1. Thời gian giải quyết vụ án hình sự là bao lâu?

Kính gửi công ty Luật Minh Khuê, cách đây hơn 2 tháng tôi có bị 1 nhóm thanh niên chặn đường để đánh. Tôi đi giám định thương tật thì tỷ lệ là 28%.Gia đình tôi đã làm đơn báo lên công an nhưng hơn 2 tháng rồi chúng tôi chưa được sự phản hồi từ phía công an. Chúng tôi lên hỏi thì trả lời là khi nào có kết quả sẽ thông báo.
Luật sư cho tôi hỏi công an làm như vậy là có đúng theo quy định không? Thời gian giải quyết vụ án hình sự là bao lâu?
Tôi xin cảm ơn luật sư!

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.6162

 

Luật sư tư vấn:

Khoản 1, khoản 2, điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định:

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

Theo căn cứ trên thì thời gian để cơ quan điều tra ra quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không là 20 ngày. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết xác minh thì có thể gia hạn nhưng không quá 2 tháng.

– Theo điều 172 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Sau khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì sẽ tiến hành điều tra. Thời hạn điều tra được quy định như sau:

+ Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

+ Nếu vụ án có tính chất phức tạp thì có thể được gia hạn thời hạn điều tra, cụ thể: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng; Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 02 lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng; Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 02 lần, mỗi lần không quá 04 tháng; Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra 03 lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

Hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra sẽ ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố.

– Thời hạn truy tố: Căn cứ theo điều 240 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát sẽ ra bản cáo trạng tuy tố bị can trước Tòa án.

Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn, nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

– Thời hạn xét xử: Điều 277 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì thời hạn xét xử quy định như sau:

+ Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

+ Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn 30 ngày.

Như vậy thời hạn để giải quyết một vụ án hình sự, kể từ thời điểm nhận tố giác, khởi tố vụ án đến mở phiên tòa xét xử là:

– Đối với tội phạm ít nghiêm trọng thì thời hạn giải quyết vụ án là khoảng 4 tháng 25 ngày; trường hợp đặc biệt, được gia hạn thì tối đa là 9 tháng 15 ngày.

– Đối với tội nghiêm trọng thì thời hạn giải quyết vụ án là khoảng 6 tháng 10 ngày; trường hợp đặc biệt, được gia hạn thì tối đa là 14 tháng.

– Đối với tội nghiêm trọng thì thời hạn giải quyết vụ án là khoảng 8 tháng 5 ngày; trường hợp đặc biệt, được gia hạn thì tối đa là 19 tháng 15 ngày.

– Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn giải quyết vụ án là khoảng 9 tháng 5 ngày; trường hợp đặc biệt, được gia hạn thì tối đa là 22 tháng.

Như vậy việc cơ quan công an đã nhận đơn trình báo của bạn hơn 2 tháng mà chưa có quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không là sai quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

 

2. Lập công lớn được miễn chấp hành hình phạt tù?

Thưa luật sư, Tôi muốn hỏi: Xin cho biết điều kiện để được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt tù? Em trai tôi bị tòa án phạt 30 tháng tù về tội cố ý gây thương tích, trong khi chờ đi thụ hình đã có công cứu được 2 trẻ em bị nước lũ cuốn trôi thì có được được miễn chấp hành hình phạt đó không ?
(Lâm Văn Hải, Hà Giang)

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900.6162

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua điện thoại, gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 57 Bộ luật hình sự và hướng dẫn tại Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 thì người bị kết án tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo (“lập công lớn” là trường hợp người bị kết án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị hoặc thành tích xuất sắc đột xuất khác được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận).

b) Người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội, được chứng minh bằng việc họ đã hoàn lương, chăm chỉ làm ăn, tham gia các hoạt động xã hội...

c) Được Viện trưởng Viện kiểm sát đề nghị bằng văn bản cho miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

Theo các quy định nói trên, nếu em trai bạn có công cứu được 2 trẻ em bị nước lũ cuốn trôi, hiện đã chăm chỉ làm ăn, tham gia các hoạt động xã hội... và được Viện trưởng Viện kiểm sát đề nghị thì có thể được xét miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

 

3. Đình chỉ vụ án hình sự, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự?

Kính gửi luật sư, Tôi muốn được tư vấn xử lý vụ việc đã bị cơ quan công an đình chỉ 8 năm nay (bằng văn bản) mà không xử lý gì. Vụ việc là chị gái tôi đi làm ăn xa và hai đối tượng điều khiển xe máy gây án mạng đối nhưng sau khi xem xét hồ sơ thì cơ quan công an lại đình chỉ điều tra vì lý do không xác nhận được đối tượng cầm lái. Gia đình chúng tôi bố mẹ già lại ở xa nên không thể theo vụ án được, cũng nghi ngờ có mờ ám nên lực bất tòng tâm. Kính mong luật sư tư vấn để kẻ ác phải bị trừng trị. Gia đình tôi vô cùng cảm ơn!
Hiện chúng tôi có trong tay mọi giấy chứng nhận của địa phương về vụ án, giấy báo tử của bệnh viện, giấy chứng tử của địa phương và giấy đình chỉ điều tra của cơ quan công an.

Luật sư tư vấn:

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sau khi có sự việc phạm tội xảy ra cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát sẽ ra quyết định khởi tố vụ án. Sau đó, sẽ chuyển giao cho cơ quan điều tra tiến hành điều tra. Theo quy định tại khoản 7 điều 173 BLTTHS 2015, khi hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra. Trường hợp của gia đình bạn do chưa xác định được người phạm tội cho nên cơ quan điều tra ra quyết định điều tra là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Như vậy, cách giải quyết của gia đình bạn đó là cần phải có quyết định phục hồi điều tra của Cơ quan điều tra, tuy nhiên chỉ trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thưa luật sư, xin hỏi: Trường hợp ở địa phương em có vụ việc như thế này. Cán bộ địa phương gồm trưởng thôn, bí thư lạm dụng chức quyền tự ý bán 2 cây xanh của địa phương với giá 35 triệu. sự việc đã bị nhân dân địa phương ngăn chặn và đã bị nhân dân đệ đơn kiện 2 cán bộ đó. Họ bán cây không thông qua ý kiến phường và nhân dân. Vậy họ có tội hay không, mức độ hình sự hay dân sự, hình thức kỉ luật ở mức độ nào ?

Trường hợp này các đối tượng đã có những dấu hiệu đủ để cấu thành tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 355 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, do có cả bí thư chi bộ cho nên với đối tượng này phải bị xử lý kỷ luật Đảng trước khi đưa ra xử lý hình sự.

Thưa luật sư, xin hỏi: Tại sao có sự khác nhau giữa bộ luật 1999 và 2017 về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự từ ở độ tuổi 14 đến dưới 16 tuổi ?

Điều 12 - Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:

Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Bộ luật hình sự năm 2017 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:

Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:

a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);

b) Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);

c) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy);

d) Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép);

đ) Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);

e) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).

Như vậy, quy định tại Bộ luật hình sự năm 2017 mở rộng phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự của nhóm đối tượng từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi đối với nhóm tội xâm phạm tính mạng, danh dự nhân phẩm. Lý do này có thể xuất phát từ thực tiễn, tình hình tội phạm hiện nay: lứa tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm hiện nay phạm tội này rất nhiều, do vậy cần loại ngăn chặn vi phạm.

Thưa luật sư, xin hỏi: Vào tháng 8 năm 2019 em có xin bạn A cho em làm về bán tài khoản tài phim đồi trụy cho người nước ngoài. Ngoài em ra còn có 2 bạn nữa cũng xin làm cho bạn A. A có trang thanh toán là a1.com. trang web này là dùng để lưu trữ file phim đồi trụy. khách hàng thanh toán tiền mua tài khoản tải phim qua trang này. Tiền khách hàng thanh toán bạn A sẽ nhận và trả cho bọn em theo tỉ lệ 65%. bạn A dạy em tất cả các bước để làm. Số tiền em nhận từ bạn A là 150 triệu đồng. Bọn em đã thành khẩn khai báo với cơ quan công an. Và cũng mong sẽ được khắc phục hậu quả tiền thu lợi bất chính. Bọn em cũng mới phạm tội lần đầu. Luật sư cho em hỏi em và bạn A sẽ phải chịu hình phạt theo khung mấy và mức như thế nào trong điều 253 ạ?

Do thông tin bạn đưa ra chưa cụ thể, rõ ràng nên chúng tôi chủ đưa ra các mức hình phạt tương ứng với tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy như sau:

Điều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy

1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi truỵ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);b) Sách in, báo in có số lượng từ 50 đơn vị đến 100 đơn vị;c) Ảnh bản giấy có số lượng từ 100 ảnh đến 200 ảnh;d) Phổ biến cho 10 người đến 20 người;đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:a) Có tổ chức;b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);c) Sách in, báo in có số lượng từ 51 đơn vị đến 100 đơn vị;d) Ảnh bản giấy có số lượng từ 201 ảnh đến 500 ảnh;đ) Phổ biến cho 21 người đến 100 người;e) Đối với người dưới 18 tuổi;g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;b) Sách in, báo in có số lượng 101 đơn vị trở lên;c) Ảnh bản giấy có số lượng 501 ảnh trở lên;d) Phổ biến cho 101 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, phải căn cứ những yếu tố trên mới có thể xác định được đúng khung hình phạt mà bạn sẽ bị áp dụng. Hình phạt cụ thể sẽ do Tòa án quyết định.

 

4. Các trường hợp miễn truy cứu trách nhiệm hình sự?

Kính gửi! Luật sư Công ty Luật Minh Khuê, tôi có một số thắc mắc mong được Luật sư giải đáp. Theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì trường hợp nào được xem xét để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự ?
Rất mong sớm nhận được hồi âm từ các chuyên gia. Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe!

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.6162

 

Luật sư tư vấn:

Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý mà người phạm tội phải chịu trước Nhà nước do việc thực hiện hành vi phạm tội mà mình đã thực hiện. Trách nhiệm hình sự chỉ có thể áp dụng đối với người phạm tội nhưng không có nghĩa người phạm tội nào cũng đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong nhiều trường hợp, theo quy định của pháp luật hình sự, người phạm tội không bị buộc phải chịu trách nhiệm hình sự mà có thể được xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Miễn truy cứu trách nhiệm hình sự là việc cơ quan có thẩm quyền dựa vào các căn cứ, điều kiện cụ thể của người phạm tội để có thể ra quyết định cho người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ vào khoản 3 Điều 29 quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng, dẫn chiếu tới Điều 9 và Điều 11 tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 cụ thể như sau:

Điều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự.........

3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Điều 9. Phân loại tội phạm

1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:

a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Điều 11. Vô ý phạm tội

Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;

2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Theo đó, trong trường hợp người thực hiện tội phạm nghiêm trọng với khung hình phạt từ 3 năm tù đến 7 năm tù do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng với mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm mà gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quảvà được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và được họ đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 

5. Quy định về miễn trách nhiệm hình sự?

Trách nhiệm hình sự (TNHS) là hậu quả pháp lý mà bản thân người phạm tội phải gánh chịu trước Nhà nước do việc thực hiện hành vi phạm tội. Nhà nước có quyền áp dụng chế tài hình sự đối với người phạm tội. Hậu quả là người phạm tội bị áp dụng biện pháp cưỡng chế (hình phạt, biện pháp tư pháp) của luật hình sự.

Miễn TNHS là chấm dứt TNHS đối với người phạm tội, là Nhà nước không buộc người phạm tội phải gánh chịu hậu quả pháp lý hình sự do việc thực hiện hành vi phạm tội. Miễn TNHS khác với trường hợp không có TNHS hoặc không phải chịu TNHS (vì đây là trường hợp không phạm tội). Miễn TNHS cũng khác với miễn hình phạt về căn cứ và thẩm quyền áp dụng.

Miễn TNHS là chế định nhân đạo trong luật hình sự Việt Nam. Thực hiện những quy định này là nhằm tiết kiệm việc áp dụng chế tài của luật hình sự nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Áp dụng đúng chế định này có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng mục tiêu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy vậy, không ít cán bộ tư pháp hiện nay chưa nhận thức đúng về chế định này, chưa phân biệt chính xác, đầy đủ về những trường hợp “được” miễn TNHS và những trường hợp “có thể được” miễn TNHS, dẫn đến sự lúng túng khi áp dụng vào quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Trước năm 1985, chế định miễn TNHS được ghi nhận trong các văn bản pháp quy hình sự đơn hành (Sắc lệnh, Pháp lệnh, Thông tư) với nhiều tên gọi khác nhau như “tha miễn TNHS”, “miễn tố”, “miễn hết cả tội”… Trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985, chế định miễn TNHS được quy định tại các Điều 16, 48, 74, 227 và 247. Qua thực tiễn áp dụng, chế định miễn TNHS đã được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hơn. Trong Bộ luật Hình Sự năm 1999, chế định miễn TNHS được ghi nhận tại các Điều 19, 25, 69, 80, 289, 290 và 314. Theo đó, các quy định về miễn TNHS bao gồm hai loại: quy định có tính chất bắt buộc, tức là dứt khoát “được miễn TNHS” và quy định có tính chất tuỳ nghi, tức là “có thể được miễn TNHS”. Với quy định có tính chất bắt buộc thì khi gặp những trường hợp phù hợp với nội dung của điều luật, cơ quan có thẩm quyền phải miễn TNHS cho người phạm tội. Với quy định có tính chất tuỳ nghi thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà đánh giá tính chất, mức độ của sự việc và đi đến quyết định miễn TNHS hoặc không miễn TNHS cho người phạm tội.

>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua điện thoại gọi: 1900.6162

Các trường hợp được miễn TNHS

Theo quy định của BLHS hiện hành, trong các trường hợp sau đây, người phạm tội “được miễn TNHS”:

+ Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn TNHS về tội định phạm (đoạn 2 Điều 19 BLHS).

+ Người phạm tội được miễn TNHS, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa (khoản 1 Điều 25 BLHS).

+ Người phạm tội được miễn TNHS khi có quyết định đại xá (khoản 3 Điều 25 BLHS).

+ Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn TNHS (khoản 3 Điều 80 BLHS).

Khi có đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để xác định rằng người phạm tội thuộc một trong bốn trường hợp này thì cơ quan có thẩm quyền phải miễn TNHS cho họ.

Khoản 1 Điều 27 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Thời hiệu truy cứu TNHS là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu TNHS”. Những trường hợp “không bị truy cứu TNHS” do đã hết thời hiệu được quy định tại khoản 2 Điều 23 BLHS là những trường hợp mà lẽ ra người phạm tội phải chịu TNHS (vì có cơ sở của TNHS) nhưng Nhà nước quy định là không truy cứu TNHS đối với họ thể hiện tính nhân đạo của pháp luật vì qua một thời hạn nhất định họ đã không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, không cần thiết phải áp dụng biện pháp cưỡng chế của luật hình sự.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 155, khoản 1 Điều 230, khoản 1 Điều 169 và Điều 248 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thì những vụ án hình sự (về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156, 225 và 226 của BLHS) đã được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất; nếu người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trước ngày mở phiên toà sơ thẩm, thì vụ án phải được đình chỉ (trừ trường hợp người rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức). Trong trường hợp này, thực chất Nhà nước cũng không truy cứu TNHS với người đã phạm tội.

Miễn TNHS là việc không buộc người phạm tội phải chịu TNHS mà lẽ ra họ phải gánh chịu hậu quả pháp lý hình sự do việc thực hiện tội phạm. Do đó, tất cả những trường hợp mà Nhà nước không truy cứu TNHS mặc dù đã có hành vi phạm tội đều thuộc trường hợp miễn TNHS. Vì vậy, cần bổ sung vào Điều 25 BLHS về miễn TNHS cho “những trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu TNHS và những trường hợp đã khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại nhưng người bị hại rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà sơ thẩm”.

Các trường hợp có thể được miễn TNHS

Theo quy định của BLHS hiện hành, trong các trường hợp sau đây, người phạm tội “có thể được miễn TNHS”:

+ Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn TNHS (khoản 2 Điều 25 BLHS).

+ Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn TNHS, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục (khoản 2 Điều 91 BLHS).

+ Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn TNHS và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ (khoản 7 Điều 364 BLHS).

+ Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn TNHS (khoản 6 Điều 365 BLHS).

+ Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn TNHS hoặc miễn hình phạt (khoản 2 Điều 390 BLHS).

Mặc dù, các trường hợp “có thể được miễn TNHS” được quy định trong 5 điều luật nhưng tính chất pháp lý của các trường hợp này khác nhau. Quy định tại khoản 2 Điều 29 BLHS là quy định chung cho mọi tội phạm và người phạm tội (gọi tắt là quy định chung). Xét về logic thì bất cứ tội phạm nào, người phạm tội nào nếu thoả mãn các tình tiết được quy định ở đây thì đều có thể được miễn TNHS không kể tội phạm đó là loại tội phạm nào, tội danh gì… Tuy vậy, trong thực tiễn khi áp dụng điều khoản này, cơ quan có thẩm quyền thường miễn TNHS đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, còn với loại tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì rất ít trường hợp người phạm tội được miễn TNHS, mà chỉ được hưởng các tình tiết giảm nhẹ TNHS khi quyết định hình phạt.

Tại khoản 2 Điều 91, khoản 7 Điều 364, khoản 6 Điều 365 và khoản 2 Điều 390 của BLHS quy định cho bốn trường hợp cụ thể (gọi tắt quy định cụ thể) để áp dụng cho người chưa thành niên phạm tội hoặc một số tội phạm nhất định được nêu trong điều luật. Thực tiễn đã gặp nhiều tình huống mà người phạm tội có những tình tiết chỉ thoả mãn quy định cụ thể mà không thoả mãn quy định chung (khoản 2 Điều 29 BLHS); lại có trường hợp thoả mãn cả quy định chung và quy định cụ thể.

Phân tích quy định tại khoản 2 Điều 29 BLHS thì thấy rằng, những tình tiết dùng làm căn cứ để “có thể được miễn TNHS” nhiều hơn những tình tiết được quy định trong bốn trường hợp cụ thể. Bốn trường hợp cụ thể được nhà làm luật quy định ít các tình tiết hơn là nhằm tạo cơ hội áp dụng được nhiều hơn vào thực tiễn, mở rộng diện khoan hồng, khuyến khích những người dù đã phạm tội (thuộc những trường hợp cụ thể này) nhưng nếu biết hối lỗi… thì vẫn có cơ hội được miễn TNHS.

Tuy nhiên, khi phân tích các quy định hiện hành thì thấy rằng, dù người phạm tội thuộc bốn trường hợp cụ thể nêu trên mà có thêm các tình tiết thoả mãn cả quy định chung (khoản 2 Điều 29 BLHS) thì họ vẫn chỉ “có thể được” miễn TNHS. Rõ ràng, như vậy là chưa đảm bảo tính công bằng, hợp lý và chưa thực sự khuyến khích người phạm tội thuộc bốn trường hợp cụ thể này có thể yên tâm về khả năng được miễn TNHS để họ ra tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm. Qua thực tiễn áp dụng cho thấy, với những người phạm tội thuộc bốn trường hợp cụ thể nêu trên mà lại thoả mãn các tình tiết quy định tại khoản 2 Điều 29 BLHS thì cơ quan có thẩm quyền thường miễn TNHS đối với họ.

Do đó, cần bổ sung vào khoản 2 Điều 91, khoản 7 Điều 364, khoản 6 Điều 365 và khoản 2 Điều 390 của BLHS thêm một quy định nữa như sau: “Nếu thoả mãn những tình tiết nêu tại khoản 2 Điều 29 của Bộ luật này thì người phạm tội được miễn TNHS”.

Thẩm quyền miễn TNHS

Hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định cụ thể về thẩm quyền miễn TNHS, nhưng thông qua các quy định về thẩm quyền và căn cứ đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, thẩm quyền của Toà án được ghi nhận tại các Điều 230, 248, 281, 328, 357, 359, 392 và 451 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có quyền miễn TNHS.

(MINH KHUE LAW FIRM: Biên tập.)