1. Bảng cân đối kế toán là gì? Tại sao phải lập Bảng cân đối kế toán?

Theo quy định tại tiểu mục 1.1 khoản 1 Điều 112 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp thì Bảng cân đối kế toán được định nghĩa như sau:

Bảng cân đối kế toán là Báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản đó của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định. 

Dựa vào số liệu của Bảng cân đối kế toán có thể xác định toàn bộ giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp theo cơ cấu của tài sản và cơ cấu nguồn vốn hình thành các tài sản đó. Căn cứ vào Bảng cân đối kế toán cũng có thể nhận xét, đánh giá khái quát tình hình tài chính của doanh nghiệp. Từ đó xác định hướng đi tài chính đúng đắn cho doanh nghiệp sao cho phù hợp với giá trị tài sản và đáp ứng được nguồn vốn hiện có.

 

2. Nguyên tắc và cơ sở lập bảng cân đối kế toán:

Theo quy định của Chuẩn mực kế toán "Trình bày Báo cáo tài chính" thì khi lập và trình bày Bảng cân đối kế toán phải tuân thủ các nguyên tắc chung về lập và trình bày Báo cáo tài chính. Các khoản mục Tài sản và Nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán phải được trình bày riêng biệt thành ngắn hạn và dài hạn, tùy theo thời hạn của chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Cụ thể như sau:

- Đối với doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh bình thường trong vòng 12 tháng thì Tài sản và Nợ phải trả được phân thành ngắn hạn và dài hạn theo nguyên tắc: Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán trong vòng không quá 12 tháng kể từ thời điểm báo cáo thì được xếp vào loại ngắn hạn, từ 12 tháng trở lên kể từ thời điểm báo cáo thì được xếp vào loại dài hạn.

- Đối với doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh bình thường dài hơn 12 tháng thì Tài sản và Nợ phải trả được phân thành ngắn hạn và dài hạn theo điều kiện: Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán trong vòng một chu kỳ kinh doanh bình thường là ngắn hạn, còn dài hơn một chu kỳ kinh doanh bình thường là dài hạn. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải thuyết minh rõ đặc điểm xác định chu kỳ kinh doanh thông thường bao gồm thời gian bình quân của chu kỳ, các bằng chứng về chu kỳ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệm cũng như của ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động. Chẳn hạn như doanh nghiệp làm theo dự án tiến độ 03-05 năm thầu một dự án thì phải chứng minh khoảng thời gian này là thời gian cố định, lặp lại giữa các dự án để tạo thành chu kỳ, về ngành, lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp hoạt động trong khoảng thời gian 03-05 năm đó, và các đặc điểm khác để chứng minh là doanh nghiệp có một chu kỳ kinh doanh bình thường.

- Đối với các doanh nghiệp do tính chất hoạt động không thể dựa vào chu kỳ kinh doanh để phân biệt giữa ngắn hạn với dài hạn, thì các Tài sản và Nợ phải trả được trình bày theo tính thanh khoản giảm dần. Tính thanh khoản là khái niệm thuộc lĩnh vực tài chính. Tiếng Anh gọi tính thanh khoản là Liquidity. Hiểu đơn giản, tính thanh khoản là khả năng chuyển đổi được thành tiền mặt của tài sản hay sản phẩm nào đó. Thanh khoản Bảng cân đối kế toán được hiểu là mức độ bao phủ của tài sản đối với các khoản nợ của doanh nghiệp, thời gian chuyển đổi tài sản thành tiền tương ứng với thời gian đáo hạn của nợ. Tùy thuộc vào mức độ thanh khoản, tức là tốc độ chuyển đổi thành tiền mặt, tài sản của doanh nghiệp được chia thành các nhóm có tính thanh khoản từ cao tới thấp như sau: các khoản mục tiền mặt của doanh nghiệp và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (chứng khoán); các khooản phải thu, các khooản thanh toán dự kiến trong vòng 12 tháng sau ngày báo cáo; các loại tài sản ngắn hạn còn lại trong Bảng cân đối kế toán, bao gồm hàng tồn kho và các tài sản ngắn hạn khác; cuối cùng là tài sản dài hạn của Bảng cân đối kế toán.

Khi lập Bảng cân đối kế toán tổn hợp giữa các đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưưới trực thuộc không có tư cách pháp nhân, đơn vị cấp trên phải thực hiện loại trừ tất cả các số dư của các khoản mục phát sinh từ các giao dịch nội bộ, như các khoản phải thu, phải trả, cho vay nội bộ,... giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới, giữa các đơn vị cấp dưới với nhau. Kỹ thuật loại trừ các khoản mục nội bộ khi tổng hợp Báo cáo giữa đơn vị cấp trên và cấp dưới hạch toán phụ thuộc được thực hiện tương tự như kỹ thuật hợp nhất Báo cáo tài chính. Các chỉ tiêu không có số liệu được miễn trình bày trên Bảng cân đối kế toán. Doanh nghiệp chủ động đánh lại số thứ tự của các chỉ tiêu theo nguyên tắc liên tục trong mỗi phần.

Cơ sở để lập Bảng cân đối kế toán được căn cứ vào các yếu tố sau: sổ kế toán tổng hợp; sổ, thẻ kế toán chi tiết hoặc Bảng tổng hợp chi tiết; Bảng cân đối kế toán năm trước (để trình bày cột đầu năm).

 

3. Phương pháp lập Bảng cân đối kế toán:

Có hai phương pháp để lập các chỉ tiêu trong Bảng cân đối kế toán doanh nghiệp:

- Phương pháp lập các chỉ tiêu trong Bảng cân đối kế toán doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục (Mẫu B01-DN) gồm các nội dung:

*Tài sản ngắn hạn = Tiền và các tài khoản tương đương tiền + đầu tư tài chính ngắn hạn (chứng khoán kinh doanh + dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh + đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn+ các khoản phải thu ngắn hạn (phải thu ngắn hạn của khách hàng + trả trước cho người bán ngắn hạn + phải thu nội bộ ngắn hạn + phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng + phải thu về cho vay ngắn hạn + phải thu ngắn hạn khác + dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi + tài sản thiếu chờ xử lý) + hàng tồn kho (hàng tồn kho + dự phòng giảm giá hàng tồn kho+ tài sản ngắn hạn khác (chi phí trả trước ngắn hạn + thuế giá trị gia tăng được khấu trừ + thuế và các khoản khác phải thu nhà nước + giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ + tài sản ngắn hạn khác);

*Tài sản dài hạn = các khoản phải thu dài hạn (phải thu dài hạn của khách hàng + trả trước cho người bán dài hạn + vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc + phải thu nội bộ dài hạn + phải thu về cho vay dài hạn + phải thu dài hạn khác + dự phòng phải thu dài hạn khó đòi) + tài sản cố định (tài sản cố định hữu hình + tài sản cố định thuê tài chính + tài sản cố định vô hình+ bất động sản đầu tư (nguyên giá + giá trị hao mòn lũy kế+ tài sản dở dang dài hạn (chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn + chi phí xây dựng cơ bản dở dang) + đầu tư tài chính dài hạn (đầu tư vào công ty con + đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết + đầu tư góp vốn vào đơn vị khác + dự phòng đầu tư tài chính dài hạn + đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn) + tài sản dài hạn khác (chi phí trả trước dài hạn + tài sản thuế thu nhập hoãn lại + tài sản dài hạn khác);

*Tổng cộng tài sản = Tài sản ngắn hạn + Tài sản dài hạn;

*Nợ phải trả = Nợ ngắn hạn + Nợ dài hạn

*Vốn chủ sở hữu = vốn chủ sở hữu + nguồn kinh phí và quỹ khác

*Tổng cộng nguồn vốn = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu

- Phương pháp lập các chỉ tiêu trong Bảng cân đối kế toán doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục (Mẫu số B01/CDHĐ-DNKLT), được thực hiện tương tự như Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp khi đang hoạt động, trừ một số điều chỉnh sau:

* Các chỉ tiêu được lập không căn cứ vào thời hạn còn lại kể từ ngày lập báo cáo là trên 12 tháng hay không quá 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ kinh doanh thông thường hay trong một chu kỳ kinh doanh thông thường tức là không phân biệt ngắn hạn hay dài hạn;

* Không trình bày các chỉ tiêu dự phòng do toàn bộ tài sản, nợ phải trả đã được đã được đánh giá lại theo giá trị thuần có thể thực hiện được, giá trị có thể thu hồi hoặc giá trị hợp lý. Cụ thể là không phải trình bày các khoản sau: dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh; dự phòng đầu tư tài chính dài hạn; dự phòng phải thu khó đòi; dự phòng giảm giá hàng tồn kho; nguyên giá, hao mòn lũy kế liên quan đến các loại tài sản cố định hữu hình, vô hình, bất động sản đầu tư.

Còn lại các chỉ tiêu khác được lập và trình bày bằng cách gộp nội dung và số liệu của các chỉ tiêu tương ứng ở phần dài hạn và ngắn hạn của doanh nghiệp đang hoạt động liên tục.

 

4. Ý nghĩa của việc lập Bảng cân đối kế toán:

Bảng cân đối kế toán không những đem lại ý nghĩa về mặt tài chính kinh tế mà còn có ý nghĩa cả về mặt pháp lý đối với phần tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp. 

- Ý nghĩa pháp lý: Bảng cân đối kế toán phản ánh giá trị của toàn bộ tài sản hiện thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp ở thười điểm lập báo cáo. Phản ánh nguồn hình thành các loại tài sản hiện có tại thời điểm báo cáo của doanh nghiệp. Từ đó có thể biết được doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm pháp lý phải trả đối với khoản nợ nào và các chủ nợ biết được giới hạn trách nhiệm của chủ sở hữu đối với các khoản nợ của doanh nghiệp. 

- Ý nghĩa kinh tế: Bảng cân đối kế toán phản ánh quy mô và kế các loại vốn, tài sản hiện có tại thời điểm lập báo cáo của doanh nghiệp. Phần tài sản đó tồn tại dưới hình thái vật chất hoặc phi vật chất như vốn bằng tiền, các khooản phải thu, hàng tồn kho, tìa sản cố định,... Thông qua các số liệu về tài sản, ta có thể đánh giá quy mô vốn và mức độ phân bổ sử dụng vốn của doanh nghiệp một cách tổng quát. Bảng còn phản ánh quy mô và cơ cấu các nguồn vốn được đầu tư và huy động vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Nhờ đó có thể đánh giá mức độ tự chủ về tài chính và khả năng rủi ro tài chính của doanh nghiệp một cách khái quát.

Như vậy, từ việc lập Bảng cân đối kế toán ta có thể đề xuất chiến lược, giải pháp cho sự phát triển của doanh nghiệp cũng như cân đối các mối quan hệ vốn, nợ của doanh nghiệp hoạt động một cách hiệu quả, có lợi cho chu kỳ kinh tế kế tiếp.

 

5. Các mẫu Báo cáo tài chính mới nhất:

Các biểu mẫu ban hành kèm theo thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp gồm có 04 phụ lục: phụ lục 1 là danh mục hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp, phụ lục 2 là các biểu mẫu báo cáo tài chính (mẫu bảng cân đối kế toán thuộc phần này và được cập nhật chính xác nhất tại đây), phụ lục 3 là danh mục và biểu mẫu chứng từ kế toán, phụ lục 4 là danh mục và mẫu sổ kế toán.

Trên đây là ý kiến tư vấn về Bảng cân đối kế toán. Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến luật ngân hàng, luật tổ chức tín dụng hãy liên hệ theo thông tin dưới đây để được tư vấn cụ thể và toàn diện nhất.

Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến. Đội ngũ luật sư/chuyên viên luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc của Bạn. Trân trọng./.