Mục lục bài viết
1. Trích lập dự phòng là gì? Các loại quỹ dự phòng?
Trích lập dự phòng là việc các chủ thể trích ra từ lợi nhuận sau thuế nhằm tính toán, dự trù cho những khoản chi phí phát sinh hoặc những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Mặc dù có thể không tính toán chính xác được các khả năng phát sinh hay mức độ thiệt hại từ các rủi ro trong tương lai nhưng việc trích lập dự phòng thực sự hiệu quả trong việc giải quyết phần nào hậu quả nếu những sự kiện đó thực sự xảy ra.
Tuỳ vào các cấp độ quỹ dự phòng mà có các quỹ dự phòng được trích lập sẽ có những tên gọi và "sứ mệnh" khác nhau. Cụ thể:
Ở cấp độ quốc gia - có Quỹ dự trữ quốc gia. Đây là quỹ dự phòng tài chính, được trích lập từ một phần tài sản của quốc gia nhằm mục đích dự phòng có các mục đích mang tầm chiến lược, quan trọng của cả dân tộc, đất nước như: Phòng ngừa, khách phục hậu quả do thiên tai; phục vụ an ninh, quốc phòng các nhiệm vụ khác của Nhà nước.
Ở cấp độ doanh nghiệp - có Quỹ dự phòng hoặc dự trữ (provision). Các loại quỹ dự phòng thường được doanh nghiệp trích lập gồm Quỹ dự phòng cho các khoản nợ khó đòi và Quỹ dự phòng cho các tổn thất chưa được xử lý. Mục đích khi lập ra các quỹ này là để đề phòng những tổn thất chưa xác định được trong tương lai.
Ngoài hai cấp độ nêu trên, quỹ dự phòng còn có thể trích lập ở cấp độ gia đình hoặc cấp độ cá nhân - đây chính là các khoản dự trữ trích từ thu nhập của các thành viên trong gia đình hoặc của cá nhân. Mục đích cũng để dự trù cho các tình huống phát sinh trong tương lai cần sử dụng tới tài chính.
>> Tham khảo: Quy định mới về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro ngân hàng
2. Các quỹ dự trữ, dự phòng trong ngân hàng
Trích lập dự phòng của ngân hàng, về cơ bản cũng có bản chất tương tự các quỹ trích lập dự phòng khác. Tuy nhiên, do đặc thù của lĩnh vực tài chính ngân hàng, trích lập dự phòng theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn liên quan có những nét riêng.
Các quỹ dự trữ mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lập và duy trì gồm:
Quỹ dự phòng rủi ro, trích lập dự phòng rủi ro theo Điều 131 Luật các tổ chức tín dụng. Đây là quỹ được trích lập nhằm dự trù để sử dụng vào việc giải quyết các rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khoản trích lập dự phòng rủi ro này, theo quy định sẽ được hạch toán vào chi phí hoạt động của đơn vị. Trường hợp đơn vị thu hồi được vốn đã bỏ ra để xử lý bằng khoản dự phòng thì số tiền thu hồi được này sẽ được coi là doanh thu của đơn vị. Dự phòng rủi ro gồm dự phòng cụ thể và dự phòng chung. Trong đó, dự phòng cụ thể được thiết lập để xử lý những rủi ro có thể xảy ra đối với từng khoản nợ cụ thể. Tương tự, dự phòng chung được trích lập để xử lú những rủi ro có thể xảy ra nhưng chưa xác định được cụ thể đó là rủi ro nào.
Các loại quỹ dự trữ theo quy định tại Điều 139, có các loại quỹ sau:
- Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ - đúng với tên gọi của quỹ, được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ, vốn được cấp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Quỹ dự phòng tài chính - được dùng để bù đắp những tốn thất, thiệt hại về tài sản phát sinh trong quá trình kinh doanh còn lại sau khi các tổ chức cá nhân gây thiệt hại đã bồi thường, bù đắp bằng tiền hoặc được tổ chức bảo hiểm chi trả. Quỹ dự phòng tài chính cũng được sử dụng dự phòng trích lập trong chi phí, sử dụng cho các mục đích khác theo quy định pháp luật.
- Các quỹ dự trữ khác theo quy định pháp luật như: Quỹ đầu tư phát triển - dùng để mở rộng quy mô, hoạt động kinh doanh, đối mới công nghệ, trang thiết bị,... hoặc bổ sung vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng; Quỹ khen thường - dùng để khen thưởng theo quy định pháp luật hoặc điều lệ của Tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài; Quỹ phúc lợi khác - dùng dể dự trữ cho các khoản chi đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi của đơn vị hoặc công trình dùng chung với các tổ chức khác theo thoả thuận; chi cho các hoạt động thể thao, văn hoá, các hoạt động tập thể; Chi trợ cấp cho cán bộ, công nhân viên khó khăn của tổ chức; chi cho các hoạt động phúc lợi khác.
Các quỹ theo quy định tại Điều 139 Luật các tổ chức tín dụng được hạch toán vào các khoản lợi nhuận sau thuế, không được sử dụng vào mục đích chi trả cổ tức cho cổ đông hoặc phân chia lợi nhận cho chủ sở hữu hay thành viên góp vốn.
>> Tham khảo: Cách phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro tại ngân hàng?
3. Quy định về trích lập các quỹ dự trữ, quỹ dự phòng trong ngân hàng
3.1. Trích lập dự phòng rủi ro
Đối với dự phòng rủi ro, quy định về việc trích lập dự phòng rủi ro được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN. Cụ thể:
Căn cứ để trích lập dự phòng rủi ro: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, dựa trên kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng để trích lập dự phòng rủi ro (cam kết ngoại bảng có thể hiểu là các khoản cam kết với các khách hàng tương lai nằm ngoài bang r cân đối kế toán của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
Mức trích lập dự phòng: Mức trích lập dự phòng được quy định tại Điều 12, Điều 13 Thông tư 11/2021/TT-NHNN như sau:
+) Trích lập dự phòng cụ thể: Mức trích lập dự phòng cụ thể được tính theo công thức:
Trong đó:
R: là tổng số tiền dự phòng cụ thể phải trích từng khách hàng;
Biểu thức tổng xích ma Ri trong đó i chạy từ 1 - n: là tổng số tiền sự phòng cụ thể của khách hàng từ số dư nợ thư 1 đến thứ n.
Ri: tổng số tiền dự phòng cụ thể phải trích của khách hàng đối với số dư nợ gốc của khoản nợ thứ i. Công thức tính Ri = ( Ai - Ci) x r. Trong đó: Ai là số dư nợ gốc thứ i. Ci là giá trị khấu trừ tài sản bảo đảm của khoản nợ thứ i. Nếu Ai < Ci thì R = 0. r là tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể theo nhóm. Tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ như sau:
- Nợ thuộc nhóm 1, r = 0%
- Nợ thuộc nhóm 2, r = 5%
- Nợ thuộc nhóm 3, r = 20%
- Nợ thuộc nhóm 4, r = 50%
- Nợ thuộc nhóm 5, r = 100%
+) Trích lập dự phòng chung: Số tiền được trích lập dự phòng chung được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4 trừ các khoản dưới đây:
- Khoản tiền được gửi tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định pháp luật hoặc các khoản tiền gửi tại các tổ chức tin dụng ở nước ngoài.
- Khoản cho vay hoặc khoản mua có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
- Các khoản mua kỳ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam phát hành trong nước.
- Khoản mua bán lại trái phiếu Chính Phủ trên thị trường chứng khoản theo quy định pháp luật về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính Phủ trên thị trường chứng khoán.
3.2. Trích lập quỹ dự trữ và các quỹ khác
Quỹ dự trữ trong các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kể đến tại Điều 139 Luật Các tổ chức tín dụng bao gồm: Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, Quỹ dự phòng tài chính và các Quỹ khác theo quy định pháp luật (như quỹ đầu tư phát triển,...)
+) Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ được hình thành dựa trên trên khoản lợi nhận sau thuế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, được trích hàng năm theo tỷ lệ 5% lợi nhuận sau thuế. Mức tối đa của quỹ này không vượt quá mức vốn điều lệ được cấp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
+) Quỹ dự phòng tài chính và các quỹ khác cũng được hình thành dựa trên khoản lợi nhuận sau thuế. Hiện tại, pháp luật về ngân hàng không có quy định về mức tối đa của Quỹ dự phòng tài chính, chỉ có hướng dẫn về tỷ lệ phân phối lợi nhuận sau thuế của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng tại Nghị định 93/2017/NĐ-CP như sau:
Đối với các tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Trích 10% lợi nhuận còn lại vào quỹ dự phòng tài chính sau khi đã chi các khoản: Chia lãi cho các bên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng kinh tế đã ký kết (nếu có) và Bù đắp các khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn. Trích 25% vào quỹ đầu tư phát triển. Còn lại 60% phân phối ưu tiên lần lượt vào các quỹ sau:
- Quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động trong tổ chức;
- Quỹ thưởng cho người quản lý tổ chức tín dụng, kiểm soát viên.
Khoản lợi nhuận còn lại sau khi phân phối hết vào các quỹ được nộp về ngân sách nhà nước.
Đối với các tổ chức tín dụng là hợp tác xã: Trích 10% vào quỹ dự phòng tài chính. trích tối thiẻu 20% cho quỹ đầu tư phát triển. Việc sử dụng lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ nêu trên, tuỳ từng loại hình tổ chức tín dụng sẽ có hướng dẫn sử dụng lợi nhuận khác nhau:
- Ngân hàng hợp tác xã: Việc sử dụng lợi nhuận sau còn lại sau khi trích các quỹ được thực hiện như sau: Người đại diện phần vốn nhà nước tại ngân hàng hợp tác xã phải xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước tối thiểu 30 hàng tổ chức đại hội thành viên sau khi có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước mới tiến hành biểu quyết tại hội đồng thành viên. Quy trình lấy ý kiến như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ về phương án sử dụng lợi nhuận còn lại tới Ngân hàng Nhà nước. Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến thống nhất với Bộ tài chính.
Bước 2: Trong 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ tài chính gửi ý kiến phản hồi cho Ngân hàng Nhà nước.
Bước 3: Người đại diện phần vốn nhà nước tại ngân hàng, hợp tác xã biểu quyết theo ý kiến đã được Ngân hàng Nhà nước và Bộ tài chính thống nhất.
- Quỹ tín dụng nhân dân: Việc phân phối phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi phân bổ và các quỹ dự trữ được thực hiện theo quy định của Luật hợp tác xã và Điều lệ của Quỹ tín dụng nhân dân.
Đối với các tổ chức tín dụng khác và chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Sau khi chi lãi cho các bên góp vốn liên kết theo hợp đồng kinh tế đã ký kết (nếu có), bù đắp khoản lỗ các năm trước đã hết thời hạn, trích quỹ dự trưc bổ sung vốn điều lệ, phần lợi nhuận còn lại sẽ được trích 10% vào quỹ dự phòng tài chính. Việc phân chia lợi nhuận vào các quỹ dự trữ khác hoặc sử dụng như thế nào sẽ do tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định.
Nếu là ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước năm giữ trên 50% vốn điều lệ thì việc sử dụng phần lợi nhuận còn lại phải xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước khi biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông. Quy trình xin ý kiến tương tự trường hợp người đại diện phần vốn của nhà nước trong Ngân hàng hợp tác xã.
>> Tham khảo: Quy định về các mức trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi
Trên đây là nội dung tìm hiểu của chúng tôi, trường hợp có nhầm lẫn hoặc vướng mắc, mời quý bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 19006162 để được hỗ trợ. Xin chân thành cảm ơn!