Khách hàng: Thưa luật sư, tôi đang công tác tại ngân hàng. Khách hàng của tôi có đề nghị ngân hàng phát hành bảo lãnh dự thầu cho 1 gói thầu theo hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh (nội dung thư bảo lãnh dự thầu như file đính kèm - mẫu chung). Sau đó, khách hàng đã trúng thầu, và gửi ngân hàng thông báo trúng thầu (thời điểm này khách hàng và chủ đầu tư chưa ký kết hợp đồng) và đề nghị ngân hàng phát hành bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho gói thầu trên. Căn cứ vào thông báo trúng thầu, ngân hàng đã phát hành bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho khách hàng.

Lúc này, khách hàng yêu cầu ngân hàng phải chấm dứt thưa bảo lãnh dự thầu trên, lý do: khách hàng đã làm bảo lãnh thực hiện hợp đồng rồi thì nghĩa vụ dự thầu xem như chấm dứt.

Tuy nhiên, trong nội dung bảo lãnh dự thầu ghi :

Nếu Bên yêu cầu bảo lãnh trúng thầu: bảo lãnh này sẽ hết hiệu lực ngay sau khi Bên yêu cầu bảo lãnh ký kết hợp đồng và nộp Bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho Bên thụ hưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng đó.

Trong trường hợp này, bảo lãnh thực hiện hợp đồng đã phát hành rồi, nhưng hợp đồng vẫn chưa được ký kết, vậy nếu ngân hàng chấm dứt thư bảo lãnh này có trái với quy định về đấu thầu và thư bảo lãnh dự thầu đã phát hành hay không?

 

BẢN CẤP LẦN MỘT

Số Seri: 

Số tham chiếu: …....

Cần Thơ, ngày …. tháng 04 năm 2016

..

BẢO LÃNH DỰ THẦU

.

            Bên thụ hưởng: ............

            Địa chỉ: ...............................................

            Ngày phát hành bảo lãnh: …....................

            Bảo lãnh dự thầu số: 

            Bên bảo lãnh:………………………………………….

            Địa chỉ:  ………………………………………………………..

            Chúng tôi được thông báo rằng ………………………………………………………..

, địa chỉ: ………………………………………………………..

 (sau đây gọi là “Bên yêu cầu bảo lãnh”) sẽ tham dự chào hàng cạnh tranh để thực hiện gói thầu số 03: Cung cấp dịch vụ Vệ sinh công nghiệp bệnh viện, tên công trình: Cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp ……………..

theo Hồ sơ yêu cầu chào hàng cạnh tranh ngày 11/04/2016 ……………..phát hành.

            Chúng tôi cam kết với Bên thụ hưởng rằng chúng tôi bảo lãnh cho nhà thầu tham dự chào hàng cạnh tranh gói thầu này bằng một khoản tiền là 50.000.000VND (Bằng chữ: Năm mươi triệu đồng).

            Bảo lãnh này có hiệu lực trong 70 ngày, kể từ ngày 21 tháng 04 năm 2016 (*)

            Theo yêu cầu của Bên yêu cầu bảo lãnh, chúng tôi, với tư cách là Bên bảo lãnh, cam kết chắc chắn sẽ thanh toán cho Bên thụ hưởng khoản tiền là 50.000.000VND (Bằng chữ: Năm mươi triệu đồng) khi nhận được văn bản thông báo nhà thầu vi phạm từ Bên thụ hưởng trong đó nêu rõ:

            1. Nhà thầu rút hồ sơ đề xuất sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ đề xuất;

            2. Nhà thầu vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định của pháp luật đấu thầu;

            3. Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành thương thảo hợp đồng trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo mời đến thương thảo hợp đồng của bên mời thầu, trừ trường hợp bất khả kháng;

            4. Nhà thầu không tiến hành hoặc từ chối tiến hành hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu hoặc đã hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng;

            5. Nhà thầu không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định của hồ sơ yêu cầu.

            Nếu Bên yêu cầu bảo lãnh trúng thầu: bảo lãnh này sẽ hết hiệu lực ngay sau khi Bên yêu cầu bảo lãnh ký kết hợp đồng và nộp Bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho Bên thụ hưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng đó.

            Nếu Bên yêu cầu bảo lãnh không trúng thầu: bảo lãnh này sẽ hết hiệu lực ngay sau khi chúng tôi nhận được bản chụp văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu từ Bên thụ hưởng gửi cho Bên yêu cầu bảo lãnh; trong vòng 30 ngày sau khi hết thời hạn hiệu lực của hồ sơ đề xuất.

            Bất cứ yêu cầu bồi thường nào theo bảo lãnh này đều phải được gửi đến văn phòng chúng tôi trước hoặc trong ngày đó tại số ………………………….

  • Thư bảo lãnh này được lập thành 02 (hai) bản, có giá trị pháp lý như nhau:
  • ACB giữ 01 (một) bản
  • Bên thụ hưởng giữ 01 (một) bản.

            Thư bảo lãnh này không được phép chuyển nhượng.

            Thư bảo lãnh này được chi phối và giải thích theo pháp luật Việt Nam.

            Để kiểm tra tính xác thực của thư bảo lãnh này, Bên thụ hưởng và/hoặc Bên yêu cầu bảo lãnh vui lòng liên hệ …………………

 NHÂN VIÊN THỰC HIỆN                               KIỂM SOÁT VIÊN                           GIÁM ĐỐC

Rất mong nhận được sự phản hồi từ luật sư. 

Tôi xin chân thành cám ơn!

Câu trả lời được biên tập từ chuyên mục Tư vấn pháp luật dân sự của công ty Luật Minh Khuê.

>> Luật sư tư vấn trực tiếp về pháp luật dân sự gọi:1900.6162

Trả lời:

Chào bạn! cám ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty luật Minh Khuê,với thông tin bạn cung cấp chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Cơ sở pháp luật được sử dụng: 

Bộ luật dân sự 2015

Luật đấu thầu 2013

Thông tưsố 07/2015/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng

Nội dung phân tích:

 

1. Khái niệm bảo lãnh

Tại Điều 335. Bảo lãnh (Bộ luật dân sự 2015) quy định về bảo lãnh như sau:

"Điều 335. Bảo lãnh

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh."

=> Căn cứ quy định nêu trên có thể hiểu bảo lãnh dự thầu là cam kết của ngân hàng với chủ thầu sẽ trả tiền thay trong phạm vi thời hạn và số tiền bảo lãnh nếu bên dự thầu vi phạm quy chế dự thầu mà không nộp hoặc nộp không đủ số tiền phạt cho bên chủ thầu.

 

2. Bình luận về thực hiện các hợp đồng xây dựng hoặc cung cấp hàng hoá, đấu thầu

Trong việc thực hiện các hợp đồng xây dựng hoặc cung cấp hàng hoá, đấu thầu thường được sử dụng để lựa chọn đối tác tối ưu nhất. Việc đấu thầu bao gồm các bước gọi thầu, mở thầu, tuyên bố trúng thầu. Trong hồ sơ xin dự thầu chủ thầu yêu cầu người dự thầu phải có thư bảo lãnh của ngân hàng với giá trị từ 1% -3% tổng giá trị ước tính của giá bỏ thầu nhằm xác minh khả năng của họ tham gia đấu thầu. Mục đích của bảo lãnh dự thầu là khẳng định việc tham gia đấu thầu là nghiêm túc và người dự thầu sẽ ký hợp đồng nếu trúng thầu.Việc phát hành bảo lãnh dự thầu còn bảo đảm cho chủ thầu về khả năng tài chính của người thầu. Trong trường hợp trúng thầu các hình thức bảo lãnh cho các công việc tiếp theo như: bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tiền đặt cọc ... sẽ được sẵn sàng.

Nếu ngân hàng đồng ý bảo lãnh họ sẽ phát hành một thư bảo lãnh dự thầu. Chủ đầu tư có quyền đòi tiền theo thư bảo lãnh nếu nhà thầu không thực hiện đúng nghĩa vụ. Số tiền và thời hạn bảo lãnh được ghi trong thư bảo lãnh khớp đúng với đề nghị của bên yêu cầu bảo lãnh nhưng không trái với quy chế đấu thầu.

 

3. Trường hợp chấm dứt việc bảo lãnh

Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định trường hợp chấm dứt việc bảo lãnh theo quy định tại Điều 343 như sau:

"Điều 343. Chấm dứt bảo lãnh

Bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp sau đây:

1. Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt.

2. Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

3. Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

4. Theo thỏa thuận của các bên."

Mặt khác tại Điều 23. Chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh (Thông tư số 07/2015/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng) cũng ghi nhận:

“Nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp sau:

1. Nghĩa vụ của bên được bảo lãnh chấm dứt.

2. Nghĩa vụ bảo lãnh đã được thực hiện theo đúng cam kết bảo lãnh.

3. Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

4. Cam kết bảo lãnh đã hết hiệu lực.

5. Bên nhận bảo lãnh miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho bên bảo lãnh.

6. Theo thỏa thuận của các bên.

7. Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 22.

8. Nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.

=> Đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn có cung cấp thông tin trong nội dung bảo lãnh dự thầu nếu Bên yêu cầu bảo lãnh trúng thầu: bảo lãnh này sẽ hết hiệu lực ngay sau khi bên yêu cầu bảo lãnh ký kết hợp đồng và nộp Bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho bên thụ hưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng đó.

 

4. Hợp đồng bảo lãnh chưa được ký kết thì ngân hàng chấm dứt được không? 

Với câu hỏi là bạn muốn hỏi trong trường hợp này, bảo lãnh thực hiện hợp đồng đã phát hành rồi, nhưng hợp đồng vẫn chưa được ký kết, vậy nếu ngân hàng chấm dứt thư bảo lãnh dự thầu này thì có trái với quy định về đấu thầu và thư bảo lãnh dự thầu đã phát hành hay không?

Với trường hợp ngân hàng mà bạn đang làm việc, nếu việc chấm dứt bảo lãnh dự thầu thuộc một trong các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định tại Điều 23. Chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh (Thông tư số 07/2015/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng) nêu trên thì việc chấm dứt hợp đồng bảo lãnh này là có thể được xác định hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, cũng như vẫn đảm bảo phù hợp với thư bảo lãnh dự thầu đã phát hành, mặc dù nội dung thư bảo lãnh dự thầu chỉ ghi nhận nếu bên yêu cầu bảo lãnh trúng thầu: bảo lãnh này sẽ hết hiệu lực ngay sau khi Bên yêu cầu bảo lãnh ký kết hợp đồng và nộp Bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho bên thụ hưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng đó, như vậy ở đây việc chấm dứt bảo lãnh dự thầu có thể được xác định chấm dứt trên cơ sở căn cứ việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác (được thay thế bởi bảo lãnh thực hiện hợp đồng) hoặc chấm dứt theo thỏa thuận của các bên thì sẽ là trường hợp phù hợp theo quy định của pháp luật.

 

5. Quy định pháp luật về đồng bảo lãnh

Theo Thông tư 07/2015/TT-NHNN, Điều 24 quy định như sau:  

- Nguyên tắc, điều kiện, quy trình tổ chức thực hiện đồng bảo lãnh được thực hiện theo quy định tại Thông tư này, quy định của Ngân hàng Nhà nước về cấp tín dụng hợp vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và quy định pháp luật có liên quan.

- Các bên tham gia đồng bảo lãnh cùng chịu trách nhiệm liên đới trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, nếu không có thỏa thuận khác. Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đầu mối phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì các bên tham gia có trách nhiệm hoàn trả cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đầu mối số tiền tương ứng theo tỷ lệ tham gia đồng bảo lãnh mà các bên đã thỏa thuận.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận 1900.6162 hoặc gửi qua email  để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.                                  
Bộ phận Luật sư Tư vấn pháp luật doanh nghiệp.