Căn cứ pháp lý sử dụng trong bài viết: Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017Bộ luật Lao động năm 2019Nghị định 145/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hàng ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điêu của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động và Nghị định 38/2022/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 12/6/2022 quy định về định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

 

Luật sư tư vấn:

Em của quý khách là nhân viên bán hàng của công ty nước ngoài được 05 năm và trong quá trình làm việc đã làm công ty thất thoát tài sản của công ty. "Thất thoát" được hiểu là hành động làm mất đi số lượng lớn, gây thiệt hại đáng kể cho một nền kinh tế hoặc một hệ thống. Và em của của quý khách đã thực hiện hành vi gây ảnh hưởng đến lợi ích của công ty. Quý khách chưa nêu rõ lý do vì sao em của của quý khách gây thất thoát tài sản cho công ty, vì thế, chúng tôi xin chia vấn đề của bạn thành các trường hợp như sau:

 

Trường hợp 1: Người lao động không sử dụng thủ đoạn gian dối để gây thất thoát nghiêm trọng về tài sản cho công ty

Dùng thủ đoạn gian dối được hiểu là việc đưa ra các thông tin giả, không đúng sự thật nhưng thuyết phục, làm cho người khác tin đó là sự thật và tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra các thông tin giả có thể bằng nhiều cách khá nhau như bằng lời nói hay chữ viết, bằng hành động để nhằm thuyết phục, lừa dối nạn nhân tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Thủ đoạn gian dối trong trường hợp này có thể phát sinh sau thời điểm chuyển giao tài sản giữa người bị hại và người phạm tội. Tức là người phạm tội sẽ dùng cách vay, mượn, thuê, thông qua hợp đồng nào đó để người bị hại giao tài sản cho mình một cách hợp pháp, ngay thẳng. Nhưng sau khi nhận được số tài sản đó thì mới xuất hiện hành vi gian dối để nhằm chiếm đoạt tài sản đó, tức là phản bội lòng tin của người chủ tài sản.

Em của quý khách và công ty nước ngoài là mối quan hệ người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, chúng tôi sẽ áp dụng Bộ luật Lao động năm 2019 để làm căn cứ giải quyết vấn đề. Theo đó:

- Bị áp dụng hình thức kỷ luật là sa thải

Căn cứ vào khoản 2 Điều 125 của Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật là sa thải.

Như vậy, trường hợp nhân viên bán hàng của công ty nước ngoài cố ý làm thất thoát tài sản công ty là hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của công ty. Do vậy, công ty của em bạn hoàn toàn có quyền áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với người này nếu giá trị bị thất thoát này được coi là gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp đã quy định cụ thể trong nội quy lao động của công ty.

- Bồi thường thiệt hại cho phía công ty

Căn cứ vào Điều 129 Bộ luật Lao động năm 2019 thì:

+ Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc theo nội quy lao động của người sử dụng lao động. 

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản (theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật Lao động năm 2019).

Theo Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 12/6/2022 quy định về định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì mức lương tối thiểu tại các vùng được quy định như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/ tháng)

Vùng I 4.680.000
Vùng II 4.160.000
Vùng III 3.640.000
Vùng IV 3.250.000

+ Trong trường hợp người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.

Căn cứ các quy định trên thì việc người lao động gây thiệt hại tài sản của công ty thì phải bồi thường. Và với mức thiệt hại 800 triệu đồng do nhân viên gây ra thì dù công ty này hoạt động tại vùng nào trong các mức áp dụng mức lương tối thiểu vùng thì mức thiệt hại vẫn lớn hơn 10 lần mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, người lao động không sử dụng thủ đoạn gian dối để gây thiệt hại cho công ty nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm này. Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động. Và trình tự, thủ tục, thời hiệu xử lý việc bồi thường thiệt hại sẽ được hướng dẫn bởi Điều 71, Điều 72 Nghị định 145/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hàng ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điêu của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

 

Trường hợp 2: Người lao động cố ý sử dụng thủ đạn gian dối làm thất thoát tài sản, gây thiệt hại cho công ty

Trong trường hợp này, hành vi của em quý khách đã xác lập nên tội làm thất thoát tài sản công ty. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa có sự quy định về Tội làm thất thoát tài sản công ty. Cho nên không thể truy cứu trách nhiệm trực tiếp hành vi làm thất thoát tài sản công ty về Tội làm thất thoát tài sản công ty được. Tuy nhiên với hành vi làm thất thoát tài sản của công ty có thể quy về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; hoặc các yếu tố khác theo quy định của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo quy định tại Điều 175 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định như sau:

- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

+ Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

- Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

- Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy thông qua dẫn chứng trên ta đã biết được câu trả lời cho câu hỏi Tội làm thất thoát tài sản công ty bị xử lý như thế nào. Tùy thuộc vào từng mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà cơ quan nhà nước sẽ đưa ra biện pháp xử phạt tương ứng. Mong rằng trong tương lai Bộ luật Hình sự sẽ có quy định về Tội làm thất thoát tài sản công ty để việc tiến hành xử lý hành vi trên sẽ được dễ dàng hơn.

 

Trường hợp 3: Người lao động là người có chức vụ, quyền hạn vô ý gây thất thoát tài sản của công ty

Vì câu hỏi quý khách gửi cho công ty chúng tôi không có nêu rõ em của bạn có là người có chức vụ, quyền hạn trong công ty hay không mà chỉ nêu em của bạn là nhân viên của công ty nước ngoài. Do đó, trong trường hợp em của quý khách là người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong công ty, tức là người có chức vụ, quyền hạn trong công ty (ví dụ như quản lý, ...) và vô ý gây thất thoát tài sản của công ty thì hành vi vi phạm của em bạn có thể cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ, được quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đây là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây nên hậu quả nghiêm trọng. 

1. Dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

a. Khách thể của tội phạm

Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xâm phạm trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội.

b. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng phải là những cá nhân có chức vụ, quyền hạn liên quan đến hành vi phạm tội.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:

-  Cán bộ, công chức, viên chức;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

- Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;

- Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

c. Mặt khách quan của tội phạm

- Hành vi khách quan là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao.

- Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm. Tức là, hành vi trên phải gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của con người hoặc gây thiệt hại lớn về tài sản nếu không thuộc trường hợp quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành tại các Điều 179 (Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp); Điều 308 (Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng) và Điều 376 (Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, người đang chấp hành án phạt tù trốn).

d. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm này được thực hiện với lỗi vô ý. Người phạm tội đáng lẽ phải thấy trước hậu quả do hành vi của mình mang lại nhưng không thấy trước được, hoặc đã thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

Một số tình tiết tăng nặng của tội phạm:

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên

2. Hình phạt bị áp dụng đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Căn cứ vào Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị áp dụng hình phạt như sau:

a. Khung hình phạt cơ bản: 

Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

b. Khung hình phạt tăng nặng:

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

+ Làm chết 02 người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

+ Làm chết 03 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty chúng tôi về trường hợp của quý khách. Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê. Trân trọng!