Mục lục bài viết
1. Quy đinh về rút trước kỳ hạn tiền gửi?
Trong trường hợp cấp bách, khách hàng có nhu cầu rút tiền trước thời hạn thì cần làm thủ tục tất toán sổ tiết kiệm nhưng sẽ có những hạn chế khi rút tiền trước kỳ hạn.
Căn cứ Điều 4 Thông tư 04/2022/TT-NHNN , rút trước hạn tiền gửi được quy định như sau:
- Rút trước hạn tiền gửi là trường hợp khách hàng rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn, ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi.
- Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận việc rút trước hạn tiền gửi phù hợp với các quy định của NHNN Việt Nam đối với từng hình thức tiền gửi cụ thể.
Các hình thức tiên gửi được rút trước hạn bao gồm: Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn; tiền gửi có kỳ hạn; chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành; các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng hoạt động tại nước ta đều có chính sách hỗ trợ những khách hàng có nhu cầu tất toán sổ tiết kiệm trước hạn nếu có nhu cầu và mong muốn đột xuất. Ngân hàng và khách hàng cũng sẽ thoả thuận sao cho phù hợp nhất. Nói chung, khách hàng vẫn sẽ được hưởng lãi suất theo quy định dưới đây
2. Rút tiền gửi trước hạn có lãi suất không?
Lãi suất rút trước hạn tiền gửi được thỏa thuận phù hợp với quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2022/TT-NHNN. Trường hợp không có thỏa thuận rút trước hạn tiền gửi, tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi phù hợp với quy định tại Thông tư 04/2022/TT-NHNN.
Cụ thể tại Điều 2 Thông tư 04 /2022/TT-NHNN , đối tượng áp dụng chính sách về lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại Ngân hàng bao gồm:
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng , không bao gồm ngân hàng chính sách.
- Tổ chức (không bao gồm tổ chức tín dụng), cá nhân gửi tiền tại tổ chức tín dụng (sau đây gọi là khách hàng).
Vậy lãi suất rút trước hạn tiền gửi được quy định tại Điều Điều 5 Thông tư 04/2022/TT-NHNN, theo đó lãi suất được quy định như sau:
-. Trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.
- Trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi:
+ Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi;
+ Đối với phần tiền gửi còn lại, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.
Quy định nêu trên không chỉ đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền mà ngân hàng cũng được hưởng lợi. Các ngân hàng sẽ thu hút được nguồn tiền gửi trung và dài hạn từ khách hàng. Khách hàng được khuyến khích gửi tiền tiết kiệm nhiều và dài hạn hơn. Người gửi tiền có thể tối đa hoá lợi nhuận từ nguồn vốn nhàn rỗi đó và khắc phục được phần nào thiệt hạn khi khách hàng có nhu cầu rút tiền gửi đột xuất.
3. Mức lãi suất ngân hàng hiện nay là bao nhiêu?
3.1. Mức lãi suất ngân hàng khi gửi tiết kiệm
Theo Thông tư 07/2014/TT-NHNN, ngân hàng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức và cá nhân không vượt quá mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ và đối với từng loại hình ngân hàng.
Theo Quyết định 1812/QĐ-NHNN năm 2022 mức lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam được quy định tại như sau:
- Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1,0%/năm.
- Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6,0%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6,5%/năm.
Ngân hàng áp dụng lãi suất bằng đồng Việt Nam đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên của tổ chức và cá nhân trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Tiền gửi bao gồm các hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác của tổ chức (trừ ngân hàng), cá nhân theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
Cũng theo Thông tư 07/2014/TT-NHNN, lãi suất tối đa đối với tiền gửi quy định tại Thông tư 07/2014/TT-NHNN bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.
3.2. Mức lãi suất ngân hàng cho vay.
Căn cứ vào Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã quy định về lãi suất cho vay như sau:
- Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.
- Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
+ Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
+ Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;
+ Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
+ Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
+ Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.
Theo đó, lãi suất cho vay sẽ do ngân hàng và người vay thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm. Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thì tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ thỏa thuận với nhau nhưng không được vượt quá mức tối đa do thống đốc ngân hàng Nhà nước quyết định.
4. Các hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất cao.
- Tiết kiệm không kỳ hạn: Đây là hình thức gửi tiết kiệm có mức lãi suất áp dụng thấp nhất và khách hàng có thể thực hiện rút tiền của mình bất cứ lúc nào. Thông thường khách hàng sử dụng sản phẩm này chỉ để hưởng lãi suất theo ngày và thực hiện các giao dịch thanh toán mà thôi.
- Tiết kiệm có kỳ hạn: Hình thức này được sử dụng thường xuyên hơn vớ mức lãi suất cao hơn so với hình thức trên nhưng để nhận được hoàn toàn lãi suất như ban đầu thì khách hàng không được rút tiền trước hạn.
- Tiết kiệm bậc thang: Tiết kiệm lãi suất bậc thang theo số tiền là sản phẩm huy động tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn với lãi suất luỹ tiến theo mức tiền gửi. Hình thức gửi tiết kiệm này sẽ giúp bạn được hưởng số tiền lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng tăng dần theo số dư nghĩa là số tiền gửi càng lớn thì lãi suất áp dụng càng lớn.
- Tiết kiệm gửi góp tích lũy:đây là hình thức gửi tiết kiệm theo định kỳ hoặc theo tháng/quý/năm. Cứ đến thời giam quy định, khách hàng phải gửi một số tiền nhất định vào tài khoản, số lần gửi thêm không giới hạn. Ngân hàng sẽ tính lãi trên số tiền gốc tăng lên mỗi lần.
Khách hàng có thể gửi nhiều lần trong thời hạn tiết kiệm bất cứ lúc nào với lãi nhận được sẽ tăng theo số dư tiền gửi.
- Tiết kiệm lũy tiến: Khách hàng sẽ được nhận lãi theo ngày với tiền lãi hôm nay sẽ cộng thêm vào tiền vốn rồi tính tiếp lãi cho hôm sau nên tiền lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng nhận được sẽ cao hơn hình thức gửi thông thường.
Trên đây là bài viết của Luật Minh Khuê về Rút tiền trước kỳ hạn có được lãi không? Nên rút khi nào? Nếu có vướng mắc liên quan đến bài viết, hãy gọi 1900.6162 để được tư vấn hỗ trợ qua tổng đài trực tuyến.