Mục lục bài viết
- 1. Điều kiện cho phép hoạt động giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài
- 2. Ai có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài?
- 3. Hồ sơ, thủ tục thành lập cơ sở mầm non có vốn đầu tư nước ngoài
- 3.1. Hồ sơ cho phép thành lập cơ sở mầm non có vốn đầu tư nước ngoài
- 3.2. Thủ tục cho phép thành lập cơ sở mầm non có vốn đầu tư nước ngoài
- 4. Quy định về đội ngũ nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài
- 5. Quy định về cơ sở vật chất, thiết bị đối với cơ sở mầm non có vốn đầu tư nước ngoài
1. Điều kiện cho phép hoạt động giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài
Để trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài được đưa vào hoạt động thì phải đáp ứng những quy định trong Điều 45 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục:
- Thứ nhất, đối với cơ sở mầm non thì phải có quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp Tỉnh.
-Thứ hai, có vốn đầu tư, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình giáo dục, đội ngũ nhà giáo đáp ứng quy định tại Điều 35, 36, 37 và 38 của Nghị định này.
- Thứ ba, có quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.
2. Ai có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài?
- Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được hiểu là cơ sở giáo dục do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, được phép sử dụng con dấu và tài khoản riêng.
- Về lĩnh vực giáo dục được phép hợp tác, đầu tư:
+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân nước ngoài) được phép hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép hợp tác, đầu tư các ngành đào tạo theo quy định hiện hành trừ các ngành về an ninh, quốc tế, chính trị và tôn giáo.
- Theo quy định tại Điều 40 Nghị định này:
+ Thủ tướng chính phủ quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài
+ Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông, trừ cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy, thành lập cơ sở mầm non có vốn đầu tư nước ngoài thì thẩm quyền thuộc về chủ tịch ủy ban nhân dân cấp Tỉnh.
3. Hồ sơ, thủ tục thành lập cơ sở mầm non có vốn đầu tư nước ngoài
3.1. Hồ sơ cho phép thành lập cơ sở mầm non có vốn đầu tư nước ngoài
Theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định 86/2018/NĐ-CP, đối với cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài, hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị cho phép thành lập cơ sở giao dục theo quy định tại điểm a khoản 1 điều này
(Mẫu số 13 tại phụ lục ban hành kèm theo nghị định này)
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
- Đề án thành lập cơ sở giáo dục theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này
(Mẫu số 14 tại phụ lục kèm theo nghị định này)
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của văn bản chấp thuận cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh đối với trường hợp xây dựng cơ sở vật chất (trong đó xác định rõ địa chỉ, diện tích, mốc giới của khu đất) hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 36 Nghị định này và có các giấy tờ pháp lý liên quan.
+ Thuê cơ sở vật chất: cơ sở giáo dục có đầu tư nước ngoài được phép thuê cơ sở vật chất ổn định theo chu kỳ thời gian ít nhất 5 năm và phải bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này
- Kế hoạch và cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục hoặc dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bao gồm phần thuyêt minh và thiết kế chi tiết cơ sở giáo dục.
- Văn bản chứng minh năng lực tài chính theo mức quy định tại Điều 35 Nghị định này.
3.2. Thủ tục cho phép thành lập cơ sở mầm non có vốn đầu tư nước ngoài
Nhà đầu tư gửi 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện đến: Sở giáo dục và đào tạo đối với hồ sơ đề nghị cho phép thành lập đối với cơ sở giáo dục mầm non, trừ trường mầm non do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị cho phép thành lập.
- Trình tự cho phép được thành lập như sau:
+ Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 41 Nghị định này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ xin ý kiến của cơ quan, đơn vị có liên quan;
+ Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc qua thư điện tử cho nhà đầu tư;
+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn xin ý kiến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan, đơn vị được hỏi ý kiến phải có văn bản trả lời.
+ Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ lập báo cáo thẩm định hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 40 Nghị định này xem xét, quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo nghị định này.
+ Trường hợp hồ sơ không được chấp thuận, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của cấp có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.
- Sau thời gian 2 năm kể từ ngày quyết định cho phép thành lập có hiệu lực, nếu cơ sở giáo dục không được cho phép hoạt động giáo dục thì quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục hết hiệu lực.
4. Quy định về đội ngũ nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài
Giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, người giám sát, chỉ bảo từng em để trẻ phát triển tư duy, tự nâng cao tính độc lập và tự tin. Giáo viên luôn thu hút t rẻ bằng thái độ hào hứng, tươi vui, và thường trực nụ cười trên môi. Chính vì vậy những quy định về đội ngũ nhà giáo là điều kiện quan trọng để cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài có thể hoạt động:
- Giáo viên ít nhất có trình độ cao đẳng sư phạm mầm non hoặc tương đương
- Số trẻ em tối đa trong 1 nhóm hoặc lớp được quy định như sau:
+ Đối với trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ:
- Trẻ em 03 - 12 tháng tuổi: 15 trẻ em/nhóm
- Trẻ em 12 - 24 tháng tuổi: 20 trẻ em/nhóm
- Trẻ em 25 - 36 tháng tuổi: 25 trẻ em/nhóm
+ Đối với trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo:
- Trẻ em 03 - 04 tuổi: 25 trẻ em/lớp
- Trẻ em 04 - 05 tuổi: 30 trẻ em/lớp
- Trẻ em 05 - 06 tuổi: 35 trẻ em/lớp
- Số lượng giáo viên trong 1 nhóm hoặc lớp được quy định như sau:
+ Đối với trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ: 5 trẻ em/giáo viên
+ Đối với trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo: 10 -12 trẻ em/giáo viên.
5. Quy định về cơ sở vật chất, thiết bị đối với cơ sở mầm non có vốn đầu tư nước ngoài
Bên cạnh chương trình giáo dục, lộ trình học tập và đội ngũ giáo viên thì cơ sở vật chất cũng đóng vai trò quan trọng và là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục tại trường. Theo đó cơ sở vật chất được hiểu là tất cả các phương tiện được sử dụng cho mục đích giảng dạy, học tập và các hoạt động khác liên quan đến bồi dưỡng, đào tạo tại trường nhằm giúp giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy và học sinh nâng cao khả năng tiếp thu, lĩnh hội, trải nghiệm kiến thức, đồng thời rèn luyện và hoàn thiện các kỹ năng cần thiết trong quá trình học tập tại trường. Căn cứ vào Điều 36 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về cơ sở giáo dục, thiết bị đối với cơ sở mầm non có vốn đầu tư nước ngoài như sau:
- Trường tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt. Diện tích mặt bằng xây dựng trường được xác định trên cơ sở số nhóm lớp, số trẻ với bình quân ít nhất 08 m2/ trẻ đối với khu vực thành phố, thị xã và 12 m2/trẻ đối với khu vực nông thôn.
- Có phòng họp, phòng ngủ của trẻ và các phòng chức năng phù hợp về diện tích, ánh sáng, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng chăm sóc và giáo dục trẻ.
- Có văn phòng nhà trường, phòng ban giám hiệu, phòng hành chính quản trị, phòng y tế, phòng bảo vệ, phòng dành cho nhân viên phù hợp với diện tích, trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.
- Có hệ thống nước sạch, hệ thống thoát nước, phòng vệ sinh phù hợp, có thiết bị vệ sinh bảo đảm an toàn, sạch sẽ, đáp ứng mọi sinh hoạt của trường.
- Có nhà bếp được tổ chức theo quy trình hoạt động một chiều với các thiết bị, đồ dùng phù hợp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nếu trường tổ chức nấu ăn cho trẻ.
- Có sân chơi, tường bao quanh khu vực trường, có cổng trường với biển trường ghi rõ tên trường theo quy định tại Điều 29 Nghị định này.
- Trong khu vực trường có cây xanh. Toàn bộ các thiết kế xây dựng và trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi của trường phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ.
Vui lòng liên hệ số tổng đài 1900.6162 hoặc liên hệ email: lienhe@luatminhkhue.vn để có thêm nhiều thông tin hữu ích!