Mục lục bài viết
- “Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
- Vấn đề 2. Hóa đơn đầu vào mang tên cá nhân cũ (không mang tên công ty)
- “Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
- Vậy trong trường hợp này để có căn cứ xác định tính giá vốn gồm:
- Vấn đề số 3: Đáp ứng đầy đủ chứng từ đã nêu trên thì bên công ty có thể xuất hóa đơn GTGT
- “Điều 16. Lập hóa đơn
Kính thưa quý khách hàng!
Công ty Luật TNHH MINH KHUÊ xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:
NỘI DUNG YÊU CẦU
Kính gửi: Công ty Luật TNHH Minh Khuê.
Luật sư cho em hỏi: Công ty em có mua lại một căn hộ của một cá nhân A trị giá trên hợp đồng chuyển nhượng là 13 tỷ vào tháng 10/2019 (Cá nhân A này đã chuyển tiền cho chủ đầu tư 8 tỷ còn lại 5 tỷ bên em vẫn đang trả góp cho chủ đầu tư hàng tháng). Hóa đơn chuyển nhượng do chủ đầu tư ban đầu đã xuất hóa đơn cho chủ cũ là cá nhân A năm 2018, 2019 Giá trị quyền sử dụng đất là: 3,6 tỷ. Giá trị nhà 8 tỷ, VAT: 0,8 tỷ => Tổng giá trị hóa đơn là 12,4 tỷ . Số tiền chênh 0,6 tỷ còn lại không xuất hóa đơn là do được chiết khấu. Đến tháng 3/2020 bên em đã thanh toán 11 tỷ vẫn còn phải thanh toán cho chủ đầu tư là 1,4 tỷ. Tháng 3/2020 bên em bán cho chủ mới B tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng là 13 tỷ ( số tiền còn 1,4 tỷ chủ mới B sẽ thanh toán nốt cho chủ đầu tư ban đầu). Vậy
1. Hóa đơn đầu vào mang tên cá nhân cũ (không mang tên công ty em) vậy bên em có được sử dụng hóa đơn đó là căn cứ tính giá vốn và tính thuế giá trị gia tăng đầu vào không?
2. Bên em có được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đó không?
3. Bên em có được phép xuất hóa đơn đầu ra không? Và nếu được phép xuất thì bên em xuất hóa đơn đầu ra theo toàn bộ trị giá hóa đơn 12,4 tỷ hay chỉ xuất hóa đơn số tiền mà bên em đã thanh toán cho chủ đầu tư là 11 tỷ.
TRẢ LỜI:
CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật thuế giá trị gia tăng 2008;
- Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn luật thuế giá trị gia tăng và nghị định 209/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ tài chính ban hành;
- Thông tư 26/2015/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại nghị định 12/2015/NĐ-CP, sửa đổi thông tư 39/2014/TT-BTC về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ do Bộ tài chính ban hành ;
- Thông tư 173/2016/TT-BTC sửa đổi khổ thứ nhất khoản 3 điều 15 thông tư 219/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi theo thông tư 119/2014/TT-BTC, 151/2014/TT-BTC, 26/2015/TT-BCT) do Bộ trưởng Bộ tài chính ban hành;
- Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ;
- Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành nghị định 51/2010/NĐ-CP và 04/2014/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ do Bộ trưởng Bộ tài chính ban hành;
NỘI DUNG TƯ VẤN
Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Luật Minh Khuê trả lời từng vấn đề của Qúy khách như sau:
Vấn đề 1. Hóa đơn đầu vào mang tên cá nhân cũ, có được sử dụng hóa đơn đó là căn cứ tính giá vốn và tính thuế giá trị gia tăng đầu vào không ?
Điều 15 thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Điều này được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC:
“Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam. ”
Theo quy định này, điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào khi thuộc một trong các trường hợp:
- Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào ;
- Có chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu ;
- Chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam
Trong trường hợp này, hóa đơn GTGT mang tên cá nhân, không mang tên công ty nên không được khấu trừ thuế GTGT trong trường hợp này.
Vấn đề 2. Hóa đơn đầu vào mang tên cá nhân cũ (không mang tên công ty)
Hóa đơn đầu vào mang tên cá nhân cũ (không mang tên công ty) vậy có được sử dụng hóa đơn đó là căn cứ tính giá vốn?
Điều 6 thông tư 78/2014/TT-BTC quy định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Điều này được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC.
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:
- Mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;
- Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;
- Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;
- Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;
- Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;
- Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).
Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”
Vậy trong trường hợp này để có căn cứ xác định tính giá vốn gồm:
- Hợp đồng mua bán tài sản (có công chứng theo quy định pháp luật);
- Biên bản bàn giao tài sản
- Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC ( cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra)
- Chứng từ thanh toán cho người bán
- Hóa đơn GTGT bên chủ đầu tư xuất cho chủ tài sản photo (có dấu sao y bản chính) và chứng minh thư photo chủ tài sản công chứng.
Vấn đề số 3: Đáp ứng đầy đủ chứng từ đã nêu trên thì bên công ty có thể xuất hóa đơn GTGT
Khoản 1 và Khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC, khoản này được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 5 Thông tư 119/2014/TT-BTC:
“Điều 16. Lập hóa đơn
1. Nguyên tắc lập hóa đơn
a) Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh chỉ được lập và giao cho người mua hàng hóa, dịch vụ các loại hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này.
b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.
Nội dung trên hóa đơn phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; không được tẩy xóa, sửa chữa; phải dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống (nếu có). Trường hợp hóa đơn tự in hoặc hóa đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hóa đơn thì không phải gạch chéo.
c) Hóa đơn được lập một lần thành nhiều liên. Nội dung lập trên hóa đơn phải được thống nhất trên các liên hóa đơn có cùng một số.
Đối với hóa đơn thu cước dịch vụ viễn thông, hóa đơn tiền điện, hóa đơn tiền nước, hóa đơn thu phí của các ngân hàng, vé vận tải hành khách của các đơn vị vận tải, các loại tem, vé, thẻ và một số trường hợp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, khi lập hóa đơn được thay thế liên 1 bằng bảng kê chi tiết số hóa đơn thực tế đã lập. Chi tiết mỗi số hóa đơn giao khách hàng được thể hiện trên một dòng của Bảng kê với đầy đủ các tiêu thức đã được đăng ký tại hóa đơn mẫu gửi cùng Thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Bảng kê được lập hàng tháng, được in ra giấy để lưu trữ bảo quản hoặc lưu trữ bằng phương tiện điện tử (Ví dụ như: bút nhớ (đĩa flash USB), đĩa CD và DVD, đĩa cứng gắn ngoài, đĩa cứng gắn trong). Việc bảo quản, lưu trữ bảng kê thực hiện theo quy định hiện hành về bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán. Nếu lưu trữ bằng giấy thì bảng kê phải có đầy đủ tên, chữ ký người lập bảng kê; tên, chữ ký thủ trưởng đơn vị; dấu đơn vị. Nếu lưu trữ bằng phương tiện điện tử thì bảng kê phải có chữ ký điện tử của đơn vị và nội dung bảng kê phải đảm bảo có thể truy cập kết xuất và in ra giấy khi cần tham chiếu. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ thông tin trên bảng kê hóa đơn đã lập trong ngày, trong tháng và phải đảm bảo lưu trữ để cung cấp cho cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác khi có yêu cầu”.
d) Hóa đơn được lập theo thứ tự liên tục từ số nhỏ đến số lớn.
Trường hợp tổ chức kinh doanh có nhiều đơn vị trực thuộc trực tiếp bán hàng hoặc nhiều cơ sở nhận ủy nhiệm cùng sử dụng hình thức hóa đơn đặt in có cùng ký hiệu theo phương thức phân chia cho từng cơ sở trong toàn hệ thống thì tổ chức kinh doanh phải có sổ theo dõi phân bổ số lượng hóa đơn cho từng đơn vị trực thuộc, từng cơ sở nhận ủy nhiệm. Các đơn vị trực thuộc, cơ sở nhận ủy nhiệm phải sử dụng hóa đơn theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn trong phạm vi số hóa đơn được phân chia.
Trường hợp tổ chức kinh doanh có nhiều cơ sở bán hàng hoặc nhiều cơ sở được ủy nhiệm đồng thời cùng sử dụng một loại hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử có cùng ký hiệu theo phương thức truy xuất ngẫu nhiên từ một máy chủ thì tổ chức kinh doanh phải có quyết định phương án cụ thể về việc truy xuất ngẫu nhiên của các cơ sở bán hàng và đơn vị được ủy nhiệm. Thứ tự lập hóa đơn được tính từ số nhỏ đến số lớn cho hóa đơn truy xuất toàn hệ thống của tổ chức kinh doanh.
2. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn
a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn
Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.
Ngày lập hóa đơn đối với hoạt động cung cấp điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, dịch vụ viễn thông, dịch vụ truyền hình thực hiện chậm nhất không quá bảy (7) ngày kế tiếp kể từ ngày ghi chỉ số điện, nước tiêu thụ trên đồng hồ hoặc ngày kết thúc kỳ quy ước đối với việc cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình. Kỳ quy ước để làm căn cứ tính lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp căn cứ thỏa thuận giữa đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình với người mua.
Ngày lập hóa đơn đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
Trường hợp tổ chức kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng có thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.”
Theo quy định trên, hóa đơn GTGT xuất theo giá trị hóa đơn là 12,4 tỷ, trong hợp đồng mua bán giữa 2 bên quy định rõ về điều kiện thanh toán cho bên công ty là 11 tỷ và thanh toán cho chủ đầu tư là 1 tỷ 4.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về “Tư vấn về thuế giá trị gia tăng”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn!
Bộ phận tư vấn Pháp luật
Công ty Luật TNHH Minh Khuê