1. Khái niệm cấm cư trú

Cấm cư trú là hình phạt bổ sung buộc người bị kết án sau khi chấp hành xong hình phạt tù không được thường trú cũng như tạm trú tại một số địa phương trong thời gian nhất định.

Cấm cư trú được áp dụng kèm theo hình phạt chính là hình phạt tù. Trước khi được quy định là hình phạt bổ sung trong Bộ luật hình sự đầu tiên (Bộ luật hình sự năm 1988), cấm cư trú đã được quy định trong một số văn bản pháp luật là hình phạt bổ sung của các tội phạm được quy định trong các văn bản đó.

Ví dụ: Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng năm 1967, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa năm 1970... Trong Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999, cấm cư trú đều được quy định là hình phạt bổ sung với nội dung hoàn toàn giống nhau.

Xét về tính chất, cấm cư trú cũng là hình phạt hạn chế tự do như hình phạt quản chế nhưng ở mức độ thấp hơn. Việc cấm cư trú ở một số địa phương là nhằm tiếp tục cách li người bị kết án khỏi địa phương có điều kiện dễ thúc đẩy họ phạm tội lại, qua đó nhằm củng cố thêm kết quả giáo dục, cải tạo trong ” quá trình chấp hành hình phạt tù. Thời gian cấm cư trú là từ 1 năm đến 5 năm.

2. Khái niệm Thi hành án phạt cấm cư trú

Thi hành án phạt cấm cư trú là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người chấp hành án không được tạm trú, thường trú ở một số địa phương nhất định theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2.1 Thủ tục thi hành án phạt cấm cư trú

Thủ tục thi hành án phạt cấm cư trú được quy định tại Điều 107 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 như sau:

Hai tháng trước khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có hình phạt bổ sung là cấm cư trú, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về nội dung quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 (bao gồm kết quả chấp hành án phạt tù, hình phạt bổ sung mà phạm nhân còn phải chấp hành và thông tin cần thiết khác có liên quan để xem xét, sắp xếp, tạo lập cuộc sống bình thường cho người đó) cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó về cư trú và nơi người đó bị cấm cư trú, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú và nơi người đó bị cấm cư trú.

Ngay sau khi phạm nhân có hình phạt bổ sung là cấm cư trú chấp hành xong án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người đó chấp hành án phải gửi giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, bản sao bản án, bản sao quyết định thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các văn bản nêu trên, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú có trách nhiệm lập hồ sơ thi hành án phạt cấm cư trú và sao gửi các tài liệu cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án về cư trú và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án bị cấm cư trú. Hồ sơ bao gồm:

- Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

- Bản sao quyết định thi hành án phạt tù;

- Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù;

- Tài liệu khác có liên quan.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được các tài liệu nêu trên, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú có trách nhiệm triệu tập người chấp hành án và yêu cầu cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ giám sát, giáo dục người chấp hành án. Hồ sơ bao gồm:

- Các tài liệu trong hồ sơ nêu trên;

- Cam kết của người chấp hành án; nhận xét về quá trình chấp hành án phạt cấm cư trú;

- Biên bản vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án (nếu có);

- Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người chấp hành án (nếu có);

- Quyết định của Tòa án về miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại (nếu có);

- Tài liệu khác có liên quan.

Trước khi hết thời hạn cấm cư trú 03 ngày hoặc trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú bàn giao hồ sơ giám sát, giáo dục người chấp hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cấm cư trú. Giấy chứng nhận phải gửi cho người chấp hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án bị cấm cư trú, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Sở Tư pháp nơi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cấm cư trú có trụ sở.

Trường hợp người chấp hành án chết, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ thi hành án và gửi cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Viện kiểm sát cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án bị cấm cư trú, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.

2.2 Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã nơi người chấp hành án về cư trú

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 108 Luật Thi hành án hình sự, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án về cư trú có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức giám sát, giáo dục người chấp hành án; tạo điều kiện để họ lao động, học tập bình thường;

- Triệu tập người chấp hành án để thông báo thi hành bản án; phổ biến quyền và nghĩa vụ và những quy định có liên quan đến việc chấp hành án;

- Nhận xét bằng văn bản và lưu hồ sơ theo dõi về quá trình chấp hành án phạt cấm cư trú khi người đó chuyển nơi cư trú;

- Yêu cầu người chấp hành án cam kết và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình; có biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

- Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét việc miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại cho người chấp hành án;

-Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền về kết quả thi hành án.

Và theo quy định tại Khoản 2 Điều 108 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Công an cấp xã có nhiệm vụ tham mưu, trực tiếp giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên.

2.3 Quyền và nghĩa vụ của người chấp hành

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 109 Luật Thi hành án hình sự, người chấp hành án phạt cấm cư trú có các quyền sau đây:

- Khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bị cấm cư trú thì người chấp hành án phạt cấm cư trú được đến địa phương đó; thời gian lưu trú do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đến quyết định nhưng mỗi lần không quá 05 ngày;

- Khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú theo quy định của Luật này.

Và theo quy định tại Khoản 2 Điều 109 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, người chấp hành án phạt cấm cư trú có các nghĩa vụ sau đây:

- Không được cư trú ở những nơi đã bị cấm cư trú, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

- Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật;

- Có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú.

2.4 Thủ tục miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại

Theo Điều 110 Luật Thi hành án hình sự, khi người chấp hành án phạt cấm cư trú có đủ điều kiện quy định tại khoản 6 Điều 62 của Bộ luật hình sự (Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại), Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ đề nghị Tòa án cùng cấp xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại, đồng thời sao gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Hồ sơ bao gồm:

- Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; bản sao quyết định thi hành án;

- Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

- Đơn xin miễn chấp hành án của người bị cấm cư trú;

- Tài liệu khác có liên quan.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ nêu trên, Chánh án Tòa án có thẩm quyền thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người chấp hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và nơi người đó bị cấm cư trú, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định miễn chấp hành án có trụ sở.

Luật Minh khuê (tổng hợp & phân tích)