1. Nội dung việc kiểm tra giám sát trong Đảng

Công tác kiểm tra giám sát có vai trò rất quan trọng, khi tiến hành kiểm tra giám sát sẽ thực hiện kiểm tra và giám sát những nội dung sau:

 

1.1 Thứ nhất, về công tác kiểm tra

- Kiểm tra việc chấp hành điều lệ Đảng, chủ trương, chỉ thị của Đảng, chấp hành pháp luật của nhà nước.

- Kiểm tra việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ.

- Việc chỉ đạo thực hành tiết kiệm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

- Kiểm tra công tác tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ.

- Việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao của người đứng đầu tổ chức  đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp,…

 

1.2 Thứ hai, về nội dung công tác giám sát

- Việc chấp hành cương lĩnh, điều lệ đảng, việc chấp hành theo đúng quy định pháp luật của nhà nước.

- Việc thực hiện nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, quy chế làm việc, chế độ công tác và việc bảo đảm quyền cho đảng viên đảng viên.

- Thực hiện việc giữ gìn đoàn kết nội bộ, quản lý đảng viên, chỉ đạo thực hiện quy định về những điều cán bộ, đảng viên không được làm theo quy định.

 

2. Mục đích của việc thực hiện công tác kiểm tra giám sát đảng viên

Mục đích của việc thực hiện công tác kiểm tra giám sát đảng viên bao gồm:

Thực hiện công tác kiểm tra và giám sát đảng viên để đảng viên tự kiểm điểm việc chấp hành đường lối, nghị quyết và các quy định của Đảng; chấp hành pháp luật của nhà nước; thực hiện việc tự phê bình và phê bình; rèn luyện đạo đức và lối sống; hoàn thành nhiệm vụ được giao. Kiểm tra, giám sát để chi bộ có kế hoạch giúp đỡ đảng viên có thể sửa chữa được những sai lầm, khuyết điểm còn tồn tại; từ đó để bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ đảng viên, tổ chức đảng góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Chủ động thực hiện kiểm tra, giám sát theo các quy định trong đảng nhằm ngăn ngừa, không để xảy ra khuyết điểm, vi phạm của đảng viên và của tổ chức đảng.Thông qua kết quả kiểm tra giám sát sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm để xây dựng và phát triển đảng, chi bộ tốt hơn. Thông qua việc kiểm tra, giám sát sẽ giúp đảng viên phát huy được những ưu điểm đã đạt được đồng thời khắc phục những nhược điểm và hạn chế còn tồn tại.

Mỗi đảng viên cần phải nhận thức đúng đắn được tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm thực hiện tốt kế hoạch của chi bộ.Thực hiện tốt điều lệ của đảng và các văn bản hướng dẫn của trung ương, đảng ủy về công tác kiểm tra, giám sát

 

3. Quy trình thực hiện kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với tổ chức đảng, đảng viên năm 2023

3.1 Quy trình chuẩn bị 

Theo Quy trình ban hành kèm Quyết định 354-QĐ/UBKTTW ngày 22 tháng 12 năm 2021 về các quy trình thực hiện kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng do Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành như sau:

  • Căn cứ chương trình công tác hằng năm hoặc nhiệm vụ do cấp ủy, ủy ban giao, cán bộ theo dõi địa bàn đề xuất, báo cáo (bằng văn bản) với thường trực ủy ban: Nội dung giám sát; tổ chức đảng, đảng viên được giám sát (sau đây gọi là đối tượng giám sát); kế hoạch (mốc thời gian giám sát, thời gian làm việc của đoàn... và dự kiến thành phần đoàn (tổ) giám sát (gọi tắt là đoàn giám sát).
  • Thường trực Ủy ban xem xét, ban hành quyết định và kế hoạch giám sát (mẫu theo quy định).
  • Đoàn giám sát xây dựng đề cương gợi ý báo cáo (mẫu theo quy định) để đối tượng giám sát chuẩn bị báo cáo; lịch làm việc của đoàn; họp đoàn để thông báo kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên đoàn; chuẩn bị văn bản, tài liệu liên quan phục vụ việc giám sát.

Lưu ý:

Cán bộ theo dõi địa bàn: Từ Trung ương đến cơ sở lần lượt là: Lãnh đạo vụ, lãnh đạo phòng, cán bộ cơ quan Ủy ban kiểm tra theo dõi địa bàn, phụ trách lĩnh vực.

Thường trực ủy ban: Thường trực Ủy ban kiểm tra hoặc Ủy ban kiểm tra (nơi không có thường trực Ủy ban).

Kế hoạch (mốc thời gian giám sát, thời gian làm việc của đoàn...): Mốc thời gian giám sát không quá 03 năm gần nhất. Thời gian giám sát đối với Trung ương không quá 60 ngày, cấp tỉnh, thành và tương đương không quá 45 ngày; cấp huyện, quận và tương đương không quá 30 ngày; cấp cơ sở không quá 20 ngày. Trường hợp cần thiết, chủ thể giám sát có thể quyết định gia hạn thời gian giám sát nhưng không quá 1/3 thời gian giám sát đối với từng cấp theo quy định.

 

3.2 Quy trình tiến hành 

Theo Quy trình ban hành kèm Quyết định 354-QĐ/UBKTTW năm 2021 về các quy trình thực hiện kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng do Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành như sau:

Thành viên Ủy ban được phân công chỉ đạo và đại diện đoàn giám sát làm việc với (đại diện tổ chức đảng quản lý đối tượng giám sát (nếu có); đối tượng giám sát - là tổ chức đảng nào tổ chức hội nghị thì thành phần dự hội nghị do thành viên Ủy ban chỉ đạo đoàn giám sát quyết định.) để triển khai quyết định, kế hoạch giám sát; thống nhất lịch làm việc và yêu cầu đối tượng giám sát chuẩn bị báo cáo bằng văn bản theo đề cương gợi ý, cung cấp hồ sơ, tài liệu; đề nghị chỉ đạo các tổ chức đảng và đảng viên có liên quan phối hợp thực hiện.

- Trường hợp cần thiết, triển khai theo hình thức họp trực tuyến hoặc gửi văn bản theo đường công văn.

  • Đối tượng giám sát chuẩn bị báo cáo theo nội dung đề cương gợi ý (bằng văn bản) và các hồ sơ, tài liệu có liên quan; gửi Ủy ban kiểm tra (qua đoàn giám sát).
  • Đoàn giám sát nghiên cứu báo cáo, tài liệu nhận được; làm việc với tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung, đối tượng giám sát để thẩm tra, xác minh những nội dung, vấn đề cần làm rõ, phục vụ việc xem xét, đánh giá (khi cần thiết). Xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát (mẫu theo quy định).
  • Nếu cần điều chỉnh, bổ sung nội dung, thời gian, đối tượng giám sát, thành viên đoàn giám sát hoặc có vấn đề chuyên môn, kỹ thuật cần giám định thì trưởng đoàn giám sát báo cáo thành viên Ủy ban chỉ đạo để báo cáo thường trực Ủy ban xem xét, quyết định.
  • Đoàn giám sát trao đổi bằng văn bản với đối tượng giám sát những nội dung cần bổ sung, làm rõ.
  • Tổ chức hội nghị (tổ chức đảng quản lý đối tượng hoặc đối tượng giám sát chủ trì, ghi biên bản hội nghị) để đoàn giám sát thông qua dự thảo báo cáo kết quả giám sát; hội nghị thảo luận, tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả giám sát, thẩm tra, xác minh về các nội dung giám sát và kiến nghị, đề xuất bằng văn bản (nếu có).

- Trường hợp cần thiết, triển khai theo hình thức họp trực tuyến hoặc gửi văn bản theo đường công văn.

Đoàn giám sát tiếp tục thẩm tra, xác minh những nội dung chưa rõ (nếu có); trao đổi ý kiến với người đứng đầu (đơn vị theo dõi địa bàn; không phải là trưởng đoàn hoặc thành viên đoàn kiểm tra) về kết quả giám sát; báo cáo xin ý kiến đồng chí thành viên Ủy ban chỉ đạo đoàn, thường trực Ủy ban (nếu cần), trước khi trình Ủy ban kiểm tra.

 

3.3 Quy trình kết thúc 

Theo Quy trình ban hành kèm Quyết định 354-QĐ/UBKTTW năm 2021 về các quy trình thực hiện kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng do Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành như sau:

Ủy ban kiểm tra xem xét, kết luận:

  • Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban.
  • Trình bày đầy đủ ý kiến của đối tượng được giám sát và tổ chức đảng quản lý đối tượng giám sát.
  • Ủy ban thảo luận, xem xét, kết luận; nếu có dấu hiệu vi phạm thì xem xét, quyết định chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đối tượng giám sát.

Đơn vị theo dõi địa bàn có ý kiến bằng văn bản báo cáo Ủy ban về kết quả và hoạt động của đoàn giám sát.

Đoàn giám sát hoàn chỉnh báo cáo kết quả giám sát; phối hợp với (đơn vị hoặc cán bộ tổng hợp) hoàn chỉnh thông báo kết luận giám sát, báo cáo thành viên Ủy ban chỉ đạo đoàn trước khi trình thường trực Ủy ban ký, ban hành.

  • Thành viên Ủy ban chỉ đạo và đại diện đoàn giám sát công bố thông báo kết luận giám sát đến đối tượng giám sát và tổ chức, cá nhân có liên quan.
  • Trường hợp cần thiết, triển khai theo hình thức họp trực tuyến hoặc gửi văn bản theo đường công văn.

Đoàn giám sát họp rút kinh nghiệm; trưởng đoàn có văn bản nhận xét, đánh giá từng thành viên đoàn giám sát, gửi người đứng đầu các đơn vị có cán bộ tham gia đoàn; lập hồ sơ và nộp lưu trữ theo quy định. Vụ địa bàn, đơn vị, cán bộ theo dõi địa bàn giám sát việc chấp hành kết luận của Ủy ban.

Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.