Mục lục bài viết
1. Khái quát chung về sắc lệnh số 33c/SL
Sắc lệnh quy định việc thiết lập các toà án quân sự nhằm trừng trị các hành vi xâm hại tới nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, bảo vệ chính quyền cách mạng mới được thành lập do Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà kí ban hành ngày 13.09.1945.
Sắc lệnh gồm 7 điều:
- Điều 1 quy định về việc lập toà án quân sự ở Bắc Bộ đặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình; ở Trung Bộ đặt tại Vinh, Huế, Quảng Ngãi; ở Nam Bộ đặt tại Sài Gòn, Mỹ Tho. Ngoài ra, theo Điều luật này Uỷ ban nhân dân Trung bộ và Nam bộ, trong địa hạt, có thể để đạt lên Chính phủ xin mở thêm toà án quân sự ở những nơi trọng yếu khác.
- Điều 2 quy định về phạm vĩ điều chỉnh và đối tượng áp dụng của sắc lệnh.
- Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành của quyết nghị của toà án quân sự và những vấn đề có liên quan đến việc thi hành bản án.
- Điều 4 quy định về các hình thức thì hành bản án như: tha bổng, tịch thu một phần hay tất cả tài sản, phạt tù từ một năm đến mười năm, xử tử... và những vấn đề có liên quan.
- Điều 5 quy định về cơ cấu thành viên của toà án quân sự (chánh án và hội thẩm), về thủ tục tố tụng tại phiên toà.- Điểu 6 quy định hình thức xét xử của phiên toà.
- Điều 7 quy định vồ việc thành lập các toà án quân sự lưu động do Uỷ ban nhân dân địa phương thành lập.
Sắc lệnh thành lập các toà án quân sự là một trong những sắc lệnh đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, là cơ sở pháp lí cho việc tổ chức các toà án quân sự của chính quyển dân chủ nhân dân. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ ta nhằm kiên quyết đấu tranh giữ vững nền độc lập dân tộc, giữ vững an ninh, trật tự cho nhân dân. Ở thời điểm đó, toà án quân sự là cơ quan xét xử duy nhất, trừng trị những phần tử phản cách mạng ngoan cố chống lại chính quyền của nhân dân, đồng thời giáo dục răn đe những người có hành vi vi phạm pháp luật bảo đảm cho chủ trương, quy định của Chính phủ đã ban hành phải được thực hiện nghiêm chỉnh.
2. Các Tòa án được thành lập đầu tiên ở Việt Nam
Theo Điều 1 của Sắc lệnh số 33c/SL ngày 13/9/1945 thì các Tòa án quân sự được thành lập đầu tiên ở nước ta là:
– Ở Bắc bộ có các Tòa án quân sự tại: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và tại Ninh Bình
– Ở Trung bộ có các Tòa án quân sự tại: Vinh, Huế và Quảng Ngãi.
– Ở Nam bộ có các Tòa án quân sự tại: Sài Gòn (này là thành phố Hồ Chí Minh) và tại Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang)
Tổng cộng có 9 Tòa án quân sự được thành lập đầu tiên ở nước ta. Trong Điều 1 của Sắc lệnh số 33c/SL ngày 13/9/1945 còn quy định: “Ủy ban nhân dân Trung bộ và Nam bộ trong địa hạt hai bộ ấy có thể đề đạt lên Chính phủ xin mở thêm Tòa án quân sự ở những nơi trọng yếu khác”.
Về phạm vi xét xử của từng Tòa án quân sự được thực hiện theo quy định tại Sắc lệnh số 37 ngày 26/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Cụ thể là:
– Tòa án quân sự Hà Nội có thẩm quyền xét xử tại: “Thành phố Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn Tây, Hà Đông, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hưng Yên, Bắc Ninh và Bắc Giang.
– Tòa án quân sự Hải Phòng có thẩm quyền xét xử tại: “Thành phố Hải phòng và các tỉnh Hải Dương, Kiến An, Quảng Yên và Hải Ninh”
– Tòa án quân sự Thái Nguyên có thẩm quyền xét xử tại: “Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La”.
– Tòa án quân sự Ninh Bình có thẩm quyền xét xử tại: “Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam và Thái Bình”
– Tòa án quân sự Huế có thẩm quyền xét xử tại: “Quảng Trị, Thừa Thiên và Quang Nam (kể cả Đà Nẵng)”.
– Tòa án quân sự Quảng Ngãi có thẩm quyền xét xử tại: “Các tỉnh Trung bộ ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi”.
– Tòa án quân sự Sài Gòn có thẩm quyền xét xử tại: “Thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn, và các tỉnh Gia Định, Tân Bình, Tây Ninh, Biên Hòa, Bà Rịa, Ô Cấp (Capst Jacques), Gò Công, Tây An và Côn Đảo”.
Tòa án quân sự Mỹ Tho. Có thẩm quyền xét xử tại “Các tỉnh khác thuộc Nam bộ”.
Thực hiện quy định tại Điều 1 của Sắc lệnh số 33c/SL ngày 13/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 29/9/1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời ban hành Sắc lệnh số 40/SL về việc đặt thêm một số Tòa án quân sự tại Nha Trang, có thẩm quyền xét xử tại các tỉnh Khánh Hòa, Đắc Lắc, Đồng Nai, Phan Rang.
Ngày 28/12/1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 77c về việc đặt thêm Tòa án quân sự tại Phan Thiết.
Như vậy là kể từ ngày 13/9/1945 đến hết ngày 28/12/1945 nước ta đã thành lập 11 Tòa án quân sự để xét xử người có hành vi làm phương hại đến nền độc lập của nước ta.
3. Việc thành lập Tòa án cấp huyện, Tòa án cấp tỉnh
Các Tòa án quân sự được thành lập theo Sắc lệnh số 33c/SL ngày 13/9/1945 chỉ được xét xử người có hành vi làm phương hại đến nền độc lập của nước ta (các tội xâm phạm an ninh quốc gia), còn các hành vi vi phạm vào các tội không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia như: Trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…, các tranh chấp dân sự, các việc về hôn nhân và gia đình thì Chính phủ chưa quy định cơ quan nào giải quyết, mà các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình và các vụ việc hình sự không phải về xâm phạm an ninh quốc gia đã phát sinh nhiều trong đời sống xã hội.
Để giải quyết yêu cầu trên của xã hội, ngày 24 tháng 1 năm 1946 Chủ tịch Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 13 về Tổ chức Tòa án cấp huyện, Tòa án cấp tỉnh và tổ chức ngạch Thẩm phán. Để giải quyết vụ việc dân sự, vụ việc hình sự không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Về tổ chức các Tòa án cấp huyện, các Tòa án cấp tỉnh quy định như sau:
– Điều thứ 7 của Sắc lệnh quy định: “Ở mỗi quận (phủ, huyện, châu) có một Tòa sơ cấp, quản hạt là địa hạt quận.”
– Điều thứ 9 của Sắc lệnh quy định: “Tòa án sơ cấp gồm có một Thẩm phán, một Luật sư và một hay nhiều thư ký giúp việc.”
– Điều thứ 10 của Sắc lệnh quy định: “Mỗi trấn lễ ít ra phải có hai phiên tòa công khai, một phiên hộ và một phiên hình… Thẩm phán sơ cấp có thể ngày nào cũng xử kiện, dù là ngày chủ nhật hay ngày lễ cũng được…”
– Điều thứ 12 của Sắc lệnh quy định: “Ở mỗi tỉnh và các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn – Chợ Lớn có một Tòa án đệ nhị cấp. Quản hạt của Tòa án này theo giới hạn của địa hạt tỉnh hay thành phố…”
Về tổ chức ngạch Thẩm phán, Điều 48 của Sắc lệnh quy định: “Sẽ đặt hai ngạch Thẩm phán: Ngạch Sơ cấp và ngạch Đệ nhị cấp. Thẩm phán Sơ cấp làm việc ở Tòa sơ cấp, Thẩm phán Đệ nhị cấp làm việc ở các Tòa Đệ nhị cấp và Tòa Thượng thẩm”.
Về nguyên tắc: Thẩm phán độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật, Điều thứ 50 của Sắc lệnh quy định: “Mỗi Thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình. Không quyền lực nào được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào công việc xử án”.
4. Về việc thành lập Tòa án Binh
Tại Điều 11 của Sắc lệnh số 33c/SL ngày 13/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định: “Tòa án quân sự sẽ xử tất cả các người nào vi phạm vào… Trừ khi phạm nhân là binh sĩ thì thuộc về nhà binh tự xử lấy theo quân luật.” Theo quy định này, thì Tòa quân sự không có thẩm quyền xét xử binh sĩ (quân nhân) phạm tội. Để giải quyết vấn đề của xã hội là cơ quan nào của nhà nước xét xử quân nhân có hành vi phạm tội, ngày 23/8/1946 Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh số 163 về việc thành lập một Tòa án Binh lâm thời. Điều thứ 1 của Sắc lệnh này quy định: “Trong khi chời đợi Sắc lệnh tổ chức các Tòa án binh chính thức được ban hành, nay lập một Tòa án binh lâm thời, trụ sở đặt ở Hà Nội”. Theo quy định tại Điều thứ 2 của Sắc lệnh, thì Tòa án binh lâm thời có thẩm quyền xét xử:
-“Các quân nhân phạm pháp bất cứ về tội gì, trừ những tội vi phạm thuộc thẩm quyền các Tòa án Tư pháp và những “Thường tội” định ở Điều 49 Sắc lệnh số 71 ngày 22/5/1946 thuộc quyền nghị phạt của các cấp chỉ huy quân đội”.
– “Những nhân viên các ngành chuyên môn trong quân đội, những người làm việc cho quân đội như công nhân, chủ thầu khi phạm pháp có liên quan đến quân đội”.
– “Những người thuộc bất cứ hạng nào mà phạm pháp ở trong các đồn trại, Quân y viện, nhà Đề lao binh hoặc một cơ quan nào của quân đội hoặc phạm pháp làm hại đến quân đội”
Tiếp theo Sắc lệnh số 163 mà chúng tôi trình bày ở trên, ngày 16/2/1947 Chủ tịch Chính phủ ra Sắc lệnh số 19 về việc thành lập Tòa án binh trên lãnh thổ Việt Nam. Điều thứ 1 của Sắc lệnh này quy định: “Trừ các Tòa án binh tại mặt trận tổ chức theo Thông lệnh liên bộ số 11-NVCT ngày 26/12/1945, các Tòa án binh trên toàn cõi Việt Nam tổ chức như sau:…”
Điều thứ 2 của Sắc lệnh 163 quy định: “Ở mỗi khu sẽ đặt một Tòa án Binh. Nhưng nếu xét cần, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thể ký Nghị định lập thêm trong khu vực một hay nhiều Tòa án Binh ở nhưng nơi quân đội đóng”.
5. Về tên gọi Tòa án nhân dân
Sau khi thành lập Tòa án sơ cấp, Tòa án đệ nhị cấp theo Sắc lệnh số 13 ngày 24 tháng 1 năm 1946 và các Tòa án này hoạt động được hơn 4 năm. Ngày 22/5/1950 Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh số 85/SL về việc thay đổi tên gọi Tòa án sơ cấp và tên gọi Tòa án đệ nhị cấp. Điều 1 của Sắc lệnh này quy định: “Tòa án sơ cấp nay gọi là Tòa án nhân dân huyện, Tòa án đệ nhị cấp nay gọi là Tòa án nhân dân tỉnh…”
Như vậy là kể từ ngày 13/9/1945 đến trước ngày Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1959 (ngày 31/12/1959) nước ta có các Tòa án, bao gồm:
Một là: Tòa án quân sự, Tòa án này có thẩm quyền xét xử người có hành vi vi phạm phương hại đến nền độc lập của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Hai là: Tòa án Binh (được thành lập theo Sắc lệnh số 163 ngày 23/8/1946). Tòa án này có thẩm quyền xét xử đối với: Quân nhân phạm nhân bất cứ về tội gì, đối với người làm việc chuyên môn trong quân đội và đối với bất cứ người nào phạm pháp làm thiệt hại đến quân đội.
Ba là: Tòa án cấp huyện, Tòa án cấp tỉnh (được thành lập theo sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946). Các Tòa án này có thẩm quyền xét xử những người phạm tội không thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự và của Tòa án Binh và những vụ án dân sự hôn nhân và gia đình.
Các Tòa án cấp huyện (Tòa án sơ cấp) và các Tòa án cấp tỉnh (Tòa án đệ nhị cấp) được đổi tên gọi là Tòa án nhân dân kể từ ngày 22/5/1950 theo Sắc lệnh số 85-SL ngày 22/5/1950 của Chủ tịch Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Cán bộ, công chức và mọi người làm việc lại các cấp Tòa án Việt Nam cần nhớ những sự kiện lịch sử, thời điểm lịch sử của Tòa án Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển.
Kể từ ngày Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1959 (ngày 31/12/1959) đến nay, trên lãnh thổ Việt Nam có Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự. Cụ thể là:
– Điều 97 của hiến pháp năm 1959 quy định có các Tòa án nhân dân và các Tòa án quân sự. Đối với Tòa án nhân dân có Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân địa phương.
– Điều 128 của Hiến pháp năm 1980 quy định có các Tòa án nhân dân và các Tòa án quân sự. Đối với Tòa án nhân dân có Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân địa phương,
– Điều 127 của Hiến pháp năm 1992 quy định, đối với Tòa án nhân dân, các Tòa án quân sự và các Tòa án khác do luật quy định. Đối với Tòa án nhân dân có Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân địa phương (Trong thời gian thi hành Hiến pháp năm 1992, Quốc hội không có Luật thành lập Tòa án khác).
– Điều 102 của Hiến pháp năm 2013 quy định: Tòa án nhân dân gồm: Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định. Thực hiện quy định này của Hiến pháp năm 2013, ngày 24/11/2014 Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sau đây viết là Luật Tổ chức TAND năm 2014). Điều 3 của Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định Tổ chức Tòa án nhân dân có các Tòa án sau đây: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án quân sự.
Như vậy là theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì Tòa án quân sự thuộc Tòa án nhân dân. Đây là một quy định mới trong Luật Tổ chức TAND năm 2014.