1. Xử phạt đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác?

Thưa luật sư , xin phép cho tôi được kể về câu chuyện của mình. tôi và bạn trai cũ yêu nhau được mấy năm, đến khi chia tay anh này quay lại quấy rối cuộc sống của tôi, nói những lời xúc phạm danh dự và nhân phẩm của tôi. khi yêu nhau chuyện trai gái có xảy ra nhưng chúng tôi chưa quan hệ tình dục, nhưng anh nay toàn lấy những chuyện đó ra để uy hiếp và làm nhục tôi trước mọi người và còn nhắn tin sẽ tiếp tục quấy rối cuộc sống của tôi, của những người thân của tôi. Đến giờ tôi đã có chồng và có con nhưng anh này vẫn ko buông tha cuộc sống của tôi, khiến tôi lo lắng và suy sup tinh thần. kính mong luật sư giúp đỡ cho tôi ạ ?

Trả lời:

Căn cứ Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Căn cứ Ðiều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định:

"Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ."

Như vậy, danh dự, uy tín, nhân phẩm của mỗi cá nhân, công dân là bất khả xâm phạm, luôn được pháp luật bảo vệ bằng cách đặt ra các quy định pháp luật để xử lý đối với những hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Căn cứ vào Ðiều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

"Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.."

Căn cứ Ðiều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được xác định bao gồm:

Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Hành vi của bạn trai cũ của bạn quấy rối không cho bạn sống yên, nói những lời xúc phạm danh dự và nhân phẩm của tôi. Hành vi đó có thể sẽ bị truy cứu và chịu trách nhiệm và bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a)Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tuy nhiên, để có thể khởi kiện người khác, bạn phải xem xét thật kỹ trước khi đưa hành vi của người yêu cũ ra trước pháp luật, cần đầy đủ chứng cứ, cần sự xác minh chính xác về hành vi thì mới có thể được tiếp nhận về việc khởi kiện của mình.

2. Xử lý đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác

Kính chào luật sư, tôi xin hỏi một việc như sau: Vì gia đình tôi và hàng xóm bên cạnh có xích mích nhỏ, nhưng không ngờ họ lại gởi thơ nặc danh nói xấu chồng tôi với cơ quan anh ấy về quá khứ của anh ấy là người tù tội và khích bác ban giám dốc là một bệnh viện lớn sao lại nhận người tù tội vào làm, mặt khác họ xúi người nhà quấy rối gia đình tôi và hăm dọa sẽ làm cho chồng tôi mất việc, xin hỏi tôi phải làm sao để pháp luật xử lý người đó ạ.

Với hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Việc xử lý hành chính với vi phạm này thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp xã, phường nơi người vi phạm cư trú.

Nếu hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm mang tính chất nghiêm trọng thì tùy theo từng trường hợp, người vi phạm có thể bị truy cứ trách nhiệm hình sự về Tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 hoặc Tội Vu khống quy định tại Điều 156 BLHS 2015 sửa đổi 2017.

Bạn có thể làm đơn tố cáo hành vi của người bác để bảo vệ quyền lợi cho gia đình mình. Kèm theo đơn bạn phải xuất trình kèm theo các bằng chứng chứng cứ cho hành vi vi phạm của người bác đó để cơ quan điều tra xác minh làm rõ và có những biện pháp xử lý phù hợp.

Cho em hỏi. Em có người bạn đang xảy ra sự việc sau: vợ nghe người bạn làm cùng nói là nghe người khác nói là chồng mày dẫn gái về nhà ngủ và ngủ cùng em dâu. Đến khi người vợ hỏi lại người bạn làm cùng sự việc đó thì người đó không nói gì và lẫn tránh. Vậy cho em hỏi có nên khởi kiện và cần những bằng chứng như thế nào cho pháp lý để cơ quan giải quyết.

Với hành vi trên đủ yếu tố cấu thành tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

Điều 156. Tội vu khống

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

đ) Đối với người đang thi hành công vụ;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Vì động cơ đê hèn;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Để bảo vệ bản thân, đầu tiên bạn cần khai báo với chính quyền, công an, cơ quan đoàn thể về vụ việc nói trên nhằm làm rõ vụ việc và anh hoàn toàn có thể tố cáo người vay về hành vi vu khống người khác. Bạn nên làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết kèm theo chứng cứ mà bạn có được. Khung hình phạt được áp dụng trong trường hợp này đối với hàng xóm của bạn được quy định tại Khoản 1 Điều 156 “bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm” và có thể phải chịu thêm hình phạt bổ sung quy định tại Khoản 4 Điều 165 Bộ luật hình sự như trên.

Ngoài ra, trường hợp Tòa án từ chối thụ lý giải quyết đơn khởi kiện khi không đủ căn cứ để khởi tố vụ án trên thì bạn có thể yêu cầu bồi thường theo quy định tại Điều 584 Bộ Luật dân sự về trách nhiệm dân sự đối với hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự của cá nhân khác:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Mức bồi thường và hình thức bồi thường do hai bên thỏa thuận theo quy định tại Điều 585 Bộ luật dân sự. Nếu như, không bồi thường thì bạn có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với hành vi trên. Bạn cần chú ý về thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích của bạn bị xâm hại.

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Xin chào các vị luật sư!! Em muốn hỏi: nếu có người cố tình mang chuyện quá khứ của người khác ra hăm doạ sẽ phát tán cho nhiều người cùng biết nhằm hạ uy tín, danh dự của đối phương qua cộng đồng mạng thì sẽ mắc tội gì và hình thức xử phạt sẽ như thế nào ạ? Mong nhận được sự tư vấn sớm từ quý vị!! Đã gửi từ iPhone của tôi

Với hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 tương tự các bài viết trên.

Nếu hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm mang tính chất nghiêm trọng thì tùy theo từng trường hợp, người vi phạm có thể bị truy cứ trách nhiệm hình sự về Tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự hoặc Tội Vu khống quy định tại Điều 156 BLHS, cụ thể đã được trích dẫn trong các bài viết trên.

Bạn có thể làm đơn tố cáo hành vi của người bác để bảo vệ quyền lợi cho mình. Kèm theo đơn bạn phải xuất trình kèm theo các bằng chứng chứng cứ cho hành vi vi phạm của người bác đó để cơ quan điều tra xác minh làm rõ và có những biện pháp xử lý phù hợp.

3. Xử lý hành vi chửi bới, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của gia đình ?

Thưa luật sư, Bà em có con dâu thường chửi bới, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của gia đình. Việc này đã lặp lại nhiều lần nhưng gia đình em vẫn cố nhẫn nhịn nhưng càng nhịn thì người con dâu này càng lấn tới, đã nhiều lần làm như vậy trước mặt hàng xóm và ai can thì chửi luôn người đó. Hôm nay, bà ấy xúi dục con trai bà ấy lên nhà đánh dì em gây ra nhiều vết bầm trên cơ thể. Bà ấy dùng những từ ngữ thô tục và thiếu văn hoá để chửi gia đình em. Cho em hỏi bà ấy và con trai sẽ phải chịu những hình phạt như thế nào ạ?

Trả lời:

Thứ nhất, tội làm nhục người khác: Được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)như các bài viết ở trên.

Với những thông tin mà bạn cung cấp nêu trên thì người con dâu của bà bạn có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của bà bạn, các thành viên trong gia đình bạn và thậm chí cả những người hàng xóm xung quanh. Việc này diễn ra nhiều lần, trong một khoảng thời gian dài nên theo đánh giá của chúng tôi hậu quả hành vi này để lại là nghiêm trọng. Vậy, nếu gia đình bạn có đơn tố cáo hành vi này ra cơ quan công an cấp quận/huyện thì có thể người này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 155 nêu trên.

Thứ hai, hành vi cố ý gây thương tích cho người khác

Do bạn chưa nêu rõ việc người dì của bạn bị hành hung thì người cháu đã hành hung dì bạn có dùng hung khí nguy hiểm gì không, tỉ lệ thương tích của dì bạn là bao nhiêu nên chúng tôi xin đưa ra 2 trường hợp :

Nếu mức thương tích của dì bạn dưới 11%, người đánh dì bạn không dùng những hung khí nguy hiểm ( như dao, rựa...) thì người xúi dục và người đánh dì bạn chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị xử phạt vi phạm hình chính theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 5 Nghị quyết 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình:

"Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau";

Ngược lại, nếu sự việc diễn ra không thuộc vào trường hợp nêu trên người này có thể phải chịu trách nhiệm về mặt hình sự:

"Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

..."

4. Có thể tố giác người có hành vi loan truyền những điều sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự người khác không?

Chào luật sư, em có vướng mắc muốn nhờ luật sư tư vấn giúp như sau: Trong thôn em đang cư trú hiện nay, em bị chị B trong thôn đi loan tin rằng em có quan hệ bất chính với người khác và chị B đã nói với rất nhiều người. Sau đó, chị B đã xin lỗi em trước tổ hòa giải của thôn. Nhưng bản thân em là một Đảng viên, Đại biểu hội đồng nhân dân, Chi hội trưởng phụ nữ. Do đó, việc chị B loan truyền những điều sai sự thật ảnh hưởng rất lớn đến danh dự nhân phẩm của bản thân em, cũng như phá vỡ hạnh phúc gia đình em. Vậy em muốn làm đơn tố giác chị B về Tội vu khống được không?

Trả lời:

Như thông tin bạn cung cấp, chị B có hành vi loan truyền, bịa đặt những điều biết rõ là sai sự thật gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bạn, chính vì vậy, với hành vi này của chị B, chị B có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình đồng thời để hành vi của chị B bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật thì bạn có thể làm đơn tố cáo hành vi đó của chị B với cơ quan công an cấp quận/ huyện để được giải quyết.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Pháp luật dân sự - Công ty Luật Minh Khuê