Luật sư trả lời:

Căn cứ pháp lý

Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp

Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT, sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp

Thông tư 92/2015/TT-BTC về thuế GTGT và thuế TNCN

Thông tư 95/2016/TT-BTC về đăng ký thuế

Nội dung tư vấn

Căn cứ theo thông tin mà bạn cung cấp, bạn muốn thực hiện hoạt động kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ và sử dụng rất ít lao động, do đó hình thức hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh phù hợp với trường hợp của bạn. Khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:

"Điều 66. Hộ kinh doanh

1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh."

Để đăng ký thành lập hộ kinh doanh, bạn nộp một bộ hồ sơ đăng ký thành lập đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh (thường là Phòng Tài chính-Kế hoạch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh). Căn cứ hướng dẫn tại khoản 1 Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, hồ sơ gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh

- Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu) của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ kinh doanh.

- Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập

Trong đó: Nội dung giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có các thông tin như sau:

a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);

b) Ngành, nghề kinh doanh;

c) Số vốn kinh doanh;

d) Số lao động;

đ) Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.

Bạn có trách nhiệm tự kê khai hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh nêu trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh. Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT cung cấp hai biểu mẫu đăng hộ kinh doanh, bao gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh Phụ lục III-1 Đính kèm Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT

- Danh sách các cá nhân góp vốn thành lập hộ kinh doanh Phụ lục III-2 Đính kèm Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT

Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc khi có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận.

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 95/2016/TT-BTC:

"Hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký thuế cùng với thời hạn nộp hồ sơ khai thuế lần đầu. Trường hợp được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thì hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh."

Do đó, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, bạn phải đến cơ quan thuế để làm thủ tục đăng ký thuế theo quy định.

Căn cứ theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC:

"Điều 2. Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán

1. Nguyên tắcáp dụng

a) Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (sau đây gọi là cá nhân nộp thuế khoán) là cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh trừ cá nhân kinh doanh hướng dẫn tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư này."

Theo đó, việc nộp thuế GTGT và thuế TNCN của bạn được thực hiện theo phương pháp khoán, căn cứ tính thuế là doanh thu được khoán và thuế suất. Căn cứ theo quy định tại Phụ lục I Thông tư 92/2015/TT-BTC, tỷ lệ tính thuế GTGT và thuế TNCN của hoạt động bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa lần lượt là 1% và 0.5%. Việc xác định số thuế phải nộp được xác định theo cách thức như sau:

Số thuế GTGT phải nộp

=

Doanh thu tính thuế GTGT

x

Tỷ lệ thuế GTGT

Số thuế TNCN phải nộp

=

Doanh thu tính thuế TNCN

x

Tỷ lệ thuế TNCN

Trong trường hợp bạn có sử dụng hóa đơn khi mua bán hàng hóa thì còn phải nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên hóa đơn.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Trân trọng./.

Chuyên viên tư pháp luật Ngô Trang - Công ty luật Minh Khuê