1. Xuất gia ba-la-mật (nekkamma pãramĩ) là gì ?

Hãy lắng nghe câu Kinh Lời Vàng số 302 (xem khái niệm xuất gia ba-la-mật ở trên):

“- Khó thay đời sống xuất gia!

An vui đời sống không nhà, khó hơn!

Tại gia, phiền não dập dồn.

Lại khó hơn nữa, sầu buồn kéo lôi!

Bạn bè không hợp, chán ôi!

Làm người lữ khách luân hồi, càng thương!

Vậy nên dừng gót đoạn trường.

Chạy theo, biết khổ, vẫn bươn chải hoài!”

(Duppabbajjaṃ durabhiramaṃ durāvāsā gharā dukhā, dukkho’samānasaṃvāso dukkhānupatitaddhagū, tasmā na caddhagū siyā na ca dukkhānupatito siyā).

Tức sanh truyện Makhādeva (Jātaka-Makhādeva) kể rằng, khi bồ-tát Makhādeva chớm thấy một sợi tóc bạc, ngài liền nhường ngôi lại cho con, xuất gia sống đời đạo sĩ; sau đắc bát thiền và ngũ thông.

Đặc biệt, Túc sanh truyện Temiya (Jātaka-Temiya) có kể về bồ- tát vừa mới sinh ra, biết ngai vàng là nơi phát sanh tội lỗi do trí nhớ tiền kiếp; nên ngài phải tìm cách giả điếc, giả câm, không khóc, không la, không đòi ăn, không đòi uống; giả tê liệt tứ chi như một xác chết... ròng rã suốt mười mấy năm như thế. Đức vua cha khi đã hết cách thử thách nên chán nãn, giận dữ cho quân lính đem chôn ngoài đồng hoang. Biết đã đến thời, bồ-tát vươn mình đứng dậy, quân binh hoảng sợ; ngài từ tốn trấn an, nói rõ lý do, bao năm giả tê liệt, giả câm, giả điếc là vì ngài ghê sợ chiếc ngai vàng tanh hôi danh lợi - chỉ muốn xuất gia lên non xanh sống đời đạo sĩ. Thế là hoàng tử Temiya thoát khỏi ngục vàng. Năm ấy, ngài mới 16 tuổi.

Trải qua 24 vị Phật, ngoài nhiều kiếp xuất gia làm đạo sĩ, bồ-tát còn có nhiều kiếp xuất gia làm thầy tỳ-khưu, không nguyện đắc quả A-la-hán mà chỉ nguyện Chánh Đẳng Giác để rộng độ muôn sinh.

Dù đạo sĩ hay sa-môn, bồ-tát luôn tu tập kiên trì, tinh tấn bồi bổ công hạnh của mình. Chí nguyện ấy không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tuy nhiên, như con sông phải qua thác, qua ghềnh, qua vực nhưng dòng chảy vẫn định hướng, trước sau cũng xuôi về biển giác. Tương tự như các ba-la-mật khác;  xuất  gia ba-la-mật (nekkhamma pāramī) cũng có ba bậc là bậc hạ, bậc trung và bậc thượng.

Đức Phật khen ngợi đời sống thong dong, tự tại của bậc xuất gia trong câu Kinh Lời Vàng số 87:

“- Bỏ nhà, mây trắng ra đi,

Thong dong muôn sự, viễn ly thế tình;

Pháp đen, pháp trắng phân minh,

Rời xa khổ lạc, khinh linh độc hành!

(Kaṇhaṃ dhammaṃ vippahāya sukkaṃ bhāvetha paṇḍito, okā anokaṃ āgamma viveke yattha dūramaṃ).

 

2. Trí tuệ ba-la-mật (paññā pāramī) là gì ?

Paññā, bát-nhã, trí tuệ - là thấy rõ chân tướng của vạn pháp – mà nếu không thành tựu được trí tuệ nầy thì vẫn còn trầm luân trong muôn trùng sinh tử khổ đau. Và, thành tựu được trí tuệ nầy – trí tuệ ba-la-mật (paññā pāramī) thì quả không dễ dàng gì! Chân tướng của vạn pháp, thực tánh pháp (sabhāva-dhamma), là vô thường, dukkha, vô ngã thì dường như bậc trí sơ căn cũng hiểu, cũng biết qua phạm trù trí năng, tư duy nhưng “thấy rõ” nó, “liễu triệt” nó, “thân chứng” nó, bồ-tát của chúng ta phải trải qua vô lượng kiếp nhiều như vi trần? Tại sao lại như thế?

Thế gian nầy thiện có, ác có, tốt có, xấu có. Nếu là thời đại thịnh cường, các giá trị nhân văn, nhân bản được cổ súy, tôn trọng... thì thiện lương nhiều hơn ác tánh; và ngược lại. Tuy nhiên, bồ-tát sống trong hoàn cảnh nào, thời đại nào - như ngọn lửa bập bùng trong chiếc ghè – ngài cũng tu tập thiện pháp, bồi dưỡng các công hạnh ba-la-mật do lời đại nguyện đã được định hướng dưới chân đức Phật Nhiên Đăng. Muốn có trí tuệ rốt ráo, tột cùng thì trong các kiếp làm người, yếu tố tiên quyết là bồ-tát phải hoàn thiện bản thân, chu toàn phẩm cách. Và chính ở đây mà các “trí thế gian” đúng, tốt, lành, khéo, hay, giỏi được tích lũy, tô bồi, trưởng dưỡng. Do vậy, không ngạc nhiên gì, rất nhiều kiếp sống, bồ-tát là bậc hiền trí, bậc đạo đức, bậc mô phạm luôn là mảnh trăng trong vằng vặc dịu dàng soi sáng cho đời.

Nhiều nhà nghiên cứu, học giả kể cả một số nhà sư uyên bác khi viết về trí tuệ ba-la-mật, khẳng định rằng đấy là trí tuệ tam pháp ấn, xuất thế - nhưng theo tôi, chỉ là trí thế gian thôi. Cụ thể như tích truyện bồ-tát Mahosatha trong Túc sanh truyện (Mahosatha jātaka), có thể gọi cái trí ưu việt của ngài có được là do biết quan sát, biết phán đoán, biết suy luận, biết phân tích sự việc hay hiện tượng – thì đây vẫn là tuệ thế gian được tích lũy qua nhiều đời kiếp. Và sự tích lũy ấy được hình thành từ 3 nguồn là văn, tư và tu.

 

2.1 Văn tuệ (sutamaya-paññā)

“Suta” là nghe, đã nghe; và “maya” là tích lũy, hoàn thành; “sutamaya” là hoàn thành hay tích lũy những điều đã được nghe. Vậy, “sutamaya-paññā” văn tuệ này mà có được do hoàn thành, tích lũy điều đã được nghe; và do nghe nhiều mà trở thành bậc đa văn, bác học (bahussuta) – ví như tôn giả Ānanda.

Dĩ nhiên là nghe được từ nhiều nguồn.

Thuở xưa nếu có kinh sách, cổ thư, chữ viết thì bồ-tát nghiên cứu, đọc nhiều để tích lũy kiến thức, hiểu biết, trí khôn, minh triết của cổ nhân. Nếu vào thời không có chữ viết, thì nghe, chính là học hỏi bên chân một vị thầy, một đạo sư, chân sư, sa-môn, bà-la-môn... Và, cũng có có thể lắng nghe, học hỏi từ Tứi trí khôn, từ những câu chuyện truyền khẩu của dân gian – tương tự như ca dao tục ngữ hiện nay. Cộng lại tất cả đấy mà văn tuệ (sutamaya-paññā) được hình thành.

 

2.2 Tư tuệ (cintāmaya-paññā)

Cintā là tư, tư duy, suy nghĩ; nó gồm luôn cả quan sát, phán đoán, suy luận; “maya” là hoàn thành, tích lũy... Vậy, tư tuệ (cintāmaya-paññā) có được là do cả kho tàng trí năng ấy. Rất nhiều kiếp, bồ-tát khi thì làm quan đại thần, chánh án, quốc sư, quân sư, vua chúa hoặc chỉ là một gia chủ... nhờ có tư tuệ nầy mà xử phạt công minh, đoán định “như thần” từ vụ việc, hiện tượng rất chính xác khả dĩ làm chuẩn mực “cán cân công lý” cho đời.

 

2.3 Tu tuệ (bhāvanāmaya-paññā)

Bhāvanā có nhiều nghĩa: Là hành thiền, là thiền tập, là trau dồi tâm trí hay là cách thức phát triển đời sống tinh thần. Nghĩa nào cũng đúng vì đây là tu, là thực nghiệm điều đã nghe, điều đã từng tư duy. Nếu văn và tư là kiến thức, hiểu biết thuộc phạm trù tục thể thì tu tuệ (bhāvanāmaya-paññā) thì tinh thần có thể thăng hoa đến cõi phạm thiên nếu tu thiền đắc định. Cuộc đời bồ-tát phải nói là đã trăm trăm nghìn nghìn lần đắc bát thiền và ngũ thông trong những kiếp sống đời đạo sĩ. Và tu tuệ có được là do nhờ tích lũy những kinh nghiệm mang dấu ấn “tam pháp ấn” nhưng cũng chưa thật sự là tuệ xuất thế gian.

Nói tóm lại, trí tuệ ba-la-mật (paññā pāramī) cũng có ba bậc, thượng, trung và hạ. Với nhu cầu ham học hỏi, ham hiểu biết, chắc chắn bồ-tát của chúng ta trong nhiều kiếp phải hy sinh của cải, tài sản.. tất thảy vật ngoại thân (bậc hạ) để được nghe những lời minh triết. Bồ-tát cũng sẵn sàng hy sinh một vài bộ phận thân thể để học hỏi lời giáo giới của những bậc thông tuệ (bậc trung). Và bồ-tát cũng sẵn sàng hy sinh thân mạng để nghe một câu kệ ngôn đầy trí tuệ của một bậc minh sư (Có sự tích bồ-tát an nhiên bước vào địa ngục than hồng chỉ để nghe một câu kệ ngôn – nhưng đã quên mất nguồn).

Trí tuệ là trái tim của Phật giáo, là mũi tên cuối cùng nhắm đến tiêu điểm giác ngộ, giải thoát. Vậy nên, trong Bát Chánh Đạo, con đường diệt khổ, tuệ (chánh kiến) dẫn đầu đạo lộ siêu thế. Đức Phật ca ngợi trí tuệ có khả năng thiện xảo leo tận đỉnh cao sơn trong câu Kinh Lời Vàng số 28:

“- Niệm tâm: Phóng dật lùi xa.

Thoát khỏi phiền não – binh ma cuối đèo!

Cao sơn, trí tuệ khéo trèo.

Ngu si, đau khổ - nằm queo đám người!

(Pamādaṃ appamādena yadā nudati paṇḍito, paññāpāsāda māruyha asoko sokiniṃ pajaṃ, pabbataṭṭho va bhūmaṭṭhe dhīro bāle avekkhati).

>> Tham khảo thêm một số video liên quan đến Ba-la-Mật theo Đạo Phật:

Youtube video

BA LA MẬT nghĩa là gì ? - Thầy Thích Pháp Hòa​

Nguồn: Minh Đức Triều Tâm Ảnh (Tỳ-khưu Giới Đức - Sīlaguṇa Bhikkhu) – Phật học tinh yếu