Mục lục bài viết
- 1. Văn hóa doanh nghiệp là gì?
- 1.1. Hiểu về văn hóa doanh nghiệp
- 1.2. Các yếu tố hình thành nên văn hóa doanh nghiệp
- 1.3. Biểu hiện của văn hóa doanh nghiệp
- 2. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp
- 2.1. Tăng động lực cho nhân viên
- 2.2. Tăng tính cạnh tranh
- 2.3. Tăng sự hiểu biết về thị trường, sáng tạo trong hoạt động
- 2.4. Tăng tính chuyên nghiệp
1. Văn hóa doanh nghiệp là gì?
1.1. Hiểu về văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp là một thuật ngữ quen thuộc thường xuyên được nhắc đến trong môi trường làm việc ở doanh nghiệp. Và hiện nay không có một định nghĩa cụ thể nào quy định về văn hóa doanh nghiệp, theo Luật Minh Khuê thì văn hóa doanh nghiệp được hiểu là: toàn bộ những giá trị văn hóa được hình thành, gắn liền trong phạm vi doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt của doanh nghiệp này so với doanh nghiệp khác.
Vì vậy, văn hóa doanh nghiệp sẽ tồn tại trong suốt quá trình phát triển của một doanh nghiệp, từ đó hình thành nên một nếp sống, tập quán quen thuộc chi phối đến nhận thức, cách cư xử, tình cảm, hành vi của đội ngũ cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp.
1.2. Các yếu tố hình thành nên văn hóa doanh nghiệp
Có nhiều yếu tố khác nhau góp phần xây dựng nên văn hóa doanh nghiệp, nhưng thông thường văn hóa của doanh nghiệp sẽ được hình thành, ảnh hưởng trực tiếp từ 3 yếu tố sau đây:
- Tầm nhìn: là một tuyên bố ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể về hình ảnh, vị trí mà doanh nghiệp mong muốn đạt được trong tương lai. Thông thường tầm nhìn sẽ miêu tả mục tiêu lớn, có tính định hướng, tạo động lực cho cả lãnh đạo và toàn bộ nhân viên trong việc xây dựng, phát triển doanh nghiệp.
- Sứ mệnh: cũng là một tuyên bố ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể nhưng về mục đích cốt lõi của doanh nghiệp. Vì thế sứ mệnh sẽ thể hiện trên các khía cạnh như: mục tiêu của doanh nghiệp được thành lập, sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp, muốn phục vụ trên thị trường.
- Giá trị cốt lõi: được hiểu là hệ thống nguyên tắc, tiêu chuẩn tôn chỉ về đạo đức, hành vi, hoạt động, thái độ của công ty và nhân viên trong quá trình hoạt động. Theo đó, giá trị cốt lõi sẽ mang tính định hướng, hướng dẫn hành vi nội bộ trong công ty cũng như cách ứng xử đối với đối tác, khách hàng.
Ví dụ về các yếu tố hình thành văn hóa của Vinamilk:
- Về tầm nhìn: trở thành biểu tượng niềm tin số 1 Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe phục vụ cuộc sống con người
- Về sứ mệnh: cam kết mang đến cho cộng đồng nguồn dinh dưỡng tốt nhất bằng chính sự trân trọng, tình yêu và trách nhiệm cao của mình với cuộc sống con người và xã hội
- Về giá trị cốt lõi: chính trực, ý chí, sáng tạo, hiệu quả, tôn trọng, hài hòa các lợi ích, cởi mở
Ví dụ về các yếu tố hình thành văn hóa của doanh nghiệp bảo hiểm Bảo Việt:
- Về tầm nhìn: là doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam về doanh thu, thị phần.
- Về sức mệnh: cung cấp dịch vụ bảo hiểm tốt nhất đến khách hàng để quản lý rủi ro, mang đến sự bình an, nâng cao chất lượng cuộc sống của khách hàng.
- Về giá trị cốt lõi: gần gũi, thân thiện và chuyên nghiệp, quan tâm đến đồng nghiệp và khách hàng; hợp tác, gắn bó với đồng nghiệp trong tập đoàn; minh bạch, trung thực, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xây dựng chuẩn mực trong quản trị doanh nghiệp....
1.3. Biểu hiện của văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp dù là yếu tố vô hình nhưng ảnh hưởng, chi phối trực tiếp đến cơ chế hoạt động, thói quen, hành vi của toàn bộ doanh nghiệp. Văn hóa của doanh nghiệp có thể được thể hiện dưới 2 hình thức:
- Hữu hình: đồng phục, cách thức giao tiếp giữa các thành viên, quy cách tiếp đón đối tác, tiếp nhận khách hàng, quy định nội bộ, các hoạt động chung như teambuilding định kỳ,...
- Vô hình: thái độ, thói quen công việc, niềm tin, cảm xúc của các thành viên,...
>> Xem thêm: Văn hóa kinh doanh là gì? Văn hóa Doanh nghiệp là gì? Định hướng xây dựng văn hóa kinh doanh
2. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một quá trình tạo ra toàn bộ giá trị, quy tắc và hành vi chung cho tất cả các thành viên trong doanh nghiệp nhằm định hướng cho suy nghĩ, hoạt động của họ. Có thể kể đến những giá trị mà văn hóa doanh nghiệp mang lại như:
2.1. Tăng động lực cho nhân viên
Văn hóa doanh nghiệp sẽ được ứng dụng trực tiếp và đầu tiên đối với toàn thể cán bộ, nhân viên trong tổ chức. Chính vì thế với một nền tảng văn hóa doanh nghiệp tích cực sẽ giúp định hướng, giúp nhân viên hiểu rõ mục tiêu, đồng thời tạo động lực để hoàn thành công việc của mình ngày một tốt hơn.
Chẳng hạn, hằn nam Google luôn theo dõi sự hài lòng của nhân viên thông qua Google Geist, đó là một cuộc khảo sát tất cả ý kiến của mọi nhân viên google về chế độ làm việc, cơ hội thăng tiến, lương thưởng, cơ chế đãi ngộ,...
2.2. Tăng tính cạnh tranh
Văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp tạo ra một phong cách kinh doanh riêng, một đặc trưng cho doanh nghiệp, giúp nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Chẳng hạn với dịch vụ xe giao thông công cộng Vinbus của Vingroup, Vingroup đã thành công trong việc tạo ra một phong cách phục vụ, chất lượng dịch vụ phục vụ riêng đến với mỗi khách hàng so với xe bus truyền thống.
2.3. Tăng sự hiểu biết về thị trường, sáng tạo trong hoạt động
Kinh tế, xã hội luôn phát triển không ngừng vì thế những mối quan hệ xã hội, kinh tế trong và ngoài nước luôn luôn thay đổi để thích ứng, phù hợp với thị trường. Và chính tầm nhìn, sứ mệnh của văn hóa doanh nghiệp sẽ thôi thúc, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải nắm vững các thông tin về kinh tế, xã hội, nhu cầu thị trường để có thể đưa ra những dự đoán chiến lược, phương hướng phát triển kịp thời, đúng đắn để phát triển bền vững.
Do đó văn hóa doanh nghiệp là động lực, là cơ sở nền tảng vững chắc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong việc vận hành bộ máy hoạt động, triển khai kế hoạch kinh doanh mới. Điều này giúp doanh nghiệp tiếp cận được với những giải pháp mới, tiên tiến hơn, hiện đại hơn, tăng tính đột phá và phát triển của doanh nghiệp.
Khi đại dịch Covid 19 xảy ra đã làm thay đổi suy nghĩ và cả cách thức vận hành của doanh nghiệp. Đặc biệt là việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới trong sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp để tăng năng suất, tăng khả năng tiếp cận khách hàng không chỉ trực tiếp, mà còn đẩy mạnh trên cả hình thức trực tuyến. Như vậy, văn hóa doanh nghiệp đã thúc đẩy việc làm chủ và ứng dụng công nghệ cao trong vận hành, quản trị doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh.
2.4. Tăng tính chuyên nghiệp
Bởi lẽ văn hóa doanh nghiệp giúp định hướng quy trình hoạt động, chiến lược kinh doanh, cách ứng xử của lãnh đạo, nhân viên, nên văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp tổ chức đó có được sự chuyên nghiệp trên mọi phương diện hoạt động:
- Doanh nghiệp có những giải pháp, chiến lược kịp thời để vận hành hoạt động phù hợp với thực tế, tránh việc bị đào thải, loại bỏ khỏi thị trường kinh doanh.
- Nếp sống, cách ứng xử chuyên nghiệp, đồng bộ giúp cán bộ nhân viên dễ dàng hòa nhập với môi trường văn phòng, tìm được niềm vui trong công việc, luôn đảm bảo được động lực, tinh thần tốt, hiệu suất làm việc.
- Dịch vụ khách hàng được thực hiện tốt hơn, bởi lẽ chỉ khi nào nhân viên cảm thấy hạnh phúc, dễ chịu, nhiệt huyết khi làm việc thì họ mới lan tỏa nguồn cảm xúc tích cực tới khách hàng.
Chẳng hạn với Samsung, một trong những khía cạnh của văn hóa doanh nghiệp góp phần tạo dựng sự thành công của thương hiệu đó là tạo ra một môi trường làm việc: năng động, khuyến khích người lao động phát huy khả năng sáng tạo, nhằm nâng cao hiệu suất công việc, mang đến những cơ hội công bằng cho tất cả các nhân viên, đó là kết quả của việc xây dựng "môi trường làm việc tuyệt vời" GWP (Great Work Place). Chính vì vậy, Samsung đã thiết lập được đội ngũ cán bộ nhân viên năng động, sáng tạo, nhiệt huyết góp phần đưa Samsung trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Như vậy, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của bất kỳ doanh nghiệp nào dù mỗi doanh nghiệp sẽ có những yếu tố văn hóa khác nhau, bởi lẽ nếu thiếu mất đi văn hóa này doanh nghiệp sẽ rất dễ xảy ra mâu thuẫn, chiến lược phát triển đưa ra khó phù hợp với tình hình thực tiễn.
>> Tham khảo: Vai trò và các yếu tố cấu thành văn hóa doanh nghiệp?