>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  1900.6162

 

Luật sư tư vấn: 

1. Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp

Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá nhân theo quy định của các luật thuế. Thuế là một công cụ làm tăng nguồn kinh phí cho Nhà nước giúp cơ quan Nhà nước duy trì, vận hành và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ nhằm mục đích ổn định và phát triển xã hội.

Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, doanh nghiệp cần phải nộp các loại thuế sau:

Thuế môn bài (lệ phí môn bài)

Căn cứ pháp lý: Nghị định 22/2020/NĐ-CP Sửa đổi Nghị định 139/2016/NĐ- CP về lệ phí môn bài và Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài:

Lệ phí môn bài là lệ phí trực thu đánh bào vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của doanh nghiệp 

Quy định về kê khai thuế môn bài:

- Khai một lần khi người nộp lệ phí mới ra hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập. 

- Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất vào ngày 30 tháng 01 dương lịch.

- Từ ngày 25 tháng 2 năm 2020 miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với:

+ Doanh nghiệp mới thành lập

+ Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài

Mức đóng thuế môn bài:

Bậc  Vốn điều lệ Mức đóng
1 Lớn hơn hoặc bằng 10 tỷ 3 triệu đồng/năm
2 Dưới 10 tỷ 2 triệu đồng/năm
3 Văn phòng đại diện hoặc chi nhánh hạch toán phụ thuộc 1 triệu đồng/năm

Thuế giá trị gia tăng:

 Căn cứ pháp lý:

- Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008

- Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 và Luật quản lý thuế năm 2019

Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu, tính trên giá trị gia tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ từ trá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

Thời hạn kê khai thuế giá trị gia tăng:

- Trường hợp doanh nghiệp kê khai theo tháng, hạn nộp là 20 ngày kể từ ngày kết thúc tháng đó. 

- Trường hợp doanh nghiệp kê khai theo quý, hạn nộp là 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý đó.

- Hạn nộp tiền thuế giá trị gia tăng: Trùng với hạn nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng

Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng:

- Tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ:

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = Số thuế giá trị gia tăng đầu ra - Số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ 

- Tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp:

Thuế giá trị gia tăng phải nộp = Doanh thu x Tỷ lệ %

Trong đó:

- Doanh thu để tính thuế giá trị gia tăng là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hoa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng

- Tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:

+ Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%

+ Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%

+ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%

+ Hoạt động kinh doanh khác: 2%

Thuế thu nhập doanh nghiệp

Căn cứ pháp lý: 

-VBHP Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/VBHN-VPQH năm 2020

- Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014.

Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu, thu trên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cuối cùng của doanh nghiệp

Quy định về kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp:

- Căn cứ theo Điều 17 Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài Chính: Doanh nghiệp không phải lập tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính, chỉ cần dựa trên kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tính ra số tiền tạm nộp chậm nhất vào ngày thứ 30 kể từ ngày kết thúc quý phát sinh nghĩa vụ thuế

- Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp: Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất vào ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính. Từ 01/07/2020, theo Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 thì thời hạn hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính. 

Phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp:

Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp = (thu nhập tính thuế - phần trích lập quỹ KH&CN) x Thuế suất

Thu nhập tính thuế = thu nhập chịu thuế - (thu nhập miễn thuế + các khoản lỗ được kết chuyển)

=> Thu nhập chịu thuế = (Doanh thu - chi phí được trừ) + khoản thu nhập khác

Thuế thu nhập cá nhân:

Căn cứ pháp lý:

- Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi năm 2012

- Luật sửa đổi các luật về thuế năm 2014

- Thông tư 111/2013/TT-BTC

Thuế thu nhập cá nhân là thuế trực thu đánh vào thu nhập của người lao động có thu nhập.

Quy định về kê khai thuế thu nhập cá nhân:

- Doanh nghiệp kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo tháng (trong trường hợp doanh nghiệp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng và số thuế thu nhập cá nhân phải nộp trong tháng từ 50 triệu đồng trở lên): Chậm nhất vào ngày thứ 20 của tháng kế tiếp.

- Doanh nghiệp kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo quý (trong trường hợp doanh nghiệp kê khai thuế giá trị giá tăng theo quý hoặc doanh nghiệp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng và số thuế thu nhập cá nhân phải nộp trong tháng nhỏ hơn 50 triệu đồng): Chậm nhất vào ngày thứ 30 của quý kế tiếp.

Phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân:

- Đối với cá nhân cư trú có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên: Khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến từng phần và người lao động được tính giảm trừ gia cảnh trước khi khấu trừ. Tổ chức trả thu nhập có trách nhiệm quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền.

- Đối với cá nhân cư trú không có hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng lao động dưới 03 tháng: Khấu trừ trực tiếp 10% tại nguồn trước khi trả thu nhập có tổng mức chi trả từ 2.000.000 đồng trở lên, không được tính giảm trừ gia cảnh nhưng được làm cam kết 02/CK-TNCN (nếu đủ điều kiện) để tổ chức trả thu nhập tạm thời không khấu trừ thuế của các cá nhân này.

- Đối với cá nhân không cư trú: Khấu trừ 20% trước khi trả thu nhập

Một số loại thuế khác dựa theo đặc điểm của từng doanh nghiệp:

Thuế tài nguyên

Thuế tài nguyên là một loại thuế gián thu, đây là số tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp cho nhà nước khi khai thác tài nguyên thiên nhiên

- Áp dụng với doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản

- Căn cứ tính thuế: Căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế suất tài nguyên, thuế suất thuế tài nguyên

- Thuế tài nguyên = sản lượng tài nguyên x giá tính thuế x thuế suất

- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên đối với tờ khai hàng tháng chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo. Báo cáo quyết toán thuế tài nguyên năm phải nộp chậm nhất là ngày thứ 90, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

Thuế xuất khẩu, nhập khẩu

Thuế xuất nhập khẩu là loại thuế gián thu, đánh vào hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam; hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới và hàng hóa mua bán, trao đổi khác được coi là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

- Thuế suất khẩu, nhập khẩu phải nộp = số lượng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu trên tờ khai hải quan x giá trị từng mặt hàng x thuế xuất

- Thời hạn nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được quy định như sau:

+ Đối với hàng hóa xuất khẩu là ba mươi ngày, kể từ ngày đối tượng nộp thuế đăng ký tờ khai hải quan

+ Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng tiêu dùng thì phải nộp xong thuế trước khi nhận hàng; trường hợp có bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế là thời hạn bảo lãnh, nhưng không quá ba mươi ngày kể từ ngày đối tượng nộp thuế đăng ký tờ khai hải quan.

+ Đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu thì thời hạn nộp thuế là hai trăm bảy mươi lăm ngày, kể từ ngày đối tượng nộp thuế đăng ký tờ khai hải quan; trường hợp đặc biệt thì thời hạn nộp thuế có thể dài hơn hai trăm bảy mươi lăm ngày phù hợp với chu kỳ sản xuất, dự trữ vật tư, nguyên liệu của doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

+ Đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập là mười lăm ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

+ Ngoài các trường hợp trên thì thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là ba mươi ngày, kể từ ngày đối tượng nộp thuế đăng ký tờ khai hải quan.

Thuế bảo vệ môi trường

Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi chung là hàng hóa) khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

- Áp dụng cho doanh nghiệp: Nếu có sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010

- Thuế bảo vệ môi trường = số lượng hàng hóa tính thuế x mức thuế tuyệt đối

- Thuế bảo vệ môi trường chỉ nộp một lần đối với hàng hóa sản xuất hoặc nhập khẩu

- Đối với hàng hóa sản xuất trong nước: người nộp thuế bảo vệ môi trường thực hiện nộp hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý trực tiếp.

- Đối với hàng hóa nhập khẩu: người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan.

Thuế tiêu thụ đặc biệt:

 Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu đánh vào một số hàng hóa đặc biệt do doanh nghiệp trực tiếp và bán ra hoặc do doanh nghiệp nhập khẩu về rồi bán ra

- Áp dụng với doanh nghiệp: Nếu có hoạt động sản xuất hoặc nhập khẩu hàng hóa hoặc kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

- Thuế tiêu thụ đặc biệt = giá tính thuế x thuế suất

- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo tháng chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp:

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là loại thuế trực thu đánh vào đất phi nông nghiệp dùng để sản xuất, thực hiện dự án đầu tư, xây dựng trụ sở cơ quan,...

- Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp = Diện tích đất sử dụng x Giá tính thuế của 1m² x thuế suất

- Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp áp dụng mức thuế suất 0,03%

- Thời hạn nộp tiền thuế hàng năm chậm nhất là ngày 31 tháng 12 hàng năm

- Người nộp thuế được quyền lựa chọn nộp thuế một lần hoặc hai lần trong năm và phải hoàn thành nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày 31 tháng 12 hàng năm. Thời hạn nộp tiền chênh lệch theo xác định của người nộp thuế tại Tờ khai tổng hợp chậm nhất là ngày 31 tháng 3 năm sau

- Trường hợp trong chu kỳ ổn định 5 năm mà người nộp thuế đề nghị được nộp thuế một lần cho nhiều năm thì hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm đề nghị.

 

2. Có phải nộp thuế đối với thời gian chưa có mã số thuế

2.1. Quy định về mã số thuế

Mã số thuế là gì?

Mã số thuế là một dãy gồm 10 hoặc 13 số được cơ quan có thẩm quyền cấp cho người thực hiện đăng ký thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc khi có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 105/2020/TT-BTC, người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế, bao gồm:

- Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm, kế toán, luật sư, công chứng hoặc các lĩnh vực chuyên ngành khác không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành (sau đây gọi là tổ chức kinh tế) 

- Đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế của lực lượng vũ trang, tổ chức kinh tế của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội, xã hội - nghề nghiệp hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật nhưng không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh; tổ chức của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu; văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; tổ hợp tác được thành lập và tổ chức hoạt động theo quy định của Bộ luật Dân sự.

- Tổ chức được thành lập bởi cơ quan có thẩm quyền không có hoạt động sản sản xuất, kinh doanh nhưng phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của nước ngoài mua hàng hóa, dịch vụ có thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo; các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với đối tượng được hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao; Chủ dự án ODA thuộc diện được hoàn thuế giá trị gia tăng, Văn phòng đại diện nhà tài trợ dự án ODA, tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài chỉ định quản lý chương trình, dự án ODA không hoàn lại.

- Tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài hành nghề độc lập kinh doanh tại Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam có thu nhập phát sinh tại Việt Nam hoặc có phát sinh nghĩa vụ thuế tại Việt Nam

- Nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dự trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

- Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế, tổ chức khác và cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho người nộp thuế khác phải kê khai và xác định nghĩa vụ thuế riêng so với nghĩa vụ của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế; Ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc tổ chức, cá nhân được nhà cung cấp ở nước ngoài ủy quyền có trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài. Tổ chức chi trả thu nhập khấu trừ, nộp thay thuế thu nhập cá nhân sử dụng mã số thuế đã cấp để khai, nộp thuế thu nhập cá nhân khấu trừ, nộp thay.

- Người điều hành, công ty điều hành chung, doanh nghiệp liên doanh, tổ chức được Chính phủ Việt Nam giao nhiệm vụ tiếp nhận phần được chia của Việt Nam thuộc các mỏ dầu khí tại vùng chồng lấn, nhà thầu, nhà đầu tư tham gia hợp đồng dầu khí, công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đại diện nước chủ nhà nhận phần lãi được chia từ các hợp đồng dầu khí.

- Hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả cá nhân của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu.

- Cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân trừ cá nhân kinh doanh

- Cá nhân là người phụ thuộc theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân

- Tổ chức, cá nhân được cơ quan thuế ủy nhiệm thu

- Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khác có nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

 

2.2. Có phải nộp thuế đối với thời gian chưa có mã số thuế hay không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định như sau:

"Thời hạn đăng ký thuế lần đầu

1. Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì thời hạn đăng ký thuế là thời hạn đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thời hạn đăng ký thuế là 10 ngày làm việc kể từ ngày sau đây:

a) Được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định thành lập;

b) Bắt đầu hoạt động kinh doanh đối với tổ chức không thuộc diện đăng ký kinh doanh hoặc hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

c) Phát sinh trách nhiệm khấu trừ thuế và nộp thuế thay; tổ chức nộp thay cho cá nhân theo hợp đồng, văn bản hợp tác kinh doanh;

d) Ký hợp đồng nhận thầu đối với nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài kê khai nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế; ký hợp đồng, hiệp định dầu khí;

đ) Phát sinh nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân;

e) Phát sinh yêu cầu được hoàn thuế ;

g) Phát sinh nghĩa vụ khác với ngân sách nhà nước.

3. Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có trách nhiệm đăng ký thuế thay cho cá nhân có thu nhập chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế trong trường hợp cá nhân chưa có mã số thuế; đăng ký thuế thay cho người phụ thuộc của người nộp thuế chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh theo quy định của pháp luật trong trường hợp người phụ thuộc chưa có mã số thuế."

Như vậy, nghĩa vụ nộp thuế của bạn sẽ phát sinh từ thời điểm bạn được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập. Và bạn phải có nghĩa vụ đăng ký thuế, xin cấp mã số thuế ngay từ thời điểm đó. Nên bạn phải có nghĩa vụ đóng thuế từ đầu năm ngay cả khi chưa có mã số thuế.

Nếu có bất kỳ vướng mắc nào xin vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật thuế trực tuyến của Công ty Luật Minh Khuê qua số điện thoại 1900.6162 để được hỗ trợ giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!