Trong công ty hợp danh, quy định về việc thay đổi tài sản góp vốn của các thành viên góp vốn là chưa có quy định. Đồng thời cũng chưa có quy định về việc thay đổi tài sản góp vốn đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Tuy nhiên, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên thì pháp luật có quy định cho phép các thành viên công ty thay đổi tài sản góp vốn như sau:

 

1. Thế nào là tài sản góp vốn?

Căn cứ quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Đây là tài sản mà các chủ sở hữu công ty đã góp vào để tạo thành vốn điều lệ của doanh nghiệp khi thành lập hoặc góp vốn nhằm làm tăng thêm vốn điều lệ trong quá trình doanh nghiệp đang hoạt động. Các tài sản này bắt buộc phải định giá được bằng Đồng Việt Nam. Các loại tài sản bao gồm:

  • Đồng Việt Nam: Việc sử dụng tiền mặt làm tài sản góp vốn khá phổ biến. Khi góp vốn là tiền mặt vào công ty thì công ty có thể sử dụng tài sản góp vốn này đi mua các loại tài sản khác dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: Quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
  • Bất động sản bao gồm: Đất đai, nhà ở,... Các chủ sở hữu công ty có thể sử dụng bất động sản làm tài sản góp vốn cho công ty hoặc có thể dùng bất động sản làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay vốn.
  • Các loại tài sản cố định bao gồm: Máy móc, thiết bị sản xuất, phương tiện vận chuyển,... Các chủ sở hữu công ty có thể đưa các tài sản này vào công ty để góp vốn sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Đồng thời, pháp luật quy định chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với các tài sản này thì mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật. Điều này nhằm hạn chế những rủi ro có liên quan đến tài sản góp vốn của chủ sở hữu công ty.

 

2. Thay đổi tài sản góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên

Căn cứ Khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thành viên công ty phải góp đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi thành lập công ty. Các thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại của công ty.

- Điều kiện thay đổi tài sản góp vốn:

  • Thời hạn thay đổi tài sản góp vốn: Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Pháp luật chỉ mới đặt ra quy định thay đổi tài sản góp vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp phép đăng ký kinh doanh mà chưa quy định cụ thể về việc thay đổi tài sản vốn góp sau thời điểm này. Do vậy mà khi thay đổi tài sản vốn sau thời hạn 90 ngày này thì các thành viên cũng cần căn cứ vào Điều lệ công ty để xác định.
  • Được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại của công ty: Các thành viên công ty chỉ được góp một loại tài sản khác so với loại tài sản đã cam kết góp ban đầu nếu được 50% số thành viên còn lại tán thành. Do vậy mà khi muốn thay đổi tài sản góp vốn thì phải có sự thỏa thuận giữa các đa số thành viên còn lại; đồng thời tài sản góp vốn thay thế phải tương ứng với tỷ lệ vốn góp đã cam kết trước đó. Nếu các thành viên còn lại không đồng ý thì thành viên công ty cũng không có quyền thay đổi loại tài sản góp vốn.
  • Tài sản thay thế tài sản góp vốn: Tài sản này phải là các tài sản được quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm: Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

 

3. Thủ tục thay đổi tài sản góp vốn trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên

- Bước 1: Mở cuộc họp thông qua việc thay đổi tài sản góp vốn.

Công ty TNHH 2 thành viên phải mở cuộc họp hội đồng thành viên để nhất trí thông qua việc thay đổi tài sản góp vốn. Việc thay đổi tài sản góp vốn chỉ được phép thực hiện khi được trên 50% các thành viên còn lại của công ty chấp thuận.

- Bước 2: Thực hiện định giá tài sản góp vốn.

Đối với các loại tài sản góp vốn thay thế (định giá đối với tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng) cần định giá thì công ty phải thực hiện định giá theo quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020. Các tài sản góp vốn phải được thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá.

  • Một là, Các thành viên trong công ty tự định giá. Các thành viên trong công ty sẽ định giá theo nguyên tắc đồng thuận. Trong trường hợp tài sản góp vốn bị định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập phải có trách nhiệm liên đới góp thêm bằng số tiền chênh lệch giữa giá trị được định giá với giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá. Đồng thời, nếu có thiệt hại xảy ra thì các thành viên công ty phải liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
  • Hai là, công ty có thể thuê các tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp để thực hiện thẩm định giá đối với tài sản góp vốn. Trường hợp yêu cầu một tổ chức thẩm định giá thực hiện thì giá trị tài sản được định giá phải được trên 50% số thành viên, cổ đông chấp thuận.

- Bước 3: Thông báo đến phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Khi thay đổi tài sản góp vốn thì doanh nghiệp phải đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.

  • Đối với tài sản góp vốn thay thế là tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất là tài sản góp vốn thì không phải chịu lệ phí trước bạ.
  • Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu: Việc góp vốn được thực hiện thông qua việc giao nhận tài sản góp vốn giữa thành viên với công ty. Việc góp vốn chỉ được coi là hoàn thành khi tài sản góp vốn đã được chuyển qua công ty. Đồng thời, chứng minh việc giao nhận tài sản góp vốn thông qua biên bản giao nhận tài sản góp vốn. Biên bản bao gồm các nội dung chủ yếu bao gồm: Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; họ tên, địa chỉ liên lạc, số giấy tờ pháp lý của cá nhân, số giấy tờ pháp lý của người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; ngày giao nhận, chữ ký của người góp vốn hoặc người đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty. 

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu vướng mắc, chưa rõ hoặc còn vấn đề pháp lý khác cần tư vấn vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến theo hotline, gọi ngay số: 1900.6162 hoặc email: lienhe@luatminhkhue.vn. Xin trân trọng cảm ơn.