Ngoài thu nhập chính từ việc kinh doanh, sản xuất hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp thì có những khoản thu khác của doanh nghiệp cũng thuộc đối tượng phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này được ghi nhận trong Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2018 được sửa đổi bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Luật 71/2014/QH13 về thuế sửa đổi năm 2014. Theo đó có rất nhiều khoản thu nhập khác của doanh nghiệp cụ thể được liệt kê trong Điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP. Theo đó, có thể kể đến một số khoản thu dưới đây:

 

1. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn

Khoản thu nhập này được quy định tại Chương IV của Thông tư 78/2014/TT-BTC gồm những nội dung về:

 

1.1. Khái niệm và phạm vi áp dụng

- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn là thu nhập của doanh nghiệp từ việc bán hoặc chuyển nhượng (một phần hoặc toàn bộ) vốn đầu tư của doanh nghiệp trong việc đầu tư các tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản,... cho một cá nhân/tổ chức khác.

- Thu nhập từ việc chuyển nhượng quyền góp vốn của doanh nghiệp là việc chuyển nhượng quyền góp vốn của mình cho một bên thứ ba và khi đó bên nhận chuyển nhượng sẽ nhận lại phần quyền sở hữu và trách nhiệm của doanh nghiệp trong phần được chuyển nhượng đó.

- Chênh lệch từ việc bán/chuyển nhượng vốn so với lúc đầu tư được xem là một trong những khoản thu nhập khác của doanh nghiệp, và loại thu nhập này cũng cần phải kê khai để làm căn cứ tính thuế.  

- Thời điểm để xác định thu nhập từ chuyển nhượng vốn là thời điểm chuyển quyền sở hữu vốn 

- Việc chuyển nhượng vốn có gắn với bất động sản thì việc kê khai và nộp thuế thu nhập của doanh nghiệp được thực hiện theo hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

- Trường hợp thu nhập từ việc chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp không phải là tiền mà là các tài sản khác (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ,....) có phát sinh thu nhập thì doanh nghiệp phải chịu thuế thu nhập cho khoản phát sinh đó. Giá trị của các tài sản đó được xác định theo giá bán trên thị trường tại thời điểm nhận tài sản.

 

1.2. Công thức và căn cứ tính thuế

- Thu nhập tính thuế từ việc chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp được xác định theo công thức: 

Thu nhập tính thuế = Giá chuyển nhượng - Giá mua của phần vốn chuyển nhượng - Chi phí chuyển nhượng

Trong đó: 

+ Giá chuyển nhượng là tổng giá trị thực tế mà doanh nghiệp (bên chuyển nhượng) thu được theo hợp đồng chuyển nhượng

+ Giá mua của phần vốn chuyển nhượng được xác định theo từng trường hợp cụ thể: nếu là phần vốn mua lại thì là giá trị vốn trên thực tế tại thời điểm mua. Trường hợp là vốn góp thành lập doanh nghiệp thì là giá trị phần vốn góp lũy kế đến thời điểm chuyển nhượng. Bao gồm cả chi phí trả lãi tiền vay để đầu tư vốn (nếu có)

+ Chi phí chuyển nhượng là tất cả các khoản chi liên quan đến việc chuyển nhượng được thể hiện qua các chứng từ và hóa đơn hợp pháp.

 

2. Thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản

- Thu nhập từ quyền sử dụng, sở hữu tài sản của doanh nghiệp bao gồm cả các khoản như:

+ Tiền thu về bản quyền trả cho quyền sở hữu, sử dụng tài sản dưới mọi hình thức (tiền, tài sản,....)

+ Thu nhập về quyền sở hữu trí tuệ 

+ Thu nhập từ chuyển giao công nghệ 

Những thu nhập từ các khoản thu đó được coi là thu nhập khác của doanh nghiệp được liệt kê tại Điều 7, Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 96/2015/TT-BTC. Các khoản thu này phải được kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật

- Công thức tính thu nhập từ bản quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ:

Thu nhập = Tổng số tiền thu được - giá vốn (chi phí tạo ra quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ được chuyển giao) - Chi phí duy trì, nâng cấp, phát triển - các khoản chi được trừ khác.

- Các khoản thu nhập này của doanh nghiệp nếu có thì được gọi là khoản thu nhập khác bởi không phải nguồn thu nhập chính từ việc kinh doanh của doanh nghiệp nhưng vẫn thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập của doanh nghiệp và phải thực hiện kê khai cũng như nộp thuế theo quy định của pháp luật.

 

3. Thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản

- Thu nhập từ việc chuyển nhượng tài sản hay thanh lý tài sản của doanh nghiệp là các khoản thu từ việc bán/chuyển nhượng/thanh lý tài sản, các loại giấy tờ có giá khác ngoại trừ bất động sản.

- Công thức tính thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản được hướng dẫn tại Khoản 6 Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC:

Thu nhập = doanh thu thu được từ việc chuyển nhượng tài sản, thanh lý tài sản - giá trị còn lại của tài sản chuyển nhượng, thanh lý tại thời điểm chuyển nhượng, thanh lý - các khoản chi phí được trừ khác liên quan đến việc chuyển nhượng, thanh lý tài sản.

Trong đó:

+ Doanh thu thu được từ việc chuyển nhượng, thanh lý tài sản là doanh thu thực tế từ việc doanh nghiệp tiến hành chuyển nhượng hoặc thanh lý tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp cho cá nhân/tổ chức khác.

+ Giá trị còn lại của tài sản chuyển nhượng, thanh lý tại thời điểm chuyển nhượng, thanh lý là giá trị ước tính của tài sản được chuyển nhượng, thanh lý đó sau khi đã trừ đi các khoản chi phí phát sinh trong quá trình chuyển nhượng hoặc thanh lý. VD: chi phí vận chuyển, chi phí phá dỡ, chi phí pháp lý, các khoản nợ vay còn lại của tài sản được chuyển nhượng, thanh lý đó.....

 

4. Khoản thu từ nợ khó đòi đã xóa nay đòi được

- Nợ khó đòi đã xóa của doanh nghiệp là khoản nợ trước đó mà doanh nghiệp xác định là các khoản nợ đã quá hạn thanh toán hoặc chưa tới hạn thanh toán nhưng doanh nghiệp thu thập được bằng chứng để xác định được đối tượng trả nợ đã phá sản hoặc không có khả năng thanh toán nợ. Cho nên đã thực hiện việc ghi nhận rằng khoản nợ này có thể không thu hồi được.

- Tuy nhiên, tới khi đòi được khoản nợ khó đòi đó thì khoản thu này được coi là một trong những khoản thu khác của doanh nghiệp và được tính vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Bởi theo như dự phòng nợ phải thu khó đòi thì khoản nợ này có khả năng không đòi được nữa nhưng tới nay lại đòi được nên khoản thu này cần được kê khai để thực hiện việc căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

5. Khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ

- Khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ (hay còn gọi là khoản nợ không xác định chủ) là khoản nợ mà doanh nghiệp không có thông tin đầy đủ hoặc không chắc chắn về chủ nợ. Nói cách khác là doanh nghiệp không thể xác định được chủ nợ hoặc không xác minh được đích danh chủ nợ là ai do đã mất tích hoặc không còn.

- Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề không xác định được chủ nợ này, có thể kế đến một vài nguyên nhân như: mất thông tin liên quan đến chủ nợ do mất tích hoặc đã giải thể; thiếu tài liệu hợp lệ; sự thay đổi trong cơ cấu doanh nghiệp dẫn đến thất lạc thông tin;....

- Căn cứ vào điểm h Khoản 2 Điều 3 Nghị định 218/2013/NĐ-CP có quy định về Thu nhập chịu thuế như sau:

"Điều 3. Thu nhập chịu thuế

1. Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác quy định tại Khoản 2 Điều này. Đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và có thu nhập quy định tại Khoản 2 Điều này thì thu nhập này được xác định là thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở.

2. Thu nhập khác bao gồm:

h) Khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ"

- Như vậy, khoản nợ chưa thanh toán do không xác định được chủ nợ là ai dẫn đến việc không thể tiến hành trả nợ và khoản thanh toán đó phải được tính vào thu nhập khác để xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. 

 

6. Thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót

- Thu nhập từ việc kinh doanh của doanh nghiệp là khoản thu nhập chính và phải được kê khai để tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng kỳ. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi việc bỏ sót một số thu nhập từ kinh doanh chưa được kê khai và tính thuế.

- Đối với những thu nhập từ kinh doanh trước đó còn sót lại khi phát hiện ra, doanh nghiệp cần tiến hành bổ sung khai thuế cho khoản thu nhập đó. Theo điểm i Khoản 2 Điều 3 của Nghị 218/2013/NĐ-CP, thì thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót là một trong những khoản thu nhập khác của doanh nghiệp nằm trong đối tượng thu nhập phải chịu thuế của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Ngoài 6 khoản thu nhập kể trên thì còn những khoản thu nhập khác của doanh nghiệp là khoản thu phải chịu thuế bao gồm:

- Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán

- Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, quyền tham gia dự án đầu tư; chuyển nhượng thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật

- Thu nhập từ việc cho thuê tài sản dưới mọi hình thức

- Thu nhập từ tiền lãi gửi, tiền lãi cho vay vốn bao gồm cả tiền lãi trả chậm, lãi trả góp, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn

- Thu nhập từ hoạt động bán ngoại tệ 

- Thu nhập từ chênh lệch tỷ giá

- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật

......

Xem thêm: Các loại ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo pháp luật?

Trên đây là tất cả những thông tin về các khoản thu nhập chịu thuế khác của doanh nghiệp mà chúng tôi tìm hiểu được và cung cấp tới quý khách. Nếu có thêm thắc mắc gì cần được giải đáp, xin hãy liên hệ với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 19006162 hoặc qua email lienhe@luatminhkhue.vn. Chúng tôi cam kết sẽ đáp ứng nhu cầu của quý khách một cách nhanh chóng và chất lượng.