1. Giới thiệu tác giả

Sách "Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới" do tác gải Lê Thị Hằng biên soạn.

2. Giới thiệu hình ảnh sách

Sách Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới (Lê Thị Hằng)

Sách Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới

Tác giả: Lê Thị Hằng

Nhà xuất bản Tài chính

3. Tổng quan nội dung sách 

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến biển, đảo và dành nhiều tình cảm cho nhân dân vùng biển đảo và lực lượng vũ trang nhân dân bảo vệ biển đảo của Tổ Quốc. Sự quan tâm và tình cảm đó được thể hiện qua hàng trăm bức thư, bài viết, bài nói chuyện với quân dân vùng biển khi Người đến thăm. Những lời căn dặn của Bác vô cùng sâu sắc và có ý nghĩa to lớn đối với chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc hôm nay.

Là vị lãnh tụ có tầm nhìn chiến lược, Bác Hồ cũng đã sớm nhìn thấy tầm quan trọng của biển, đảo. Nhiều lần Người nói: Biển ta là “biển bạc”, biển nước ta dài và rộng chứa nhiều tài nguyên phong phú và quý hiếm là nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Người khuyên mỗi người dân Việt Nam phải biết giữ gìn và bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Người nhiều lần đến thăm công nhân và thủy thủ hàng hải, thăm đồng bào ngư dân đánh cá trên biển. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm sâu sát của Người mà chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã luôn nỗ lực, tự lực, tự cường, đoàn kết nhất trí, vượt qua mọi khó khăn gian khổ giữ vững chủ quyền biển, đảo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc Việt Nam, người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân. Với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang và những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; bằng cuộc sống thanh cao, giản dị, trong sáng và đạo đức cách mạng mẫu mực của một người cộng sản, Người đã nêu tấm gương sáng cho toàn thể cán bộ, nhân dân và để lại cho chúng ta một di sản quý báu về tư tưởng và đạo đức của một người cách mạng trong thời đại mới. 

Nhằm thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; mong muốn phổ biến thật rộng rãi đến đông đảo bạn đọc về tấm gương của Bác, về con người Bác, chân dung Bác, góp phần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị (khóa XII), Nhà xuất bản Tài chính xuất bản và phát hành cuốn sách: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới.
Nội dung cuốn sách được tác giả Lê Thị Hằng hệ thống gồm các phần chính như sau:
Phần 1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về biển, đảo
Phần 2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới
Phần 3. Những văn bản của quốc tế và Việt Nam về chủ quyền biển, đảo
Phần 4. Những chuyện kể về tình cảm của Hồ Chí Minh với các chiến sĩ bảo vệ biên cương, biển đảo Tổ quốc

4. Đánh giá bạn đọc

Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là phong trào được triển khai sâu rộng trong nhân dân ở mọi giai đoạn của đất nước. Biển, đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc, là nơi chứa đựng tài nguyên lớn, quý giá và quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Đứng trước âm mưu xâm chiếm chủ quyền biển đảo của nước ta, việc tuyên truyền và phổ biến hiểu biết về chủ quyền biển đảo đến với nhân dân trong tình mới hiện nay là vô cùng cần thiết. Những tư tưởng của Hồ Chí Minh về biển đảo sẽ giúp chúng ta ý thức hơn trong việc bảo vệ biển đảo.

Cuốn sách tập hợp quan điểm, tư tưởng của Bác về biển đảo, những căn cứ pháp lý, chứng cứ lịch sử chứng minh chủ quyền chắc chắn của Việt Nam đối với phần biển đảo thuộc chủ quyền của nước ta thuận tiện cho bạn đọc nghiên cứu và tìm hiểu.

5. Kết luận

Trước sự biến đổi khôn lường của tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông, đặc biệt là việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta. Bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trở thành nhiệm vụ vô cùng cấp bách đòi hỏi chúng ta cần phải kiên quyết, kiên trì, khéo léo và mềm dẻo để đảm bảo giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Trong đó, xây dựng thế trận lòng dân, bảo vệ vũng chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là vấn đề chiến lược mang tính cấp bách và then chốt.

Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé! Chúc các bạn đọc sách hiệu quả và thu được nhiều thông tin hữu ích từ cuốn sách “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới".

Luật Minh Khuê trích dẫn dưới đây nội dung thể hiện tư tưởng của Hồ Chí Minh về vai trò của biển đảo để bạn đọc tham khảo:

Trong hệ thống những quan điểm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vai trò của biển đảo và việc bảo vệ khai thác nguồn lợi từ biển phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Từ năm 1910, khi Bác Hồ dạy học ở trường Dục Thanh (nơi có bãi biển Thương Chánh) đã giúp Người có nhiều cảm xúc sâu xa: Biển của ta giàu đẹp nhưng tại sao dân ta phải chịu cảnh lầm than cơ cực? Người Pháp ca ngợi nước Pháp là tự do, bình đẳng bác ái và đem cái gọi là tự do, bình đẳng bác ái ấy đến “khai phá văn minh cho nước Việt”, nhưng đằng sau những lời hoa mỹ ấy của người Pháp và phương Tây là gì? Người suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định ra nước ngoài bằng đường biển trên chính chiếc tàu buôn của Pháp với hai bàn tay trắng. Có lẽ với Bác, đường biển lúc bấy giờ là con đường ngắn nhất để đến với “thế giới văn minh”. Qua 30 năm rời xa Tổ quốc trên nhiều con tàu đến với nhiều đại dương, nhiều châu lục khác nhau trên thế giới đã giúp Người khẳng định biển và đại dương gắn liền với sự phát triển của văn minh nhân loại.

Với lòng yêu nước nồng nàn, Hồ Chí Minh đã tìm được con đường cứu nước từ chủ nghĩa Mác - Lênin; khi trở về Người xây dựng được Đảng của giai cấp công nhân; xây dựng được lực lượng vũ trang và các lực lượng cách mạng; Người tiến hành chỉ đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công; lập ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm gian khổ, do thấy được địa thế quan trọng của sông biển, Người chỉ đạo thành lập cơ quan Hải quân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam với tên gọi lúc bấy giờ là Quân đội quốc gia Việt Nam. Xây dựng các lực lượng tác chiến để chủ động tiến công địch trên các chiến trường sông biển từ Hòn Gai đến Hà Tiên. Người giao nhiệm vụ cho một bộ phận dùng tàu gỗ chở vũ khí đến tận Bến Tre để phục vụ đoàn quân Nam tiến.

Sau hòa bình 1954, khi cả nước tiến hành thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc khai thác, bảo vệ vùng biển, coi đó là nhiệm vụ rất quan trọng và chỉ đạo xây dựng lực lượng chuyên trách để bảo vệ vùng biển mới được giải phóng từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17. Ngày 07/5/1955 Người chỉ đạo thành lập Cục phòng thủ bờ bể, tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay. Ngày 31/3/1959 khi về thăm làng cá Cát Bà, Người dạy: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Tư tưởng của Người là phải làm chủ tiềm năng của biển, bảo vệ biển và khai thác các nguồn lợi từ biển để phục vụ cho sự phát triển đất nước và đời sống của nhân dân. Để tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là động lực thúc đẩy, là ý chí và hành động trong quá trình khai thác các nguồn lợi từ biển, ngày 04/01 hàng năm trở thành ngày truyền thống nghề cá của ngành Thủy sản Việt Nam.

Năm 1961, khi Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ hải quân, Người căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời căn dặn của Bác với các chiến sĩ hải quân ngày ấy ẩn chứa sâu xa luận điểm của Người, là sự khái quát rất ngắn gọn và dễ hiểu về lịch sử truyền thống về Tổ quốc, về tiềm năng của biển nước ta và trách nhiệm của mọi thế hệ người Việt Nam phải biết khai thác, quản lý và bảo vệ biển.

Sau ngày hòa bình được lập lại trên toàn cõi Đông Dương nhưng đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam lại ra sức phá hoại Hiệp định Genève, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo lực lượng hải quân: “Phải trên cơ sở học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, đồng thời biết kế thừa và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam cũng như truyền thống đánh giặc của ông cha ta”. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Người, các lực lượng vũ trang trên biển có nhiều cách đánh thông minh, sáng tạo. Tiêu biểu nhất là các chiến dịch: Tiểu phỉ trên quần đảo Đông Bắc, tiến công đuổi tàu khu trục Ma Đốc của Hạm đội 7 Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta ngày 02/8/1964; đánh thắng trận đầu vào ngày 05/8/1964 khi đế quốc Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc; đánh thắng chiến dịch phong tỏa bằng thủy lôi vào ven biển và các cửa sông, góp phần đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ đối với miền Bắc.

Trên chiến trường miền Nam, chỉ riêng ở Quảng Trị trong 7 năm (1966 - 1973), đặc công hải quân tổ chức đánh trên 300 trận, đánh chìm 339 tàu thuyền của Mỹ - Ngụy, phá hủy hàng ngàn tấn phương tiện chiến tranh. Đặc biệt là năm 1961, thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 125 với mật danh “Đoàn tàu không số” được xây dựng để mở đường chiến lược trên biển, được anh em gọi là “Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông” để vận chuyển, chi viện cho miền Nam. Chỉ 15 năm (từ 1961 đến 1975), “Đoàn tàu không số” đã cùng với các lực lượng hải quân đưa hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và phương tiện vũ khí tiến đánh, giải phóng các đảo và quần đảo Trường Sa, góp phần giành thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Với sứ mệnh lịch sử và hiệu quả to lớn như thế, đường Hồ Chí Minh trên biển Đông trở thành huyền thoại, là nét độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam trên chiến trường sông biển, làm sáng ngời chân lý nhận thức về biển đảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vài dẫn chứng trên để cho ta thấy, biển nước ta từ xưa tới nay luôn đóng vai trò to lớn, là không gian chiến lược quan trọng đối với quốc phòng và an ninh quốc gia mà lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm.