1. Công cụ nợ của Chính phủ là gì?

Luật quản lý nợ công giải thích:

Công cụ nợ bao gồm trái phiếu, tín phiếu Kho bạc, công trái xây dựng Tổ quốc làm phát sinh nghĩa vụ nợ.

Trái phiếu Chính phủ là công cụ nợ do Chính phủ phát hành để huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc cơ cấu lại nợ.

2. Có những loại thành viên giao dịch công cụ nợ của Chính phủ nào?

Thành viên giao dịch công cụ nợ được phân loại như sau:

Thị trường giao dịch công cụ nợ tại Sở Giao dịch Chứng khoán có hai (02) loại thành viên giao dịch là thành viên giao dịch thông thường và thành viên giao dịch đặc biệt.

a) Thành viên giao dịch thông thường là các công ty chứng khoán được Sở Giao dịch Chứng khoán chấp thuận làm thành viên giao dịch. Thành viên giao dịch thông thường được phép thực hiện nghiệp vụ môi giới và tự doanh công cụ nợ tại Sở Giao dịch Chứng khoán.

b) Thành viên giao dịch đặc biệt là các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng thương mại được Sở Giao dịch Chứng khoán chấp thuận làm thành viên giao dịch. Thành viên giao dịch đặc biệt chỉ được phép thực hiện mua, bán công cụ nợ cho chính mình tại Sở Giao dịch Chứng khoán.

Kho bạc Nhà nước tham gia thị trường giao dịch trái phiếu Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

a) Kho bạc Nhà nước được thực hiện giao dịch mua trong các giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ trên hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán với thời hạn giao dịch mua bán lại tối đa không quá ba (03) tháng và nộp giá dịch vụ giao dịch theo quy định pháp luật. Kho bạc Nhà nước được sử dụng hệ thống giao dịch và các dịch vụ do Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cung cấp.

b) Kho bạc Nhà nước không phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn làm thành viên giao dịch, đăng ký làm thành viên giao dịch, nghĩa vụ của thành viên giao dịch, chế độ báo cáo của thành viên giao dịch, chế độ công bố thông tin của thành viên giao dịch quy định tại Thông tư 30/2019/TT-BTC

3. Tiêu chuẩn làm thành viên giao dịch công cụ nợ của Chính phủ

Đối với thành viên giao dịch thông thường:

a) Là công ty chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán; được phép thực hiện tất cả các nghiệp vụ kinh doanh bao gồm: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán;

b) Là thành viên lưu ký của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam;

c) Có đủ điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân sự phục vụ hoạt động giao dịch công cụ nợ do Sở Giao dịch Chứng khoán quy định đối với thành viên giao dịch thông thường trên hệ thống giao dịch.

Đối với thành viên giao dịch đặc biệt:

a) Là ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng thương mại có giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động hợp lệ do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Có số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định hiện hành của Chính phủ về ban hành danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng và các quy định hiện hành có liên quan;

c) Có đủ điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân sự phục vụ hoạt động giao dịch công cụ nợ do Sở Giao dịch Chứng khoán quy định đối với thành viên giao dịch đặc biệt trên hệ thống giao dịch.

4. Quyền và nghĩa vụ của thành viên giao dịch

Thành viên giao dịch công cụ nợ của Chính phủ có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 8 Thông tư 30/2019/TT-BTC. Theo đó:

Quyền của thành viên giao dịch

a) Thành viên giao dịch thông thường và thành viên giao dịch đặc biệt có các quyền sau:

- Sử dụng hệ thống giao dịch và các dịch vụ do Sở Giao dịch Chứng khoán cung cấp;

- Sử dụng các thông tin khai thác từ hệ thống thông tin thị trường trái phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ của thành viên giao dịch, nhưng không được sử dụng thông tin và dữ liệu khai thác từ hệ thống này để bán lại cho bên thứ ba;

- Rút khỏi tư cách thành viên giao dịch sau khi được Sở Giao dịch Chứng khoán chấp thuận.

b) Ngoài các quyền trên, thành viên giao dịch thông thường có các quyền sau:

- Thực hiện giao dịch tự doanh trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán;

- Cung cấp dịch vụ môi giới công cụ nợ cho khách hàng;

- Thu giá dịch vụ theo quy định của pháp luật.

c) Ngoài các quyền ở mục a, thành viên giao dịch đặc biệt có quyền mua, bán công cụ nợ cho chính mình trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán.

Nghĩa vụ của thành viên giao dịch

Thành viên giao dịch thông thường và thành viên giao dịch đặc biệt có các nghĩa vụ sau:

a) Duy trì việc đáp ứng tiêu chuẩn trở thành thành viên giao dịch quy định tại Điều 6 Thông tư 30/2019/TT-BTC;

b) Tuân thủ các quy định về thành viên giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán;

c) Chịu sự kiểm tra giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán;

d) Nộp tiền sử dụng dịch vụ quản lý thành viên giao dịch, dịch vụ giao dịch và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật;

đ) Tuân thủ chế độ báo cáo và công bố thông tin theo quy định tại Thông tư này và pháp luật khác có liên quan;

e) Khi tham gia giao dịch công cụ nợ trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán với tư cách tự doanh hay môi giới phải thông báo với đối tác tư cách của mình trong giao dịch, đồng thời phải bảo đảm giữ bí mật thông tin của đối tác trong giao dịch ngoại trừ các trường hợp: các bên có liên quan đồng ý bằng văn bản; theo yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan chức năng có thẩm quyền; khi giao dịch chính thức bị xem là không thể tiếp tục do các bên tham gia từ chối hoặc mất khả năng thực hiện các nghĩa vụ trong giao dịch.

5. Chấm dứt tư cách thành viên giao dịch

Chấm dứt tư cách thành viên giao dịch công cụ nợ được quy định tại Điều 9 Thông tư 30/2019/TT-BTC. Theo đó, chấm dứt tư cách thành viên giao dịch công cụ nợ trong những trường hợp sau:

(i) Thành viên giao dịch tự nguyện xin chấm dứt tư cách thành viên và được Sở Giao dịch Chứng khoán chấp thuận.

(ii) Thành viên giao dịch bị buộc chấm dứt tư cách thành viên khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Không còn đáp ứng các tiêu chuẩn làm thành viên giao dịch;

b) Vi phạm nghiêm trọng hoặc mang tính hệ thống quy định về thành viên giao dịch công cụ nợ theo quy định Sở Giao dịch Chứng khoán đối với thành viên giao dịch;

c) Giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động; hoặc tổ chức chấm dứt tồn tại sau khi hợp nhất (công ty bị hợp nhất), sáp nhập (công ty bị sáp nhập), chia (công ty bị chia); hoặc tổ chức hình thành sau khi sáp nhập (công ty nhận sáp nhập), tách (công ty bị tách) nhưng không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên giao dịch là nhà tạo lập thị trường, Sở Giao dịch Chứng khoán báo cáo Bộ Tài chính trước khi thực hiện.

Sở Giao dịch Chứng khoán quy định cụ thể về chấm dứt tư cách thành viên giao dịch sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

6. Giao dịch công cụ nợ của thành viên giao dịch

Giao dịch công cụ nợ của thành viên giao dịch theo quy định tại Điều 10 Thông tư 30/2019/TT-BTC. Theo đó:

- Giao dịch công cụ nợ niêm yết được thực hiện bởi thành viên giao dịch thông qua hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán.

- Phiếu xác nhận kết quả giao dịch in từ hệ thống giao dịch được lưu trữ bởi thành viên giao dịch sử dụng làm căn cứ pháp lý phục vụ công tác báo cáo, kiểm tra, đối chiếu giao dịch khi phát sinh tranh chấp.

- Đối với giao dịch môi giới:

a) Thành viên giao dịch phải ký hợp đồng bằng văn bản khi mở tài khoản giao dịch công cụ nợ cho khách hàng;

b) Thành viên giao dịch phải thống nhất và công khai hình thức tiếp nhận, xử lý giao dịch công cụ nợ của khách hàng tại trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch. Kết quả thực hiện giao dịch phải được thông báo cho khách hàng ngay sau khi giao dịch được thực hiện theo đúng hình thức đã thỏa thuận với khách hàng. Thành viên giao dịch phải gửi sao kê tài khoản tiền và công cụ nợ hàng tháng khi có yêu cầu từ khách hàng;

c) Thành viên giao dịch có nghĩa vụ đăng ký tài khoản trao đổi thông tin cho khách hàng trên hệ thống giao dịch công cụ nợ trên Internet nhằm giúp khách hàng trao đổi tin tức, thông tin liên quan tới giao dịch trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán với các đại diện giao dịch, cơ quan quản lý, điều hành thị trường khi có yêu cầu từ phía khách hàng;

d) Thành viên giao dịch phải ưu tiên thực hiện lệnh môi giới cho khách hàng trước lệnh tự doanh của thành viên giao dịch với mức giá thực hiện tốt nhất có thể trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán. Mức giá thực hiện tốt nhất có thể là mức giá theo yêu cầu khách hàng hoặc tốt hơn mức giá theo yêu cầu của khách hàng;

đ) Thành viên giao dịch phải lưu trữ, bảo mật tài khoản và hồ sơ giao dịch công cụ nợ của khách hàng theo quy định của pháp luật;

e) Thành viên giao dịch có nghĩa vụ cung cấp những thông tin liên quan đến tài khoản của khách hàng nhằm mục đích quản lý, giám sát, thanh tra theo yêu cầu của Sở Giao dịch Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

g) Thành viên giao dịch phải đảm bảo khả năng thanh toán của khách hàng khi tham gia giao dịch đúng thời hạn quy định.

- Đối với giao dịch tự doanh của thành viên giao dịch thông thường và hoạt động mua, bán công cụ nợ cho chính mình của thành viên giao dịch đặc biệt: Thành viên giao dịch phải đảm bảo đủ tiền và công cụ nợ để hoàn tất các nghĩa vụ của thành viên giao dịch trong các giao dịch có liên quan trên hệ thống giao dịch.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty luật Minh Khuê