1. Có được cơ cấu lại thời hạn trả nợ ngân hàng hay không?

Một trong những nghiệp vụ quan trọng hay nói cách khác là hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng là hoạt động cấp tín dụng, cho vay. Quy định về việc vay vốn với các tổ chức tín dụng, đặc biệt là ngân hàng sẽ do thỏa thuận của ngân hàng với các đối tác, khách hàng vay của ngân hàng dựa trên các quy định của pháp luật và đặc biệt là cơ quan chủ quan là Ngân hàng Nhà nước.

Dịp dịch bệnh vừa qua đã làm xảy ra các sự kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử tạo sự chuyển biến trong xã hội, các ngành kinh tế và đặc biệt là ngành tài chính một trong những ngành then chốt đóng góp vào sự tăng trưởng phục hồi trước trong và sau đại dịch. 

Bản chất của hợp đồng vay giữa khách hàng và ngân hàng là thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ của các bên. Trong đó cụ thể bên ngân hàng có trách nhiệm giải ngân số tiền theo đúng cam kết còn khách hàng có trách nhiệm thanh toán đúng theo thời hạn của hợp đồng vay. Nhưng vì thời gian vừa qua dịch bệnh dẫn đến khó khăn kinh tế chính vì thế khả năng trả đúng thời hạn của khách hàng với ngân hàng bị chậm trễ. Sự chậm trệ về thời hạn thanh toán này dẫn đến nhiều hệ lụy với chính tổ chức ngân hàng có khách hàng thanh toán chậm đó mà về lâu dài với số lượng nợ lớn sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính quốc gia như làm tăng tỷ lệ nợ xấu, tăng tỷ lệ trích lập dự phòng, giảm biên độ lợi nhuận của ngân hàng, ảnh hưởng đến tình hình tăng trưởng kinh tế. 

Chính vì để tháo gỡ vấn đề này mà trong giai đoạn gần đây ngân hàng nhà nước với vai trò là ngân hàng trung ương, ngân hàng của các ngân hàng đã đưa ra các quy định, thông tư kịp thời để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, người dân và của các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt là cơ chế cơ cấu thời hạn trả nợ ngân hàng áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước hàng; khách hàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Như vậy, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ ngân hàng có thể được thực hiện tùy thuộc vào đánh giá ngân hàng và khách hàng vay có đáp ứng các điều kiện để được cơ cấu lại thời hạn trả nợ ngân hàng không.

2. Sửa quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ ngân hàng.

Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 của Chính phủ về hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 năm 2023 và Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng thì đây là hai văn bản đưa ra định hướng về việc sửa lại quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ ngân hàng trong giai đoạn hiện nay.

Còn vào thời kỳ dịch bệnh ngân hàng nhà nước đã ban hành thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Sau Thông tư số 01/2020/TT-NHNN vào ngày 07 tháng 9 năm 2021 tức là sau đó hơn 1 năm thì Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN để sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 01/2020/TT-NHNN đã ban hành ngày 13 tháng 3 năm 2020 trước đó.

Các điểm mới sửa đổi của thông tư số 14/2021/TT-NHNN so với thông tư 01/2020/TT-NHNN là:

- Sửa đổi phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 01/8/2021 tức là gia hạn thời gian thay vì theo quy định của thông tư 01/2020/TT-NHNN là chỉ đến ngày 10/6/2020.

- Sửa đổi phạm vi cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022 tức là kéo dài hơn so với quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN chỉ kéo dài từ ngày 23/01/2020 đến hết ngày 31/12/2021.

- Sửa đổi giới hạn thời gian làm việc của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến hết ngày 30/6/2022 thay vì đến hết ngày 31/12/2021 theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.

- Thay thế Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và bãi bỏ một số khoản của thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.

Hiện nay ngoài các thông tư trên áp dụng nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn có thông tư 02/2023/TT-NHNN ban hành ngày 23 tháng 4 năm 2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Thông tư này nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN thì thực chất đây không phải thông tư sửa đổi các thông tư về quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ ngân hàng trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 mà thông tư này ban hành với mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gỡ dòng vốn cho doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh, tạo điều kiện thông thoáng cho các ngân hàng trong việc quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ của mình.

3. Điều kiện để được cơ cấu lại thời hạn trả nợ ngân hàng.

Như đã thông tin ở trên thì cơ cấu lại thời hạn trả nợ ngân hàng là quy định có hiệu lực và đang được các ngân hàng áp dụng nhưng không phải tất cả khoản vay đều được cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà chỉ các khoản vay đáp ứng được các quy định.

Đầu tiên là chủ thể áp dụng là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đáp ứng các quy định sau đây:

- Dư nợ gốc phát sinh trước ngày 24 tháng 4 năm 2023 và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.

- Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 4 năm 2023 đến hết ngày 30/6/2024.

- Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong thời hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.

- Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận.

- Khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/ hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

- Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

- Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại thông tư 02/2023/TT-NHNN được thực hiện kể từ ngày 24 tháng 4 năm 2023 đến hết ngày 30/6/2024. 

Ngoài nội dung trên thì quý khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết có chủ đề tương tự tại địa chỉ: Chính sách mới giảm thuế, gia hạn thuế, giãn nợ, lãi vay năm 2023.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi, mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng liên hệ số Hotline 1900.6162 hoặc địa chỉ email:  lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!