1. Tín dụng nhà nước là gì ?

“Tín dụng” trong tiếng Anh là “Credit“. Nó có gốc là từ “Creditium” – một cụm từ tiếng Latin, có nghĩa là “tin tưởng”, “tín nhiệm”.

Trong đó, người đi vay là các cá nhân, đơn vị, tổ chức… còn người cho vay chính là ngân hàng hay các tổ chức tài chính. Sản phẩm dùng để vay và cho vay thường là tiền mặt hoặc các loại hàng hóa.

Mối quan hệ vay và cho vay ấy có các quy định cũng như những ràng buộc riêng, ví dụ như hình thức vay thế chấp, vay tín chấp…

Ngoài ra, nhắc đến tín dụng thì ai cũng biết rằng nó gắn liền với lãi suất. Các khoản vay tín dụng đều có mức lãi suất cụ thể, theo đúng như quy định của phía cho vay. Người đi vay có trách nhiệm chấp nhận và trả lãi suất đúng hạn.

Tín dụng nhà nước là các hoạt động vay trả giữa nhà nước với các tác nhân khác trong nền kinh tế, phụ vụ cho mục đích của nhà nước.

 

2. Đặc điểm của tín dụng nhà nước

Tín dụng nhà nước cũng hoạt động theo nguyên tắc vay trả và có sinh lợi tức như các loại hình tín dụng khác nhưng tín dụng nhà nước có những đặc điểm riêng, phân biệt nó với các hình thức tín dụng khác, thể hiện ở các đặc điểm chủ yếu sau:

 

2.1. Chủ thể nhà nước trong quan hệ tín dụng

Trong hoạt động tín dụng nhà nước luôn có một bên tham gia là chủ thể nhà nước so với các loại hình tín dụng khác mà trong đó chủ thể nhà nước là không bắt buộc. Ví dụ, tổ chức thực hiện tín dụng nhà nước luôn do Chính phủ thành lập 100% vốn nhà nước, không thực hiện cổ phần hoá. Hiện nay, 02 tổ chức cho vay chính sách, thực hiện chính sách tín dụng nhà nước ở Việt Nam là Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam đều do Chính phủ thành lập, có thời hạn hoạt động là 99 năm. Trong đó, hiện nay bên cạnh các tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài, tất cả các tổ chức tín dụng thương mại trong nước khác, kể cả 04 ngân hàng thương mại quốc doanh lớn (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng Công thương Việt Nam) đều hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần hoặc theo kế hoạch sẽ lần lượt được thực hiện cổ phần hoá, đa dạng hoá sở hữu.

 

2.2. Mục đích của tín dụng nhà nước

Mục đích của tín dụng nhà nước là hỗ trợ các dự án, các sản phẩm trọng điểm thuộc một số ngành then chốt, lĩnh vực quan trọng, chương trình kinh tế lớn có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế nhằm tập trung phát triển các ngành, các sản phẩm này hoặc ưu tiên, khuyến khích đầu tư cho các vùng miền, miền khó khăn, khu vực doanh nghiệp vừa và nhà, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, thực hiện các định hướng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ của Chính phủ.

 

2.3. Đối tượng của tín dụng nhà nước

Do mục đích của tín dụng nhà nước như nêu trên nên đối tượng của tín dụng nhà nước thường là các tổ chức, doanh nghiệp hoặc chủ thể khác thuộc một số ngành, lĩnh vực, chương trình kinh tế lớn của nhà nước (như chương trình cho vay cơ khí, chương trình cho vay đóng tàu đánh bắt hải sản,...), các chương trình quốc gia về việc làm, chương trình xoá đói giảm nghèo và các vùng khó khăn cần khuyến khích đầu tư chứ không phải là các đối tượng thuộc tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề tỏng nền kinh tế như đối tượng phục vụ của tín dụng ngân hàng, tín dụng thương mại hay tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng thương mại.

 

2.4. Nguyên tắc hoạt động của tín dụng nhà nước

Từ mục đích, đối tượng được xác định như vậy, tín dụng nhà nước hoạt động theo nguyên tắc bổ sung thay vì cạnh tranh với các ngân hàng thương mại với đặc đểm của khoản vay thường có thời hạn dài, đầu tư vào các lĩnh vực sinh lợi thấp, có nhiều rủi ro, thâm dụng vốn mà các ngân hàng thương mại thường không đủ tiềm lực tài chính hoặc không muốn cho vay do khó thu được lợi nhuận. Vì vậy, hoạt động tín dụng nhà nước thường là hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, lãi suất cho vay của tín dụng nhà nước thường là lãi suất ưu đãi, thấp hơn lãi suất thị trường, thời gian cho vay dài hơn, cơ chế bảo đảm tiền vay ưu đãi hơn. Phần chênh lệch giữa lãi suất ưu đãi và lãi suất thị trường do Nhà nước cấp bù cho tổ chức thực hiện tính dụng nhà nước.

 

2.5. Tính lịch sử của tín dụng nhà nước

Xuất phát từ mục đích, đối tượng và nguyên tắc hoạt động của mình, tín dụng nhà nước ra đời, tồn tại, phát triển gắn với từng nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kid nhất định của mỗi quốc gia, nó vừa phục vụ mục tiêu kinh tế vừa mang tính chính trị xã hội, thể hiện các mục tiêu phát triển quốc gia.

Nói tóm lại, tín dụng nhà nước có đặc điểm là loại hình tín dụng của nhà nước cho vay với lãi suất ưu đãi,theo kế hoạch, chủ trương của nhà nước để thực hiện mục tiêu, định hướng của nhà nước.

 

3. Nội dung hoạt động tín dụng nhà nước

3.1 Nhà nước đi vay

Đây là hoạt động truyền thống và cũng là hoạt động trong nền kinh tế hiện đại. Nhà nước đi vay bằng cách phát hành trái phiếu hoặc tín phiếu, kí kết các hiệp định vay nợ... tùy thuộc vào mức độ thiếu hụt của ngân sách nhà nước và nhu cầu vốn đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kì.

Các tác nhân và thể nhân cho vay với Nhà nước bao gồm: các cá nhân, tổ chức kinh tế - xã hội, tổ chức tín dụng, Ngân hàng Trung ương, Chính phủ và các tổ chức nước ngoài.

Công cụ lưu thông:

+ Tín phiếu kho bạc;

+ Trái phiếu kho bạc;

+ Trái phiếu đầu tư: Trái phiếu huy động vốn cho từng công trình; Trái phiếu huy động vốn cho Quỹ hỗ trợ phát triển;

+ Công trái;

+ Trái phiếu chính phủ quốc tế.

Tại Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định về hoạt động đi vay để cân bằng ngân sách nhà nước.

“3. Vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

4. Bội chi ngân sách trung ương được bù đắp từ các nguồn sau:

a) Vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính phủ, công trái xây dựng Tổ quốc và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật;

b) Vay ngoài nước từ các khoản vay của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế, không bao gồm các khoản vay về cho vay lại.

5. Bội chi ngân sách địa phương:

a) Chi ngân sách địa phương cấp tỉnh được bội chi; bội chi ngân sách địa phương chỉ được sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

b) Bội chi ngân sách địa phương được bù đắp bằng các nguồn vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật;

c) Bội chi ngân sách địa phương được tổng hợp vào bội chi ngân sách nhà nước và do Quốc hội quyết định. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện được phép bội chi ngân sách địa phương để bảo đảm phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương và tổng mức bội chi chung của ngân sách nhà nước.

6. Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương:

a) Đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp;

b) Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp;

c) Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.” (Điều 7 Luật Ngân sách Nhà nước)

Tại Nghị định 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc vay ngân sách của Nhà nước tại Điều 4 như sau:

“2. Bội chi ngân sách trung ương được bù đắp từ các nguồn sau:

a) Vay trong nước từ phát hành trái phiếu Chính phủ, công trái xây dựng Tổ quốc và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật;

b) Vay ngoài nước từ các khoản vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ các nước, các định chế tài chính các nước và các tổ chức quốc tế; phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế; không bao gồm các khoản Chính phủ vay về cho các tổ chức kinh tế vay lại.”

3. Bội chi ngân sách địa phương được bù đắp từ các nguồn sau:

a) Vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật;

b) Vay từ nguồn Chính phủ vay về cho ngân sách địa phương vay lại.” (Khoản 2, Khoản 3 Điều 4).

“Vay bù đắp bội chi ngân sách địa phương được huy động chủ yếu từ các khoản vay trung và dài hạn. ” (Điểm d, khoản 5 Điều 4)

Từ các quy định trên, ta có thể thấy được phương thức đi vay, chủ thể vay, thời hạn đi vay của Nhà nước đối với từng loại ngân sách.

 

3.2 Nhà nước cho vay

Hoạt động này được thực hiện chủ yếu bằng tiền hoặc hiện vật tùy thuộc vào khả năng và tính chất của các nguồn vốn, nhu cầu sử dụng vốn của Nhà nước trong từng thời kì, nhưng chủ yếu là bằng tiền, còn hiện vật chỉ sử dụng ít trong một số trường hợp.

Tín dụng nhà nước là loại tín dụng mang tính chất tín chấp cả về phía đi vay cũng như cho vay. Nhà nước dùng uy tín của mình để đảm bảo việc trả nợ đúng hạn số tiền đã vay.

Công cụ lưu thông tín dụng là: Cho vay đầu tư; Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; Bảo lãnh tín dụng.

Tại Điều 20 của Thông tư số 342/2016/TT- BTC của Bộ Tài chính quy định về hoạt động cho vay của Nhà nước:
“Điều 20. Chi cho vay của ngân sách nhà nước

1. Căn cứ dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan tài chính chi bằng hình thức lệnh chi tiền để chuyển vốn cho cơ quan được giao nhiệm vụ cho vay hoặc chuyển trực tiếp theo hợp đồng cho tổ chức được vay trong trường hợp cho vay trực tiếp.

2. Cơ quan được giao nhiệm vụ cho vay hoặc cơ quan tài chính (trong trường hợp cho vay trực tiếp) có trách nhiệm quản lý, cho vay, thu hồi nợ gốc, lãi nộp vào ngân sách nhà nước theo chế độ quy định.”

 

4. Ưu, nhược điểm của tín dụng nhà nước

- Ưu điểm của tín dụng nhà nước

+ Duy trì hoạt động thường ngày của nhà nước;

+ Góp phần xây dựng cơ sở vật chất hiện đại;

+ Góp phần vào nghĩa vụ quốc tế, vì quan hệ ngày càng phát triển, đôi khi nhà nước không thể từ chối nghĩa vụ cho vay đối với nước ngoài;

+Tạo điều kiện phát triển tín dụng ngân hàng.

- Nhược điểm của tín dụng nhà nước: Rủi ro là vỡ nợ của nhà nước, do tính toán kỹ nhu cầu vay và sử dụng vốn vay không hiệu quả;

 

5. Sự cần thiết của tín dụng nhà nước

5.1. Khắc phục, hạn chế các khuyết tật thị trường

Như chúng ta đều biết, cơ chế kinh tế thi trường luôn chứa đựng các khiếm khuyết của thị trường (hay còn gọi là mặt trái của kinh tế thị trường) như tính chu kỳ trong phát triển kinh tế, sự phân hoá giàu nghèo, ô nhiễm môi trường gia tăng,... Khắc phục các khuyết tật của thị trường, sửa chữa, hạn chế các khuyết tật của thị trường là một trong số những lý do kinh tế căn bản cho sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế. Nhà nước can thiệp vào nền kinh tế thông qua những công cụ kinh tế như cơ chế, luật lệ, tín dụng, trợ cấp, trợ giá,... và các công cụ phi kinh tế khác. Trong đó, tín dụng nhà nước là một công cụ hữu hiệu đã được chứng minh ở cả cac nước phát triển và các nước đang phát triển.

 

5.2. Thực hiện chức năng kinh tế và vai trò điều tiết của nhà nước

Một là, trong nền kinh tế thị trường hiện đại, Nhà nước phải đảm trách việc sản xuất, cung cấp hàng hoá công cộng thuần tuyd và hàng hoá công cộng không thuần tuý. Lý do là vì các chủ thể khác không có khả năng hoặc không muốn cung cấo hoặc không được phép cung cấp.

Hai là, chức năng kinh tế và xã hội của nhà nước đến đâu thì thu chi của nhà nước cũng sẽ phải thay đổi cho phù hợp đến đó.

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)