Luật sư tư vấn:

Căn cứ quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và  Nghị định 01/2021/NĐ-CP Quy định về Đăng ký doanh nghiệp có thể phân tích cụ thể như sau:

 

1. Tài sản góp vốn là gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, góp vốn được định nghĩa là các cá nhân, tổ chức thực hiện việc góp tài sản của mình để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Như vậy, ta có thể hiểu rằng việc góp vốn sẽ được các doanh nghiệp thực hiện qua hai thời điểm cụ thể đó là: khi thành lập doanh nghiệp và sau khi thành lập doanh nghiệp. Thông qua việc góp vốn đối với các doanh nghiệp thì sẽ làm tăng vốn điều lệ của các doanh nghiệp từ đó giúp doanh nghiệp mở rộng và phát triển tốt hơn.

 

2. Những loại tài sản dùng để góp vốn

Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.

Theo Điều 34 Luật doanh nghiệp năm 2020, Tài sản góp vốn bao gồm:

  1. Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
  2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật

 

3. Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn

Căn cứ theo Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020, quy định:

“1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:

a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;

b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.

2. Biên bản giao nhận tài sản góp vốn phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

b) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, số giấy tờ pháp lý của cá nhân, số giấy tờ pháp lý của tổ chức của người góp vốn;

c) Loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty;

d) Ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc người đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty.

3. Việc góp vốn chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.

4. Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.

5. Việc thanh toán đối với mọi hoạt động mua, bán, chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp, nhận cổ tức và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài đều phải được thực hiện thông qua tài khoản theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, trừ trường hợp thanh toán bằng tài sản và hình thức khác không bằng tiền mặt.”

Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:

 

3.1. Đối với tài sản đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất

Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ.

 

3.2. Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu

Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.

Biên bản giao nhận phải có các ghi rõ những nội dung như sau:

- Tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty;

- Họ, tên, địa chỉ thường trú, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc đăng ký của người góp vốn;

- Loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn;

- Tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty;

- Ngày giao nhận;

- Chữ ký của người góp vốn hoặc đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty.

Lưu ý:

- Cổ phần hoặc phần vốn góp bằng tài sản không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.

- Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.

- Thanh toán mọi hoạt động mua, bán, chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp và nhận cổ tức của nhà đầu tư nước ngoài đều phải được thực hiện thông qua tài khoản vốn của nhà đầu tư đó mở tại ngân hàng ở Việt Nam, trừ trường hợp thanh toán bằng tài sản.

 

4. Việc định giá tài sản góp vốn

Việc định giá tài sản góp vốn được quy định tại Điều 36 Luật doanh nghiệp như sau: Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

 

4.1. Đối với tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp

  • Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
  • Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

 

4.2. Đối với tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động

- Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận.

- Trường hợp nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời, liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

 

5. Điều kiện tài sản góp vốn:

Tài sản góp vốn phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

- Tài sản đem góp vốn phải thuộc sở hữu hợp pháp của người góp vốn hoặc thuộc quyền định đoạt của người góp vốn. Khi các cá nhân, chủ thể tham gia góp vốn thành lập công ty, người góp vốn phải thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản đem góp vốn sang cho công ty và điều này chỉ có thể thực hiện nếu tài sản đó thuộc sở hữu hợp pháp hoặc thuộc quyền định đoạt của người góp vốn. Người không phải chủ sở hữu chỉ có quyền định đoạt tài sản theo sự ủy quyền của chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật. Vì vậy tài sản góp vốn phải thuộc quyền sở hữu hoặc thuộc quyền định đoạt của người góp vốn.

- Tài sản đem góp vốn phải là tài sản có thể chuyển nhượng được. Theo quy định của pháp luật hiện hành có một số tài sản bị hạn chế quyền định đoạt như tài sản chung của vợ chồng, tài sản đem thế chấp (quyền sử dụng đất, nhà thế chấp,..). Những tài sản dù thuộc quyền sở hữu của người góp vốn nhưng trên thực tế không thể thực hiện được việc chuyển nhượng cho công ty hay cho người khác nên không được sử dụng để góp vốn nếu không có sự chấp thuận của người nhận thế chấp, người sở hữu chung. Vì vậy, tài sản đem góp vốn phải là tài sản có thể chuyển nhượng được.

- Phải có đầy đủ các giấy tờ chứng nhận đối với tài sản có đăng kí sở hữu. Việc đăng kí sở hữu đối với các loại tài sản nhất định do pháp luật quy định cụ thể tùy theo tính chất đặc biệt của các loại tài sản như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà,…là để thực hiện quản lý nhà nước và đảm bảo quyền của các chủ sở hữu. Để tránh các tranh chấp xảy ra sau khi thực hiện góp vốn làm phương hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thì đối với trường hợp các cá nhân, tổ chức thực hiện góp vốn bằng các loại tài sản này phải có đầy đủ các giấy tờ xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng của người góp vốn đối với tài sản góp vốn.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nội dung tư vấn dựa trên quy định pháp luật hiện hành. Mục đích nhằm cung cấp cho các cá nhân và tổ chức tham khảo. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.