Mục lục bài viết
1. Biên soạn là gì ?
Biên soạn chính là đi thu thập và chọn lọc những tài liệu theo chủ đề và tổng hợp lại để viết thành sách hoặc một bài viết. Việc biên soạn này có liên quan mật thiết đến lĩnh vực giáo dục trong việc biên soạn giáo trình, lĩnh vực khoa học đối với các tài liệu nghiên cứu,...
2. Quy trình biên soạn giáo trình Đại học được thực hiện như thế nào ?
Giáo trình Đại học phục vụ cho việc giảng dạy, chuẩn bị bài giảng của giảng viên và học tập của sinh viên đối với các môn học có trong chương trình đào tạo.
Điều 2 Thông tư 76/2018/TT-BTC quy định
"Điều 2. Nguồn kinh phí chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học
1. Các đơn vị sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao để xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học theo đúng các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan.
2. Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, Nhà nước khuyến khích các đơn vị sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học.
Các đơn vị được vận dụng các quy định tại Thông tư này trong việc sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác khi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học. Mức chi cụ thể do thủ trưởng đơn vị quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ, bảo đảm phù hợp với khả năng kinh phí của đơn vị."
Các đối tượng áp dụng việc thực hiện theo các quy định có trong thông tư 76 của Bộ Tài Chính, căn cứ theo khoản 2 Điều 1 của thông tư này: Các trường Đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục công lập sẽ được hỗ trợ về mặt kinh phí từ hệ thống các ngân hàng nhà nước phục vụ cho việc tổ chức chương trình đào tạo và thực hiện biên soạn giáo trình phù hợp cho từng môn học.
Tại điều 2 trong thông tư có quy định về nguồn chi phí phục vụ cho việc tổ chức và xây dựng chương trình đào tạo cũng như việc biên soạn giáo trình theo môn học thì có thể dựa theo 2 nguồn chính như sau: Thứ nhất là nguồn tài chính từ ngân hàng nhà nước: Việc biên soạn giáo trình của các đơn vị giáo dục Đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập sẽ được hỗ trợ về mặt tài chính từ các ngân hàng theo đúng quy định. Thứ hai là nguồn tài chính từ các nguồn kinh phí khác nhưng phải đảm bảo tính hợp pháp và theo đúng quy định của pháp luật về việc tổ chức chương trình đào tạo và biên soạn giáo trình môn học
Điều 7 Thông tư 04/2011/TT-BGDĐT quy định về các bước trong quy trình tổ chức biên soạn giáo trình:
"Điều 7. Quy trình tổ chức biên soạn giáo trình
1. Trên cơ sở đề nghị của Khoa, Hiệu trưởng chỉ đạo, tổ chức biên soạn giáo trình để phục vụ giảng dạy, học tập cho các môn học trong chương trình đào tạo của Khoa.
2. Hội đồng Khoa học-Đào tạo Khoa đề xuất với Hiệu trưởng thành lập Ban biên soạn giáo trình hoặc giao nhiệm vụ trực tiếp cho cá nhân nhà khoa học có trình độ, đúng chuyên môn và kinh nghiệm biên soạn giáo trình.
3. Ban biên soạn giáo trình hoặc cá nhân nhà khoa học chịu trách nhiệm xây dựng dự thảo đề cương chi tiết giáo trình môn học và báo cáo Hội đồng Khoa học-Đào tạo Khoa.
4. Hiệu trưởng duyệt đề cương chi tiết giáo trình môn học và giao nhiệm vụ cho Ban biên soạn hoặc cá nhân nhà khoa học thực hiện biên soạn giáo trình.
5. Ban biên soạn giáo trình hoặc cá nhân nhà khoa học chịu trách nhiệm biên soạn giáo trình theo đề cương đã được duyệt.
6. Hiệu trưởng quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giáo trình. Hội đồng thẩm định giáo trình tổ chức thẩm định giáo trình đã biên soạn, báo cáo ý kiến đánh giá của Hội đồng lên Hiệu trưởng.
7. Căn cứ vào ý kiến của Hội đồng thẩm định, Hiệu trưởng xem xét, quyết định đưa giáo trình in ấn, xuất bản.
8. Hàng năm, trên cơ sở đề xuất của Khoa, Hiệu trưởng xem xét, quyết định việc tiếp thu, chỉnh lý giáo trình đang sử dụng cho phù hợp với thực tiễn."
Như vậy, trách nhiệm biên soạn giáo trình Đại học này sẽ thuộc về hai đối tượng: Một là một ban biên soạn bao gồm nhiều thành viên, hai là cá nhân nhà khoa học sẽ là những người có trách nhiệm thực hiện đúng, đủ và chính xác các nhiệm vụ được giao. Tiếp theo các đối tượng chịu trách nhiệm biên soạn giáo trình Đại học này sẽ thực hiện lập dự thảo đề cương chi tiết và báo cáo lên hội đồng khoa học và hội đồng đào tạo của khoa về giáo trình Đại học. Sau khi dự thảo đề cương chi tiết được duyệt thì cá nhân và ban biên soạn sẽ tiếp tục thực hiện công việc chính đó là biên soạn giáo trình. Để chất lượng của giáo trình Đại học được đảm bảo, tất cả các giáo trình sẽ được thẩm định lại bởi hội đồng thẩm định do hiệu trưởng lập. Kết quả những giáo trình đạt chất lượng, yêu cầu và tiêu chuẩn sẽ được thông báo đến Hiệu trưởng thông qua các ý kiến và đánh giá. Và cuối cùng là các giáo trình sẽ được đưa đi in ấn và đưa vào giảng dạy trực tiếp sau khi đã được cân nhắc, xem xét từ hiệu trưởng với các ý kiến của hội đồng thẩm định giáo trình trước đó. Hiệu trưởng sẽ là người quyết định cuối cùng việc các sản phẩm biên soạn có được sử dụng và đưa vào giảng dạy hay không. Mỗi năm giáo trình có thể sẽ được chỉnh sửa tùy theo mục đích sử dụng và xu hướng giáo dục, thời đại. Việc chỉnh sửa hoặc thay đổi giáo trình biên soạn cũng được thực hiện áp dụng từ trên xuống dưới như quá trình biên soạn giáo trình.
3. Quy trình biên soạn sách giáo khoa được thực hiện như thế nào?
Sách giáo khoa là xuất bản phẩm cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Trước hết, muốn có thể biên soạn một bộ sách giáo khoa cần phải có kinh phí. Về kinh phí thực hiện được quy định tai Điều 2 Thông tư 51/2019/TT-BTC:
"Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Ngân sách địa phương.
2. Kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Nguồn thu của các cơ sở giáo dục và đào tạo; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa khác."
Như vậy, đối tượng là các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì sẽ có 03 nguồn kinh phí để thực hiện bao gồm: ngân sách địa phương; kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; nguồn thu của các cơ sở giáo dục và đào tạo nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn vốn xã hội hóa khác.
Khoản 1 Điều 9 Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT về quy trình biên soạn sách giáo khoa quy định các bước thực hiện:
- Tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa đăng ký và nộp bản thảo sách giáo khoa đến nhà xuất bản đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư này;
- Nhà xuất bản tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa; phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định bản mẫu sách giáo khoa theo quy định tại Chương IV Thông tư này;
- Nhà xuất bản có sách giáo khoa được thẩm định phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa sau thẩm định;
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa.
3. Tác phẩm biên soạn có được xem là một tác phẩm phái sinh không?
Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định
"8. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn."
Như vậy, theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam thì trong các loại tác phẩm là tác phẩm phái sinh được liệt kê có bao gồm tác phẩm biên soạn. Nhưng để một tác phẩm biên soạn được coi là một tác phẩm phái sinh thì cần phải thoả mãn một số điều kiện theo luật định, cụ thể phải thoả mãn vấn đề về quyền tác giả "Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký" (khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005) và phải thuộc vào các loại hình các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả được quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005:
“Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí; d) Tác phẩm âm nhạc; đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;"
5. Muốn đăng ký quyền biên soạn cần làm gì ?
Để bảo vệ quyền lợi cho các tác phẩm biên soạn mà bản thân đã tạo ra thì bạn hãy đăng ký bản quyền cho tác phẩm biên soạn của bạn. Thủ tục đăng ký được quy định rõ trong nghị định số 22 điều 34, khoản 1 do Chính phủ ban hành năm 2012 bao gồm các loại giấy tờ cần chuẩn bị như sau:
- Tờ khai theo mẫu về quyền đăng ký tác giả - Tác phẩm biên soạn mà bạn cần đăng ký bản quyền cần được sao thành hai bản.
- Giấy ủy quyền áp dụng khi người nộp đơn là người được tác giả ủy quyền.
- Đưa ra các tài liệu để chứng minh về bản quyền đối với các tác phẩm biên soạn được thừa kế, kế thừa hay được chuyển giao từ người khác.
- Đưa ra các tài liệu khẳng định về sự chấp thuận của các đồng giả tạo ra các tác phẩm biên soạn.
- Mang theo các văn bản chứng minh sự chấp thuận của người đồng biên soạn tác phẩm và muốn có quyền sở hữu bản quyền chung đối với các tác phẩm biên soạn đó.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật - Công ty luật Minh Khuê