1. Giới thiệu tác giả

Cuốn sách "Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa và những quy định mới về biển đảo" do tác giả Quý Lâm hệ thống.

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Sách Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa và những quy định mới về biển đảo

Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa và những quy định mới về biển đảo

Tác giả: Quý Lâm hệ thống

Nhà xuất bản Thế Giới

3. Tổng quan nội dung sách

Trong thời gian qua, những người cầm quyền Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động mở rộng, bồi đắp phi pháp trên một số đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các hoạt động đó của những người cầm quyền Trung Quốc đã bị Chính phủ, các nhà khoa học quân sự, chính trị, giới học giả, nhân dân yêu chuộng hòa bình, các hãng thông tấn báo chí của Việt Nam và trên thế giới lên án mạnh mẽ.

Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có chủ trương, đường lối và nhiều biện pháp tích cực nhằm tăng cường đối thoại để giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển, đảo, giữ vững an ninh chủ quyền quốc gia, ngăn ngừa xung đột, tạo môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhằm góp phần thể hiện lòng yêu nước, ý thức bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam; tiếp tục tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nhà xuất bản Thế Giới xuất bản và phát hành cuốn sách: Chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa và những quy định mới về biển đảo

Cuốn sách được biên soạn với các phần chính như sau:

Phần I: Những hình ảnh của Đoàn đại biểu 54 dân tộc Việt Nam đi thăm huyện đảo Trường Sa - tỉnh Khánh Hòa.

Phần II: Căn cứ khoa học về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phần III: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.

Phần IV: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.

Phần V: Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Phần VI: Luật Biển Việt Nam.

Phần VII: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

4. Đánh giá bạn đọc

Tác giả đã hệ thống trong cuốn sách những cơ sở pháp lý tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định mạng mẽ quyền chủ quyền hợp pháp và có cơ sở của nước ta với hai quần đảo này, phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật về chủ quyền biển của bạn đọc. 

Với những nội dung đã hệ thống, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn bao quát, sâu sắc hơn về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và việc bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc trong tình hình mới theo luật pháp quốc tế.

Đọc cuốn sách Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và những quy định mới về biển đảo là chúng ta thể hiện lòng yêu nước và ý thức bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam; tiếp tục tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

5. Kết luận

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé! Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách “Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và những quy định mới về biển đảo".

Nước Việt Nam chúng ta có đầy đủ tài liệu lịch sử rõ ràng, và căn cứ vào những nguyên tắc của Luật pháp và tập quán quốc tế để khẳng định chắc chắn chủ quyền quốc gia đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có thể tóm gọn lại ở những điểm như sau: (i) Từ lâu, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi mà các quần đảo này chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào; (ii) Từ thế kỷ XVII đến nay, suốt trong mấy thế kỷ, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện một cách thực sự, liên tục và hòa bình chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; (iii) Nhà nước Việt Nam luôn luôn bảo vệ tích cực các quyền và danh nghĩa của mình trước mọi mưu đồ và hành động xâm phạm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; (iv) Công hàm ngày 30/3/2020 thể hiện lập trường nhất quán, rõ ràng và toàn diện của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam kiên quyết khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cùng các quyền lợi chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông. Với chủ trương UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, Việt Nam một lần nữa chứng minh trách nhiệm của mình trong tuân thủ luật pháp quốc tế nói chung và UNCLOS 1982 nói riêng, từ đó góp phần vào đảm bảo trật tự pháp lý ở Biển Đông.

Trong thời gian tới, cùng với công tác truyên truyền về biển, đảo, cần kết hợp với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, làm cho ngư dân hiểu rõ các quy định trong luật biển Việt Nam và pháp luật quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, làm cho ngư dân không chỉ chấp hành, mà còn kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của tàu, thuyền nước ngoài ở vùng biển Việt Nam. Cần sớm đưa các nội dung về chủ quyền biên giới, lãnh thổ, biển, đảo vào chương trình giáo dục phổ thông và đại học; phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt Nam và quốc tế về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên biển.

Luật Minh Khuê trích dẫn dưới đây nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông để bạn đọc tham khảo:

Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông còn gọi là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Nam Trung Hoa (tiếng AnhDeclaration on Conduct of the Parties in the South China Sea), viết tắt là DOC, là một văn kiện được các nước ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á) và Trung Quốc ký kết ngày 4 tháng 11 năm 2002 tại Phnom PenhCampuchia nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Việc ký văn kiện này là kết quả nỗ lực của các nước ASEAN, đặc biệt là của 4 nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở quần đảo Trường Sa (Việt NamPhilippinesMalaysiaBrunei) trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

1. Các bên khẳng định lại cam kết đối với những mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của luật pháp quốc tế, là những quy tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia.

2. Các bên cam kết tìm ra những phương cách để tạo dựng sự tin cậy và lòng tin phù hợp với các nguyên tắc nêu trên và trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

3. Các bên khẳng định lại sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hàng hải và quyền tự do bay ngang qua vùng trời phía trên Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

4. Các bên liên quan cam kết giải quyết những tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực, thông qua tham khảo ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan, phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

5. Các bên liên quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống và xử lý các bất đồng một cách xây dựng;

Trong khi chờ đợi có giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán, các bên liên quan cam kết tăng cường các nỗ lực trên tinh thần hợp tác và hiểu biết nhằm tìm ra phương cách xây dựng sự tin cậy và lòng tin giữa các bên, bao gồm:

a. Khi thích hợp, tiến hành đối thoại và trao đổi ý kiến giữa quan chức quân sự và quốc phòng của các bên có liên quan;

b. Bảo đảm đối xử nhân đạo và công bằng đối với tất cả mọi người gặp nguy hiểm hay lâm nạn;

c. Tự nguyện thông báo cho các bên liên quan khác về tập trận quân sự chung/hỗn hợp sắp diễn ra;

d. Tự nguyện trao đổi thông tin thích hợp.

6. Trong khi chờ đợi có giải pháp toàn diện và lâu dài cho tranh chấp các bên liên quan có thể thăm dò hoặc tiến hành các hoạt động hợp tác. Các hoạt động này có thể bao gồm:

a. Bảo vệ môi trường biển;

b. Nghiên cứu khoa học biển;

c. An toàn hàng hải và liên lạc trên biển;

d. Các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn; và

e. Đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm nhưng không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực buôn lậu ma túy, cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, và buôn lậu vũ khí.

Các thể thức, phạm vi và địa điểm liên quan đến các hợp tác song phương và đa phương phải được các bên liên quan nhất trí trước khi thực hiện.

7. Các bên liên quan sẵn sàng tiếp tục các cuộc tham khảo ý kiến và đối thoại về các vấn đề liên quan thông qua những thể thức được các bên nhất trí, kể cả việc tiến hành các cuộc tham khảo ý kiến thường xuyên về việc tuân thủ Tuyên bố này, nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ láng giềng tốt và tính minh bạch, tạo dựng sự hòa hợp, hiểu biết lẫn nhau và hợp tác; và tạo điều kiện giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các bên.

8. Các bên cam kết tôn trọng những điều khoản của Tuyên bố này và tiến hành những hành động phù hợp với những điều khoản đó.

9. Các bên khuyến khích các nước khác tôn trọng các nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố này.

10. Các bên liên quan khẳng định lại việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông sẽ thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định ở khu vực và đồng ý, trên cơ sở đồng thuận, phấn đấu đạt được mục tiêu trên.

Làm vào ngày mùng 4 tháng 11 năm hai nghìn không trăm linh hai tại Phnôm Pênh, Vương quốc Cam-pu-chia.