Luật sư tư vấn:

1. Khái niệm tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả

Theo quy định tại Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ số 07/VBHN-VPQH năm 2019).

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

Tổ chức, cá nhân có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả, gồm:

Thứ nhất, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam;

Thứ hai, tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ồ nước khác;

Thứ ba, tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có tác phẩm được pháp luật bảo hộ, căn cứ theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a)     Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b)     Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c)     Tác phẩm báo chí;

d)     Tác phẩm âm nhạc;

đ)     Tác phẩm sân khấu;

e)     Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g)     Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

h)     Tác phẩm nhiếp ảnh;

i)       Tác phẩm kiến trúc;

k)   Bản họa đổ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

l)       Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

m)   Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

2.     Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

3.     Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

4.     Chính phủ hướng dẫn cụ thể về các loại hình tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ tác phẩm nào cũng được pháp luật bảo hộ. Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ quy định các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả: Tin tức thời sự thuần túy đưa tin; Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó; Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.

Những tác phẩm này không mang tính sáng tạo, không mang dấu ấn cá nhân chủ thể sáng tạo, không được pháp luật bảo hộ quyền tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.

 

2. Tác giả, đồng tác giả

2.1 Tác giả là một người

Tác giả là người trực tiếp sáng tạo toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Những người dịch tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác là tác giả tác phẩm dịch đó; người phóng tác từ tác phẩm đã có, người cải biên, chuyển thể tác phẩm từ loại hình này sang loại hình khác là tác giả của tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể đó, người biên soạn, chú giải, tuyển chọn tác phẩm của người khác thành tác phẩm có tính sáng tạo là tác giả của tác phẩm biên soạn, chú giải tuyển chọn đó.

Tác giả được phân chia làm hai nhóm. Nhóm tác giả sáng tạo ra tác phẩm gốc và nhóm tác giả dựa trên tác phẩm gốc của người khác để sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật mới thuộc các loại hình văn học khác nhau.

Nhóm tác giả thứ nhất: Được hiểu là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học là hoạt động tư duy của tác giả trực tiếp làm ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định: Một tiểu thuyết, một bài thơ, một bản nhạc. Hoạt động tư duy của tác giả tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học là phương thức tư duy hình tượng nghệ thuật để xây dựng (sáng tạo) tác phẩm. Trong quá trình hình thành cảm xúc thẩm mỹ và hình tượng nghệ thuật, tác giả đã bằng ý chí chủ quan của mình tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tác giả là người sáng tạo ra tác phẩm gốc một cách trực tiếp. Bản gốc (tác phẩm gốc) tác phẩm là bản đầu tiên của tác phẩm do tác giả sáng tạo ra.

Nhóm tác giả thứ hai: (Tác giả của tác phẩm tái sinh) là những người dựa trên tác phẩm gốc đã có của người khác hoặc của chính mình để sáng tạo. Những tác giả của tác phẩm này bao gồm: Người sưu tầm những tác phẩm đã công bố của người khác để làm tuyển tập, hợp tuyển, sắp xếp lại theo chủ đề nhất định, có tính sáng tạo thì được công nhận là tác giả của tác phẩm tuyển tập, hợp tuyển (quyền tác giả này không làm ảnh hưởng đến quyền của tác giả tác phẩm gốc). Những tác giả sau đây cũng thuộc nhóm tác giả thứ hai: Người dịch tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác là tác giả tác phẩm dịch đó, người phóng tác, người cải biên, người chuyển thể tác phẩm từ loại hình này sang loại hình khác là tác giả của tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể đó.

Theo cách phần loại trên, xét thấy trong nhóm tác giả thứ hai có tính sáng tạo trong quá trình tạo ra tác phẩm là không đồng nhất.

Tác giả là người dịch tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, từ chữ nôm ra chữ quốc ngữ thì tác giả dịch đó không có tính sáng tạo về nội dung so với tác phẩm gốc nhưng người dịch đã có sự sáng tạo hình thức và ngôn ngữ thể hiện nội dung tác phẩm đề có bản dịch vẫn giữ nguyên nội dung tác phẩm gốc một cách đầy đủ.

Tác giả là người biên soạn, người chú giải, tuyển chọn tác phẩm của người khác thành tác phẩm có tính sáng tạo là tác giả của tác phẩm biên soạn, chú giải, tuyển chọn đó. Nếu xét về tính sáng tạo nội dung thì những tác giả nói trên không can thiệp vào nội dung của tác phẩm gốc nhưng thông qua việc biên soạn, chú giải, tuyển chọn tác phẩm thì tác giả đã sáng tạo về hình thức, để làm tăng thêm chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Người tuyển chọn, chú giải là tác giả của tác phẩm chuyển chọn đó.

- Người phóng tác từ tác phẩm đã có, người cải biên, người chuyển thể tác phẩm từ loại hình này sang loại hình khác là tác giả của tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể đó.

Do đặc điểm của việc sáng tạo các sản phẩm trí tuệ, trong sáng tác văn học, nghệ thuật, khoa học tác giả có thể là một cá nhân hoặc bao gồm nhiều người cùng thể hiện ý chí sáng tạo ra tác phẩm, công trình, họ là đồng tác giả. Tác phẩm đồng tác giả là tác phẩm do hai hoặc nhiều tác giả sáng tạo.

Người sáng tạo ra tác phẩm, công trình là bất kỳ ai hoặc là người Việt Nam hoặc là người nước ngoài có tác phẩm lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam. Pháp luật của nước ta thừa nhận tác giả là người nước ngoài có tác phẩm lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam và tác phẩm của pháp nhân nước ngoài chưa được công bố, phổ biến ở bất kỳ nước nào trước khi được công bố, phổ biến tại Việt Nam. Quy định trên của pháp luật Việt Nam về quyền tác giả nhằm minh chứng cho quan điểm những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học do con người sáng tạo ra trong một chừng mực nào đó đều có ích cho nhân loại. Tuy nhiên, những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học của người nước ngoài được bảo hộ phải phù hợp với những quy định của pháp luật Việt Nam về loại hình tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam. Pháp luật Việt Nam quy định về quyền tác giả cũng như quy định về chủ thể sáng tạo ra các đối tượng sở hữu công nghiệp không phân biệt độ tuổi, trình độ văn hóa, thành phần xuất thân, địa vị chính trị của tác giả. Như vậy, mọi công dân Việt Nam đều có thể là tác giả sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật. Sáng tạo văn học, nghệ thuật là năng lực pháp luật dân sự của cá nhân, kể cả cá nhân là người nước ngoài.

Những quy định của pháp luật về quyền tác giả ở Việt Nam luôn mỏ ra khả năng và điều kiện cho mọi cá nhân sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học. Một mặt những quy định đó nhằm tạo ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học phục vụ nhu cầu tinh thần và nâng cao nhận thức về mọi mặt của nhân dân, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mặt khác cũng nhằm để nâng cao thẩm mỹ, ý thức công dân cho mọi người trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và bảo vệ, củng cố phát huy và xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời cũng luôn quan tâm đến sự kế thừa và tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Hiện nay, quá trình thực hiện công cuộc đổi mới ở Việt Nam đang diễn ra nhiều sự đổi thay mới mẻ. Cùng với những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, đời sống của nhân dân đã từng bước được cải thiện, giao lưu quốc tế được mở rộng, trình độ văn hóa và nhận thức về các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nhân dân cũng không ngừng được nâng lên. Căn cứ vào sự tăng trưởng kinh tế, xã hội của nước ta trong thời gian qua và hiện nay, có thể nhận định rằng chưa bao giờ Việt Nam lại mở ra những nhu cầu hiểu biết theo chiểu sâu, chiếu rộng trên mọi lĩnh vực của nó như bây giờ. Khác với những gì mà một cá nhân chưa khẳng định được do điều kiện kinh tế trước đầy thì trong giai đoạn hiện nay mọi cá nhân đều có quyền sống và tự khẳng định mình. Pháp luật quy định về quyền tác giả đã mở ra cho mọi cá nhân có cơ hội sáng tạo ra những sản phẩm trí tuệ thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật có nội dung tư tưởng phục vụ cho con người một cách hữu ích nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân phù hợp với những nhu cầu vật chất mà xã hội đã đạt được hoặc chắc chắn đạt được.

-   Thứ nhất, quyền tác giả đối với tác phẩm phát sinh vào thời điểm tác phẩm sáng tạo được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định, không phân biệt tác phẩm đã công bố hoặc chưa công bố, đã đăng ký hoặc chưa đăng ký bảo hộ;

-   Thứ hai, căn cứ vào thời điểm tác phẩm được tác giả thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định thì quyền tác giả phát sinh. Về mặt khách quan tác phẩm, công trình đã được tác giả trực tiếp sáng tạo ra thì quyền tác giả được xác lập. Pháp luật dân sự không quy định những cơ sở để đánh giá một tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học đạt giá trị nghệ thuật, khoa học cao hay thấp mà chỉ quy định cơ sở xác định khách thể của quyền tác giả đã có hay chưa.

Khách thể của quyền tác giả là kết quả lao động sáng tạo của một người đã trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, công trình dưới dạng vật chất nhất định.

Như vậy, tác giả là người sáng tạo trên sự hoạt động tư duy của mình để trực tiếp làm ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học. Cho dù tác phẩm đó có nội dung pháp luật cấm thì tác giả của tác phẩm thuộc danh mục những tác phẩm nhà nước không bảo hộ vẫn xác định được là ai.

- Tác phẩm do một người sáng tạo ra: Tác phẩm, công trình do tác giả trực tiếp sáng tạo được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Việc pháp luật không thừa nhận quyền của người tạo ra những tác phẩm có nội dung pháp luật cấm là căn cứ làm triệt tiêu quyền nhân thân và quyền tài sản của người đã tạo ra những tác phẩm công trình đó. Phải xác định được những cơ sở trên thì mới có căn cứ quy trách nhiệm cho người tạo ra tác phẩm có nội dung bị cấm đó, đồng thời là căn cứ để xác định những hành vi giao dịch để sử dụng, hưởng lợi từ tác phẩm, công trình đó là bất hợp pháp; người vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật. Những hành vi vi phạm hoặc do chính tác giả của tác phẩm thực hiện hoặc do người khác tiến hành. Trong trường hợp này, tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tác phẩm của mình, người lưu thông các tác phẩm có nội dung bị cấm đó cũng chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

2.2 Tác phẩm đồng tác giả

Tác phẩm đồng tác giả là tác phẩm do hai hoặc nhiều tác giả sáng tạo. Theo hướng dẫn trên thì một tác phẩm có từ hai người trở lên cùng hoạt động tư duy trực tiếp sáng tạo một phần hoặc toàn phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học thì họ là đồng tác giả. Vấn đề đặt ra ở đây cần phải được làm rõ là dựa trên những tiêu chí nào để có thể xác định tác phẩm đồng tác giả? Trong mọi trường hợp một tác phẩm có từ hai người trở lên cùng sáng tạo thì họ luôn luôn được xác định là đồng tác giả. Việc xác định tác phẩm đồng tác giả và tác phẩm của riêng một người có ý nghĩa về mặt pháp lý. Vì việc xác định đó là cơ sở để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền tác giả, kể cả việc giải quyết những tranh chấp liên quan đến quyền đó.

Tác phẩm đồng tác giả về chủ thể phải có từ hai tác giả cùng hoạt động tư duy trực tiếp làm ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm, công trình thì những người cùng sáng tạo ra tác phẩm đó là đồng tác giả. Cần thiết phải xác định những yếu tố sau đây để hiểu thế nào về việc nhiều người cùng sáng tạo ra tác phẩm:

- Nhiều người cùng thống nhất ý chí với nhau trong việc trực tiếp tạo ra tác phẩm, công trình thì họ là đồng tác giả của tác phẩm, công trình đó. Tuy nhiên, cần phải xác định công trình, tác phẩm đó phải là một tác phẩm, công trình thống nhất cả về mặt nội dung và hình thức thể hiện. Ý chí của các chủ thể cùng sáng tạo ra tác phẩm, công trình được thể hiện chỗ họ cùng định hướng cho nội dung tác phẩm, công trình, cùng thể hiện ý chí để tạo ra tác phẩm mà không có sự phân biệt giữa người sáng tạo phần này, phần kia thuộc nội dung tác phẩm.

Những người cùng sáng tạo tác phẩm, công trình đều chịu trách nhiệm chung về nội dung của tác phẩm, công trình và họ được gọi là đồng tác giả;

- Một tác phẩm do nhiều người cùng sáng tạo nhưng phần của mỗi người sáng tạo ra hoàn toàn xác định được về nội dung hoặc về hình thức hoặc cả về loại hình nghệ thuật, khi đó họ không phải là đồng tác giả. Theo chúng tôi, khi xác định một tác phẩm có nhiều người cùng sáng tạo nhưng không phải bao giờ họ cũng với tư cách là đồng tác giả của tác phẩm đó. Muốn xác định một tác phẩm của đồng tác giả cần phải có các yếu tố như họ cùng thể hiện ý chí sáng tạo, tư duy của mọi người đều được thể hiện ra bên ngoài dưới hình thức tác phẩm được hoàn thành và không phân biệt được phần sáng tạo của mỗi người trong nội dung của tác phẩm, công trình đó. Ngược lại, một tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học do nhiều người cùng đóng góp công sức sáng tạo ra nhưng phần sáng tạo của mỗi người hoàn toàn độc lập nhau hoặc xác định được sự khác biệt về nội dung, về loại hình nghệ thuật hoặc hình thức thể hiện thì tác phẩm, công trình do nhiều người sáng tạo đó không thuộc về tác phẩm đồng giả; khi đó mỗi người là tác giả của phần mình sáng tạo ra. Như vậy, khái niệm đồng tác giả khác biệt với khái niệm tập thể tác giả. Tập thể tác giả là những người cùng đóng góp công sức sáng tạo ra tác phẩm, công trình nhưng việc sáng tạo của mỗi người xác định được theo thành quả sáng tạo của riêng mình. Một tác phẩm điện ảnh thể hiện rõ nhất đặc điểm của tập thể tác giả.

Biết rằng một tác phẩm điện ảnh phải do công sức của nhiều người tạo ra nhưng phần sáng tạo của mỗi người là độc lập nhau: Tác giả kịch bản phim, người đạo diễn, tác giả phần nhạc phim, tác giả hóa trang, tác giả thiết kế mỹ thuật. Những đặc điểm trên của tác phẩm điện ảnh cũng có trong trường hợp các tác giả văn học, nghệ thuật sáng tạo các truyện ngắn về một chủ đề nhất định hoặc sáng tạo thơ theo một đề tài định sẵn, sau đó các truyện ngắn, các bài thơ của nhiều người cùng sáng tạo được in chung trong một tập thì họ chỉ là một tập thể tác giả mà không phải là đồng tác giả mà không phải là đồng tác giả của tác phẩm đó. Những yếu tố không thuộc về quan hệ đồng tác giả được thể hiện rõ trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu. Tác giả kịch bản, người đạo diễn, nhạc sĩ viết phần nhạc đệm, họa sĩ sân khấu, họa sĩ điên ảnh không thể là đồng tác giả của tác phẩm điện ảnh, sân khấu đó. Vì phần sáng tạo của mỗi người đều độc lập và xác định được theo loại hình nghệ thuật khác nhau, tuy rằng tất cả các loại hình nghệ thuật do các tác giả sáng tạo ra đều là một yếu tố cấu thành tác phẩm điện ảnh hay sân khấu.

Như ở phần trên, chúng tôi đã nhận xét việc xác định tác phẩm đồng tác giả với tác phẩm của một người có ý nghĩa trong việc xác định thời hạn bảo hộ quyền tác giả, xác định lợi ích nhân thân và lợi ích tài sản của tác giả tác phẩm, xác định quan hệ thừa kế tác phẩm, xác định quyền chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm.

Tóm lại, một tác phẩm đồng tác giả có từ hai người trở lên cùng thống nhất từ tư duy đến sự thể hiện tác phẩm, công trình mà tác phẩm là kết quả của quá trình sáng tạo thống nhất của các tác giả. Mặc dù sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và tác phẩm văn học, nghệ thuật đều là kết quả sáng tạo trí tuệ nhưng hai nhóm đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ mang ý nghĩa kinh tế - xã hội khác nhau trong từng lĩnh vực cụ thể. Các sở hữu trí tuệ thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học không thể có sự trùng lặp cho dù là tương đối giữa các tác giả sáng tạo khác nhau, mặc dù hai tác giả cùng viết về một để tài, một thể loại văn học đi chăng nữa. Vì ý tưởng xây dựng hình tượng và cách thể hiện cảm xúc, thẩm mỹ của các tác giả rất khác nhau. Như vậy, trong sáng tạo văn học, nghệ thuật không thể có sự trùng lặp về nội dung và bút pháp thể hiện ý tưởng. Ngược lại, đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp là các giải pháp kỹ thuật nhằm giải quyết một số vấn đề khoa học - công nghệ cụ thể nào đó cho dù những tác giả khác nhau cũng có thể cùng tạo ra một giải pháp kĩ thuật dưới dạng một sáng chế, một giải pháp hữu ích, một kiểu dáng công nghiệp tương tự như nhau.

Một vấn đề cần phải làm rõ là trường hợp các tác giả sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học tuy có sự thể hiện những phần nội dung của một tác phẩm cụ thể nhưng họ không có sự thống nhất ý chí khi sáng tạo ra tác phẩm cho dù tác phẩm, công trình đó là một thể thống nhất nhưng sau đó họ đã thỏa thuận với nhau cùng đứng tên là đồng tác giả tạo ra tác phẩm đó thì sự thỏa thuận thiết lập đồng tác giả của tác phẩm có hợp pháp hay không?

Xuất phát từ cơ sở tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học là sản phẩm của sáng tạo trí tuệ, do đó phần sáng tạo của mỗi người đã được xác định là của riêng người đó thì quyền tác giả của mỗi người được xác lập vào thời điểm phần nội dung của tác phẩm đã được người đó thực hiện với tư cách là tác giả độc lập. Trong trường hợp này các tác giả thỏa thuận với nhau họ là đồng tác giả của tác phẩm là không phù hợp với nguyên tắc chung của pháp luật quy định về quyền tác giả. Theo chúng tôi, không nên nhầm lẫn các trường hợp một tác phẩm do nhiều người cùng sáng tạo nhưng mỗi người viết một chương hoặc một phần thì họ là đồng tác giả của tác phẩm đó. Trường hợp này họ được coi là tác giả riêng biệt của phần mỗi người sáng tạo độc lập và tác phẩm được nhiều người cùng thể hiện theo từng chương, từng phần là bộ phận thuộc nội dung tác phẩm, họ được gọi là tập thể tác giả.

Khi xác định tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học phải dựa trên cơ sở người đó là người trực tiếp sáng tạo toàn bộ hoặc một phần tác phẩm, công trình còn những cá nhân, tổ chức làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả. Trong thực tế, một số chiến sĩ cách mạng trong cuộc đời hoạt động cách mạng có nhiều sự kiện mà người đó phải trải nghiệm gắn liền với sự nghiệp cách mạng của nhân dân đã được một nhà văn ghi chép lại theo lời kể của người đó dưới thể loại hồi ký thì nhà văn là tác giả của tác phẩm hồi ký đó. Người kể lại để nhà văn ghi chép chỉ là nhân vật của tác phẩm mà không phải là chủ thể sáng tạo ra tác phẩm. Việc xác định trên có ý nghĩa về mặt pháp lý trong việc phân biệt tác giả với người cung cấp tư liệu cho tác giả xây dựng tác phẩm. Những tư liệu do người khác cung cấp chưa phải là tác phẩm văn học nghệ thuật. Tác phẩm văn học, nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống thông qua sáng tạo của nhà văn để tái tạo cuộc sống qua hình tượng văn học. Vì vậy tác phẩm văn học, nghệ thuật không phải cuộc sống mà chỉ là phương tiện phản ánh cuộc sống hiện thực. Tác phẩm văn học, nghệ thuật được hình thành thông qua tài năng sáng tạo của tác giả. Người cung cấp tư liệu, người góp ý kiến, người hỗ trợ cho tác giả sáng tạo ra tác phẩm, công trình không phải là tác giả của tác phẩm.

Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vự sở hữu trí tuệ bạn có thể sử dụng: Dịch vụ luật sư tư vấn pháp luật qua email hay Dịch vụ luật sư tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi: 1900.6162, hoặc có thể Đặt lịch để gặp luật sư tư vấn trực tiếp tại văn phòng. Đội ngũ luật sư của Công ty luật Minh Khuê luôn sẵn sàng phục vụ bạn./.