>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự gọi: 1900.6162 

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

 

1. Điều kiện để kết hôn theo quy định của pháp luật.

- Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của luật hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Để có thể kết hôn thì nam và nữ phải có đủ các điều kiện kết hôn kèm theo đó phải đăng ký kết hôn thì việc kết hôn mới được thừa nhận và pháp luật mới công nhận quan hệ vợ chồng của đôi nam và nữ đó.

- Theo quy định tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì các điều kiện để kết hôn, cụ thể là:

+ Thứ nhất, đáp ứng yêu cầu về độ tuổi: Trong đó quy định nam từ đủ 20 tuổi trở lên và đối với nữ thì từ đủ 18 tuổi trở lên.

+ Thứ hai, về sự tự nguyện thì việc kết hôn phải do hai bên nam và nữ hoàn toàn tự nguyên quyết định. Việc bất kỳ ai có hành vi cưỡng ép, cản trở việc kết hôn theo quy định của pháp luật đều là hành vi vi phạm các điều cấm theo quy định của luật hôn nhân và gia đình và tùy theo từng mức độ nghiêm trọng của hành vi đó mà sẽ có chế tài xử lý tương ứng.

+ Thứ ba, về năng lực hành vi thì hai bên nam và nữ đều phải là người không bị mất năng lực hành vi dân sự. Năng lực hành vi dân sự là khả năng của cá nhân có thể tự mình quyết định trong việc thực hiện các giao dịch dân sự. Thông thường theo quy định của pháp luật thì đến một độ tuổi nào đó thì các chủ thể sẽ có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên cũng có trường hợp mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc quy định nam và nữ muốn kết hôn thì cả hai phải không bị mất năng lực hành vi dân sự là hoàn toàn hợp lý vì theo quy định việc đi đăng ký kết hôn sẽ do hai bên nam và nữ tự nguyện đi đăng ký nên nếu một trong hai bên mất năng lực hành vi dân sự thì không thể thực hiện hoạt động này.

+ Thứ tư, việc kết hôn giữa nam và nữ phải không thuộc các trường hợp cấm kết hôn theo quy định của pháp luật, cụ thể các trường hợp cấm kết hôn đó là:

- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo.

- Tảo hôn; cưỡng ép hoặc lừa dối hoặc cản trở việc kết hôn.

- Người đang có vợ hoặc chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ hoặc chồng. Thực ra quy định việc cấm kết hôn này là thực hiện theo nguyên tắc của luật hôn nhân và gia đình trong đó có quy định về chế độ hôn nhân một vợ một chồng nên việc đang có vợ hoặc chồng thì không thể kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với một người khác kể cả người đó chưa có vợ hoặc chồng.

- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng trực hệ, trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, mẹ vợ với con rể, cha chồng với con dâu, mẹ kế với con riêng của chồng, cha dượng với con riêng của vợ. 

Cũng cần phải lưu ý thì hiện nay nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

- Ngoài điều kiện để kết hôn như đã trao đổi ở trên thì hai bên nam và nữ muốn xác lập quan hệ vợ chồng thì phải đi đăng ký kết hôn cụ thể theo quy định tại Điều 9 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

+ Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của luật hôn nhân và gia đình và pháp luật về hộ tịch. Thông thường đối với nam và nữ là công dân Việt Nam thì thực hiện việc đăng ký kết hôn ở Ủy ban nhân dân cấp xã, phường hoặc thị trấn tại nơi thường trú của một trong hai bên nam và nữ. Như đã nêu ở trên thì việc kết hôn mà không được đăng ký theo quy định thì sẽ không có giá trị pháp lý.

+ Trong trường hợp vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.

 

2. Anh em họ được cưới nhau khi nào?

- Theo Wikipedia thì anh em họ là từ ngữ để chỉ mối quan hệ họ hàng và muốn đề cập đến những người thân thích vời người đó trong gia đình, gia tộc hoặc có tổ tiên chung. Nói một cách khác thì anh em họ tức là người con của cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột đối với đối tượng đang được đề cập. 

- Mà theo quy định tại khoản 18 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba. Mà theo điểm d khoản 2 Điều 5 cũng trong quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời là hành vi bị cấm. 

- Mặt khác theo quy định của Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 thì tại điểm c.3 mục 1 có quy định về những người có họ trong phạm vi 3 đời là những người có cùng một gốc sinh ra trong đó cha mẹ là đời thứ nhất, anh em cùng cha cùng mẹ hoặc cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha là đời thứ hai, anh chị em con chú con bác con cô con cậu con dì là đời thứ ba.

- Như vậy căn cứ vào các quy định trên có thể thấy anh em họ có thứ bậc thấp hơn một bậc so với anh em ruột nhưng vẫn nằm trong mối quan hệ huyết thống trong phạm vi ba đời nên trong trường hợp anh em họ thì không thể kết hôn được với nhau vì vi phạm quy định cấm trong luật hôn nhân và gia đình. 

* Trả lời câu hỏi của bạn thì bà cóc của bạn và bà cóc của bạn gái bạn là hai chị em ruột và được xác định là đời thứ nhất. Do đó bạn hoàn toàn có thể tính phạm vi ba đời của mình và bạn gái của bạn. Nếu bạn và bạn gái không nằm trong những người có họ trong phạm vi ba đời thì hai bạn vẫn có thể kết hôn bình thường miễn đáp ứng các điều kiện và đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật.

 

3. Điều kiện kết hôn của người trong họ hàng?

Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi cần tư vấn như sau: Bạn tôi yêu một cô bé. Dì của cô bé lấy anh họ của bạn tôi. Giờ cô bé với bạn tôi yêu nhau và có thai. Theo xưng hô cô bé đó gọi anh họ của bạn tôi là chú. Còn gọi bạn tôi là chú theo quan hệ thông gia. Như vậy hai người có được kết hôn không?
Trân trọng cảm ơn. Người gửi: H.L

>> Luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình gọi số: 1900.6162

 

Trả lời:

Về vấn đề kết hôn đối với những người có quan hệ họ hàng, Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định tại Điều 5 như sau:

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

"2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi."

Như vậy, pháp luật Việt Nam chỉ cấm kết hôn đối với những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Bạn nữ và bạn của bạn không có quan hệ họ hàng, không có quan hệ huyết thống mà chỉ gọi bạn của bạn là chú theo quan hệ thông gia (theo như lời bạn nói) thì không thuộc vào điều kiện cấm kết hôn được quy định tại Luật hôn nhân và gia đình 2014.

 

4. Xác định quan hệ huyết thống, phạm vi ba đời khi kết hôn?

Thưa luật sư, xin luật sư giúp cháu trả lời câu hỏi với ạ: Trong trường hợp cháu của hai anh em trai ruột yêu nhau và muốn kết hôn với nhau, thì pháp luật Việt Nam có cho phép đăng kí kết hôn không ạ? Cảm ơn luật sư ạ.

Trả lời:

Điểm d Khoản 2 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định như sau:

"Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Cấm các hành vi sau đây:

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;"

Giữa những người có họ trong phạm vi 3 đời là những người cùng một gốc sinh ra: cha mẹ là đời thứ nhất, anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ cùng mẹ khác cha là đời thứ hai, anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

Theo đó, bố của 2 anh em ruột sẽ là đời thứ nhất, hai anh em ruột là đời thứ hai, con của hai anh em ruột là đời thứ ba, cháu của hai anh em ruột là đời thứ tư. Như vậy, trong trường hợp này, cháu của hai anh em ruột hoàn toàn có thể kết hôn và không bị pháp luật cấm.

 

5. Điều kiện kết hôn với sỹ quan quân đội?

Thưa luật sư, cho em hỏi trường hợp muốn kết hôn với sĩ quan quân đội mà lý lịch là ông nội đi lính ngụy đã mất năm 1975 đến nay. Còn bên ngoại ba đời đều đi lính phục vụ tổ quốc thì trường hợp này có thể kết hôn với sĩ quan quân đội được không ạ? Em cảm ơn.

Trả lời:

Kết hôn là quyền của công dân, Nhà nước đảm bảo để công dân thực hiện quyền của mình một cách hiệu quả nhất sao cho không trái với quy định của pháp luật. Do vậy, mặc dù việc kết hôn là quyền nhưng việc thực hiện quyền đó phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về kết hôn.

Để được kết hôn, trước hết hai bạn phải bảo đảm điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể tại Điều 8 quy định như sau:

Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

Và không thuộc các trường hợp bị cấm kết hôn quy định tại Khoản 2 Điều 5 như sau:

- Kết hôn giả tạo: theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình tại là việc lợi dụng việc kết hôn đê xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài, hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

- Tảo hôn ( là trường hợp kết hôn khi chưa đủ tuổi), cưỡng ép kết hôn ( là trường hợp buộc người khác kết hôn trái ý muốn của họ như ngược đãi, uy hiếp tinh thần làm cho người bị uy hiếp không còn lựa chọn nào khác), lừa dối kết hôn ( là trường hợp làm cho người kết hôn với mình hiểu sai về chủ thể, tình trạng nhân thân, hay tính chất của sự việc), cản trở kết hôn( ngăn cấm, thực hiện hành vi gây cản trở cho việc kết hôn của người khác như giam hãm, đe dọa người kết hôn không để họ thực hiện quyền kết hôn của mình);

- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

- Yêu sách của cải trong kết hôn: là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở trở việc tự nguyện kết hôn của nam, nữ.

Nếu bạn đủ điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình và phải không thuộc các trường hợp bị cấm kết hôn đã quy định ở trên thì bạn có thể kết hôn. Việc kết hôn với sỹ quan quân đội ngoài tuân theo các điều kiện kết hôn chung của Luật Hôn nhân và gia đình, bạn cần đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định riêng của nội bộ ngành trong quân đội. Thông thường người muốn kết hôn với sỹ quan quân đội cần phải thẩm tra lý lịch 3 đời, nếu thuộc các trường hợp sau thì sẽ không được kết hôn:

- Gia đình có người làm tay sai cho chế độ phong kiến; tham gia quân đội, chính quyền Sài Gòn trước năm 1975;

- Bố mẹ hoặc bản thân có tiền án hoặc đang chấp hành án phạt tù theo quy định của pháp luật;

- Gia đình hoặc bản thân theo Đạo thiên chúa, Cơ đốc, Tin lành, Đạo hồi;

- Có gia đình hoặc bản thân là người gốc Hoa (Trung Quốc);

- Có bố mẹ hoặc bản thân là người nước ngoài (Kể cả khi đã nhập tịch tại Việt Nam).

Theo như thông tin bạn cung cấp, ông nội của bạn đi lính ngụy nhưng đã mất từ năm 1975 đến nay thì trong trường hợp này nếu đối chiếu với quy định trên thì bạn không đủ điều kiện để kết hôn. Tuy nhiên, về gia đình bên ngoại nhà bạn đều 3 đời đi lính bảo vệ tổ quốc, nên trong trường hợp này, để chắc chắn nhất thì bạn nên đề nghị bạn trai mình hỏi lại Thủ trưởng đơn vị của bạn trai để biết cụ thể về quy định của đơn vị bạn trai mình đối với tiêu chuẩn khi kết hôn với sỹ quan quân đội thuộc đơn vị, vì đây là quy định nội bộ nên mỗi đơn vị sẽ có những quy định chi tiết về vấn đề này và sẽ có hướng dẫn đối với việc tiến hành thẩm tra lý lịch đối tượng có ý định kết hôn với sỹ quan quân đội.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp. Trân trọng./.