Mục lục bài viết
1. Ở Việt Nam, trưng cầu ý dân có từ khi nào?
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ luôn lấy Nhân dân làm trọng. Hội nghị “Diên Hồng” do Thượng Hoàng Trần Thánh Tông triệu tập các phụ lão trong cả nước vào năm 1284 để lấy ý kiến “ nên hòa hay nên chiến” trước sự xâm lược của quân Nguyên Mông lần thứ hai được xem như là cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên của nước ta. Trãi qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, vai trò làm chủ của Nhân dân đã được Đảng và Nhà nước ta xác định ngay từ khi thành lập Đảng và đặc biệt là Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp năm 1946) do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo. Điều thứ 21, Hiến pháp năm 1946 quy định “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”.
Quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, việc phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp và việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân đã được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và được quy định trong các Hiến pháp. Ngày 24-5-2005, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, chỉ rõ phải “Mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước, ban hành Luật về trưng cầu ý dân”. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ngày 25-11-2015 đã thông qua Luật Trưng cầu ý dân, Luật nàycó hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2016.
2. Những vấn đề trưng cầu ý dân
Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là phản ảnh nhu cầu khách quan, tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực vào việc quyết định các công việc của Nhà nước và xã hội, đồng thời phản ảnh giá trị tư tưởng trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc; thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về quyền làm chủ của Nhân dân. Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Theo Điều 6, Luật Trưng cầu ý dân, những vấn đề trưng cầu ý dân bao gồm: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp, vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Nội dung này có ý nghĩa rất lớn liên quan đến quyền làm chủ cao nhất của Nhân dân, đó là những vấn đề về Hiến pháp, một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước là những vấn đề bắt buộc Quốc hội phải đưa ra trưng cầu ý dân. Việc trưng cầu ý dân phải bảo đảm nguyên tắc Nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội. Nội dung này vừa bao hàm trách nhiệm pháp lý về quyền, nghĩa vụ của công dân, vừa xác định quyền trực tiếp thể hiện ý chí làm chủ của Nhân dân đối với những vấn đề quan trọng của đất nước trên cơ sở tăng cường đại đoàn kết và đồng thuận xã hội…
3. Trình tự, thủ tục bỏ phiếu trưng cầu ý dân
Theo Luật trưng cầu ý dân năm 2015:
Phiếu trưng cầu ý dân:
- Phiếu trưng cầu ý dân được sử dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.
- Nội dung phiếu trưng cầu ý dân phải đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, khách quan, chính xác và rõ nghĩa.
- Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về nội dung, hình thức phiếu trưng cầu ý dân; việc in ấn, phát hành và quản lý phiếu trưng cầu ý dân.
Thông báo về thời gian và địa điểm bỏ phiếu trưng cầu ý dân
Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân, Tổ trưng cầu ý dân phải thường xuyên thông báo cho cử tri ở địa phương biết về ngày bỏ phiếu, địa điểm bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu trưng cầu ý dân bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương.
Thời gian bỏ phiếu trưng cầu ý dân
- Việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ trưng cầu ý dân có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày.
Trường hợp ở khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân đã có một trăm phần trăm cử tri trong danh sách thực hiện việc bỏ phiếu thì việc bỏ phiếu ở khu vực bỏ phiếu đó có thể kết thúc sớm nhưng không được trước ba giờ chiều cùng ngày.
- Trước khi bỏ phiếu, Tổ trưng cầu ý dân phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri.
- Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ trưng cầu ý dân phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến trưng cầu ý dân, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.
Bỏ phiếu sớm, hoãn ngày bỏ phiếu
Trường hợp đặc biệt cần bỏ phiếu trưng cầu ý dân sớm hơn ngày quy định hoặc hoãn ngày bỏ phiếu tại một hoặc một số khu vực bỏ phiếu, một hoặc một số đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thì Ủy ban nhân dân tại nơi cần bỏ phiếu sớm hoặc hoãn ngày bỏ phiếu phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
4. Quyền, nghĩa vụ của cử tri và nguyên tắc bỏ phiếu trưng cầu ý dân
- Bỏ phiếu trưng cầu ý dân là quyền và nghĩa vụ của cử tri; mọi cử tri có trách nhiệm tham gia đầy đủ.
- Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu trưng cầu ý dân.
- Cử tri phải tự mình bỏ phiếu trưng cầu ý dân, không được nhờ người khác bỏ phiếu thay, trừ trường cử tri vì khuyết tật mà không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Khi bỏ phiếu trưng cầu ý dân, cử tri phải xuất trình thẻ cử tri.
- Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu trưng cầu ý dân được thì Tổ trưng cầu ý dân mang hòm phiếu phụ và phiếu trưng cầu ý dân đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu trưng cầu ý dân và thực hiện việc bỏ phiếu. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không thành lập khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ trưng cầu ý dân mang hòm phiếu phụ và phiếu trưng cầu ý dân đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu và thực hiện việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân.
- Khi cử tri viết phiếu trưng cầu ý dân, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ trưng cầu ý dân.
- Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu trưng cầu ý dân khác.
- Cử tri không thể tự viết được phiếu trưng cầu ý dân thì có thể nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu trưng cầu ý dân của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật mà không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
- Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ trưng cầu ý dân có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
- Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu trưng cầu ý dân.
5. Thông tin tuyên truyền về Trưng cầu ý dân có giống như thông tin tuyên truyền của Bầu cử HĐND các cấp?
Việc thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân có đặc thù riêng. Đó là thông tin, tuyên truyền về vấn đề trưng cầu ý dân, về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia trưng cầu ý dân; động viên cử tri đi bỏ phiếu biểu quyết trưng cầu ý dân, không vận động cử tri bỏ phiếu hay ủng hộ phương án cụ thể. Nội dung này khác với việc thông tin, tuyên truyền, vận động trong bầu cử là người ứng cử được vận động cử tri trực tiếp bỏ phiếu cho mình. Do đó, Điều 31 Luật trưng cầu ý dân quy định mục đích, nguyên tắc thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân là:
1. Việc thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, đúng đắn về vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân để cử tri hiểu rõ ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân, nội dung trưng cầu ý dân; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia trưng cầu ý dân; động viên, khuyến khích cử tri tham gia tích cực vào việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân.
2. Việc thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, khoa học, đúng pháp luật, thuận lợi cho cử tri và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
- Về nội dung, hình thức, thời gian và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân.
Để việc thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân đạt được mục đích và đảm bảo nguyên tắc theo quy định tại Điều 31, Luật trưng cầu ý dân đã quy định cụ thể:
+ Nội dung thông tin, tuyên truyền trưng cầu ý dân gồm: Sự cần thiết của việc trưng cầu ý dân; mục đích, quan điểm trưng cầu ý dân; nội dung trưng cầu ý dân; các phương án, giải pháp để thực hiện kết quả trưng cầu ý dân; đối tượng, phạm vi tác động của vấn đề trưng cầu ý dân; thời gian tổ chức trưng cầu ý dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia trưng cầu ý dân.
+ Hình thức thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân gồm: Phát hành các ấn phẩm, tài liệu chính thức của Ủy ban thường vụ Quốc hội về vấn đề được trưng cầu ý dân; tổ chức thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; thông qua hội nghị cử tri do Ủy ban Nhân dân cấp xã tổ chức và các hình thức khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
+ Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân là: Ủy ban thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp với Chính phủ chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân trong phạm vi cả nước; Ủy ban Nhân dân các cấp chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân ở địa phương; các cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương có trách nhiệm tuyên truyền về trưng cầu ý dân, thông tin về tình hình tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật, sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Nhân dân các cấp; cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang Nhân dân và chính quyền địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham gia và tạo điều kiện cho công tác thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân ở cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương mình.
LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)