Mục lục bài viết
- 1. Trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia là gì?
- 2. Tài nguyên xuyên biên giới là gì?
- 3. Bối cảnh pháp luật quốc tế
- 4. Trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia gây thiệt hại khi khai thác tài nguyên xuyên quốc gia
- 4.1. Quốc gia phải có nghĩa vụ “tận tâm” trong việc khai thác tài nguyên xuyên biên giới
- 4.2. Xác định lỗi
- 4.3. Xác định thiệt hại
- 4.4. Bồi thường thiệt hại
Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
1. Trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia là gì?
Trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia là hệ quả pháp lý phát sinh khi quốc gia có hành vi sai phạm quốc tế (gọi tắt là trách nhiệm quốc gia – state responsibility).
2. Tài nguyên xuyên biên giới là gì?
Tài nguyên xuyên biên giới như nguồn nước quốc tế, môi trường không khí là những loại dùng chung giữa các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia láng giềng. Pháp luật quốc tế đòi hỏi các quốc gia phải có trách nhiệm không gây thiệt hại khi khai thác, sử dụng những loại tài nguyên này.
3. Bối cảnh pháp luật quốc tế
Pháp luật quốc tế đòi hỏi các quốc gia phải có trách nhiệm không gây thiệt hại khi khai thác, sử dụng những loại tài nguyên này. Tuy nhiên, trên thực tế, có những quốc gia vẫn thực hiện những hành vi gây hại cho môi trường của quốc gia khác. Vậy việc truy cứu trách nhiệm pháp lý quốc tế của những quốc gia này sẽ được thực hiện như thế nào khi luật quốc tế chưa có những điều ước quy định về trách nhiệm pháp lý quốc tế, mà thường giải quyết thông qua những tập quán quốc tế, phán quyết trước đó của những cơ quan tài phán quốc tế? Thông qua những vụ việc đã được giải quyết, bài viết phân tích về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của quốc gia khi thực hiện những hành vi gây ô nhiễm không khí xuyên biên giới hay gây thiệt hại cho nguồn nước quốc tế (nước ngọt).
Hiện nay, cả Việt Nam và Trung Quốc đều chưa là thành viên của một điều ước quốc tế nào điều chỉnh trực tiếp về ô nhiễm không khí xuyên biên giới, đồng thời, Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (AATHP) không đủ hữu hiệu để Việt Nam có thể yêu cầu Indonesia hay những quốc gia khác chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế khi họ gây ra ô nhiễm không khí xuyên biên giới. Ngoài ra, Hiệp định sông Mekong năm 1995 cũng không phát huy được vai trò của mình trong việc bảo vệ nguồn nước sông Mekong... Do đó, Việt Nam cần thông qua các vụ việc được xét xử bởi các cơ quan tài phán quốc tế về bồi thường thiệt hại đối với hành vi gây ô nhiễm không khí xuyên biên giới và gây hại cho nguồn nước quốc tế, để có những đối sách phù hợp trước những hành vi gây hại cho môi trường quốc gia do quốc gia khác gây nên.
4. Trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia gây thiệt hại khi khai thác tài nguyên xuyên quốc gia
4.1. Quốc gia phải có nghĩa vụ “tận tâm” trong việc khai thác tài nguyên xuyên biên giới
Việc cho phép thực hiện những hành vi như xây dựng nhà máy, đốt rừng để sản xuất nông nghiệp, điều chỉnh dòng chảy, xả thải gây ô nhiễm…; hay việc không có những biện pháp thích hợp để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật; quản lý không hiệu quả… sẽ tạo ra trách nhiệm của quốc gia gây thiệt hại. Điều này đã được Ủy ban Pháp luật quốc tế khẳng định. Theo đó, các hành động hoặc những thiếu sót có thể tạo ra trách nhiệm pháp lý quốc tế cho quốc gia sẽ bao gồm hành động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp hay chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc hành động hoặc không hành động để kiểm soát ô nhiễm không khí xuyên biên giới, gây hại cho nguồn nước quốc tế của quốc gia đến mức độ nào thì cần phải làm rõ hơn. Ở đây, quốc gia cũng sẽ phải chịu trách nhiệm khi các quan chức của họ đã không hành động một cách “tận tâm” (the due diligence obligations) và không ngăn cản hành vi của cá nhân, tổ chức của quốc gia gây ra thiệt hại.
Hiện nay, khái niệm “tận tâm” đã được đề cập trong một số điều ước quốc tế nhưng không có giải thích rõ ràng. Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển ngầm công nhận nghĩa vụ về “tận tâm”, với khuyến cáo ngăn ngừa ô nhiễm môi trường phải được lồng ghép vào quá trình phát triển, trong điều kiện của từng quốc gia. Nghĩa vụ “tận tâm” cũng được ghi nhận trong Chương 2 Điều 2 của Hiệp ước CLRTAP 1979 đòi hỏi các bên phải “nỗ lực để hạn chế, và càng nhiều càng tốt dần dần làm giảm và ngăn ngừa ô nhiễm không khí”. Thuật ngữ tương tự được sử dụng trong Nghị quyết của Hội đồng EEC năm 1980 về ô nhiễm không khí xuyên biên giới gây ra bởi sulphur dioxide và bụi. Nghị quyết buộc các quốc gia thành viên phải nỗ lực để “hạn chế, giảm dần dần và ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm không khí xuyên biên giới”. Như vậy, các điều ước này đều đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia là phải “tận tâm” kiểm soát ô nhiễm không khí xuyên biên giới, nhưng không giải thích thế nào là nghĩa vụ “tận tâm”.
Trong vụ Gabčikovo-Nagymaros, Hungary đã lập luận rằng, nghĩa vụ phòng ngừa thiệt hại không phải là một điều tuyệt đối, nguyên tắc sử dụng vô hại của lãnh thổ sẽ được áp dụng theo từng quốc gia cụ thể. Đề xuất của Hungary không bị phản đối bởi Cộng hòa Slovakia. Theo đó, Slovakia cho rằng, trong từng hoàn cảnh cụ thể, Hungary đã làm tất cả những gì có thể mong đợi từ một chính phủ để thực hiện hợp lý các nghĩa vụ quốc tế. Trong vụ Salvador Prats, Các Ủy ban bồi thường Mexico - Hoa Kỳ cho rằng “Nhiệm vụ bảo vệ môi trường của chính phủ phải được thực hiện theo nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế hoặc được quy định trong các điều ước, và chỉ được thực hiện trong khả năng của quốc gia đó”.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để đánh giá việc hành động hay không hành động trong kiểm soát thiệt hại có phù hợp với “khả năng” của các quốc gia? Điều này rất khó để chứng minh. Theo chúng tôi, quốc gia sẽ phải chịu trách nhiệm về việc không hành động một cách hợp lý để bảo vệ con người, tài sản của công dân quốc gia khác, vì đã cho phép các cá nhân, pháp nhân trên lãnh thổ của mình gây ô nhiễm không khí. Ngoài ra, trách nhiệm cũng có thể xảy ra khi quốc gia không có hành động để truy tố các cá nhân, tổ chức có liên quan gây ra thiệt hại, cũng có thể chịu trách nhiệm khi từ chối hoặc cản trở việc tiếp cận với tòa án, thủ tục giải quyết chậm trễ, một phán quyết rõ ràng không công bằng hoặc không bồi thường hợp lý.
Trong trường hợp L. F. H. Neer and Pauline Neer (U.S.A.) v. United Mexican States, Ủy ban bồi thường Mexico - Hoa Kỳ cho rằng, Mexico không bắt giữ và trừng phạt những kẻ có tội trong việc giết một công dân Hoa Kỳ là vi phạm luật pháp quốc tế, vì đã cố ý không thực hiện nghĩa vụ hoặc sự thiếu sót trong hành động của chính phủ. Trong Nuclear Test case năm 1995, New Zealand đã lập luận: Pháp chỉ có thể khẳng định là họ đã tuân thủ các nghĩa vụ về “sự tận tâm” bằng cách chứng minh rằng họ đã thực hiện một đánh giá tác động môi trường và khẳng định tuyệt đối rằng không có thiệt hại môi trường sẽ xảy ra và phải tham khảo các tiêu chuẩn đánh giá tác động môi trường quốc tế.
Như vậy, cơ sở để truy cứu trách nhiệm pháp lý quốc tế khi gây ra ô nhiễm môi trường không khí xuyên biên giới trước hết phải là hành động hoặc thiếu sót của quốc gia hoặc được quốc gia thừa nhận, trong đó những hành động phải được thực hiện “tận tâm”. Sự tận tâm sẽ được tính đến trong từng điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia và sẽ được thực hiện theo hướng quốc gia phải nỗ lực nhiều nhất trong điều kiện có thể để kiểm soát ô nhiễm không khí xuyên biên giới.
4.2. Xác định lỗi
Khó khăn nhất của vấn đề trách nhiệm pháp lý quốc tế đối với hành vi gây thiệt hại là xác định lỗi. Bởi lẽ, nếu không có lỗi thì quốc gia sẽ không chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, hành vi gây ô nhiễm không khí sẽ phải chịu trách nhiệm với lỗi chủ quan hay lỗi khách quan?
Lỗi khách quan có nghĩa rằng, quốc gia không chủ tâm gây ô nhiễm mà do thiếu sót về pháp luật, quản lý hay không có hành động thích hợp dẫn đến thiệt hại. Ví dụ, quốc gia không kiểm tra, giám sát các nhà máy, các khu rừng dẫn đến nhà máy xả thải nghiêm trọng hay rừng bị đốt phá để sản xuất nông nghiệp gây ra ô nhiễm. Đối với những hành vi như vậy, việc truy cứu trách nhiệm pháp lý quốc tế về môi trường sẽ có tính chất khác với những hành vi chủ tâm gây thiệt hại môi trường xuyên biên giới. Khi đó, trách nhiệm pháp lý quốc tế chắc chắn sẽ nặng nề hơn.
Như vậy, trách nhiệm pháp lý quốc tế đối với hành vi gây ô nhiễm không khí xuyên biên giới là do lỗi khách quan, sẽ bị truy cứu theo trách nhiệm pháp lý quốc tế khách quan. Nghĩa là quốc gia có quyền sử dụng, khai thác tài nguyên không khí trong lãnh thổ của mình, nhưng gây ra thiệt hại thì sẽ phải có trách nhiệm bồi thường, khắc phục hậu quả. Trong vụ San Juan River, một Ủy ban trọng tài được thành lập bởi Costa Rica và Nicaragua để phân định ranh giới chung của họ theo các điều khoản của Hiệp ước Cañas-Jerez Treaty năm 1858. Theo Hiệp ước Cañas-Jerez năm 1858, được tái khẳng định bởi trọng tài được chọn là tổng thống Grover Cleveland của Hoa Kỳ vào năm 1888 và được giải thích bởi Tòa án Công lý Trung Mỹ năm 1916 (trường hợp Costa Rica với Nicaragua), Nicaragua có chủ quyền đối với Río San Juan và Costa Rica có quyền lưu thông qua một phần của con sông nhằm mục đích thương mại trong trường hợp cần thiết. Trọng tài đã cho rằng, Costa Rica không thể ngăn Nicaragua thực hiện các dự án nhưng có quyền yêu cầu bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra. Như vậy, Nicaragua vẫn được phép thực hiện những dự án trên sông San Juan, điều này phù hợp với thỏa thuận giữa hai bên, nhưng phải bồi thường thiệt hại cho Costa Rica nếu có thiệt hại xảy ra. Do đó, có thể thấy rằng, hành vi của Nicaragua không vi phạm luật quốc tế, thiệt hại và lỗi là khách quan.
Ngoài ra, có thể thấy rằng, trách nhiệm pháp lý quốc tế đối với hành vi gây ô nhiễm không khí xuyên biên giới nói riêng và gây thiệt hại do khai thác tài nguyên xuyên quốc gia nói chung, trong nhiều trường hợp, cơ quan tài phán không xem xét đến yếu tố lỗi. Nghĩa là cho dù lỗi hay không, quốc gia gây thiệt hại cũng phải bồi thường và khắc phục sự cố. Thực tiễn xét xử của cơ quan tài phán quốc tế trong trường hợp của kênh Corf và Trail Smelter thậm chí không có lỗi nào được hình thàn. Tương tự, vụ Gut Dam năm 1968 liên quan đến hồ Ontario, trọng tài không quan tâm đến việc Canada có lỗi hoặc nhận biết được thiệt hại trong tương lai hay không, Canada đã phải chịu trách nhiệm. Trong vụ Lac Lanou giữa Pháp và Tây Ban Nha, lỗi của phía Pháp không phải là yêu cầu bắt buộc phải có. Trong Tuyên bố Stockholm ngày 16/6/1972 cũng không đề cập đến yếu tố lỗi. Một số quốc gia thuộc OECD cho rằng buộc phải chịu trách nhiệm mặc dù không có lỗi.
Như vậy, việc truy cứu trách nhiệm quốc tế trong lĩnh vực môi trường nói chung và cụ thể là ô nhiễm không khí xuyên biên giới, thông thường là do lỗi khách quan, thậm chí không tính đến yếu tố lỗi. Chỉ cần xác định nguyên nhân gây thiệt hại về con người, tài sản, môi trường là do quốc gia đã không hành động hoặc hành động không phù hợp gây nên thì quốc gia đó phải có trách nhiệm bồi thường. Cho dù quốc gia đó viện dẫn rằng, họ chỉ đang thực hiện chủ quyền về khai thác tài nguyên trong lãnh thổ của họ.
4.3. Xác định thiệt hại
Về nguyên tắc, hành vi gây thiệt hại môi trường xuyên biên giới do lỗi khách quan gây ra thì cần có sự xuất hiện của hậu quả của hành vi, nghĩa là phải có thiệt hại, và thiệt hại ở đây phải là thiệt hại “nghiêm trọng”, “đáng kể”, vậy làm thế nào xác định mức độ nghiêm trọng của thiệt hại? Tiếp đến, thiệt hại trong trường hợp ô nhiễm môi trường không khí xuyên biên giới là những loại thiệt hại nào, thiệt hại vật chất, thiệt hại tinh thần hay thiệt hại chắc chắn hình thành trong tương lai?
Trước hết, xác định mức độ nghiêm trọng của thiệt hại. Vấn đề đặt ra là như thế nào được xem là ô nhiễm “đáng kể” hoặc “hậu quả nghiêm trọng”? Có nhiều quan điểm cho rằng, phải dựa vào tiêu chí “hợp lý và khách quan” để đánh giá từng trường hợp cụ thể. Điều đó cần cân bằng các lợi ích xã hội, kinh tế và chính trị của các quốc gia có liên quan. Một điều đáng lưu ý là các văn bản điều ước trong lĩnh vực môi trường nói chung và ô nhiễm không khí xuyên biên giới nói riêng không đưa ra định nghĩa rõ ràng, nhưng qua thực tiễn xét xử cũng như tham khảo trong quan hệ quốc tế về sử dụng nguồn nước quốc tế cũng phần nào diễn giải về “thiệt hại nghiêm trọng”.
Trong việc sử dụng nguồn nước quốc tế. Nguyên tắc Tránh gây thiệt hại nghiêm trọng (avoid causing significant harm) được đề cập ở khá nhiều điều ước quốc tế về nguồn nước xuyên biên giới như Điều 7 Công ước New York năm 1997 về Luật Sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới vì mục đích phi giao thông đường thủy của Liên hợp quốc; Điều 2.1, Điều 9, Điều 10 Công ước Helsinki năm 1992 về bảo vệ và sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới và các hồ quốc tế của Ủy ban Kinh tế Châu Âu, thông qua năm 1992, có hiệu lực năm 1996, Điều 2 Tuyên bố Rio năm 1992 về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc, Công ước Nordic về Bảo vệ Môi trường năm 1976. Nhưng chưa có sự giải thích thống nhất nào về tính “nghiêm trọng” của hành vi gây thiệt hại. Trên thực tế, hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hay không còn tùy thuộc vào từng trường hợp nhất định và sự thống nhất trong cách đánh giá của các quốc gia có liên quan.
Điều 10 Công ước Helsinki năm 1992 không cấm gây ô nhiễm, thay vào đó, nó đề xuất rằng nếu tác động của ô nhiễm như vậy không phù hợp với khái niệm sử dụng công bằng và “thiệt hại nghiêm trọng” được gây ra trong lãnh thổ của một quốc gia khác, thì quốc gia có nghĩa vụ chịu trách nhiệm theo Điều 11 để chấm dứt hành vi sai trái và bồi thường cho quốc gia cùng lưu vực bị thiệt hại. Không phải mọi thiệt hại đều được xem là “nghiêm trọng”.
Như vậy, có thể hiểu việc gây thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường sẽ bao gồm các thiệt hại hoặc tác động bất lợi đến môi trường sinh thái hoặc sự phát triển kinh tế xã hội (như tính mạng, sức khỏe của con người, công nghiệp, tài sản, nông nghiệp). Các thiệt hại này có thể thể hiện ở các bằng chứng khách quan, có thể tính toán được, nhưng cũng có thể là những mối nguy hại đe dọa sẽ xảy ra một cách tất yếu trong trường hợp hành vi gây thiệt hại được thực hiện.
Mặc dù rất ít án lệ quốc tế giải quyết tranh chấp ONKKXBG xác định mức độ nghiêm trọng của thiệt hại, nhưng qua các vụ việc về sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước quốc tế, cũng là một loại tài nguyên xuyên biên giới, có thể xác định rằng: mức độ nghiêm trọng hay đáng kể của thiệt hại sẽ tùy thuộc vào từng điều kiện, hoàn cảnh, năng lực của quốc gia.
4.4. Bồi thường thiệt hại
Khi đã xác định được trách nhiệm pháp lý quốc tế cho quốc gia gây ra thiệt hại môi trường xuyên biên giới thì vấn đề bồi thường thiệt hại được đặt ra. Tuy nhiên, đây là việc không dễ dàng. Các vấn đề đặt ra là bồi thường thiệt hại trong trường hợp này bao gồm những loại nào, có thể bao gồm bất kỳ hậu quả thiệt hại nào cho việc mất lợi nhuận kinh doanh trong tương lai hay thiệt hại về tinh thần hay không; có bắt buộc chấm dứt hành vi vi phạm, khôi phục lại trạng thái ban đầu hay có những biện pháp phòng ngừa thiệt hại trong tương lai.
Đối với thiệt hại vật chất
Trọng tài trong vụ việc Trail Smelter đã đưa ra phán quyết yêu cầu Chính phủ Canada phải trả 428.000 USD cho Hoa Kỳ. Quan trọng hơn, Trọng tài cũng áp đặt “một quy chế để kiểm soát lượng khí thải sulphur dioxide”. Chi phí phát sinh của nhà máy luyện kim trong việc tuân thủ quy chế này lên tới 20 triệu đô la.
Trong vụ San Juan River, vào 8/10/2010, Nicaragua đã bắt đầu các hoạt động nạo vét luồng sông San Juan 33 km và xây dựng các công trình. Ngày 20/10/2010, Costa Rica cáo buộc Nicaragua vi phạm chủ quyền của họ khi quân đội Nicaragua vào lãnh thổ Costa Rica và việc nạo vét dòng sông gây ra thiệt hại về môi trường ở những vùng đất ngập nước ở Isla Calero, một phần của khu bảo tồn thiên nhiên, trong khu vực thuộc lãnh thổ Costa Rica. Ngày 18/11/2010, Costa Rica đã khởi kiện chống lại Nicaragua tại Toà án Công lý Quốc tế (ICJ). Ngày 16/12/2015, ICJ đã đưa ra phán quyết và cho rằng Nicaragua có nghĩa vụ bồi thường cho Costa Rica về thiệt hại vật chất. Tháng 6/2016, Costa Rica ước tính khoản thiệt hại phải trả là 6.700.000 USD. Ngày 6/6/2016, Nicaragua tuyên bố công khai rằng họ sẵn sàng trả tiền phạt. Trong trường hợp này, các bên cũng chỉ đề cập đến thiệt hại về vật chất xuất phát từ các hoạt động vi phạm nghĩa vụ đã được hai bên thỏa thuận.
Như vậy có thể thấy, vấn đề bồi thường thiệt hại vật chất không gặp phải sự tranh cãi nhiều trong thực tiễn xét xử quốc tế. Đặc biệt, thiệt hại vật chất có thể được bồi thường cũng có thể là thiệt hại về sức khỏe.
Đối với thiệt hại về tinh thần
Thực tiễn quốc tế cho thấy, dường như không có đủ cơ sở để chấp nhận bồi thường về phương diện này và không thể truy cứu trách nhiệm quốc gia gây thiệt hại nếu không chứng minh được thiệt hại tinh thần. Trong vụ việc Trail Smelter, Trọng tài cho rằng, bên gây ô nhiễm có nghĩa vụ bồi thường cho những thiệt hại nghiêm trọng với điều kiện nó phải được chứng minh rõ ràng và thuyết phục, nhưng không có giải thích nào thêm về ý kiến này. Do đó, câu hỏi thiết yếu về việc “thiệt hại” chỉ có nghĩa là thiệt hại vật chất hay bao gồm cả thiệt hại về tinh thần cũng chưa được giải quyết dứt điểm.
Trong quyết định năm 1938, Trọng tài đã bác bỏ tuyên bố của Hoa Kỳ về “thiệt hại liên quan đến việc Hoa Kỳ bị vi phạm chủ quyền”. Mục duy nhất mà Hoa Kỳ đưa ra theo yêu cầu bồi thường thiệt hại về “vi phạm chủ quyền” là một khoản tiền dành cho “cuộc điều tra được tiến hành bởi Chính phủ Hoa Kỳ về các vấn đề được tạo ra tại Hoa Kỳ do hoạt động của nhà máy luyện kim”. Trọng tài kết luận rằng: “Vì Hoa Kỳ đã không xác định bất kỳ loại thiệt hại nào dựa trên cáo buộc vi phạm chủ quyền của họ, vì vậy trọng tài không cảm thấy rằng họ sẽ có thẩm quyền đương nhiên để xem xét trong thực tế, bồi thường thiệt hại có thể đã được xem xét nếu có cáo buộc cụ thể”. Rõ ràng là Trọng tài đã từ chối yêu cầu bồi thường của Hoa Kỳ bởi vì họ cho rằng, điều khoản mà Hoa Kỳ đưa ra dưới lý do “vi phạm chủ quyền”, chi phí tiền phát sinh do hậu quả của sự vi phạm chủ quyền là không đủ tiêu chuẩn để được xem là “thiệt hại”. Trọng tài đã không xem xét và do đó đã bác bỏ yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần dựa trên sự vi phạm chủ quyền. Thay vào đó, Trọng tài chỉ xem xét thiệt hại vật chất bị cáo buộc.
Tương tự, trong phán quyết Lake Lanoux, vấn đề bồi thường thiệt hại về tinh thần cũng không được đề cập đến. Trong vụ việc San Juan River,thiệt hại tinh thần không được Costa Rica đưa ra và ICJ cũng như Trọng tài trước đó không xem xét đến. Trong vụ việc Corfu Channel, ICJ cho rằng Operation Retail, một hoạt động quét mìn do các đơn vị hải quân Anh ở vùng biển Albanian thực hiện, diễn ra ở lãnh hải của Albanian mà không có sự cho phép trước Albanian. ICJ nhận định, yêu cầu của Albanian về bồi thường cho thiệt hại về tinh thần thông qua việc vi phạm chủ quyền Albania là không phù hợp. Một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần chỉ có thể đặt ra khi quốc gia có những hành động vi phạm luật pháp quốc tế, một nghĩa vụ được quy định chi tiết bởi một điều ước quốc tế.
Như vậy, qua nghiên cứu các án lệ quốc tế có liên quan như: Corfu Channel case, San Juan River case, Trail Smelter case, Nuclear Tests case và I'm Alone cases có thể thấy rằng, việc bồi thường thiệt hại về tinh thần khi có thiệt hại là rất khó. Bởi vì, theo nguyên tắc chung của luật quốc tế, chỉ có trách nhiệm pháp lý quốc tế chủ quan, tức quốc gia vi phạm nghĩa vụ cụ thể của luật quốc tế mới phải chịu trách nhiệm bồi thường về tinh thần. Trong khi đó, việc sử dụng, khai thác tài nguyên trong lãnh thổ quốc gia là được phép, nó thuộc về chủ quyền quốc gia, nhưng từ việc khai thác, sử dụng đó gây ra thiệt hại cho quốc gia khác là lỗi khách quan (như đã phân tích ở trên), nên bồi thường thiệt hại về tinh thần không thể đặt ra trong trường hợp này.
Đối với thiệt hại hình thành trong tương lai hay không thể khai thác
Qua thực tiễn xét xử có thể thấy khả năng bên bị thiệt hại có thể được bồi thường đối với các thiệt hại hình thành trong tương lai hay mất khả năng khai thác tài nguyên, khi chứng minh rõ ràng, thuyết phục về những thiệt hại đó. Trong những năm 1950, Hoa Kỳ đã tiến hành một số thử nghiệm hạt nhân, gây thiệt hại cho Atoll Enewatak và Quần đảo Marshall. Giải quyết vấn đề Hoa Kỳ đã thực hiện các khoản bồi thường vì thiệt hại đã gây ra. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố rằng “Chính phủ Hoa Kỳ có trách nhiệm bồi thường tổn thất kinh tế có thể có vì đã thiết lập vùng nguy hiểm”. Đáp lại, Hoa Kỳ không bác bỏ việc quy trách nhiệm, nếu có bất kỳ bằng chứng về thiệt hại kinh tế đáng kể thì họ sẽ xem xét đến vấn đề bồi thường.
Trong vụ Gabčíkovo-Nagymaros, khi nộp đơn trước Toà án, Hungary đã lập luận rằng việc xây dựng dự án đập lớn trên sông Danube đặt ra một mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với tài nguyên môi trường và nguồn nước. Ngoài ra, nó có thể đe dọa thực vật và động vật đang tồn tại, trái với nguyên tắc cấm gây tổn hại xuyên biên giới đối với các quốc gia láng giềng, như đã được phản ánh trong vụ Trọng tài Trail Smelter, vụ kênh Corfu và Nguyên tắc 21 của Tuyên bố Stockholm. Kết quả là Hungary, khi đối mặt với nguy cơ thiệt hại cho môi trường, đã quyết định ngừng các công việc trong khu vực.
Như vậy, có thể thấy rằng, trong những trường hợp đó, các cơ quan tài phán quốc tế thừa nhận rằng môi trường của các quốc gia láng giềng hiện tại không bị tổn hại, nhưng nếu tương lai dẫn đến thiệt hại, các quốc gia này xứng đáng được bồi thường.
Vấn đề bồi thường thiệt hại khi có hành vi gây thiệt hại môi trường xuyên biên giới không phải lúc nào cũng được giải quyết một cách dễ dàng. Tuy nhiên, thông qua những vụ việc được phân tích, chúng ta thấy rằng, thực tiễn xét xử của các cơ quan tài phán quốc tế đã dần hoàn thiện về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi có hành vi gây thiệt hại môi trường xuyên biên giới. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để những quốc gia bị thiệt hại, trong đó có Việt Nam, tiến hành các biện pháp ngoại giao (như: đàm phán, thương lượng, trung gian, hòa giải) hay các biện pháp tài phán (trọng tài quốc tế, tòa án quốc tế) để bảo vệ quyền lợi cho mình. Cụ thể hơn là xác định các thiệt hại xảy ra và tính toán các yêu sách đòi bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do các hành vi gây ô nhiễm môi trường xuyên biên giới gây ra.
Nguồn: Nguyễn Minh Nhựt - Báo nghiên cứu lập pháp
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập