1. Giải quyết, xử lý vi phạm hành chính

Việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định sau đây:

1.1. Xử lý vi phạm trong khi tuần tra, kiểm soát

a) Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản: Thực hiện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ theo quy định. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thực hiện ngay quyết định xử phạt thì tạm giữ giấy tờ có liên quan theo quy định để bảo đảm cho việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

b) Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản: Thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Khi lập xong biên bản vi phạm hành chính thì hướng dẫn và đề nghị người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm (sau đây gọi chung là người vi phạm) cung cấp số điện thoại liên hệ để nhận thông tin, xử phạt thông qua Cổng dịch vụ Công quốc gia, ký vào biên bản và giao cho họ 01 bản; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông mời đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc 02 người chứng kiến ký vào biên bản;

Trường hợp người vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải ghi rõ lý do vào biên bản và phải báo cáo thủ trưởng đơn vị bằng văn bản để làm cơ sở cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử phạt.

1.2. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính

a) Trường hợp cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hoặc để bảo đảm việc thi hành quyết định xử phạt, thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông phải quyết định hoặc báo cáo người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật;

b) Khi phát hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì thông báo cho người vi phạm và những người có mặt tại đó biết, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính; ra quyết định tạm giữ hoặc báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện theo quy định của pháp luật; lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện. Trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được niêm phong thì tiến hành niêm phong theo quy định của pháp luật;

Trường hợp có căn cứ để cho rằng, nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy thì thủ trưởng trực tiếp của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phải tạm giữ ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xem xét ra quyết định tạm giữ; đối với tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng thì phải báo cáo ngay thủ trưởng trực tiếp để xử lý. Trong trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ;

Trường hợp, khi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người điều khiển phương tiện giao thông không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, gây cản trở, không chấp hành thì lập biên bản tạm giữ, có chữ ký xác nhận của 02 người làm chứng, ra quyết định tạm giữ theo quy định; sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (máy ảnh, camera) ghi lại hình ảnh tang vật, phương tiện; sử dụng các biện pháp (trực tiếp điều khiển, cẩu, kéo) hoặc thuê tổ chức, cá nhân điều khiển, cẩu, kéo đưa tang vật, phương tiện về nơi tạm giữ; xác minh và gửi thông báo đến chủ phương tiện, yêu cầu người vi phạm đến giải quyết (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 65/2020/TT-BCA); người vi phạm phải chịu mọi chi phí cho việc thuê đưa tang vật, phương tiện đó về nơi tạm giữ theo quy định của pháp luật;

Trường hợp giao phương tiện giao thông bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức vi phạm quản lý, bảo quản thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo thủ tục hành chính;

c) Tạm giữ giấy tờ có liên quan đến người, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: Trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền thì tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự (trừ khi các giấy tờ đó có dấu hiệu nghi giả, cần xác minh để làm rõ hành vi vi phạm thì được giữ thêm giấy tờ khác có liên quan): Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (đối với loại xe có quy định phải kiểm định); các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho việc chấp hành quyết định xử phạt. Khi tạm giữ giấy tờ phải lập biên bản theo quy định.

1.3. Giải quyết, xử lý vi phạm hành chính tại trụ sở đơn vị

a) Tổ chức công tác xử lý vi phạm:

Công an các đơn vị, địa phương có thẩm quyền xử lý vi phạm bố trí cán bộ Cảnh sát giao thông và địa điểm giải quyết, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an;

Địa điểm giải quyết vụ việc vi phạm bố trí ở vị trí thuận lợi, có diện tích phù hợp, trang nghiêm, có chỗ ngồi cho người đến liên hệ giải quyết; niêm yết sơ đồ chỉ dẫn nơi làm việc, lịch tiếp dân; biển chức danh của cán bộ làm nhiệm vụ; số điện thoại; nội quy tiếp dân; hòm thư góp ý và nội dung một số văn bản có liên quan đến công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ;

b) Khi người vi phạm đến giải quyết vi phạm, thực hiện như sau:

Tiếp nhận biên bản vi phạm hành chính từ người vi phạm và đối chiếu với hồ sơ vi phạm (trường hợp làm mất biên bản vi phạm hành chính, phải đối chiếu kỹ thông tin về nhân thân của người vi phạm với hồ sơ vi phạm); không giải quyết vụ việc đối với người trung gian (trừ trường hợp được ủy quyền theo quy định của pháp luật) hoặc ngoài vị trí quy định giải quyết vi phạm hành chính của đơn vị;

Thông báo hình thức, mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn, biện pháp khác, kết quả ghi thu được hành vi vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định;

Giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho người bị xử phạt hoặc người đại diện hợp pháp, người được ủy quyền;

Tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu biên lai thu tiền phạt (hoặc chứng từ thu, nộp tiền phạt khác theo quy định của pháp luật) với hồ sơ vi phạm hành chính và lưu hồ sơ.

Trả lại tang vật, phương tiện, giấy tờ bị tạm giữ theo thủ tục hành chính (trừ trường hợp bị tước quyền sử dụng hoặc bị tịch thu) cho người vi phạm hoặc chủ sở hữu có tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Nếu cá nhân, tổ chức nêu trên ủy quyền cho người khác đến nhận lại tang vật, phương tiện, giấy tờ thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật. Khi trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải có quyết định và lập biên bản theo quy định; trường hợp trả lại giấy tờ bị tạm giữ phải lập biên bản theo quy định;

Trường hợp giải quyết vụ việc theo thông báo vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Kiểm tra, đối chiếu các thông tin trên giấy thông báo, giấy tờ tùy thân; cho người vi phạm xem kết quả ghi thu được hành vi vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; lập biên bản vi phạm hành chính và thực hiện xử lý vi phạm theo quy định;

Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện xử phạt vi phạm hành chính qua tài khoản, dịch vụ bưu chính công ích, Cổng dịch vụ Công quốc gia thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và của Bộ Công an.

2. Ghi Sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ

- Khi giải quyết xong từng vụ việc vi phạm phải ghi ngay vào Sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ.

- Các vụ việc ghi ngắn gọn, rõ ràng và liên tục theo thứ tự thời gian, gồm: Thời gian (giờ, phút, ngày); địa điểm (km, địa danh, tuyến, địa bàn); kiểm tra phương tiện giao thông, biển số, người điều khiển phương tiện giao thông; hành vi vi phạm; biện pháp xử lý của Cảnh sát: Nhắc nhở, quyết định xử phạt cảnh cáo, phạt tiền (số thứ tự), biên bản đã lập (số thứ tự), việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khác; vụ việc tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, hoạt động tội phạm và các vụ việc khác.

3. Kết thúc tuần tra, kiểm soát

Khi kết thúc thời gian tuần tra, kiểm soát, Tổ Cảnh sát giao thông phải thực hiện những công việc sau:

- Tổ trưởng phải họp tổ để rút kinh nghiệm, nhận xét, đánh giá những ưu điểm, tồn tại, đề xuất ý kiến, ghi vào nhật ký trong Sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ về tình hình trật tự, an toàn giao thông, kết quả kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính, những vấn đề khác có liên quan, ký xác nhận.

- Báo cáo tình hình, kết quả của tổ.

- Bàn giao cho cán bộ quản lý của đơn vị: Hồ sơ các vụ việc vi phạm hành chính, các giấy tờ, phương tiện, tang vật bị tạm giữ, tiền phạt tại chỗ, các tài liệu, hình ảnh thu thập được bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc các phương tiện khác; phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các trang bị khác. Việc bàn giao phải ghi vào sổ theo quy định, được người giao và người nhận ký, ghi rõ họ tên và phải chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị về việc bàn giao.

MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.