Định nghĩa tình nghĩa vợ chồng

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Điều kiện kết hôn
Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình quy định điều kiện kết hôn gồm:
- Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên;
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định.

Mối quan hệ giữa vợ và chồng:
Pháp luật quy định vợ chồng chung thuỷ, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.
Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình; Tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín; Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; Giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển về mọi mặt và đại diện cho nhau...
Vợ chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt các giao dịch mà theo quy định của pháp luật phải có sự đồng ý của cả vợ chồng; việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Toà án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó.
Vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình.
Quan hệ hôn nhân khi một bên bị tuyên bố là đã chết mà trở về:
Khi Toà án ra quyết định huỷ bỏ tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự mà vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân đương nhiên được khôi phục; trong trường hợp vợ hoặc chồng của người đó đã kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được xác lập sau có hiệu lực pháp luật.

Vậy:

Tình nghĩa vợ chồng là tình cảm thuỷ chung hợp lẽ phải, đạo lí làm người và đạo làm vợ, làm chồng của vợ chồng với nhau.

Pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam quy định tình nghĩa vợ chồng là vợ chồng phải chung thuỷ, yêu thương, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

Căn cứ Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

- Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

- Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.

Do vậy, pháp luật quy định về một số vấn đề sau:

Tài sản chung của vợ chồng:

- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.
- Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng, như: nhà ở, quyền sử dụng đất…
Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng đã đăng ký quyền sở hữu trước ngày 18/10/2001 (ngày Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình có hiệu lực) mà chỉ ghi tên của một bên vợ hoặc chồng, thì vợ chồng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản đó để ghi tên của cả vợ và chồng; nếu vợ chồng không yêu cầu cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản, thì tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng; nếu có tranh chấp, bên nào cho đó là tài sản thuộc sở hữu riêng của mình, thì có nghĩa vụ chứng minh. Nếu không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.
Trong trường hợp vợ chồng ly hôn hoặc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì bên được chia phần tài sản bằng hiện vật đã đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng mà có ghi tên vợ và chồng có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký tài sản cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.
Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung:
- Vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
Tài sản chung của vợ chồng được chi dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thoả thuận, trừ tài sản chung đã được chia để đầu tư kinh doanh riêng.
Tài sản chung có giá trị lớn của vợ chồng nói trên được xác định căn cứ vào phần giá trị của tài sản đó trong khối tài sản chung của vợ chồng.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung nêu trên mà không có sự đồng ý của một bên, thì bên đó có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu theo quy định của pháp luật (cụ thể là Bộ luật Dân sự).

Vi phạm chế độ hôn nhân và gia đình

Một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình là tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Đồng thời, trong thời kỳ hôn nhân, nam/nữ không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác.

- Theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, ly hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, cụ thể như sau:

"Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;

c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;

d) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;

đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm d và đ khoản 2 Điều này".

Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định như sau:

"3. Về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147 BLHS)

3.1. Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...".

Ngoài ra, nếu hành vi này đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tái phạm hoặc hành vi này dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự năm 2015.

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây ra là những thiệt hại như: người vợ hoặc người chồng hợp pháp phải bỏ việc, phải tốn kém tiền của để lo giải quyết hàn gắn quan hệ vợ chồng hoặc do quá uất ức với hành vi vi phạm của người chồng hoặc người vợ mà sinh ra bệnh tật, tự sát, con cái bỏ học đi lang thang; hoặc do hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng mà dẫn đến hành vi phạm tội khác như giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Thực tiễn xét xử cho thấy hậu quả của hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng thường là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm có thể là của chính người phạm tội nhưng cũng không ít trường hợp gây ra cho người thân của người phạm tội như: vợ hoặc chồng hợp pháp của người phạm tội, những cuộc đánh ghen thường xảy ra khi có hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Hậu quả nghiêm trọng có thể là dấu hiệu cấu thành tội phạm độc lập, nhưng có thể chưa cấu thành tội phạm này.