Mục lục bài viết
- 1. Tìm hiểu chung về khái niệm đạo đức và pháp luật
- 1.1 Đạo đức là gì?
- 1.2 Pháp luật là gì?
- 1.3 Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức
- 2. Vi phạm pháp luật là gì?
- 3. Vi phạm đạo đức là gì?
- 3. So sánh vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức
- 3.1 Điểm giống nhau của vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức
- 3.2 Điểm khác nhau giữa vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức
Hành vi vi phạm đạo đức hay hành vi vi phạm pháp luật đều là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, làm xói mòn lối sống của người dân, gây ra những lối sống lệch chuẩn để lại nhiều hậu quả cho xã hội. Bài viết dưới đây, Luật Minh Khuê sẽ so sánh vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức để giúp bạn đọc hiểu rõ 2 loại vi phạm này giống và khác nhau thế nào?
1. Tìm hiểu chung về khái niệm đạo đức và pháp luật
1.1 Đạo đức là gì?
Đạo đức hay chuẩn mực đạo đức là hệ thống các quy tắc, yêu cầu đối với hành vi xã hội của con người, trong đó xác lập những quan điểm, quan niệm chung về công bằng và bất công, về cải thiện và cái ác về lương tâm, danh dự, trách nhiệm và những phạm trù khác thuộc đời sống đạo đức tinh thần của xã hội.
Đạo đức ra đời và tồn tại trong tất cả các giai đoạn phát triển của lịch sử. Đạo đức được hình thành một cách tự phát trong xã hội, được lưu truyền từ đời này sang đời khác theo phương thức truyền miệng. Đạo đức thể hiện ý chí của một cộng đồng cư dân, ý chí chung của xã hội và đảm bảo thực hiện bằng thói quen, bằng dư luận xã hội, lương tâm, niềm tin của mỗi người.
1.2 Pháp luật là gì?
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành và được bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí nhà nước, điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Pháp luật thể hiện ý chí của nhà nước, do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận để điều chỉnh các hành vi trong xã hội. Pháp luật là sự cưỡng bức, cưỡng chế phải thực hiện, dù muốn hay không người đó cũng phải thay đổi hành vi của mình, nếu không tuân thủ thì sẽ bị cưỡng chế tuân thủ và bị xử phạt. Vì thế pháp luật thường xuyên có sự thay đổi và điều chỉnh nếu như không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của xã hội.
1.3 Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức
Pháp luật và đạo đức có mối quan hệ khăng khít với nhau, là nền tảng hình thành nhau, bổ trợ cho nhau trong việc điều chỉnh hành vi của các chủ thể trong xã hội.
Nếu đạo đức bị tha hóa thì pháp luật ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng và không được chấp hành nghiêm chỉnh. Ngược lại nếu pháp luật không nghiêm chỉnh thì sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành đạo đức của mỗi cá nhân sống trong môi trường đó.
Ngày nay khi mà xã hội ngày càng phát triển cả về lĩnh vực kinh tế, chính trị, pháp luật, khoa học,... thì việc áp dụng đan xen lẫn nhau giữa pháp luật và đạo đức để điều chỉnh xã hội là rất cần thiết.
2. Vi phạm pháp luật là gì?
Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, có lỗi của chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lí xâm hại tới quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.
Các dấu hiệu cơ bản của vi phạm pháp luật:
- Hành vi của con người gồm hành vi hành động và hành vi không hành động;
- Là hành vi trái quy định của pháp luật. Tính trái pháp luật của hành vi thể hiện ở chỗ làm không đúng điều pháp luật cho phép, không làm hoặc làm không đầy đủ điều pháp luật bắt buộc phải làm hoặc làm điều mà pháp luật cấm;
- Là hành vi có chứa đựng lỗi của chủ thể - trạng thái tâm lí thể hiện thái độ tiêu cực của chủ thể đối với hành vi của mình ở thời điểm chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật;
- Là hành vi do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lí thực hiện (nếu chủ thể hành vi trái pháp luật là cá nhân thì người đó phải đến độ tuổi chịu trách nhiệm pháp lí theo luật định, không mắc các bệnh tâm thần, có khả năng nhận thức được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi mình và hậu quả pháp lí của nó). Tùy thuộc vào tính chất của vi phạm pháp luật, vào hậu quả có hại và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi cũng như tính chất của chế tài có thể được áp dụng đối với hành vi mà các vi phạm pháp luật được chia thành hai loại là tội phạm và vi phạm, trong đó vi phạm có thể là vi phạm hành chính, vi phạm dân sự, vi phạm kỷ luật nhà nước.
3. Vi phạm đạo đức là gì?
Vi phạm đạo đức là những hành vi đi ngược lại, không tuân theo những quy chuẩn đạo đức xã hội, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, với văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt từ xưa đến nay.
Những hành vi vi phạm đạo đức sẽ bị người khác đánh giá về phẩm chất đạo đức, suy nghĩ của mình, những người có hành vi vi phạm đạo đức thường bị người ngoài không tôn trọng và trọng dụng. Ngoài ra những hành vi vi phạm đạo đức nặng thì có thể bị người ngoài đàm tiếu và nói xấu sau lưng khiến họ bị áp lực về tinh thần và ảnh hưởng xấu đến danh tiếng. Dù vi phạm đạo đức không dùng biện pháp mạnh răn đe nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cá nhân và gia đình người có hành vi vi phạm.
Ví dụ: Con cái ăn nói hỗn hào với cha mẹ, thầy cô hoặc người lớn tuổi.
3. So sánh vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức
3.1 Điểm giống nhau của vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức
Vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức đều:
- Là hành vi làm trái, đi ngược lại, không tuân thủ những quy tắc xử sự chung của cộng đồng.
- Là hành vi có lỗi
3.2 Điểm khác nhau giữa vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức
Tiêu chí | Vi phạm đạo đức | Vi phạm pháp luật |
Chủ thể thực hiện | Mọi chủ thể, không có quy định về độ tuổi hay trách nhiệm pháp lý | Chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý, trong lĩnh vực hình sự còn quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với những tội danh nhất định |
Chế tài xử lý | Chịu sự điều chỉnh của lương tâm, bị mọi người lên án, không bị xử lý theo pháp luật nếu như không vi phạm các quy định của pháp luật | Chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải chịu các hình phạt, các biện pháp xử lý: Xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự ... |
Cơ quan xử lý | Không có | Cơ quan nhà nước có thẩm quyền |
Khách thể xâm phạm | Xâm phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục | Ảnh hưởng trật tự quản lý hành chính nhà nước, xâm phạm các mối quan hệ được nhà nước thừa nhận và bảo vệ |
Phân loại | Không có |
|
Tuy nhiên có thể thấy trong một số trường hợp, khi một người vi phạm pháp luật thì cũng là hành vi vi phạm đạo đức xã hội. Bởi vì tính chất nghiêm trọng và hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật sẽ có chế tài nặng hơn so với vi phạm đạo đức thông thường. Ví dụ, lấy trộm tiền của người khác vừa là vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo đức, bởi vì:
- Số lượng tiền, tài sản trộm cắp giá trị nhỏ là vi phạm về pháp luật hành chính, còn đối với mức tiền đủ lớn do luật hình sự quy định sẽ vi phạm về luật hình sự.
- Truyền thống và tập quán tốt đẹp của con người là ghét thói hư tật xấu trong đó có hành vi trộm cắp. do đó hành vi trộm cắp cũng là hành vi vi phạm đạo đức xã hội.
Hành vi vi phạm đạo đức hay vi phạm pháp luật đều là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, làm suy thoái lối sống của người dân, tạo nên những lối sống lệch chuẩn để lại nhiều hậu quả cho xã hội.
Chính vì vậy, mọi người nên nâng cao tinh thần ý thức, sự hiểu biết về pháp luật để không thực hiện những hành vi vi phạm.
Trên đây là thông tin về Vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức được cung cấp đến bạn đọc. Trong quá trình nghiên cứu nếu có bất kỳ vướng mắc gì thì các bạn vui lòng liên hệ qua tổng đài tư vấn trực tuyến số hotline 1900.6162. Luật Minh Khuê xin chân thành cảm ơn!