Mục lục bài viết
1. Quy định chung về thời hạn thanh tra
1.1. Khái niệm thanh tra hành chính
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Thanh tra 2022, hoạt động thanh tra được định nghĩa là: "hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hoạt động thanh tra bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành".
Hoạt động thanh tra hành chính được hiểu là: "thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước" (khoản 3 Điều 2 Luật Thanh tra 2022). Như vậy, hoạt động thanh tra hành chính là hoạt động của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra để xem xét, đánh giá, xử lý đối với việc thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của cơ quan nhà nước.
Có thể thấy rằng, hoạt động thanh tra hành chính là một trong những công cụ quan trọng để giám sát, kiểm tra và đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khuôn khổ hành chính nhà nước. Mục đích của hoạt động thanh tra hành chính nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức; kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm; nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động quản lý điều hành từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.
1.2. Thời hạn thanh tra theo quy định pháp luật
Theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022, thời hạn thanh tra là khoảng thời gian được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp. Cũng theo quy định của Luật này, thời hạn tiến hành hoạt động thanh tra của mỗi cơ quan thực hiện chức năng thanh tra khác nhau là không giống nhau. Cụ thể:
- Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày; trường hợp đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn lần thứ hai không quá 30 ngày;
- Cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày;
- Cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày.
Đối với những cuộc thanh tra thuộc trường hợp phải tạm dừng theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật Thanh tra năm 2022 thì thời hạn tạm dừng không tính vào thời hạn thanh tra nêu trên. So với quy định của Luật Thanh tra năm 2010, thời hạn thanh tra theo quy định mới đã được rút ngắn hơn đối trong một số trường hợp. Đồng thời, Luật Thanh tra 2022 cũng đã quy định cụ thể hơn về số lần được phép ra hạn và thời gian tối đa cho mỗi lần gia hạn. Việc sửa đổi quy định về thời hạn thanh tra như hiện nay là phù hợp với thực tiễn tiến hành hoạt động này. Thời gian thanh tra được rút ngắn đồng nghĩa với việc các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra cần nghiêm túc và nhanh chóng thực hiện các yêu cầu của hoạt động thanh tra. Điều này vừa tránh mất thời gian của cơ quan thanh tra và cơ quan, tổ chức bị thanh tra vừa nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra trên thực tế.
2. Trường hợp có thể gia hạn thời hạn thanh tra
Điều 48 Luật Thanh tra 2022 quy định về gia hạn thời hạn thanh tra như sau:
"1. Các trường hợp phức tạp được gia hạn thời hạn thanh tra bao gồm:
a) Phải thực hiện trưng cầu giám định hoặc phải xác minh, làm rõ vụ việc có yếu tố nước ngoài thuộc nội dung, phạm vi tiến hành thanh tra;
b) Cần xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
c) Khi đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không hợp tác, cản trở, chống đối, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra làm ảnh hưởng đến thời hạn thanh tra.
2. Các trường hợp đặc biệt phức tạp được gia hạn thời hạn thanh tra bao gồm:
a) Cuộc thanh tra phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương;
b) Cuộc thanh tra có ít nhất 02 yếu tố quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Việc gia hạn thời hạn thanh tra do người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định. Trưởng đoàn thanh tra có văn bản gửi người ra quyết định thanh tra đề nghị gia hạn thời hạn thanh tra kèm theo dự thảo quyết định gia hạn thời hạn thanh tra; văn bản đề nghị phải nêu rõ lý do, thời gian gia hạn.
4. Quyết định gia hạn thời hạn thanh tra được gửi đến Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan."
Pháp luật hiện hành quy định trong những trường hợp trên thì có thể gia hạn thanh tra. Việc gia hạn thanh tra nhằm đảm bảo việc thanh tra được thực hiện đầy đủ, chính xác và hiệu quả. Trong thời gian gia hạn, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra có thời gian, điều kiện để thu thập, xác minh và phân tích kỹ lưỡng những nội dung có liên quan đến hoạt động thanh tra. Tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thanh tra có thêm thời gian để cung cấp thông tin, giải trình các vấn đề liên quan, góp phần làm rõ sự việc và minh bạch trong quá trình thanh tra. Mặc dù việc gia hạn thời hạn thanh tra là cần thiết trong nhiều trường hợp, nhưng vẫn phải đảm bảo được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không lạm dụng, kéo dài không cần thiết và phải hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác thanh tra.
Việc gia hạn thanh tra phải được thể hiện bằng văn bản và được cấp có thẩm quyền quyết định. Tổng thời gian thanh tra (bao gồm cả những lần được phép gia hạn theo quy định pháp luật) phải đảm bảo không vượt quá thời hạn theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022. Cụ thể, tổng thời gian của cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 120 ngày; thổng thời gian của cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành không quá 75 ngày; tổng thời gian của cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành không quá 45 ngày.
3. Thời hạn tạm dừng thanh tra
Điều 70 Luật Thanh tra năm 2022 quy định về tạm dừng cuộc thanh tra như sau:
"1. Người ra quyết định thanh tra quyết định tạm dừng cuộc thanh tra trong trường hợp sau đây:
a) Có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cuộc thanh tra;
b) Đối tượng thanh tra đề nghị tạm dừng cuộc thanh tra mà có lý do chính đáng và được người ra quyết định thanh tra đồng ý; trong trường hợp này, thời hạn tạm dừng cuộc thanh tra không quá 30 ngày.
2. Khi tạm dừng cuộc thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét hủy bỏ biện pháp đã áp dụng hoặc áp dụng biện pháp theo thẩm quyền nhưng phải bảo đảm không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.
3. Người ra quyết định thanh tra quyết định tiếp tục cuộc thanh tra khi lý do của việc tạm dừng cuộc thanh tra không còn hoặc hết thời hạn tạm dừng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
4. Quyết định tạm dừng cuộc thanh tra, quyết định tiếp tục cuộc thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra."
Như vậy, thời hạn tạm dừng cuộc thanh tra theo quy định hiện hành là không quá 30 ngày. Tương tự đối với trường hợp gia hạn thanh tra, việc tạm dừng cuộc thanh tra phải được thể hiện dưới dạng quyết định hành chính, được cơ quan có thẩm quyết định và phải gửi tới các đối tượng có liên quan tới hoạt động thanh tra. Các quy định về tạm dừng thanh tra nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong quá trình thanh tra, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng và tiến độ của công tác thanh tra, tránh những gián đoạn không cần thiết và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Trên đây là nội dung bài viết của chúng tôi về chủ đề "Thời hạn tiến hành hoạt động thanh tra hành chính như thế nào?" Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật vui lòng liên hệ với Luật Minh Khuê qua tổng đài: 1900.6162 hoặc gửi thư về địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!