Mục lục bài viết
1. Quy định về điều lệ tổ chức, hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam
Ngày 01 tháng 4 năm 2021 thì Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 757/QĐ-BTC về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Quyết định 757/QĐ-BTC có hiệu lực từ ngày ban hành. Theo quy định tại Điều 1 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam thì Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam là công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; hoạt động theo Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, các quy định pháp luật có liên quan và Điều lệ này.
Tên giao dịch quốc tế của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam là Vietnam Exchange, viết tắt là VNX và có trụ sở chính tại Hà Nội.
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng; được mở tài khoản bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tại ngân hàng thương mại trong nước và Kho bạc Nhà nước; hạch toán độc lập, thực hiện chế độ tài chính, chế độ báo cáo thống kê, kế toán, kiểm toán và nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Người đại diện theo pháp luật của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam là Tổng Giám đốc hoặc người được cơ quan đại diện chủ sở hữu giao quyền Tổng giám đốc hoặc người được giao phụ trách bộ máy điều hành.
Các công ty do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm:
- Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hà Nội (HNX);
- Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSX).
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các công ty con được thành lập để thực hiện chức năng tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật chứng khoán, góp phần đảm bảo hoạt động giao dịch chứng khoán tại các Sở Giao dịch Chứng khoán được tiến hành công khai, công bằng, trật tự, an toàn và hiệu quả; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoan.
Ngoài ra, vốn điều lệ của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam là 3.000 tỷ đồng theo quy định tại Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 23/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tiếp nhận đầu tư vốn vào các công ty con do VNX nắm giữ 100% vốn điều lệ, để tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật chứng khoán, Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg và quy định tại Điều lệ này; đầu tư dự án, đầu tư ra ngoài doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, góp vốn với các tổ chức kinh tế khác để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và phát triển các dịch vụ chứng khoán trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam nhằm mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận về chủ trương.
Việc điều chỉnh vốn điều lệ của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật. Vốn hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam bao gồm:
- Vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp;
- Vốn huy động;
- Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Đối với công ty con do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ. Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có quyền quyết định thành lập, vốn điều lệ khi thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh của công ty con sau khi có ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu; điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động, tổ chức lại, chuyến đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản công ty con sau khi có ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu
Sở Giao dịch Chứng khoản Việt Nam cũng thực hiện xây dựng và ban hành các quy chế về niêm yết chứng khoán, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các quy chế nghiệp vụ khác liên quan đến tố chức và hoạt động thị trường giao dịch chứng khoán; ban hành tiêu chí giám sát giao dịch; chấp thuận, hủy bỏ tư cách thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
2. Cơ cấu tổ chức quản lý của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Về nguyên tắc thì cơ cấu tổ chức quản lý của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam bao gồm:
- Hội đồng thành viên;
- Tổng giám đốc và bộ máy giúp việc bao gồm: các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, các ban chuyên môn;
- Ban kiểm soát.
Việc thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam quy định nêu trên do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cơ cấu tổ chức các ban chuyên môn do Hội đồng thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam quyết định sau khi có ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Trong đó:
- Hội đồng thành viên là đại diện trực tiếp được cơ quan đại diện chủ sở hữu ủy quyền tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam để thực hiện một số quyền và nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Hội đồng thành viên thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty con do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ; quyết định, tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 11 Điều lệ này.
Hội đồng thành viên chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và quy định tại Điều lệ này.
- Tổng giám đốc trực tiếp điều hành hoạt động hàng ngày của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo mục tiêu, kế hoạch phù hợp với Điều lệ và các quyết định của Hội đồng thành viên, cơ quan đại diện chủ sở hữu; chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Điều lệ này và quy định của pháp luật có liên quan.
Phó Tổng giám đốc có nhiệm vụ tham mưu giúp Tổng giám đốc trong việc điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn do Tổng giám đốc giao phù hợp với Điều lệ này, chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
Kế toán trưởng tổ chức thực hiện công tác kế toán của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; giúp Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc giám sát tài chính tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo pháp luật về tài chính, kế toán; chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc và trước pháp luật vê thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân công hoặc ủy quyền; thực hiện các chức năng và nhiệm vụ khác được quy định theo Luật Kế toán và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.
Các ban chuyên môn có chức năng tham mưu, giúp việc Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc trong quản lý, điều hành. Hội đồng thành viên được quyền sử dụng các ban chuyên môn của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng thành viên.
- Ban kiểm soát có từ 01 đến 03 Kiểm soát viên do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định. Kiểm soát viên làm việc theo chế độ chuyên trách, trong đó có 01 Trưởng Ban phụ trách hoạt động của Ban kiểm soát. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 kiểm soát viên thì kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát. Nhiệm kỳ của kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại không quá 02 nhiệm kỳ liên tục.
3. Tiêu chuẩn để trở thành Tổng giám đốc của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Căn cứ vào khoản 3 Điều 16 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam thì để trở thành Tổng giám đốc, các cá nhân phải đáp ứng các tiêu chuẩn điều kiện như sau:
- Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
- Có trình độ đại học trở lên với chuyên ngành phù hợp, có năng lực kinh doanh và tổ chức quản lý điều hành; có chuyên môn và ít nhất ba (03) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và thị trường tài chính;
- Không phải là người có quan hệ gia đình của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu; thành viên Hội đồng thành viên; Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng; Kiểm soát viên;
- Không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác;
- Có sức khoẻ, phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, liêm khiết; hiểu biết và có ý thức chấp hành pháp luật;
- Chưa từng bị cách chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc tại doanh nghiệp nhà nước khác;
- Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Khoản này, Tổng giám đốc đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, quý khách có thể tham khảo thêm về bài viết của Luật Minh Khuê như sau:
Sở giao dịch chứng khoán là gì? Đặc điểm của sở giao dịch chứng khoán
Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Ngoài ra, khách hành cũng có thể liên hệ trực tiếp với các luật sư của Luật Minh Khuê để được giải đáp các vấn đề liên quan đến: Luật sư Bùi Thị Nhung qua số điện thoại: 0931626162. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.