Mục lục bài viết
1. Cảnh sát giao thông có được vào nhà dân bắt xe không?
Căn cứ vào quyền hạn của Cảnh sát giao thông đã được quy định tại Điều 8 Thông tư 32/2023/TT-BCA, có thể thấy rõ hiện tại chưa có quy định cụ thể nào trong pháp luật về việc cho phép hoặc cấm Cảnh sát giao thông vào nhà dân. Thay vào đó, pháp luật tập trung vào việc xác định và quản lý quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong việc dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ và áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến giao thông đường bộ, trật tự xã hội, và các hành vi vi phạm khác.
Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Hiến pháp 2013 có quy định như sau:
- Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
- Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
- Việc khám xét chỗ ở do luật định.
Như vậy, từ quy định trên có thể thấy, cảnh sát giao thông không thể tự ý vào nhà dân để bắt xe, đây được xem là hành vi trái pháp luật.
Tuy nhiên, pháp luật có quy định về việc cảnh sát giao thông được dừng các phương tiện tham gia giao thông, được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật,…
Trong các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm luật giao thông có biện pháp “Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm”. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cảnh sát giao thông cũng có quyền khám xét nhà người vi phạm và tạm giữ xe.
Theo quy định tại Điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, cảnh sát giao thông được tiến hành kiểm tra nhà để bắt xe khi có căn cứ cho rằng nơi đó đang cất giấu phương tiện vi phạm.
Khi cảnh sát giao thông khám nhà để bắt xe, cần lưu ý những vấn đề sau:
- Khi khám nhà phải có mặt người chủ nhà hoặc người thành niên trong gia đình chủ nhà và người chứng kiến. Trong trường hợp người chủ nhà hoặc người thành niên trong gia đình chủ nhà mà việc khám nhà không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và 02 người khác chứng kiến.
- Không được khám nhà để bắt xe vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc (ghi rõ lý do vào biên bản).
- Việc khám nhà phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định và biên bản phải được giao cho người chủ nhà 01 bản.
Có thể thấy sự thiếu rõ ràng về quyền hạn đối với việc vào nhà dân là điều cần xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo sự cân bằng giữa quyền riêng tư của công dân và nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông. Cần thiết phải có sự điều chỉnh và bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện kiểm tra hoặc điều tra trong trường hợp cần thiết và dưới sự giám sát cẩn thận của cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo tính hợp pháp và đúng đắn.
Trong bất kỳ trường hợp nào, quyền và quyền hạn của Cảnh sát giao thông cũng cần phải tuân theo nguyên tắc chung của pháp luật và đảm bảo sự tôn trọng đối với quyền của cá nhân và gia đình. Điều này là quan trọng để duy trì sự tin tưởng và sự hợp tác giữa cộng đồng và lực lượng Cảnh sát giao thông trong việc đảm bảo an toàn và trật tự giao thông đường bộ.
Như vậy, dù không có quy định cụ thể nhưng cảnh sát giao thông không thể tự ý vào nhà dân để bắt xe, chỉ trong những trường hợp được pháp luật quy định, cảnh sát giao thông có căn cứ xác định trong nhà đang cất giấu xe vi phạm hành chính thì cảnh sát mới có quyền vào nhà khám nhà và bắt xe. Việc khám nhà của cảnh sát phải được thực hiện theo thủ tục luật định.
2. Khi nào Công an được khám nhà dân?
Khám nhà dân theo thủ tục hành chính:
Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, nếu có căn cứ cho rằng người đó cất giấu trong người đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, nhà chức trách có quyền thực hiện khám người theo thủ tục hành chính. Mọi trường hợp khám người đều phải lập biên bản.
Trong quá trình khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải được người chủ của nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình họ chứng kiến.
Nếu những người này vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn, nhà chức trách phải cần có đại diện chính quyền và 2 người chứng kiến.
Tuy nhiên, luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 không cho phép khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản.
Khám nhà dân theo thủ tục Tố tụng hình sự:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, việc khám xét chỉ được tiến hành khi có căn cứ nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan vụ án.
Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân. Nếu có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan vụ án, nhà chức trách có thể khám xét những thứ này.
Bộ luật Tố tụng Hình sự cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành khám xét người mà không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án. Như vậy, một người bị khám xét không đồng nghĩa với họ bị khởi tố hoặc sắp bị khởi tố.
Lưu ý: Lệnh khám xét phải được viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành. Trừ trường hợp khẩn cấp, công an có thể khám xét trước khi có phê chuẩn nhưng trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh phải thông báo bằng văn bản cho viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.
3. Cảnh sát giao thông không được nhận tiền của người vi phạm
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 19/2020/NĐ-CP quy định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nghiêm cấm hành vi sau:
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên khi yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe để xử phạt vi phạm, CSGT không được lợi dụng chức vụ để sách nhiễu, đòi, nhận tiền của người dân. Nếu vi phạm quy định này mà bị phát hiện, chiến sĩ CSGT đã nhận tiền của người vi phạm giao thông có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc.
Ngoài ra, CSGT nhận tiền của người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt thấp nhất với tội này là từ 02 - 07 năm tù.
Lưu ý: Trường hợp duy nhất CSGT được nhận tiền từ người vi phạm là khi thu tiền phạt tại chỗ đối với các lỗi vi phạm có mức phạt tiền từ 250.000 đồng trở xuống đối với cá nhân hoặc từ 500.000 đồng trở xuống đối với tổ chức.
Xem thêm: Công an giao thông có được phép đánh người vi phạm giao thông?
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Cảnh sát giao thông có được vào nhà dân bắt xe không? mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!