Mục lục bài viết
- 1. Mục đích của việc nuôi con nuôi là gì?
- 2. Những hành vi nào bị cấm trong việc nuôi con nuôi?
- 3. Có bắt buộc người nhận nuôi con nuôi phải lớn hơn con nuôi từ 20 tuổi không?
- 3.1. Điều kiện nhận nuôi con nuôi
- 3.2. Các trường hợp không được nhận nuôi con nuôi
- 4. Người mang quốc tịch nước ngoài có được nhận nuôi con tại Việt Nam không?
- 5. Hồ sơ nhận nuôi con nuôi hợp lệ bao gồm những gì?
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162
Luật sư tư vấn:
Để phục vụ cho việc giải đáp thắc mắc của quý khách hàng về câu hỏi Cha mẹ nuôi có phải hơn con 20 tuổi hay không ?, trước hết ta cần phải làm rõ những vấn đề sau:
1. Mục đích của việc nuôi con nuôi là gì?
Trong đời sống xã hội hiện nay, việc nhận nuôi con nuôi đã trở nên vô cùng quen thuộc và đã được thực hiện khá rộng rãi trong đời sống của nhân dân. Theo đó, việc nuôi con nuôi được pháp luật điều chỉnh tại Luật Nuôi con nuôi năm 2010. Cụ thể, thuật ngữ nuôi con nuôi được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi 2010 cụ thể như sau:
- Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Trong đó, nuôi con nuôi hiện nay bao gồm: Nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Như vậy, việc nuôi con nuôi trong xã hội hiện nay được hình thành và được pháp luật đưa ra quy định cụ thể để nhằm mục đích xác lập mối quan hệ giữa cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của các chủ thể là người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình mới.
2. Những hành vi nào bị cấm trong việc nuôi con nuôi?
Hiện nay, các hành vi bị cấm trong việc nhận nuôi con nuôi được quy định theo Điều 13 Luật Nuôi con nuôi 2010. Cụ thể bao gồm những hành vi như sau:
- Thứ nhất, lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em:
Theo đó, trục lợi có thể hiểu là việc lợi dụng việc nuôi con nuôi để kiếm lợi cho chính mình.
Bóc lột sức lao động trẻ em là tình trạng bắt trẻ em làm việc quá sức, không đúng các quy định của pháp luật về luật lao động dưới hình thức ép buộc hoặc lệ thuộc theo hướng tự nguyện.
Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
Bắt cóc trẻ em là hình thức bí mật bắt giữ người trái pháp luật nhằm thực hiện một mục đích hoặc âm mưu nào đó. Mua bán trẻ em là hành vi dùng tiền hoặc phương tiện thanh toán khác để trao đổi trẻ em như hàng hóa.
- Thứ hai, giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi:
Theo đó, giả mạo giấy tờ là hành vi vi phạm pháp luật, nhằm mục đích lừa gạt, lừa dối gây thiệt hại nghiêm trọng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chính vì vậy, pháp luật cấm các hành vi giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi nhằm bảo đảm trình tự, thủ tục theo luật định cũng như bảo vệ quyền và lợi ích cho các đối tượng có liên quan.
- Thứ ba, phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi:
Trên cơ sở pháp lý, con đẻ và con nuôi được hưởng các quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Do đó hiện nay pháp luật nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi nhằm đảm bảo con đẻ và con nuôi đều được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, có cơ hội tiếp cận cơ hội ngang nhau để phát triển, hoàn thiện bản thân.
- Thứ tư, lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số:
Cụ thể, việc lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số bị pháp luật cấm như: lợi dụng việc cho con nuôi mà không tuân thủ kế hoạch hóa gia đình,....
- Thứ năm, lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước:
Thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số là những đối tượng đặc biệt nên nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước và xã hội. Vì vậy nên pháp luật nghiêm cấm việc lợi dụng làm con nuôi của các đối tượng này nhằm mục đích xấu.
- Thứ sáu, ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi:
Đây là những người có quan hệ trực thuộc với người làm con nuôi, không phù hợp với quy định của pháp luật nên nghiêm cấm việc ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.
- Thứ bảy, lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Có thể nói, việc nuôi con nuôi mang ý nghĩa cao cả cho tinh thần nhân đạo, đùm bọc của con người, dân tộc ta. Vì vậy, việc thực hiện việc nuôi con nuôi phải đúng mục đích và ý nghĩa, phù hợp với quy định của pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Như vậy có thể nói, nếu bản thân người nhận nuôi con nuôi vi phạm một trong các hành vi bị cấm trên thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Theo đó, việc nuôi con nuôi có thể bị Tòa án cấp huyện chấm dứt trong trường hợp vi phạm nêu trên.
3. Có bắt buộc người nhận nuôi con nuôi phải lớn hơn con nuôi từ 20 tuổi không?
3.1. Điều kiện nhận nuôi con nuôi
Hiện nay, căn cứ theo Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về điều kiện đối với người nhận con nuôi. Cụ thể, người nhận có nhu cầu con nuôi phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
- Có tư cách đạo đức tốt.
3.2. Các trường hợp không được nhận nuôi con nuôi
Bên cạnh đó, hiện nay pháp luật quy định về những trường hợp không được nhận con nuôi tại khoản 2 Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi 2010. Cụ thể bao gồm những đối tượng sau đây:
- Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
- Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
- Đang chấp hành hình phạt tù;
- Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
Tuy nhiên, trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không cần áp dụng quy định về điều kiện đối với độ tuổi cũng như điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi.
Như vậy có thể nói, trong trường hợp nếu anh/ chị muốn nhận một trẻ em Việt Nam 16 tuổi làm con nuôi thì cần phải đảm bảo các điều kiện về nhận con nuôi như trên, bao gồm điều kiện phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên. Tức là, bản thân anh/ chị phải từ đủ 36 tuổi trở lên và không thuộc một trong các trường hợp không được nhận con nuôi thì mới có thể nhận cháu bé 16 tuổi làm con nuôi theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nếu anh/ chị rơi vào trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì anh/ chị không cần phải đáp ứng điều kiện lớn hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên.
4. Người mang quốc tịch nước ngoài có được nhận nuôi con tại Việt Nam không?
Hiện nay, khoản 5 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài như sau:
- Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam, giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 4 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi như sau:
- Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.
Như vậy, do anh/ chị là người Việt mang quốc tịch nước ngoài thì ngoài việc phải đảm bảo đủ điều kiện về độ tuổi thì còn phải tuân thủ theo nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi, đó là chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế cho cháu ở trong nước.
5. Hồ sơ nhận nuôi con nuôi hợp lệ bao gồm những gì?
Hiện nay, quy định về hồ sơ của người nhận con nuôi được căn cứ theo Điều 17 Luật Nuôi con nuôi 2010. Cụ thể gồm có:
- Đơn xin nhận con nuôi;
- Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
- Phiếu lý lịch tư pháp;
- Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này.
Sau đó, bên nhận nuôi con nuôi sẽ phải nộp hồ sơ và chờ giải quyết việc nuôi con nuôi theo Điều 19 Luật Nuôi con nuôi 2010 như sau:
- Người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú.
- Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Bên cạnh đó, theo Điều 16 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì nếu công dân Việt Nam có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận con nuôi theo quy định của Luật này nhưng chưa tìm được trẻ em để nhận làm con nuôi thì đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi người đó thường trú. Sau đó, nếu có trẻ em để giới thiệu làm con nuôi thì Sở Tư pháp giới thiệu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét, giải quyết.
Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê./.