1. Người điều khiển giao thông

Người điều khiển giao thông, còn được gọi là cảnh sát giao thông, là những cá nhân được đào tạo và ủy quyền để kiểm soát và hướng dẫn giao thông trên các con đường. Nhiệm vụ chính của họ là đảm bảo an toàn và hiệu quả trong việc di chuyển của các phương tiện giao thông và người tham gia giao thông. Người điều khiển giao thông thường được trang bị áo hiệu và dụng cụ để thực hiện công việc của mình. Họ có thể sử dụng tay, cờ tay, đèn tín hiệu và các biểu tượng giao thông để hướng dẫn phương tiện dừng lại, chuyển hướng hoặc tiến lên. Đồng thời, họ cũng có thể xử lý các tình huống khẩn cấp, như tai nạn giao thông, để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.

Người điều khiển giao thông có vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự giao thông và giảm thiểu nguy cơ tai nạn. Họ làm việc cùng với hệ thống đèn tín hiệu giao thông và các biển báo để đảm bảo sự di chuyển an toàn và hiệu quả trên đường 

Người điều khiển giao thông có nhiệm vụ điều chỉnh luồng xe trên các ngã tư, đảm bảo sự trật tự và tuân thủ các quy tắc giao thông. Họ sử dụng tay, cờ tay hoặc biểu ngữ để chỉ đạo các phương tiện dừng, chờ, hoặc tiếp tục di chuyển. Đảm bảo các phương tiện di chuyển theo đúng quy định, giảm thiểu rủi ro va chạm và không có sự cố giao thông xảy ra. Trong một số trường hợp đặc biệt, người điều khiển giao thông có thể thực hiện vai trò điều phối giao thông, chẳng hạn như khi có các sự kiện lớn, công trình xây dựng hoặc tai nạn giao thông. Họ có thể sắp xếp và điều chỉnh luồng giao thông để đảm bảo ưu tiên cho các phương tiện cần thiết và đảm bảo lưu thông suôn sẻ.

 

2. Tổng hợp các hiệu lệnh của người điều khiển giao thông 

Căn cứ khoản 2 Điều 10 Luật giao thông đường bộ 2008 và được hướng dẫn cụ thể  tại Điều 7 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT) quy định về hệ thông báo hiệu đường bộ, trong đó có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông như sau:

 

2.1. Hiệu lệnh bằng tay của người điều khiển giao thông

- Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng dừng lại;

- Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái của người điều khiển giao thông được đi; 

+ Cánh tay trái người điều khiển gập đi gập lại sau gáy để báo hiệu người tham gia giao thông bên trái người điều khiển đi nhanh hơn hoặc cánh tay phải người điều khiển gập đi gập lại trước ngực để báo hiệu người tham gia giao thông bên phải người điều khiển đi nhanh hơn;

+ Bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển ở vị trí ngang thắt lưng và đưa lên, xuống báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển đi chậm lại;

+ Bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển giơ thẳng đứng vuông góc với mặt đất báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển dừng lại;

- Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển giao thông được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điểu khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.

+ Đồng thời tay trái giơ về phía trước lặp đi lặp lại nhiều lần, song song với tay phải báo hiệu người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển được rẽ trái qua trước mặt người điều khiển.

 

2.2. Một số hiệu lệnh khác của người điều khiển giao thông

Ngoài việc người điều khiển giao thông dùng tay, cờ, gậy, đèn tín hiệu ánh sáng để điều khiển giao thông thì để thu hút sự chú ý của người điều khiển xe, họ còn được sử dụng âm hiệu còi để điều khiển giao thông. Việc sử dụng âm hiệu còi điều khiển giao thông được quy định như sau:

- Một tiếng còi dài, mạnh là ra lệnh dừng lại;

- Một tiếng còi dài và một tiếng còi ngắn là cho phép rẽ trái;

- Hai tiếng còi ngắn, thổi mạnh là ra hiệu nguy hiểm đi chậm lại;

- Ba tiếng còi ngắn thổi nhanh là báo hiệu đi nhanh lên;

- Thổi liên tiếp tiếng một, nhiều lần, mạnh là báo hiệu phương tiện dừng lại để kiểm tra hoặc báo hiệu phương tiện vi phạm.

Trường hợp nếu người điều khiển giao thông sử dụng đèn ánh sáng có mặt đỏ giơ cao hướng về phương tiện đang chạy thì đó là hiệu lệnh dừng xe. Trường hợp người điều khiển chỉ gậy chỉ huy giao thông vào hướng xe nào thì xe ở hướng đó phải dừng lại.

 

3. Xử phạt khi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông

Chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông là một yêu cầu quan trọng để đảm bảo an toàn giao thông và duy trì trật tự trên đường. Bằng cách tuân thủ hiệu lệnh của họ, chúng ta đảm bảo rằng các phương tiện di chuyển theo các đường đi đúng quy định, giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và tạo ra một luồng giao thông liên thông hợp lý. Nếu vi phạm hiệu lệnh, người điều khiển xe có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Các quy định cụ thể về xử phạt không chấp hành hiệu lệnh giao thông có thể thay đổi theo thời gian và không giống nhau tuỳ vào các quy định xử phạt vi phạm hiện hành. Hành vi không chấp hành hiệu lệnh giao thông có thể bị phạt tiền, đồng thời cũng có thể tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong một thời gian nhất định. 

- Với xe ô tô:

Căn cứ vào điểm b khoản 5 và điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi tại điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt khi người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông sẽ bị phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng;

+ Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng.

- Đối với xe máy:

Điểm g khoản 4 và điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung tại điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định người điều khiển xe máy mà không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông thì bị phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng;

+ Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng.

- Máy kéo, xe máy chuyên dùng:

Theo Điểm d khoản 5 và điểm a khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung tại điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng mà không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông thì bị phạt như sau:

+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;

+ Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (xe máy chuyên dùng) từ 01 - 03 tháng.

- Đối với xe đạp; người đi bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo:

Theo Điểm b khoản 2 Điều 8, Điểm c khoản 1 Điều 9 và Điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định người mà không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông thì bị phạt như sau:

+ Phạt tiền đối với xe đạp từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng;

+ Phạt tiền với người đi bộ từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng;

+ Phạt tiền đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Quý khách có thể tham khảo thêm bài viết sau: Quy định mới nhất, không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông thì bị phạt bao nhiêu tiền ? của Luật Minh Khue.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về Tổng hợp các hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 hoặc liên hệ Email lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.