1. Cách tính cổ phần góp vốn 

Khác với công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, trong công ty cổ phần, vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần. Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

Theo đó, khi thành lập công ty cổ phần, trên cơ sở số vốn góp của các cổ đông thì không chỉ phải quy ra tỷ lệ vốn góp mà còn phải tính cổ phần góp vốn cụ thể.

Ví dụ: Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ TTT thành lập công ty cổ phần với sự góp vốn của 3 cổ đông, với vốn điều lệ là: 1.000.000.000 VNĐ. Vốn được góp bằng tiền mặt là: 1.000.000.000 VNĐ. Tổng số cổ phần là 100.000 cổ phần. Cổ phần phổ thông là 100.000 cổ phần (không có cổ phần ưu đãi), mệnh giá cổ phần phổ thông là 10.000 đồng/ 1 cổ phần phổ thông.

Cơ cấu vốn góp như sau:

STT TÊN CỔ ĐÔNG GIÁ TRỊ (VNĐ) SỐ LƯỢNG CỔ PHẦN TỶ LỆ (%)
1 NGUYỄN TIẾN Đ 400.000.000 40.000 40
2 ĐẶNG THÀNH T 375.000.000 37.500 37,5
3 HOÀNG MINH H 225.000.000 22.500 22,5

>> Xem thêm: Hướng dẫn vấn đề phân chia lợi nhuận trong doanh nghiệp

 

2. Cách phân chia lợi nhuận trong công ty cổ phần

Công ty cổ phần với đặc điểm không giới hạn cổ đông tham gia góp vốn, và cổ phần mà các cổ đông sở hữu có nhiều loại khác nhau, lợi nhuận được phân chia theo các loại cổ phần cũng khác nhau, do đó vấn đề phân chia lợi nhuận trong công ty cổ phần cũng có nhiều điều khác biệt so với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên.

Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, Công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông là cổ đông phổ thông. Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi, người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại: Cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại, cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi khác theo quy định của Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán. 

Trong đó mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu cổ phần đó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau. Cổ đông phổ thông, Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có quyền nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức được quyền nhận cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm (Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng, cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi rõ trong cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.

Như vậy, cổ tức là khoản lợi nhuận mà cổ đông trong công ty cổ phần được nhận. Theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2020, cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác

Lợi nhuận ròng (lãi thuần, thu nhập ròng, lãi ròng) là khoản tiền chênh lệch giữa tổng doanh thu trừ đi tất cả các khoản chi phí, kể cả thuế. Hiểu một cách đơn giản đó là tiền lãi của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi tất cả các chi phí và nghĩa vụ thuế.

Theo quy định tại Điều 135 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định, cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi được thực hiện theo điều kiện áp dụng riêng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi. Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Và công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần hổ thông khi có đủ các điều kiện gồm:

(i) Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

(ii) Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;

(iii) Ngay sau khi trả hết cố cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

Như vậy, Luật doanh nghiệp 2020 không quy định một mức phân chia lợi nhuận trong công ty cổ phần mà chỉ quy định cách thức phân chia. Theo đó, cổ phần phổ thông được nhận cổ tức bằng nhau và trên cơ sở số lợi nhuận ròng đã thực hiện và trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Cổ phần ưu đãi được nhận cổ tức theo điều kiện áp dụng riêng và được ghi trong cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.

 

3. Xác định lợi nhuận trong công ty cổ phần như thế nào?

Trong bất kỳ hoạt động kinh doanh của chủ thể kinh doanh nào thì khoản lợi nhuận được xác định luôn luôn là chênh lệch giữa doanh thu và chi phí (bao gồm cả nghĩa vụ tài chính với cơ quan nhà nước) và các thành viên góp vốn để thành lập chủ thể kinh doanh (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần) sẽ được phân chia lợi nhuận trên cơ sở vốn góp của mình. Trong công ty cổ  phần, cổ tức là lợi nhuận mà cổ đông nhận được theo loại cổ phần mà mình sở hữu. Theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020, cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác. Như vậy, lợi nhuận trong công ty cổ phần được xác định là lợi nhuận ròng.

Lợi nhuận ròng (Net Profit) là tổng thu nhập của doanh nghiệp sau khi trừ đi tất cả các chi phí (chi phí hoạt động kinh doanh, khấu hao và thuế.

Để tính lợi nhuận ròng chỉ cần lấy tổng doanh thu của công ty trong một khoảng thời gian và trừ đi tổng chi phí của công ty trong cùng khoảng thời gian đó. Có thể thấy công thức tính lợi nhuận ròng thì đơn giản, nhưng thực tế việc thu thập dữ liệu để làm căn cứ các định số trừ và số bị trừ trong trường hợp này không hề dễ dàng.

Công thức tính lợi nhuận ròng: Lợi nhuận ròng = Tổng doanh thu - Tổng chi phí kinh doanh

>> Xem thêm:  Cách phân chia lợi nhuận khi chung vốn hoạt động kinh doanh

Nếu bạn đọc có vướng mắc cụ thể về pháp luật doanh nghiệp cần giải đáp vui lòng liên hệ qua tổng đài số 1900.6162 để được tư vấn hỗ trợ trực tiếp bởi đội ngũ luật sư doanh nghiệp của Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!