Mục lục bài viết
Kính chào Luật Minh Khuê! Em xin hỏi một số vấn đề sau mong luật sư tự vấn giúp em ạ.
Công ty em đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và chi nhánh cũng đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nay có mở thêm một nhà máy tại Long An. Sếp em đang có phân vân giữa việc chuyển địa chỉ chi nhánh của Thành phố Hồ Chí Minh xuống Long an và thay đổi hình thức hạch toán độc lập sang phụ thuộc. Nhưng chi nhánh khác tỉnh vẫn phải báo cáo thuế tại nơi sở tại, hàng quý phải báo cáo thuế. Và được các anh tư vấn bên phòng tư vấn thuế quận Tân Phú là không phải chuyển địa điểm chị nhánh nữa mà nên thành lập chị nhánh mới với tên là kho xưởng sản xuất (CHI NHÁNH TẠI LONG AN- CÔNG TY TNHH CÔNG NGHIỆP NHÔM VIỆT PHÁP- KHO XƯỞNG SẢN XUẤT) thì sẽ ko phải báo cáo thuế hàng quý cũng như quyết toán cuối năm. Không phải xuất hoá đơn hay hoạt động buôn bán gì, mọi thứ đều do công ty mẹ làm hết. Nhưng đến giờ em đang làm thủ tục giấy tờ để thành lập chi nhánh kho xưởng sản xuất thì mới được biết là nếu thành lập kho xưởng sản xuất thì phải có thành lập chi nhánh trước mới được phép thành lập kho xưởng. Em không biết là Thông tin bên thuế đưa ra như vậy có đúng không? Và khi mình thành lập kho xưởng với tên chi nhánh như thuế hướng dẫn thì có đúng không? Vì anh bên thuế còn nhấn mạnh với em là có một số doanh nghiệp khi thành lập không để tên kho xưởng sản xuất mà chỉ để chị nhánh không thôi thì vẫn phải nộp thuế và báo cáo thuế như bình thường. Em không biết Thông tin nào chính xác để thực hiện cả. Các luật sư tư vấn giúp em nên để hình thức nào cho nhà máy dưới Long An không ạ? Phương án nào là tối ưu nhất ạ? Em chân thành cảm ơn các luật sư!
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mụctư vấn luật doanh nghiệp của công ty luật Minh Khuê.
Luật sư tư vấn luật doanh nghiệp gọi:1900.6162
Trả lời:
Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
I. Căn cứ pháp lý:
Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 của Quốc hội
Nghị định 78/2015/NĐ-CP đăng ký doanh nghiệp
II. Nội dung phân tích:
1. Phân biệt chi nhánh và nhà xưởng
Chi nhánh và nhà xưởng (kho xưởng) hoàn toàn khác nhau
- Về hình thức: Chi nhánh có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng (được công nhận) và có quyền tô chức hoạt động kinh doanh như Cty chính; cón PX lại không.
- Về Pháp lý: Muốn thành lập Chi nhánh phải làm thủ tục đăng ký tại cơ quan Đăng ký kinh doanh; còn thành lập Nhà xưởng thì Doanh nghiệp tự quyết định và chỉ thông báo "bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh" cho cơ quan Đăng ký kinh doanh.
- Về kế toán: Chi nhánh có thể hạch toán độc lập hoặc phụ thuộc tùy theo thẩm quyền do Giám đốc doanh nghiệp giao cho Chi nhánh. Phân xưởng thì chỉ theo dõi công tác Kế toán như hình thức "báo sổ".
- Nhà xưởng chỉ sử dụng đối với ngành sản xuất, dịch vụ sửa chữa; không áp dụng với các ngành khác. Còn Chi nhánh thì áp dụng chung cho tất cả các ngành.
- Nếu bạn muốn Chi nhánh hạch toán chung với Công ty thì tham mưu cho Giám đốc khi ra quyết định thành lập chi nhánh trong điều khoản quản lý công tác kế toán cần ghi rõ điều này.
Dựa vào sự khác nhau giữa chi nhánh và nhà xưởng nêu trên và trong trường hợp của bạn thì công ty bạn có mở thêm một nhà máy tại Long An. Do đó, bạn cần căn cứ vào mục đích sử dụng nhà máy này để đưa ra quyết định thành lập chi nhánh hay nhà xưởng.
Nếu bạn muốn mở nhà máy để sản xuất, sửa chữa thì nên thành lập nhà xưởng; còn nếu bạn muốn thực hiện tất cả các ngành thì nên thành lập chi nhánh. Nếu địa điểm mới cùng ở trong địa bàn 1 tỉnh thì nên thành lập Nhà xưởng; ngoài tỉnh thì nên thành lập Chi nhánh vì phải khai thuế riêng. Như vậy, đối với trường hợp công ty bạn thì nên thành lập Chi nhánh.
2. Vấn đề thánh lập chi nhánh:
Điều 46 Luật doanh nghiêp 2014 quy định về thành lập chi nhánh như sau:
"Điều 46. Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp có quyền lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới hành chính.
2. Trường hợp lập chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện đến Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh, văn phòng đại diện. Hồ sơ bao gồm:
a) Thông báo lập chi nhánh, văn phòng đại diện;
b) Bản sao quyết định thành lập và bản sao biên bản họp về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; bản sao Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.
3. Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ; nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện thì thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do; các yêu cầu sửa đổi, bổ sung (nếu có).
4. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện phải gửi thông tin cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và gửi thông tin đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện cho cơ quan thuế, cơ quan thống kê trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; định kỳ gửi thông tin đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện.
5. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này."
Căn cứ Khoản 1, Khoản 4 Điều 33 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp: Khi thành lập chi nhánh công ty phải gửi thông báo lập chi nhánh tới Phòng Đăng ký kinh doanh. Cụ thể:
"Điều 33. Đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, thông báo lập địa điểm kinh doanh
1. Hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện:
Khi đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp phải gửi Thông báo lập chi nhánh, văn phòng đại diện đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện. Nội dung Thông báo gồm:
a) Mã số doanh nghiệp;
b) Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
c) Tên chi nhánh, văn phòng đại diện dự định thành lập;
d) Địa chỉ trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện;
đ) Nội dung, phạm vi hoạt động củachi nhánh, văn phòng đại diện;
e) Thông tin đăng ký thuế;
g) Họ, tên; nơi cư trú, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 10 Nghị định này của người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện;
h) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Kèm theo thông báo quy định tại khoản này, phải có
- Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công
ty hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;
- Bản sao hợp lệ quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh văn phòng đại diện;
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định này của ngườiđứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.
4. Trường hợp doanh nghiệp lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, Phòng Đăng ký kinh doanh nơi chi nhánh, văn phòng đại diện đặt trụ sở gửi thông tin đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính."
Trong đó, khi đặt tên chi nhánh công ty bạn cần tuân thủ theo quy định tại Điều 41 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
"Điều 41. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh
1. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.
2. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện phải mang tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện.
3. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành."
2. Việc mở chi nhánh hạch toán phụ thuộc:
Chi nhánh muốn hạch toán phụ thuộc thì phải đăng ký trên Cơ quan thuế theo mẫu tờ khai 02-ĐK-TCT. Công ty chủ quản trực tiếp đi làm các thủ tục cho chi nhánh và chi nhánh hạch toán phụ thuộc phải có giấy đăng kí kinh doanh, có mã số của doanh nghiệp thì đó cũng chính là mã số thuế.
Kèm theo công văn thông báo mã số thuế chi nhánh trực thuộc và giấy phép sao y. Chi nhánh hạch toán phụ thuộc chỉ không hạch toán làm sổ sách và tính thuế TNDN, còn vẫn làm tờ khai thuế GTGT hàng tháng nộp cho cơ quan quản lý trực tiếp. Hàng bán tại chi nhánh thì có thể xuất hóa đơn từ trụ sở chính.
3. Vấn đề kê khai thuế
Có hai loại thuế cần được kê khai đó là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với trường hợp Công ty bạn có chi nhánh hạch toán phụ thuộc: thì chi nhánh đó không cần thiết phải nộp hồ sơ khai thuế; người nộp thuế cần phải có trách nhiệm kê khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại đơn vị trực thuộc. Như vậy, trường hợp này không phải kê khai thuế tại chi nhánh, doanh nghiệp tại nơi đóng trụ sở chính có trách nhiệm tiến hành kê khai thuế, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng phát sinh tại trụ sở chính và chi nhánh hạch toán phải phụ thuộc (bao gồm bản kê khai tạm tính theo quý và khai quyết toán theo từng năm) cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính đồng thời tiến hành gửi 1 bản cho những cơ quan thuế quản lý những chi nhánh hạch toán phụ thuộc.
Trường hợp này, công ty bạn mở chi nhánh hạch toán phụ thuộc khác Tỉnh nên phải chịu thuế môn bài.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật doanh nghiệp qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận Tư vấn pháp luật Doanh nghiệp.