Bảo hiểm cây trồng, vật nuôi đã được đề cập và thực thi từ lâu. Ở các nước phát triển, vấn đề này luôn được nhà nước chú ý quan tâm, với nhiều chính sách hỗ trợ cho người nông dân trong việc đóng phí bảo hiểm nhằm giảm thiểu những thiệt hại khi gặp rủi ro lớn.

Đối với Việt Nam, bảo hiểm nông nghiệp càng trở nên cần thiết, bởi là một nước nông nghiệp, trên 70% số hộ gia đình sống bằng nghề nông, sản xuất luôn bị tiềm ẩn nhiều nguy cơ do thiên tai, dịch bệnh (nước ta được xác định là 1 trong 10 nước gánh chịu nhiều thiên tai nhất thế giới, hằng năm thiên tai và dịch bệnh thường "cướp đi" 13 – 15 nghìn tỉ đồng (tương đương 1,5% GDP). Nếu không có bảo hiểm nông nghiệp, mỗi khi gặp rủi ro, người nông dân sẽ bị mất trắng và họ dễ dàng rơi vào cảnh nghèo đói hoặc tái đói, tái nghèo, từ đó sẽ kéo theo nhiều vấn đề xã hội nan giải khác.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.6162

Trước tình hình đó, những năm qua, Nhà nước đã ban hành một số quy định về bảo hiểm nông nghiệp. Cụ thể là:

- Điều 4, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: "Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với các nghiệp vụ bảo hiểm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là chương trình phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp";

- Nghị quyết số 26-NQ/TW, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nêu: "… thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm mức sống tối thiểu cho cư dân nông thôn";

- Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020: "Nghiên cứu xây dựng quỹ tự lực tài chính, quỹ bảo hiểm về thiên tai";

- Nghị quyết số 22-NQ/CP, ngày 23-9-2008, của Chính phủ về "Ban hành chính sách bảo hiểm nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường";

- Nghị quyết số 24-NQ/CP, ngày 28-10- 2008, của Chính phủ về "Đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp"

Tuy nhiên, do đặc thù của cây trồng, vật nuôi mà các hoạt động bảo hiểm phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khăn và phức tạp. Ngay từ năm 1982, Tập đoàn Bảo Việt triển khai thí điểm bảo hiểm tại hai huyện Nam Ninh và Vụ Bản của Nam Định. Sau 2 năm triển khai thí điểm, do có chuyển đổi cơ chế từ kinh tế hợp tác xã sang kinh tế hộ nông dân, nên hoạt động này đã phải tạm thời dừng lại. Đến năm 1993, Bảo Việt lại tiếp tục triển khai thí điểm bảo hiểm cây lúa tại 16 tỉnh, mà điển hình là tỉnh Hà Tĩnh nơi chịu ảnh hưởng của rủi ro do thiên tai nhiều nhất. Ngoài bảo hiểm cây lúa, Bảo Việt còn triển khai các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác, như: bảo hiểm chăn nuôi, bảo hiểm cây công nghiệp, bảo hiểm cháy rừng… Song, sau vài năm hoạt động, Bảo Việt vẫn không thể mở rộng được loại hình bảo hiểm này hơn nữa và cuối cùng đã phải dừng lại do chi phí quá lớn.

Ngoài Bảo Việt, trong lĩnh vực này còn có doanh nghiệp nước ngoài như Groupama của Pháp, được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động vào tháng 7-2001. Công ty này đã triển khai 5 sản phẩm bảo hiểm cho vật nuôi là bò (bò thịt, bò sữa), lợn, gà, tôm sú, tôm càng xanh ở Nam Bộ. Những tổ chc khác như Quỹ bảo hiểm GlobalAgRick Inc cũng đã tiến hành nghiên cứu bảo hiểm nông nghiệp theo chỉ số đối với lũ tại Đồng Tháp và hạn hán ở Đắc Lắc; Ngân hàng Thế giới tài trợ để xây dựng đề án về phát triển bảo hiểm nông nghiệp;… nhưng tất cả những hoạt động đó mới chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu hoặc chỉ triển khai thí điểm.

Vì vậy, đến nay trên toàn quốc mới chỉ có khoảng 1% số cây trồng; 0,24% đàn trâu, bò; 0,1% đàn lợn và 0,04% số gia cầm được bảo hiểm. Khi gặp thiên tai, dịch bệnh, mùa màng thất bát, thì Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) – ngân hàng được coi là chủ chốt cho nông dân vay, sẽ phải khoanh nợ, xóa nợ. Như vậy, thực chất ở Việt Nam, Agribank đang hoạt động như người bảo hiểm nông nghiệp với chi phí chịu rủi ro lấy từ nguồn tiền của Chính phủ, thay vì do nông dân đóng.

Vì sao bảo hiểm cây trồng, vật nuôi chưa phát triển?

Không chỉ ở Việt Nam bảo hiểm cây trồng, vật nuôi khó phát triển mà trên thế giới, lĩnh vực này cũng thường chiếm tỷ trọng nhỏ trên thị trường bảo hiểm. Sở dĩ như vậy, trước hết là do tính chất phức tạp của nó.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp bảo hiểm là những nhà kinh doanh hoạt động vì lợi nhuận. để có lợi nhuận, họ phải quản lý được rủi ro, nhưng đối với lĩnh vực nông nghiệp điều này rất khó vì cây trồng, vật nuôi ngoài việc bị tác động bởi thời tiết, kết quả đạt được còn phụ thuộc nhiều vào cách thức, quy trình nuôi trồng của người nông dân. Như vậy đối tượng, lĩnh vực phải quản lý của doanh nghiệp rất rộng và phức tạp, khó có đủ người có năng lực để theo dõi, giám sát, nhất là khi rủi ro xảy ra sẽ rất khó đánh giá chính xác mức độ rủi ro và phân định thiệt hại, trách nhiệm một cách chính xác và khách quan. Chưa kể, sự đánh giá đúng đắn còn phụ thuộc nhiều vào đạo đức, kinh nghiệm của đội ngũ làm bảo hiểm.

Ở nước ta, điều này lại càng khó khăn hơn bởi người nông dân sản xuất nông nghiệp một cách manh mún, nhỏ lẻ (mỗi người chỉ được 1 – 2 sào Bắc bộ đất – khoảng từ 360m2 tới 720 m2), trong nhiều trường hợp họ không thực hiện quy trình canh tác đúng, hay các quy trình chăn nuôi khoa học (vệ sinh chuồng trại, chế độ ăn uống, tiêm phòng cho vật nuôi…), nên khả năng ứng phó với các rủi ro kém. Trong khi đó, người nông dân lại gặp rất nhiều rủi ro vì thời tiết bất lợi, dịch bệnh, chi phí đầu vào không ổn định, giá cả hàng nông sản trên thị trường luôn lên xuống bấp bênh, thậm chí ngay cả khi được mùa vẫn bị "rớt giá", rất khó hạch toán được mức lời lỗ. Vì thế không chỉ người nông dân thấy sản lượng thu hoạch của họ không đáng là bao để mua bảo hiểm, mà ngay cả doanh nghiệp cũng nản lòng khi vấp phải những thử thách trên và bảo hiểm ở Việt Nam mới vẫn chủ yếu là bảo hiểm các dịch vụ liên quan tới nông nghiệp chứ chưa bảo hiểm đến tận cây trồng hay vật nuôi cụ thể.

Khó khăn trong việc phát triển bảo hiểm cây trồng, vật nuôi còn do phía Nhà nước chưa có một khung pháp lý rõ ràng về vấn đề này. Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần phát triển mạnh hơn nữa thị trường tái bảo hiểm, một thị trường rất cần thiết, đứng sau bảo hiểm nông nghiệp.

Hướng đi nào cho bảo hiểm cây trồng, vật nuôi ?

Tuy đến nay thị trường bảo hiểm cây trồng, vật nuôi ở Việt Nam vẫn như bị bỏ ngỏ, nhưng người nông dân ở đây đó đã phải "tự cứu mình" bằng việc tự lập ra các quỹ như: "Quỹ bảo hiểm xóm" ở xã Tân Lập (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình), hay Quỹ bảo hiểm vật nuôi tại Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu… Theo đó, mỗi hộ sẽ đóng góp một phần sản lượng thu hoạch sau mỗi mùa vụ để chia sẻ cho các hộ khi mất mùa, gặp rủi ro, hoặc đóng bảo hiểm cho vật nuôi để khi gặp rủi ro sẽ được quỹ hỗ trợ. Hiện tổng số vốn của các quỹ đã lên tới 10 tỉ đồng. Sự ra đời của các quỹ kiểu này tuy chỉ mang tính tự phát song cũng đem lại hiệu quả tích cực, làm cho người nông dân cảm thấy rủi ro phần nào được san sẻ, nên yên tâm hơn và gắn bó hơn với các tổ chức sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng phản ánh mong muốn của họ muốn có bảo hiểm trong lĩnh vực này.

Đáp ứng nguyện vọng đó, Nhà nước đang có những bước đi tích cực trong việc nghiên cứu cách bảo hiểm sao cho doanh nghiệp bảo hiểm phải có lãi mà người dân cũng được đền bù thỏa đáng, hợp lý khi gặp phải rủi ro. Chẳng hạn, chúng ta đã nghiên cứu những dòng sản phẩm nông nghiệp mà việc bảo hiểm có tính khả thi cao của thế giới như: dòng truyền thống, tính giá trị thu hoạch của từng cây trồng, vật nuôi, thiệt hại bao nhiêu thì công ty bảo hiểm sẽ trả cho nông dân bấy nhiêu; dòng bảo hiểm theo chỉ số thời tiết, theo đó khi chỉ số thời tiết cao hơn mức quy định thì cây trồng, vật nuôi sẽ bị tác động xấu và công ty bảo hiểm phải trả cho nông dân số tiền bằng giá trị sản lượng thu hoạch hằng năm; dòng bảo hiểm theo chỉ số sản lượng, nghĩa là, do ảnh hưởng bất lợi của thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, hay khô hạn… khiến sản lượng bị sụt giảm thì phần chênh lệch giữa sản lượng theo lý thuyết và thu hoạch thực tế sẽ được bồi thường.

Bộ Tài Chính đã trình Chính phủ đề án "Thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2010 – 2012". Theo đó, người tham gia bảo hiểm nông nghiệp sẽ được hưởng lợi cao hơn người không tham gia trên cùng địa bàn; hộ nông dân nghèo, người nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp có thể được hỗ trợ cao nhất 80% đến 90% phí bảo hiểm. Hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo được hỗ trợ 60%. Mức hỗ trợ 50% được áp dụng cho các tổ chức sản xuất nông nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã…)…

Song vấn đề bảo hiểm cây trồng, vật nuôi của chúng ta chắc chắn sẽ còn nhiều gian nan. Vì vậy, thiết nghĩ để bảo hiểm cây trồng, vật nuôi ở Việt Nam sớm hoàn thiện và phát triển bền vững, cần:

- Một là, nâng cao nhận thức của người nông dân để họ thấy được sự cần thiết của việc bảo hiểm cây trồng, vật nuôi chính là sự giảm thiểu những thiệt hại cho họ khi gặp phải những rủi ro lớn, giúp họ sớm vực dậy, tái sản xuất. Tuy nhiên, không chỉ nâng cao nhận thức mà khi tham gia bảo hiểm chính người nông dân cũng phải chịu một phần chi phí đóng góp mới tạo động lực và ý thức tham gia bảo hiểm một cách hiệu quả.

- Hai là, bảo hiểm cây trồng, vật nuôi cần trở thành chính sách của Nhà nước, có sự kết hợp bảo hiểm này với các chính sách nông thôn, miễn thuế doanh thu cho sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp,…; sự kết hợp giữa doanh nghiệp, Nhà nước, ngân hàng và tập trung vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp (khuyến nông, áp dụng khoa học – kỹ thuật…) để giảm rủi ro trong sản xuất.

- Ba là, dù áp dụng mô hình bảo hiểm nào, thì bảo hiểm cây trồng, vật nuôi vẫn rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước như vai trò một nhà bảo hiểm cuối cùng để bảo vệ người nông dân trước mọi thảm họa. Tuy nhiên, do điều kiện hoàn cảnh kinh tế của nước ta còn nhiều khó khăn, sự hỗ trợ này có thể bằng cách dùng một phần từ nguồn thu ngân sách nhà nước để hỗ trợ người dân khi tham gia bảo hiểm và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai bảo hiểm.

- Bốn là, nhất thiết phải có sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp và toàn xã hội, vì đây không phải là một nghiệp vụ kinh doanh đơn thuần, mà mang tính xã hội rất cao. Do đó, khi có những thiên tai, dịch bệnh sẽ không chỉ đơn thuần một ngành, một địa phương có liên quan tham gia mà nên huy động các tổ chức xã hội, Hội Chữ thập đỏ, hay cộng đồng cả nước đều chung tay đóng góp giúp đỡ để nông dân khắc phục nhanh chóng những hậu quả do rủi ro gây ra./.

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN ĐIỆN TỬ SỐ 15 (207) NĂM 2010

 (MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)