1/ Pháp luật ra đời ngay khi XH chuyển từ công hữu sang tư hữu.
2/ Tập quán pháp là hình thức PL được sử dụng hạn chế ở Việt Nam.
3/ Việt Nam có kiểu NN DCCH.
Em xin trân trọng cảm ơn!
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục hỏi đáp pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Nội dung tư vấn:
1.Pháp luật ra đời ngay khi XH chuyển từ công hữu sang tư hữu.
Khẳng định sai vì pháp luật ra đời khi nhà nước hình thành.
Xã hội bắt đầu với chế độ công xã nguyên thủy. Đây là hình thái kinh tế - xã hội đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Đó là một xã hội không có giai cấp, chưa có nhà nước và pháp luật. Cơ sở kinh tế của chế độ này là chế độ sở hữu chung về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động. Trong xã hội này, sự phát triển của lực lượng sản xuất, sự thay đổi của thiên nhiên, năng suất lao động...khiến con người phải sống dựa vào nhau, cùng lao động và hưởng thành quả chung, không ai có tài sản riêng, không phân biệt giàu nghèo. Sau một quá trình tiến hóa lâu dài của chế độ này, tổ chức thị tộc ra đời, được hình thành và dựa trên cơ sở của quan hệ huyết thống. Cùng với sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất dẫn đến hình thành chế độ tư hữu và sự phân chia giai cấp trong xã hội đã làm cho những quan hệ huyết thống trở nên suy yếu, rệu rã và dần dần biến mất. Sự di động dân cư không ngừng làm cho thị tộc không thể giữ vững được hình thức tổ chức khép kín nữa. Quá trình pha trộn, đan xen giữa các thị tộc và bộ lạc đã diễn ra, tổ chức thị tộc chuyển hóa từng bước thành tổ chức hành chính lãnh thổ. Nhà nước xuất hiện đã lấy sự phân chia lãnh thổ làm điểm xuất phát và để cho công dân "thực hiện những quyền và nghĩa vụ xã hội của họ theo nơi cư trú, không kể họ thuộc thị tộc và bộ lạc nào". Cách tổ chức công dân theo lãnh thổ là đặc điểm chung của các nhà nước. Đặc trưng thứ hai của nhà nước là thiết lập một quyền lực công cộng đặc biệt, không còn hòa nhập với dân cư nữa.
Những nguyên nhân làm phát sinh nhà nước cũng là những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của pháp luật. Trong xã hội cộng sản nguyên thủy, những tập quán (và tín điều tôn giáo) đã là những quy pham xã hội rất phù hợp để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội lúc đó, bởi chúng phản ánh đúng trình độ phát triển kinh tế - xã hội của chế độ cộng sản nguyên thủy. Khi chế độ tư hữu xuất hiện và xã hội đã phân chia thành giai cấp thì những tập quán đó không còn phù hợp nữa, vì tập quán thể hiện ý chí chung của mọi người trong thị tộc. Trong điều kiện lịch sử mới khi những xung đột về lợi ích giai cấp diễn ra gay gắt và cuộc đấu tranh giai cấp là không thể điều hòa được, thì cần thiết phải có một loại quy phạm mới để thiết lập cho xã hội một "trật tự”, một loại quy phạm thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, đó là quy phạm pháp luật. Hệ thống pháp luật của các nhà nước được hình thành dần dần từng bước phụ thuộc vào những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước. Nhưng nói chung, giai cấp thống trị đều tìm cách vận dụng các tập quán để phục vụ lợi ích của giai cấp mình, dần dần thay đổi nội dung của các tập quán và bằng con đường nhà nước nâng chúng thành các quy phạm pháp luật.
Như vậy, khi chế độ công xã nguyên thủy chuyển thành chế độ thị tộc, bộ lạc, sau đó chuyển sang tư hữu và phân chia giai cấp rồi dần hình thành nhà nước thì pháp luật mới ra đời.
2.Tập quán pháp là hình thức PL được sử dụng hạn chế ở Việt Nam.
Khẳng định đúng vì:
Tập quán pháp là quy tắc xử sự chung được nhà nước bảo đảm thực hiện. Đây là hình thức pháp luật xuất hiện sớm nhất và được sử dụngnhiều trong các nhà nước chủ bờ và nhà nước phong kiến. Trong nhà nước tư sản, hình thức này vẫn được sử dụng nhiều, nhất là ở các nước có chế độ quân chủ.
Vì tập quán hình thành một cách tự phát, ít biến đổi và có tính cục bộ, cho nên hình thức tập quán pháp về nguyên tắc không phù hợp với bản chất của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy, cũng có một số tập quán thể hiện truyền thống và đạo đức dân tộc, có tác dụng tốt trong việc hình thành tính cáchcon người mới xã hội chủ nghĩa và làm phong phú đời sống văn hóa nhân dân. Vì vậy, các nhà nước xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn thừa nhận một số tập quán tiến bộ tuy nhiên ở mức độ hạn chế.
Việt Nam hiện vẫn đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội cho nên mức độ áp dụng tập quán pháp vẫn còn rất hạn chế. Tập quán pháp nếu nhìn từ góc độ nguồn pháp luật thì chỉ mang tính chất bổ trợ, chỉ phát huy giá trị điều chỉnh trong quản lý nhà nước và được đảm bảo thực hiện bởi nhà nước khi không có pháp luật thành văn điều chỉnh.
3. Việt Nam có kiểu NN DCCH.
Khẳng định sai vì:
Lý luận Mác - Lênin về nhà nước và pháp luật đã đưa ra khái niệm kiểu nhà nước trong lịch sử: Kiểu nhà nước là tổng thể các dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản của nhà nước, thể hiện bản chất, vai trò xã hội, những điều kiện, phát sinh, tồn tại và phát triển của nhà nước trong hình thái kinh tế-xã hội nhất định.
Theo các hình thái kinh tế - xã hội, có bốn kiểu nhà nước là:
- Nhà nước chủ nô;
- Nhà nước phong kiến;
- Nhà nước tư sản;
- Nhà nước XHCN.
Nhà nước dân chủ cộng hòa là một hình thức của nhà nước xã hội chủ nghĩa chứ không phải là kiểu nhà nước.
Hình thức nhà nước là cách thức tổ chức quyền lực, là phương thức chuyển ý chí của giai cấp thống trị thành ý chí nhà nước. Khái niệm “hình thức nhà nước” gồm 3 yếu tố cấu thành: hình thức chính thể, hình thức cấu trúc nhà nước và chế độ chính trị.
Các nhà nước xã hội chủ nghĩa do có cùng bản chất dân chủ nên về cơ bản đều có những đặc điểm giống nhau về hình thức nhà nước, cụ thể:
- Về hình thức chính thể: Tất cả các nhà nước xã hội chủ nghĩa đều được tổ chức theo hình thức cộng hoà dân chủ, dù tên gọi ở mỗi nước có khác nhau.
- Về hình thức cấu trúc nhà nước: Các nhà nước xã hội chủ nghĩa có thể được cấu trúc dưới hình thức nhà nước liên bang, cũng có thể dưới hình thức cấu trúc nhà nước đơn nhất.
- Về chế độ chính trị: Trong tất cả các nhà nước xã hội chủ nghĩa đều có chế độ chính trị dân chủ, với việc mở rộng dân chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội tới đông đảo tầng lớp nhân dân lao động trong xã hội.
Các hình thức nhà nước xã hội chủ nghĩa:
- Công xã Pari.
- Nhà nước dân chủ nhân dân.
Tài liệu tham khảo:
Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật - ĐH Luật Hà Nội;
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn đang quan tâm. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 1900.6162. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự - Công ty luật Minh KHuê