1. Khái niệm cấm cư trú là gì ?

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.6162

Cấm cư trú là hình phạt bổ sung buộc người bị kết án sau khi chấp hành xong hình phạt tù không được thường trú cũng như tạm trú tại một số địa phương trong thời gian nhất định.

Cấm cư trú được áp dụng kèm theo hình phạt chính là hình phạt tù. Trước khi được quy định là hình phạt bổ sung trong Bộ luật hình sự đầu tiên (Bộ luật hình sự năm 1988), cấm cư trú đã được quy định trong một số văn bản pháp luật là hình phạt bổ sung của các tội phạm được quy định trong các văn bản đó. Ví dụ: Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng năm 1967, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa năm 1970... Trong Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999, cấm cư trú đều được quy định là hình phạt bổ sung với nội dung hoàn toàn giống nhau.

Xét về tính chất, cấm cư trú cũng là hình phạt hạn chế tự do như hình phạt quản chế nhưng ở mức độ thấp hơn. Việc cấm cư trú ở một số địa phương là nhằm tiếp tục cách li người bị kết án khỏi địa phương có điều kiện dễ thúc đẩy họ phạm tội lại, qua đó nhằm củng cố thêm kết quả giáo dục, cải tạo trong ” quá trình chấp hành hình phạt tù. Thời gian cấm cư trú là từ 1 năm đến 5 năm.

2. Thủ tục thi hành án phạt cấm cư trú được quy định như thế nào?

Thủ tục thi hành án phạt cấm cư trú được quy định tại Điều 82 Luật thi hành án hình sự năm 2010, cụ thể như sau:
Thứ nhất, hai tháng trước khi hết hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có hình phạt bổ sung là cấm cư trú, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó về cư trú và nơi người đó bị cấm cư trú, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú và nơi người đó bị cấm cư trú.
Thứ hai, ngay sau khi phạm nhân có hình phạt bổ sung là cấm cư trú chấp hành xong án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó chấp hành án phải gửi giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tù, bản sao bản án, bản sao quyết định thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú.
Thứ ba, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các văn bản quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người đó về cư trú có trách nhiệm lập hồ sơ thi hành án phạt cấm cư trú và bàn giao hồ sơ cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án về cư trú
Hồ sơ bao gồm:
-Bản sao bản án đã có hiệu lực pháp luật, bản sao quyết định thi hành án phạt tù.
-Giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tù.
-Tài liệu khác có liên quan đến việc thi hành án.
Thứ tư, trước khi hết thời hạn cấm cư trú ba ngày, ủy ban nhân dân cấp xã bàn giao hồ sơ thi hành án cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt cấm cư trú. Giấy chứng nhận phải gửi cho người chấp hành án, ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Sở Tư pháp nơi Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhân đã chấp hành xong án phạt cấm cư trú có trụ sở.

3.Quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cấm cư trú

Về quyền

Người chấp hành án phạt cấm cư trú có những quyền sau đây
Khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của ủy ban nhân dân cấp xã nơi bị cấm cư trú, thì ngưòi chấp hành án phạt cấm cư trú được đến địa phương đó; thời gian lưu trú do ủy ban nhân dân cấp xã nơi đến quyết định, nhưng mỗi lần không được quá năm ngày.
Được lựa chọn nơi cư trú ngoài nơi đã bị cấm.
Khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì được ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
Về nghĩa vụ :
Người chấp hành án phạt cấm cư trú có nghĩa vụ sau đây:
Không được cư trú ở những nơi đã bị cấm cư trú.
Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật và phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú.

Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người bị cấm cư trú đến cư trú có trách nhiệm

- Tiếp nhận, quản lý, giáo dục, tạo điều kiện để người bị cấm cư làm ăn, sinh sống, lao động, học tập bình thường, giúp đỡ họ trở thành người có ích cho xã hội và báo cho Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án.

- Khi xét thấy người bị quản chế đã chấp hành được ít nhất một phần hai thời hạn cấm cư trú và tích cực lao động, học tập, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của chính quyền địa phương, thì làm văn bản đề nghị hoặc nhận xét kèm theo tài liệu có liên quan nếu có gửi Công an cấp huyện để làm các thủ tục chuyển Toà án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định giảm hoặc miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cho người bị cấm cư trú.

- Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người bị cấm cư trú đến cư trú cuối cùng có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời hạn cấm cư trú cho người bị cấm cư trú và gửi bản sao cho Toà án đã ra quyết định thi hành án, Toà án và Công an cấp huyện nơi người bị kết án cấm cư trú đến cư trú.

Trong quá trình thực hiện việc thi hành án cấm cư trú, Uỷ ban nhân dân cấp xã cần phải yêu cầu người bị cấm cư trú nghiêm chỉnh chấp hành nghĩa vụ của người bị cấm cư trú và phải tôn trọng các quyền của họ theo quy định của pháp luật.

4.Thủ tục miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại

Điều kiện miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại

Cấm cư trú là hình phạt bổ sung buộc người bị kết án sau khi chấp hành xong hình phạt tù không được thường trú cũng như tạm trú tại một số địa phương trong thời gian nhất định. Cấm cư trú được áp dụng kèm theo hình phạt chính là hình phạt tù.

Thời hạn cấm cư trú do Tòa án xem xét và quyết định.

Để có thể được cơ quan có thẩm quyền miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại, người chấp hành án phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Căn cứ theo khoản 6 Điều 62 Bộ luật hình sự 2015, người bị phạt cấm cư trú nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

- Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị cấm cư trú về cư trú, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ đề nghị Tòa án cùng cấp xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại. Hồ sơ gồm có:

+ Bản sao bản án; bản sao quyết định thi hành án;

+ Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã;

+ Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

+ Đơn xin miễn chấp hành án của người bị cấm cư trú;

+ Tài liệu khác có liên quan.

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án có thẩm quyền phải mở phiên họp xét miễn và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát phải cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định miễn chấp hành án, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người được miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú và nơi người đó bị cấm cư trú, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định miễn chấp hành án có trụ sở.

5. Trình tự miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại

Căn cứ theo quy định tại Điều 110 Luật thi hành án hình sự 2019, việc miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại được thực hiện như sau:

Bước 1: Lập hồ sơ đề nghị

Khi người chấp hành án phạt cấm cư trú có đủ điều kiện trên, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ đề nghị Tòa án cùng cấp xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại, đồng thời sao gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Hồ sơ bao gồm:

– Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; bản sao quyết định thi hành án;

– Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã;

– Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

– Đơn xin miễn chấp hành án của người bị cấm cư trú;

– Tài liệu khác có liên quan.

Bước 2: Tổ chức phiên họp để xem xét, quyết định

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại, Chánh án Tòa án có thẩm quyền thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại.

Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.

Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.

Bước 3: Gửi quyết định đến cá nhân, cơ qaun liên quan

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người chấp hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và nơi người đó bị cấm cư trú, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định miễn chấp hành án có trụ sở.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự - Công ty luật Minh Khuê