Tứ vô lượng tâm đó là: Tâm từ (mettā), tâm bi (karuṇā), tâm hỷ (muditā) và tâm xả (upekkhā). Chúng chính là bốn đề mục (đối tượng, công án) để tu tập thiền định Sắc giới, tức là thành tựu các trạng thái tâm thanh cao, lìa bỏ đời sống dục vật chất. Nói cách khác, bốn tâm vô lượng này sẽ không được an trú nếu như các trạng thái tâm tham, sân, các tâm sở bất thiện cũng như các triền cái chưa được yên lặng.

Tứ vô lượng tâm chỉ thật sự có mặt trong nội tâm của người khéo tu tập, tinh cần và miên mật công phu thiền định vậy.

Brāhmavihāra: Phạm trú. Brahma là phạm, vị trí cao thượng. Vihāra: trú, phương pháp, lối sống, trạng thái phẩm hạnh.

Brāhmacariya: Phẩm hạnh cao cả, thanh tịnh - hay dịch là phạm hạnh.

 

1. Tâm Từ Vô Lượng (Mettā-Appamaññā) là gì ?

Tâm từ là lòng từ ái, thiện ý, thiện ái, hảo tâm, bác ái, nhiều tình thương... Dù với nghĩa nào đi nữa thì dường như vẫn không mô tả được cái cốt lõi, tinh tủy, chân nghĩa của tâm từ. Người ta cũng thường nói rằng, tâm từ là tình thương quảng đại, rộng lớn, bao trùm thiên nhiên, người vật, cây cỏ. Định nghĩa ấy tương đối chính xác nhất. Tuy nhiên, mong rằng, tình thương ấy không phải là lòng trìu mến, không phải là ái trước, không phải cứ suốt ngày thương tưởng, không phải để ta "thể nhập", "đồng hóa", "chan hòa" với chúng sanh, hoặc thấy ta với chúng sanh là "một" - (Tất cả cái gọi là "thể nhập", "đồng hóa", "chan hòa", "là một" ấy... dễ biến thành ngã hoặc đại ngã, là quan niệm của bà-la-môn giáo.)  

Tâm từ là tình thương quảng đại, rộng lớn nhưng là cái gì làm cho ta và chúng sanh cùng êm dịu, mát mẻ; là năng lượng từ hòa thấm nhuần cả không gian, người, vật và cây cỏ. Nó bao trùm đồng đẳng chứ không riêng biệt cho một ai. Nó bao la, mênh mông... với chân thành ước mong cho tất cả chúng sanh đều được yên vui, sức khỏe, trường thọ và hạnh phúc.

Người tu tập tâm từ phải lưu ý rằng: Tâm từ chỉ có thể nẩy nở, phát triển trong môi trường mát mẻ, trong lành và hòa bình. Nó không dung chứa các trạng thái tâm như sân hận, ác ý, hung dữ... Cũng có một số kẻ thù rất nguy hiểm của tâm từ; chúng thường trá hình, hóa trang hoặc đeo mặt nạ... tới lui lân la cận kề với tâm từ, rất khó nhìn ra chân tướng. Đó là tình thương liên quan đến sắc tướng, hình thể, thân xác. Đó là luyến ái dung thường. Đó là sự yêu thương chúng sanh chan chứa. Đó là những tình cảm tràn trề với  tha nhân...

Tâm từ là tình thương rộng lớn, cao cả trong sáng; không có bóng dáng của ái, của luyến, của chấp trước.

 

2. Phương pháp tu tập tâm từ vô lượng

Thông thường người tu tập tâm từ và ban rải từ tâm hay niệm tưởng như sau: "Cầu cho tất cả chúng sanh đều được hạnh phúc, an vui". Dĩ nhiên với niệm tưởng như vậy cũng có lợi ích nhất định; như lòng mình sẽ mát mẻ, tâm mình được lớn rộng, xa lìa một phần nào đó cái tư kỷ của bản ngã. Nhưng có điều ta phải biết, là tu tập tâm từ thuộc đề mục thiền định nên ta phải biết cách, phải có phương pháp, phải biết tuần tự thứ lớp để thực hành. Nó đòi hỏi công phu, thời gian, tinh tấn hành trì một cách nghiêm túc và đúng đắn. Nói rõ hơn, ta phải biết đi qua các giai đoạn như sau:

-  Loại các chướng ngại ra khỏi tâm.

-  Những đối tượng chưa nên rải tâm từ

-  Tuần tự thứ lớp những đối tượng nên rải tâm từ

-  Phương pháp tu tập để có tâm từ và trưởng dưỡng tâm từ

 

2.1 Loại các chướng ngại ra khỏi tâm

Những chướng ngại của tâm từ là các trạng thái tâm lý: sân, ghét, ác ý, nóng nảy, hung dữ... Nơi nào có mặt chúng là tâm từ không thể hiện hữu. Ta chẳng thể nào gieo hạt mầm xanh giữa sa mạc lửa. Vậy, trước khi muốn tu tập tâm từ, ta phải thu dọn tất cả chúng ra khỏi tâm. Muốn thế, hành giả phải niệm tưởng như sau: "Sân, ghét, ác ý, nóng nảy, hung dữ... là mụn nhọt, là mũi tên tẩm độc, là cục bướu mưng mủ, là lửa nóng địa ngục. Chính chúng thiêu đốt mọi thiện pháp, cản trở sự tiến bộ tinh thần; tàn hại, hủy diệt mình và tất cả chúng sanh. Nói tóm lại là chúng sẽ giết chết tâm từ - từ trong trứng nước. Vậy ta phải làm cho chúng yên lặng, chúng vắng mặt, loại chúng ra khỏi tâm vì hạnh phúc và an vui cho mình và người".

Hành giả có thể đọc thành lời, có tiếng vang để trấn áp mình; sau đó, niệm tưởng thầm ở trong tâm như vậy nhiều lần, hàng chục lần, hàng trăm lần. Tùy theo công phu, nhiệt tâm, tinh cần của từng người mà sự hiệu quả trải qua thời gian khác nhau. Có người năm bảy ngày. Có người một, hai tháng... cho đến lúc nào, khi tọa thiền, ta thấy tâm an ổn, vắng lặng, trong sáng, mát mẻ; nghĩa là không còn bóng dáng của sân, ghét, ác ý, nóng nảy, hung dữ nữa, là ta có thể khởi sự tu tập tâm từ được rồi. Tuy nhiên, vẫn còn có những đối tượng chưa thể rải tâm từ được.

 

2.2 Những đối tượng chưa nên rải tâm từ

Sẽ không hiệu quả, sẽ phản tác dụng, sẽ làm cho tâm từ thui chột, không tiên bộ khi ta rải tâm từ đến những đối tượng sau đây:

-   Người mà ta ghét: Đây là hạng người mà ta vốn có thành kiến, ác cảm; người làm cho ta dễ phát sanh bực bội, cáu gắt, bẳn gắt, khó chịu. Với đối tượng như thế, tức khắc sẽ là chướng ngại trực tiếp cho tâm từ. Vả chăng, thật không dễ dàng gì, khi đặt một đối tượng đáng ghét như thế lên ưu tiên một để biểu tỏ tình thương bao la, quảng đại của mình! Hãy lắng nghe phản ứng nghịch của nó ra sao!

-   Người mà ta rất yêu thương, trìu mến: Với đối tượng này thì dễ chịu quá, phải không? Nếu ta đặt đối tượng dễ chịu này vào tầm ngắm thì tâm từ sẽ thương ngay lập tức, sẽ dính đề mục trong một sát-na! Và sự yêu thương, trìu mến kia sẽ tăng cường độ, áp sát, dính mắc làm cho tâm từ không nỡ rời bỏ rồi phát sanh ái luyến nặng nề, rất nguy hiểm vậy.

-    Người mà ta không thương, không ghét - tức là người ta thường dửng dưng: Với đối tượng này mà bắt ta khởi tâm từ thì rất khó, rất mệt lòng. Nếu có nỗ lực, cố gắng "thương" thì cũng phải trải qua thời gian lâu dài, người thiếu trì chí rất dễ nản lòng.

-  Người mà ta thù hận: Với đối tượng này dĩ nhiên lại càng khó khăn, vì hành giả sẽ nổi tâm sân ngay lập tức.

-   Người khác giới tính: Đây là đối tượng nguy hiểm đệ nhất. Người nữ là nguồn cảm hứng ái dục vô biên cho người nam, và trái lại. Khi ấy ái dục, ái luyến sẽ khoác áo và đeo mặt nạ từ tâm để lang thang yêu thương người này người kia vô tôi vạ.

-   Người đã chết: Với đối tượng này mà tu tập tâm từ sẽ không có hiệu quả; sẽ không tiến triển được chút gì, sẽ hoài công vô ích.

 

2.3 Tuần tự thứ lớp những đối tượng nên rải tâm từ vô

Trước tiên, tâm từ phải được rải đến chính mình. Phải có từ tâm với chính mình trước khi rải từ tâm đến kẻ khác. Tuy nhiên, ta và người khác phải bình đẳng nhất như trong làn khí của tâm từ, sự tu tập mới có hiệu quả. Nếu ta không hiểu điều ấy, mà cứ niệm: "Mong rằng tôi được an lạc, hạnh phúc; mong rằng tôi thoát khỏi hận thù, oan trái và sống trong hạnh phúc, an vui", thì dù niệm 100 năm, 1000 năm cũng không đắc định (Theo Thanh tịnh đạo: Đến người bạn mà ta rất yêu mến;  Đến người mà ta dửng dưng; Đến người mà ta ghét; Đến người mà ta thù...). Ngược lại, ta niệm: "Mong rằng người ấy được an lạc, hạnh phúc", thì tâm từ cũng không thành tựu trọn vẹn.

Hành giả phải biết rằng, dù lấy bản thân làm đối tượng cho tâm từ, thì đồng thời, tâm từ phải được bao trùm đến đối tượng khác. Phải niệm như sau: "Cầu mong cho tôi được an lạc, hạnh phúc, và bạn tôi, cũng được an lạc, hạnh phúc như thế."

Những đối tượng khác, chúng sanh khác có thể dễ dàng cho tâm từ hướng đến, đầu tiên là những người khả ái, khả kính. Ví dụ: Thầy hòa thượng Thế độ, thầy Tiếp dẫn cho mình, thầy mình nương tựa hoặc các vị Giáo thọ sư đã không quản ngại công lao dạy dỗ cho mình nên người.

Ta có thể niệm tưởng: "Cầu mong cho tôi được an lạc, hạnh phúc; và ước vọng rằng, con người hiền thiện, đáng kính ấy cũng được an lạc, hạnh phúc như thế". Với đối tượng như thế, niệm tưởng như thế mới chính xác là tu tập tâm từ.

Sau đó, muốn tiến xa hơn, hành giả phải biết phá vỡ những hàng rào ngăn, rồi tuần tự thứ lớp rải tâm từ đến những đối tượng khác:

 

2.4 Phương pháp tu tập và trưởng dưỡng tâm từ vô lượng

Thế nào là phá vỡ hàng rào ngăn?

Khi ta rải tâm từ bao trùm ta và đối tượng, tâm từ thuần thục, thì giữa ta và đối tượng đã xóa mờ khoảng cách, không còn một chướng ngại nào. Nghĩa là, giữa ta và đối tượng đã thành tựu tính bình đẳng nhất như. Sau đó mới hướng tâm từ đến ta và đối tượng khác, và cũng phải thành tựu bình đẳng nhất như như thế.

Vượt qua các giai đoạn này là khi ta thấy giữa mình, người mình yêu mến, người mình dửng dưng, người mình ghét, người mình thù..., chẳng ai quan trọng hơn ai, chẳng ai không bình đẳng trong làn khí mát mẻ của tâm từ. Khi ấy gọi là tâm từ đã được tu tập, đã được an trú, đã được làm cho sung mãn.

Có một ví dụ về tính bình đẳng nhất như, như sau:

"- Ta cùng với 4 người khác đang ngồi trong một khu rừng: một người ta yêu mến, một người ta dửng dưng, một người ta ghét, một người ta thù! Có một tên cướp đến bên ta, bảo: ông hãy chỉ một người để ta cắt cổ tế thần, ta sẽ tha cho những người còn lại!"

Trong trường hợp ấy thì ta sẽ xử sự ra sao? Nếu ta chỉ một người nào đó, ngoại trừ ta, là tâm từ của ta chưa bình đẳng với họ! Nếu ta lựa chọn mình để cứu bốn người kia, là tâm từ của ta chưa bình đẳng với chính ta!

Xét rằng:

-  Trường hợp thứ nhất là rơi vào ý niệm hại người.

-  Trường hợp thứ hai là rơi vào ý niệm tự hại mình.

Tự hại mình hoặc hại người đều là chưa phá vỡ được rào ngăn, tâm từ sẽ chưa được tiến triển. Phải nuôi lớn tâm từ, trưởng dưỡng tâm từ, cho đến lúc nào đó ta cảm nhận rằng: Giữa ta và bốn người kia không nên để ai bị cắt cổ cả. Tính bình đẳng nhất như lúc ấy mới tựu thành, mới viên mãn.

Đến giai đoạn này, tính bình đẳng nhất như này, do tưởng tạo thành, sẽ hiện ra một tướng, hành giả cứ nhất tâm an trú vào tướng ấy. Trải qua sự tu tập và an trú này, năm triền cái lần hồi sẽ được lắng dịu và năm thiền chi sẽ tuần tự xuất hiện. Nếu nhiệt tâm và tinh cần thêm nữa, hành giả sẽ đi vào cận hành định, rồi đạt an chỉ định, tức là định sơ thiền (có tầm, có tứ).

Từ sơ thiền, vị ấy an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ. Cũng vậy, phương thứ 2, phương thứ 3... vô lượng, vô biên, cao cả, không hận, không sân, không não... rồi cùng khắp cả mười phương thế giới.

Tâm từ nếu cứ tuần tự tu tập như vậy, lớn rộng thêm, quảng đại thêm, biến mãn hơn, hành giả lần lượt đắc đệ nhị thiền, đệ tam thiền (trong hệ thống tứ thiền) hoặc đắc đến đệ tứ thiền (trong hệ thống ngũ thiền). Và đắc các tầng thiền ấy được gọi là phạm trú (cộng trú với phạm thiên).

 

3. Phước báu cùng sự lợi ích của người tu tập tâm từ

Đức Phật dạy rằng: "Này các thầy tỳ-kheo! Khi từ tâm giải thoát đã được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm thành bánh xe, được có nền tảng vững chắc, được an trú khéo léo, được củng cố bền bỉ, được huấn luyện thích đáng... thì sẽ có được 11 lợi ích to lớn vậy".

Mười một lợi ích ấy là như sau:

1-   Giấc ngủ được an lành, an lạc: Ngủ không trằn trọc, không quay qua quay lại, không ngáy, không rên, đi vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng, mát mẻ như đi vào cõi thiền.

2-  Thức trong an lạc: Sớm mai thức dậy rất thoải mái, không có bực dọc, cau có, không ngáp ngắn, ngáp dài. Thức dậy với sắc mặt như đóa hoa tươi thắm trong nắng ấm ngày xuân.

3-   Không chiêm bao ác mộng: Nếu có nằm mộng thì thường thấy mộng lành như thấy bảo tháp lộng lẫy, huy hoàng; thấy chùa chiền trang nghiêm, thanh tịnh; thấy điện Phật ngạt ngào trầm hương; thấy hoan hỷ lễ bái cúng dường; thấy nghe Pháp, tụng kinh; thấy rừng hoa thơm lừng nở rộ; thấy những cung điện nguy nga, sang trọng ở các cảnh trời... Không có những ác mộng như bị giặc vây, lửa đốt, té xuống vực sâu, thú dữ ăn thịt, hoặc thấy dao đâm, tên bắn, cưa xẻ người, hầm phân dơ uế...

4-   Được mọi người yêu mến: Ở đâu ai cũng thương, cũng mến; đến đâu cũng được người giúp đỡ, bảo bọc; không có người ganh ghét hay hận thù.

5-   Được phi nhân ưa thích: Phi nhân là không phải người, có thể là các loại địa tiên, thọ thần, a-tu-la, dạ xoa... Người có tâm từ ở đâu là xung quanh đó đều được mát mẻ, an lành; các loài phi nhân  ở xung quanh được hưởng không khí hòa bình, an lạc, nên thường được chúng quý trọng, mến yêu.

6-   Được chư thiên hộ trì: Đối với người có tâm từ, chư thiên rất mến yêu nên họ sẵn lòng hộ trì, che chở... như cha mẹ bảo hộ cho đứa con một.

7-     Lửa, độc chất, khí giới không làm hại được: Khi hành giả an trú tâm từ thì thân tâm vị ấy được bao trùm bởi một thứ điện năng đặc biệt, chẳng gì có thể xâm hại, xâm phá được (Khi đang an trú tâm từ thì có năng lực như vậy, nhưng khi xả thiền, không còn an trú từ tâm thì vẫn bị họa hại, bị xâm phạm).

8-    Tâm không tán loạn: Tâm vị ấy luôn được tập trung, luôn luôn được dễ dàng an trú, luôn định tỉnh, ổn định, trầm tĩnh. Vị ấy muốn đi vào định không thời gian nào cũng được.

9-   Sắc mặt luôn mát mẻ, khinh an, thư thái: Nghĩa là nhờ năng lực tâm từ tỏa ra, vị ấy luôn tươi vui, hoan hỷ, không nói nặng lời ai, không nóng nảy; thường trực khoan hòa, từ ái, dịu hiền, mềm mỏng... Khí sắc vị ấy luôn tươi nhuần phỉ lạc.

10-   Lúc lâm chung không mê loạn: Do nhờ chánh niệm với từ tâm, vị ấy làm chủ được tử niệm cuối cùng nên dễ dàng ra đi như đi vào một giấc ngủ ngon.

11-   Sanh vào phạm thiên giới: Nếu vị ấy không chứng quả cao hơn thì khi hết đời này, sẽ hóa sanh vào phạm thiên giới như thức dậy từ một bình minh đẹp trời.

Nhờ những khả tính vi diệu của tâm từ như vậy, nên ta có thể cô đọng bằng mấy câu lục bát tứ tuyệt:

"- Từ tâm suối ngọt trong lành

Từ tâm gió mát, trăng thanh đầy lòng Từ tâm rưới khắp cõi hồng

Trời, người an lạc - mênh mông thái hòa". 

Nguồn: Minh Đức Triều Tâm Ảnh (Tỳ-khưu Giới Đức - Sīlaguṇa Bhikkhu) – Phật học tinh yếu