1. Chương trình giáo dục nước ngoài là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT ban hàng quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học, có thể hiểu chương trình giáo dục nước ngoài có thể được hiểu là chương trình đào tạo đang được áp dụng ở một trường đại học trong khu vực hoặc trên thế giới đã được công nhận đạt chất lượng bởi tổ chức kiểm định chất lượng có uy tín hoặc được cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép thực hiện và cấp văn bằng, được tham khảo để xây dựng và phát triển chương trình đào tạo chất lượng cao của cơ sở đào tạo. 

Bên cạnh đó, để phân biệt chương trình giáo dục nước ngoài với chương trình đào tạo đại trà và chương trình đào tạo chất lượng cao, căn cứ vào quy định tại Điều 2 Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT, có thể hiểu hai khái niệm còn lại như sau:

Chương trình đào tạo đại trà là chương trình đào tạo trình độ đại học có mức trần học phí theo quy định hiện hành của Chính phủ (đối với cơ sở đào tạo công lập) đang thực hiện hợp pháp tại cơ sở đào tạo. 

Chương trình đào tạo chất lượng cao là chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chí và điều kiện tại quy định của thông tư này, đồng thời có các điều kiện đảm bảo chất lượng đầu ra cao hơn chương trình đào tạo đại trà tương ứng. 

 

2. Điều kiện về chương trình giáo dục, cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo của chương trình giáo dục nước ngoài được dạy tại Việt Nam

Thứ nhất, về chương trình giáo dục cần đáp ứng những điều kiện sau:

Một là, chương trình giáo dục của nước ngoài đưa vào tích hợp phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận về chất lượng giáo dục hoặc phải là chương trình đã được kiểm duyệt chất lượng giáo dục ở nước sở tại.

Hai là, chương trình giáo dục tích hợp phải được đảm bảo mục tiêu của chương trình giáo dục của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục nước ngoài; không bắt buộc người học phải học lại cùng một nội dung kiến thức, đảm bảo tính tự nguyện tham gia và không gây quá tải cho học sinh; bảo đảm tính ổn định đến hết cấp học và liên thông giữa các cấp học vì quyền lợi của học sinh. 

Ba là, chương trình giáo dục tích hợp phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể việc tích hợp chương trình giáo dục của Việt Nam với chương trình giáo dục của nước ngoài

Thứ hai, quy mô lớp học và cơ sở vật chất không làm ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy chung của cơ sở giáo dục phía Việt Nam tham gia liên kết giáo dục và phải đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục tích hợp.

Thứ ba, về đội ngũ nhà giáo.

Một là, theo quy định của pháp luật Việt Nam, giáo viên Việt Nam giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp phải đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học.

Hai là, giáo viên nước ngoài giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc tương đương và phải có trình độ đại học phù hợp với chuyên môn giảng dạy.

Ba là, giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp bằng ngoại ngữ phải có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của chương trình tích hợp và không thấp hơn Bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. 

Bên cạnh đó, nếu giáo viên là người nước ngoài tham gia giảng dạy tại Việt Nam cũng cần phải đáp ứng những điều kiện sau:

+ Được cơ sở giáo dục Việt Nam bảo lãnh làm việc theo quy định của pháp luật;

+ Có đủ những giấy tờ để xác minh trình độ chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy: bằng cấp, giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm,...

+ Giấy khám sức khỏe chứng nhận đủ điều kiện làm việc;

+ Lý lịch tư pháp trong sạch, không bị truy cứu hình sự hay chưa xóa án tích;

+ Cơ sở giáo dục phải được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người nước ngoài giảng dạy ở Việt Nam. 

+ Trừ trường hợp được cơ quan, tổ chức nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu tại trường quốc tế thuộc phạm vi quản lý cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam hoặc được Bộ Giáo dục và Đào tạo xã nhận vào giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục, đào tạo tại Việt Nam. Những trường hợp còn lại đề cần có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền tại Việt nam cấp phép. 

 

3. Đánh giá kết quả học tập, kiểm tra, thi, công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp.

Việc đánh giá kết quả học tập, kiểm tra, công nhận hoàn thành chương trình giáo dục nước ngoài, công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và của nước sở tại nơi cung cấp chương trình giáo dục.

Người học hoàn thành chương trình giáo dục tích hợp cấp trung học phổ thông phải được cấp văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam và của nước ngoài. 

 

4. Những trường hợp liên kết giáo dục bị đình chỉ tuyển sinh hoặc chấm dứt hoạt động liên kết giáo dục

- Liên kết giáo dục bị đình chỉ tuyển sinh nếu không bảo đảm một trong các nội dung quy định tai Điều 7 về chương trình giáo dục, cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục như đã trình bày tại mục 2. 

- Các bên liên kết khi bị đình chỉ tuyển sinh có trách nghiệm như sau:

+ Khắc phục các vi phạm dẫn đến đình chỉ tuyển sinh;

+ Bảo đảm việc tiếp tục được học tập của học sinh đang theo học chương trình giáo dục tích hợp.

+ Báo cáo người có thẩm quyền phê duyệt liên kết về kết quả khắc phục các vi phạm dẫn đến đình chỉ tuyển sinh để cho phép hoạt động trở lại. 

- Những trường hợp liên kết giáo dục bị chấm dứt như sau:

+ Quyết định gia hạn hoặc điều chỉnh liên kết hoặc quyết định phê duyệt hết thời hạn

+ Chấm dứt theo đề nghị của các bên liên kết

+ Hết thời hạn đình chỉ tuyển sinh nhưng không khắc phục được vi phạm dẫn đến đình chỉ tuyển sinh

+ Vi phạm quy định của quyết định gia hạn hoặc điều chỉnh liên kết hoặc quyết định phê duyệt ở mức độ pháp luật quy định phải chấm dứt.

- Trách nhiệm của các bên liên kết khi bị chấm dứt hoạt động liên kết trước thời hạn được quy định cụ thể như sau:

+ Bảo đảm việc tiếp tục được học của học sinh đang theo học chương trình giáo dục tích hợp.

+ Trong trường hợp liên kết bị chấm dứt hoạt động, bồi hoàn cho học sinh các khoản chi phí học sinh đã nộp.

+ Thanh toán các khoản tiền lương, tiền công, thù lao giảng dạy, các quyền lợi khác của giáo viên và người lao động theo hợp đồng lao động đã ký kết hoặc thỏa ước lao động tập thể phù hợp với quy định của pháp luật lao động;

+ Thanh toán các khoản nợ thuế nếu có và các khoản nợ khác.

- Hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền chấm dứt liên kết

+ Người có thẩm quyền chấm dứt liên kết là người có thẩm quyền phê duyệt liên kết;

+ Hồ sơ đề nghị chấm dứt liên kết bao gồm: Đơn đề nghị chấm dứt liên kết giáo dục với nước ngoài theo mẫu được quy định, trong đó nêu rõ lý do chấm dứt, kèm theo phương án chấm dứt liên kết, các biện pháp bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người học, người lao động; phương án giải quyết tài chính, tài sản;

+ Hồ sơ đề nghị chấm dứt liên kết được gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền.

+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nghiệm thẩm định hồ sơ, quyết định chấm dứt liên kết và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; nếu liên kết giáo dục chưa được chấm dứt thì giám đốc sở giáo dục và đào tạo có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;

+ Cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chấm dứt liên kết trong trường hợp liên kết giáo dục bị chấm dứt theo quy định.