng ngừa dẫn đến có những mối nguy hại cho môi trường xảy ra. Như vậy, trách nhiệm đối với môi trường của các chủ dự án vẫn chưa được đề cao, chưa có biện pháp bảo vệ môi trường; tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và phức tạp.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dâ xã tiếp nhận việc đăng ký môi trường cũng cần được chú trọng. Ủy ban nhân dân xã là cơ quan duy nhất có trách nhiệm trong việc đăng ký môi trường, Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm tiếp nhận trực tiếp trong việc đăng ký môi trường. Điều này sẽ giúp thủ tục hành chính được giảm bớt các bước và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cũng được rút gọn, nhưng cần có sự phân công, phân quyền hợp lý.
Việc xác nhận dự án nào thuộc nhóm không gây tác động xấu, cũng nên được quy định cụ thể, rõ ràng và tránh việc các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định của pháp luật về đăng ký môi trường như làm giả giấy tờ để đăng ký môi trường chứ không làm thủ tục cấp giấy phép môi trường. Khi không quy định rõ các quy phạm pháp luật hay không có những biện pháp xử lý thì có thể ảnh hưởng đến môi trường rất nghiêm trọng.