Mục lục bài viết
1. Bài thu hoạch là gì?
1.1. Khái niệm bài thu hoạch
Hiện nay, có nhiều tình huống trong cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải làm bài thu hoạch. Một bài thu hoạch chỉn chu thể hiện sự quan tâm cũng như đầu tư của người viết vào việc nghiên cứu, nhận xét, đánh giá một sự vật, sự việc mà họ được trải nghiệm trên thực tế. Vậy bài thu hoạch là gì?
Không đơn thuần là một văn bản ghi lại một trải nghiệm thực tế, bài thu hoạch là hệ thống những nhận xét, đánh giá chủ quan của một cá nhân, hoặc một nhóm các cá nhân về trải nghiệm đó. Mục đích cuối cùng của việc làm bài thu hoạch chính là mỗi cá nhân có thể rút ra những bài học, kinh nghiệm cho riêng mình.
1.2. Phân loại và vai trò của bài thu hoạch
- Phân loại bài thu hoạch
Dựa vào chủ thể thực hiện, có thể chia bài thu hoạch ra thành hai loại chính đó là bài thu hoạch được thực hiện bởi cá nhân và bài thu hoạch được thực hiện bởi một nhóm các cá nhân. Theo đó:
- Bài thu hoạch được thực hiện bởi cá nhân là hệ thống những nhận xét, đánh giá chủ quan của một cá nhân về một trải nghiệm của chính mình trên thực tế;
- Bài thu hoạch được thực hiện bởi một nhóm các cá nhân là hệ thống những nhận xét, đánh giá của ít nhất hai cá nhân về cùng một trải nghiệm chung trên thực tế.
- Vai trò của bài thu hoạch
Trên thực tế, bài thu hoạch là kết quả của quá trình hệ thống lại những nhận xét, đánh giá chủ quan của một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân về một trải nghiệm trên thực tế như một chuyến công tác, một chuyến đi hay một buổi học ... Do đó, bài thu hoạch cũng là căn cứ phản ảnh thái độ, tinh thần, nhiệt huyết, hứng thú của mỗi người đối với trải nghiệm đó.
2. Cách viết bài thu hoạch
2.1. Những lưu ý quan trọng khi viết bài thu hoạch
Để có được một bài thu hoạch tốt, trước tiên người viết cần chú ý bám sát chủ đề. Thêm vào đó, cần dựa theo tính chất của từng chủ đề khác nhau để lựa chọn những phương diện khai thác thích hợp. Những chủ đề thường gặp khi viết bài thu hoạch có thể kể đến như: bài thu hoạch cuối chuyên đề; bài thu hoạch Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bài thu hoạch sau khi đi thực tế; bài thu hoạch môn học; bài thu hoạch trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên;...
Người viết cần đảm bảo bài thu hoạch đáp ứng theo yêu cầu của cấp trên, cấp quản lý hay tổ chức chủ trì. Điển hình như trong các chương trình bồi dưỡng, các khóa học hoặc đào tạo ngắn hạn, thường sẽ có yêu cầm làm rõ một hay nhiều vấn đề cụ thể trong bài thu hoạch. Mỗi chủ đề khác nhau sẽ có những yêu cầu cụ thể, phù hợp nhằm khai thác hợp lý các khía cạnh khác nhau của chủ đề. Việc triển khai bài thu hoạch không những cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về mặt nội dung mà còn cần tuân thủ những yếu tố khác về mặt hình thức. Một bài thu hoạch được trình bày dưới hình thức phù hợp, dễ tiếp cận sẽ giúp người chấm có thể tiếp cận tới nội dung một cách dễ dàng.
2.2. Bố cục của một bài thu hoạch
Bài thu hoạch tốt cần phải có một bố cục rõ ràng, mạch lạc bao gồm tối thiểu 3 phần: phần mở đầu, phần nội dung và phần kết luận.
Phần mở đầu
Phần mở đầu của một bài thu hoạch cần trình bày được những nội dung như: lý do lựa chọn đề tài hay tính cấp thiết của đề tài, tên đề tài, mục đích và phương pháp nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu và cấu trúc của bài viết. Các nội dung trong phần này nên được trình bày một cách ngắn gọn và đủ ý, không nên sử dụng những câu từ quá văn hoa, bóng bẩy.
Phần nội dung
Căn cứ vào chủ đề cũng như những yêu cầu của bài thu hoạch, người viết cần xây dựng cho mình một dàn ý cụ thể, rõ ràng, mạch lạc và có tính logic. Cần có sự liên kết, dẫn dắt để kết nối nội dung giữa các ý khác nhau. Trước mỗi ý, nên có lời dẫn riêng để người đọc hiểu được nội dung tiếp theo bài thu hoạch sẽ triển khai, phân tích, nhận xét.
Phần kết luận
Trong phần kết luận, cần tóm tắt lại những yếu tố mà bài viết đã triển khai nhận xét, đánh giá, qua đó tổng hợp lại và nêu lên kết quả, ý nghĩa việc thực hiện bài thu hoạch. Phần kết luận cần ngắn gọn, súc tích, tránh lặp lại cứng nhắc những ý đã phân tích, trình bày trong phần nội dung. Bên cạnh đó, có thể trình bày những điểm mới của bài thu hoạch trong phần này.
Ngoài ba phần cố định trên, nếu trong bài thu hoạch có đưa ra những dẫn chứng tham khảo từ những nguồn khác hoặc muốn trình bày thêm một số nội dung liên quan nhưng do dung lượng giới hạn mà không trình bày được hết trong phần nội dung thì người viết có thể bổ sung thêm phần phụ lục và danh mục tài liệu tham khảo vào trong kết cấu của bài thu hoạch. Khi trình bày phần danh mục tài liệu tham khảo, cần phân chia các loại tài liệu thành các nhóm và sắp xếp theo thứ tự phù hợp, thường là tài liệu tiếng Việt trước, tài liệu được viết bằng ngoại ngữ sau. Các tài liệu cần phải nêu rõ các thông tin về tác giả, tên tài liệu, nhà xuất bản, năm xuất bản, nơi xuất bản,...
2.3. Cách viết một bài thu hoạch cụ thể
Các bạn có thể tham khảo cách viết một bài thu hoạch cụ thể qua bài thu hoạch mẫu dưới đây:
Bài thu hoạch cảm tình đoàn
Trong những năm qua, các phong trào hoạt động xã hội do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động ngày càng đa dạng, được hưởng ứng bởi các đối tượng và đóng góp nhiều lợi ích cho xã hội. Các thông tin về hoạt động của Đoàn mà tôi được tiếp cận thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như đài, báo, ti vi hay mạng xã hội giúp tôi hiểu rõ hơn về tổ chức này. Từ đó, tôi cảm thấy bản thân có mong muốn, khao khát được gia nhập vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí minh và tham gia các hoạt động của tổ chức. Cơ hội đã đến khi tôi được tham dự lớp "Thiện cảm đoàn" do trường Đại học xã hội và nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức.
Hiểu biết hạn chế của tôi về Đoàn trước đây đã được củng cố và bồi đắp thêm thông qua những điều mà tôi học được thông qua lớp bồi dưỡng cảm tình Đoàn đó. Những bài học chính trị tưởng chừng như hết sức khô khan nhưng thông qua cách truyền tải của các đồng chí cán bộ Đoàn viên đều trở nên hết sức dễ hiểu, thực tiễn, bằng chính kinh nghiệm tham gia hoạt động Đoàn trong những năm qua của họ. Điều này khiến những bài giảng trở nên rất hấp dẫn, thú vị và tạo nên sự thích thú, tò mò và nhiệt huyết trong tôi. Qua những lời giảng đầy tâm huyết ấy, tôi hiểu hơn về đoàn và nguyện vọng gia nhập vào tổ chức này trong tôi càng trở nên cháy bỏng. Tôi biết bản thân sẽ trưởng thành hơn, có thinh thần trách nhiệm, và có được mục tiêu rõ ràng thông qua việc tham gia vào các hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Thêm vào đó, khi tham gia vào tổ chức Đoàn, tôi có thể rèn luyện cho bản thân tinh thần tổ chức, kỷ luật cao và có định hướng kế hoạch cụ thể đối với từng hoạt động trong đời sống. Mục đích hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là xây dựng một nước Việt Nam theo các tiêu chí dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Không những thế, Đoàn còn là thế hệ kế thừa, đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phong trào thanh niên tình nguyện của Đoàn trong những năm qua đã định hình trong tâm trí người dân về hình ảnh những thủ lĩnh trẻ không chỉ vì lòng nhiệt huyết, ước muốn cống hiến cho tuổi xanh mà còn là tấm lòng nhân ái, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, tô điểm thêm cho tấm lòng son sắc, hỗ trợ đất nước phát triển qua mọi thời đại, phát huy triệt để tinh thần "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên".
Những hoài bão, lý tưởng lớn lao và mong muốn đóng góp của bản thân đã thôi thúc tôi đăng ký gia nhập vào hàng ngũ của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, như một cách đóng góp nhiệt huyết và sức trẻ của mình cho xã hội. Trong trường hợp được gia nhập tổ chức đoàn, tôi tình nguyện cống hiến hết sức mình cho công cuộc học tập, không chỉ đơn thuần là tham dự các hoạt động xã hội do Đoàn phát động, mà còn là quá trình tự giác rèn luyện bản thân, góp phần đưa hình ảnh của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trở thành một biểu tượng tiêu biểu của tuổi trẻ, nhiệt huyết và ngày càng gần gũi hơn với mọi người thuộc mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội.
Đối với tôi, ở thời điểm hiện tại, tổ chức Đoàn càng ngày càng lớn mạnh và đã trở thành một phần quan trọng trong thực tiễn đời sống của thế hệ thanh niên. Trong xu hướng ấy, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh càng cần đặt ra vấn đề xây dựng kết nối chặt chẽ mối quan hệ giữa các thành viên trong tổ chức với nhau. Ngày càng có nhiều đoàn viên là những học sinh, sinh viên giỏi, đạt được nhiều thành tựu trong học tập cũng như hoạt động xã hội, là bộ mặt công dân trẻ tiêu biểu trở thành tấm gương sáng cho các Đoàn viên khác noi theo. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một bộ phận không nhỏ thanh niên trong xã hội chưa có tinh thần và ý thức tự giác cao trong các phong trào hoạt động Đoàn, chưa thực sự nhiệt huyết và tâm huyết với các công việc được giao. Chính vì thế, việc tuyên truyền, đào tạo kỹ năng thường xuyên cho các đoàn viên là một việc hết sức cần thiết. Nếu có thể trở thành một đoàn viên chính thức của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tôi tin mình có thể lan tỏa lòng nhiệt huyết của mình cho những bạn trẻ khác, để cùng nhau tham gia các hoạt động của Đoàn, giúp ích cho đất nước, cho xã hội.
Từ những ý kiến kể trên, tôi thực lòng mong muốn Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ phê chuẩn và tạo điều kiện cho tôi trở thành một thành viên của Đoàn, được góp phần nhỏ bé của mình cho xã hội và xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày càng vững mạnh.
Như vậy, để có được một bài thu hoạch hoàn thiện, chỉn chu về cả mặt hình thức cũng như nội dung, người viết cần trang bị cho mình những hiểu biết liên quan đến cách viết một bài thu hoạch và chủ đề của bài thu hoạch đó. Việc lựa chọn từ ngữ khoa học và cách thức hành văn thích hợp cũng là một yếu tố để bài thu hoạch được đánh giá cao trên thực tế.
>> Xem thêm Bài thu hoạch về nội dung an ninh mạng mới nhất năm 2022
Trên đây là bài viết tham khảo của Luật Minh Khuê về khái niệm, phân loại, vai trò và cách viết bài thu hoạch. Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn đạt được kết quả như mong muốn khi làm bài thu hoạch.
Nếu có vướng mắc hoặc cần hỗ trợ về pháp luật, mời quý bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 19006162. Xin chân thành cảm ơn!