Mục lục bài viết
Khách hàng: Thưa luật sư!. Đơn vị tôi là Trung tâm Dịch vụ việc làm, trực thuộc Sở lao động Thương binh xã hội. Vừa rồi, Sở lao động Thương binh xã hội có thuê đơn vị tôi thực hiện nhập tin cung cầu lao động, đơn giá là 1000đ/tin, tổng giá trị hợp đồng là 47.000.000.
Căn cứ vào hợp đồng trên đơn vị tôi bố trí 5 người để thực hiện, và tính tiền theo số lượng tin mà mỗi người nhập được. Sau khi hoàn thành công việc, đơn vị tôi được Sở chuyển số tiền theo hợp đồng là 47.000.000. Nhưng khi nhận tiền về thì Giám đốc bên đơn vị tôi bắt kế toán phải trích lập quỹ cải cách tiền lương là 40%, và chỉ chi trên 60% số tiền đó cho 5 người thực hiện. Giám đốc căn cứ vào 2 văn bản sau: Khoản 2 Điều 21 của Nghị định 43/2006/NĐ-CP, vì ông ta cho rằng đây là một nguồn thu của đơn vị, còn việc trích lập quỹ thì căn cứ vào Thông tư 103/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016, Điều 3, khoản 3, mục c thông tư này quy định:" Đối với số thu dịch vụ, các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác của đơn vị sự nghiệp (ngoài khoản thu theo Pháp lệnh phí và lệ phí): 40% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính trên toàn bộ số thu của các hoạt động trên sau khi trừ các chi phí liên quan." Theo như lập luận của Giám đốc tôi thì số tiền thu từ hợp đồng trên được xem là nguồn thu khác của đơn vị cho nên phải trích lập quỹ để cải cách tiền lương. Như vậy, việc mà Giám đốc tôi làm có đúng không? Chúng tôi rất bức xúc, vì theo chúng tôi Sở LĐTB-XH thuê chúng tôi làm và Giám đốc là người đại diện ký hợp đồng, thì không thể được xem là nguồn thu của đơn vị được (không thuê hết người của đơn vị). Đây được xem như là hợp đồng theo sản phẩm công việc, chúng tôi hoàn thành xong việc thì phải chi đầy đủ theo sản phẩm chứ sao lại trích lập vào quỹ của ngân sách. Chúng tôi có đưa ra ý kiến là Sở Lao động Thương binh và Xã hội nên thuê người ngoài để làm, nhưng Sở không chịu vì họ nói công việc này có liên quan đến nhiệm vụ chính trị của đơn vị, vì số lượng nhập tin lao động được xem là nguồn cung lao động để khai thác số liệu sau này.
Giờ chúng tôi phải làm thế nào, mong luật sư tư vấn giúp!
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Tư vấn luật dân sựcủa Công ty Luật Minh Khuê.
>>Luật sư tư vấn Luật dân sự trực tuyến gọi:1900.6162
Trả lời
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Cơ sở pháp lý được sửu dụng trogn bài viết:
-Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị nghiệp công lập
1. Khái niệm Đơn vị sự nghiệp công lập
Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành, đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân và thực hiện cung cấp dịch vụ công. Phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực về hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, lao động – thương binh và xã hội, thông tin truyền thông và các lĩnh vực sự nghiệp khác được pháp luật quy định.
Đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định pháp luật hiện hành gồm có:
- Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về việc thực hiện các nhiệm vụ, nghĩa vụ tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự trong hoạt động của đơn vị mình.
- Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn trong các công việc thực hiện các nhiệm vụ, tài chính, tổ chức về bộ máy, nhân sự.
2. Đặc điểm của Đơn vị sự nghiệp công lập
Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị, trong đó chủ yếu là các cơ quan nhà nước và mỗi Đơn vị sự nghiệp công lập sẽ là nhà nước đầu tư và xây dựng để vận hành, tùy thuộc vào từng loại đơn vị sự nghiệp mà từ đó nhà nước có sự hỗ trợ ngân sách ở những cấp độ khác nhau.
Đơn vị sự nghiệp công lập có mục đích đơn vị sự nghiệp công lập là hướng tới cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực nhà nước chịu trách nhiệm cung cứng cho người dân như y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch…hoặc các lĩnh vực mà khu vực phi nhà nước không có khả năng đầu tư hoặc không quan tâm để đầu tư.
Cơ chế hoạt động của các đơn vụ sự nghiệp công lập đang ngày càng được đổi mới theo hướng tự chủ và được thực hiện hạch toán một cách độc lập, thường sẽ hoạt động theo cơ chế độ thủ trưởng. Đồng thời nhằm đảo bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tránh việc lạm dụng chức vụ quyền hạn, lạm quyền, vượt quyền, và để phòng chống tham nhũng, thì các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ tiến hành thành lập Hội đồng quản lý nhằm tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư vào các đơn vị sự nghiệp công lập khác trong trường hợp cần thiết.
Nhân sự tại các đơn vị sự nghiệp công lập thông thường được tuyển dụng theo vị trí việc làm, theo hợp đồng làm việc, một số theo hợp đồng lao động và được quản lý, sử dụng tư cách là viên chức. Trong khi đó thì người đứng đầu, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập là công chức.
3. Sự khác nhau của Đơn vị sự nghiệp công lập và Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập
Người sử dụng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập là nhà nước (trực tiếp hay gián tiếp). Do vậy, cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý, chế độ, chính sách đối với viên chức trong các đơn vị này không giống với các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và Nhà nước hoàn toàn có thể quy định một số nghĩa vụ mang tính chất ràng buộc đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong khi đó, các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập đang được tổ chức và hoạt động chủ yếu theo mô hình doanh nghiệp; việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động trong các đơn vị này cơ bản dựa trên quan hệ lao động theo quy định của Bộ luật lao động. Do vậy, không thể xây dựng cơ chế pháp lý chung cho việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng đối với các loại đối tượng này.
Đơn vị sự nghiệp có hai loại, đó là:
- Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn
- Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn
Các đơn vị sự nghiệp công lập không chỉ đông đảo về số lượng. Mà còn đa dạng về loại hình, lĩnh vực hoạt động. Do vậy, việc phân loại đơn vị sự nghiệp công lập rất phức tạp tùy theo tiêu chí phân loại.
4. Sự tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên
Hiện nay Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ : Nghị định quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã được thay thế bởi nghị định 16/2015/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo quy định tại Nghị định này thì nếu Trung tâm Dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công nhưng tự chủ về mặt tài chính đảm bảo chi thường xuyên thì các nguồn thu được quy định như sau:
"Điều 13. Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên
1. Nguồn tài chính của đơn vị
a) Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí;
b) Nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại chi theo quy định (phần được để lại chi hoạt động thường xuyên và chi mua sắm, sửa chữa lớn trang thiết bị, tài sản phục vụ công tác thu phí);
c) Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có);
d) Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các nhiệm vụ không thường xuyên quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 12 Nghị định này (nếu có);
đ) Nguồn vốn vay, viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.
2. Sử dụng nguồn tài chính:
a) Chi thường xuyên: Đơn vị được chủ động sử dụng các nguồn tài chính giao tự chủ quy định tại Điểm a, Điểm b (phần được để lại chi hoạt động thường xuyên) và Điểm c Khoản 1 Điều này để chi thường xuyên theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 12 Nghị định này;
b) Chi nhiệm vụ không thường xuyên: Đơn vị chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật hiện hành đối với từng nguồn kinh phí quy định tại Điểm b (phần được để lại chi mua sắm, sửa chữa lớn trang thiết bị, tài sản phục vụ công tác thu phí), Điểm d và Điểm đ Khoản 1 Điều này.
3. Phân phối kết quả tài chính trong năm theo quy định tại Khoản 3 Điều 12. Riêng trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định."
=> Vây, vì Giám đốc là người đại diện ký hợp đồng lao động, sử dụng nguồn nhân lực ở trong trung tâm để cung cấp dịch vụ việc làm nên khoản tiền 47.000.000 là khoản thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ của Trung tâm dịch vụ việc làm. Nếu từng cá nhân ký hợp đồng lao động với Sở lao động thương bình và xã hội thì không phải trích lập nguồn thu này để cải cách tiền lương.
5. Mức lương theo quy định pháp luật
Hiện tại thông tư số Thông tư 103/2016/TT-BTC nhu cầu chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 47/2016/NĐ-CP chưa có hiệu lực. Việc trích lập từ hoạt động cung cấp dịch vụ của công ty theo Điều 3 khoản 3 Thông tư số 104/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính : Hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức như sau:
"3. Số thu được để lại theo chế độ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 nêu trên không được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp số thu này là thu từ các công việc, dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc từ các công việc, dịch vụ thuộc đặc quyền của Nhà nước và đã được ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí cho hoạt động thu (số thu học phí để lại cho trường công lập,…). Số thu được để lại theo chế độ được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp số thu này là thu từ các công việc, dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc từ các công việc, dịch vụ thuộc đặc quyền của Nhà nước, nhưng chưa được ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí hoạt động thu. Ngoài ra, chú ý một số điểm sau:
a) Đối với học phí học sinh chính quy học các trường công lập: 40% số thu để thực hiện chế độ cải cách tiền lương được tính trên toàn bộ số thu học phí của học sinh.
b) Đối với học phí từ các hoạt động đào tạo tại chức, liên doanh liên kết, các hoạt động đào tạo khác của các trường công lập: 40% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính trên số thu học phí từ các hoạt động trên sau khi loại trừ các chi phí liên quan.
c) Đối với số thu dịch vụ, các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác của đơn vị sự nghiệp (ngoài khoản thu theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí): 40% số thu để thực hiện cải cách tiền lương được tính trên toàn bộ số thu của các hoạt động trên sau khi trừ các chi phí liên quan."
=> Vây, nếu Thông tư 103/2016/TT-BTC nhu cầu chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 47/2016/NĐ-CP có hiệu lực thì vẫn phải trích lập 40% toàn bộ số thu từ việc cung cấp dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công. Không phải trích 40% từ 47.000.000 mà phải trích 40% từ toàn bộ số thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ và hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác của đơn vị sự nghiệp.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận Tư vấn Luật dân sự