Mục lục bài viết
1.Gia hạn nộp thuế trong trường hợp đặc biệt
Trong từng thời kỳ nhất định, khi đối tượng, ngành, nghề kinh doanh gặp khó khăn đặc biệt thì Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ quy định đối tượng, loại thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, thời gian, trình tự thủ tục, thẩm quyền, hồ sơ gia hạn nộp thuế. Việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định.
2.Gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi có vướng mắc về giải phóng mặt bằng thuê đất
1. Hồ sơ gia hạn
Người nộp thuế thuộc trường hợp được gia hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi có vướng mắc về giải phóng mặt bằng thuê đất phải lập và gửi hồ sơ gia hạn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp khoản thu. Hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề nghị gia hạn của người nộp thuế theo Mẫu số 01/GHKS tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, trong đó nêu rõ lý do chưa triển khai được dự án hoặc tạm dừng khai thác, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đề nghị gia hạn, thời gian đề nghị gia hạn, diện tích đất có vướng mắc về giải phóng mặt bằng thuê đất, tổng diện tích đất trên giấy phép khai thác.
b) Văn bản có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ban bồi thường giải phóng mặt bằng cấp huyện hoặc cơ quan khác có chức năng tương tự) về việc người nộp thuế có vướng mắc về giải phóng mặt bằng thuê đất, trong đó ghi rõ diện tích đất có vướng mắc về giải phóng mặt bằng thuê đất.
c) Các tài liệu liên quan khác (nếu có).
2. Thời gian gia hạn không vượt quá 02 năm, kể từ thời hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
3. Số tiền được gia hạn là số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn nợ tại thời điểm người nộp thuế đề nghị gia hạn tương ứng với diện tích đất được ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản đang có vướng mắc về giải phóng mặt bằng thuê đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Trường hợp có vướng mắc về giải phóng mặt bằng thuê đất mà người nộp thuế chưa triển khai được dự án hoặc tạm dừng toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản thì gia hạn nộp thuế đối với toàn bộ số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn nợ.
4. Trình tự thủ tục gia hạn
a) Trường hợp hồ sơ gia hạn chưa đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có sai sót khác, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thuế phải thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 03/GHKS tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này cho người nộp thuế bổ sung hồ sơ hoặc đề nghị giải trình. Nếu người nộp thuế không hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan thuế thì không được xử lý gia hạn.
b) Trường hợp hồ sơ gia hạn đầy đủ, đúng mẫu biểu quy định tại khoản 1 Điều này thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan thuế phải thông báo bằng văn bản gửi người nộp thuế:
Văn bản không chấp thuận gia hạn nếu người nộp thuế không thuộc trường hợp được gia hạn theo Mẫu số 04/GHKS tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
Quyết định gia hạn nếu người nộp thuế thuộc trường hợp được gia hạn theo Mẫu số 02/GHKS tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Quyết định gia hạn phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của ngành thuế chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định.
5. Thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp khoản thu quyết định số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được gia hạn, thời gian gia hạn.
3. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh
1. Các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh bao gồm:
a) Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
b) Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
c) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
d) Người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
2. Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh
a) Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định việc lựa chọn các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh đối với những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh thì có thẩm quyền quyết định gia hạn tạm hoãn xuất cảnh và hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.
c) Người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh có trách nhiệm hủy bỏ việc tạm hoãn xuất cảnh chậm nhất không quá 24 giờ làm việc, kể từ khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
3. Trình tự, thủ tục thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh
a) Sau khi rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế lập danh sách cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và lập văn bản theo Mẫu số 01/XC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đồng thời gửi cho người nộp thuế biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
b) Ngay trong ngày nhận được văn bản tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm thực hiện việc tạm hoãn xuất cảnh theo quy định và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
c) Trường hợp người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì trong vòng 24 giờ làm việc cơ quan quản lý thuế ban hành văn bản hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh theo Mẫu số 02/XC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh theo quy định.
Trước khi hết thời hạn tạm hoãn xuất cảnh 30 ngày mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế gửi văn bản gia hạn tạm hoãn xuất cảnh theo Mẫu số 02/XC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, đồng thời gửi người nộp thuế biết.
d) Văn bản tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh được gửi qua đường bưu chính hoặc bằng phương thức điện tử nếu đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử và được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế. Trường hợp văn bản gửi cho người nộp thuế qua đường bưu chính mà bị trả lại và văn bản đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế thì được coi là văn bản đã được gửi.
4.Nghĩa vụ nộp thuế có công dân
Nghĩa vụ nộp thuế đã gắn liền với sự hình thành của nhà nước và pháp luật. Theo đó, đã là công dân thì một trong nghĩa vụ quan trọng mà mọi công dân phải nghiêm chỉnh thực hiện đó là nghĩa vụ nộp thuế. Đây sẽ là động lực, nguồn thu lớn để mở rộng ngân sách nhà nước; với một nguồn ngân sách vững mạnh sẽ là tiền đề để phát triển các cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng, đổi mới công nghệ – kỹ thuật, cải thiện đời sống và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân lao động hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ và văn minh.
Nói một cách chính xác thì nghĩa vụ nộp thuế là nghĩa vụ nộp thuế của mọi công dân trong một quốc gia hay người của quốc gia đó đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài. Nghĩa vụ nộp thuế đã được cụ thể hóa ngay từ đạo luật cơ bản của một quốc gia tại Điều 47 của Hiến Pháp hiện hành 2013 “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định”. Ngoài ra người ngoài khi sinh sống, làm việc tại Việt Nam cũng sẽ phải nộp một khoản thuế nhất định tương xứng với những gì họ đã được thụ hưởng từ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị công cộng trên lãnh thổ của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy nhiên có phải trong mọi hoàn cảnh người nộp thuế đều phải tiến hành nộp thuế hay không, đặt ra tình huống muốn xuất cảnh thì họ có phải thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế trước khi đi không? Những câu hỏi này sẽ được phân tích và làm hướng đến tìm câu trả lời ở phần tiếp theo khi đi sâu vào tìm hiểu quy định pháp luật.
5. Các trường hợp bị hoãn xuất cảnh khi chưa thực hiện nghĩa vụ thuế
Trước khi đi vào nghiên cứu về các quy định của pháp luật về nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp hoãn xuất cảnh chúng ta cần tìm hiểu một số thông tin về “Hoãn xuất cảnh” để có cái nhìn tổng thể, là cơ sở để tìm hiểu về vấn đề này, bởi lý do nếu ta không hiểu như thế nào là hoãn xuất cảnh thì chúng ta cũng khó có thể vận dụng điều luật để áp dụng vào các trường hợp cụ thể ngay cả khi hiểu nội dung điều luật đang nói đến vấn đề gì.
“Hoãn xuất cảnh” tại Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2020 quy định: “Tạm hoãn xuất cảnh là việc dừng, không được xuất cảnh có thời hạn đối với công dân Việt Nam.” (Khoản 7 Điều 2). Còn Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định: “7. Tạm hoãn xuất cảnh là việc người có thẩm quyền của Việt Nam quyết định tạm dừng xuất cảnh có thời hạn đối với người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.”
Hiểu một cách đơn giản hoãn xuất cảnh là việc không cho người dân ra nước ngoài trong một khoảng thời gian nhất định, những không phải hoãn một cách bừa bãi, không có căn cứ mà phải dựa vào các cơ sở pháp lý chính xác để áp dụng, người có thẩm quyền sẽ tiến hành quyết định định hoãn người dân xuất cảnh khi nhận thấy việc người dân xuất cảnh sẽ ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến lợi ích của nhà nước cũng như lợi ích của toàn xã hội.
Vậy những trường hợp nào người dân sẽ bị hoãn xuất cảnh khi chưa thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến thuế. Theo nghiên cứu người dân sẽ bị hoãn xuất cảnh trong một số trường hợp sau:
Cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Đây là trường hợp cá nhân là: Chủ doanh nghiệp tư nhân; thành viên của công ty hợp danh; Chủ tịch công ty TNHH một thành viên; Chủ tịch, hội đồng thành viên, giám đốc, tổng giám đốc được chỉ định là người đại điện hợp pháp của công ty TNHH hai thành viên trở lên; Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được chỉ định là đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần muốn ra nước ngoài nhưng doanh nghiệp mà mình làm đại diện theo pháp luật đang bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền về thực hiện các nghĩa vụ nộp thế, nên bị hoãn xuất cảnh.
Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Đây là trường hợp một người là công dân mang quốc tịch Việt Nam có mong muốn ra nước ngoài sinh sống, làm ăn và định cư tại nước ngoài nhưng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước nên bị hoãn xuất cảnh.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Đây là trường hợp một người là công dân mang quốc tịch Việt Nam những có một khoảng thời gian dài sinh sống, làm việc và định cư tại nước ngoài trở về nước rồi tiếp tục muốn ra nước ngoài định cư nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế nên bị hoãn xuất cảnh
Người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Đây là trường hợp một người không có quốc tịch là công dân Việt Nam nhưng đã có một khoảng thời gian sinh sống, làm việc và thụ hưởng tài nguyên xã hội tại Việt Nam muốn trở về đất nước của mình nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Chính phủ Việt Nam nên bị cơ quan có thẩm quyền hoãn xuất cảnh.
Nhìn chung, những quy định về hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đều nhằm mục đích ngăn chặn, phòng tránh các yếu tố có thể gây ra tình trạng thất thu về nguồn thuế cho ngân sách nhà nước, đảm bảo lợi ích cho nhà nước và toàn xã hội.